GP.THANH HÓA: Thánh lễ truyền chức linh mục và chia tay Đức TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh

Đối với giáo phận Thanh Hóa, hôm nay vừa là đại lễ của niềm vui nhưng cũng là ngày buồn khi giáo phận phải nói lời tạm việt với vị chủ chăn nhân lành thân yêu. Điều này được thể hiện một cách ân tình và nghẹn ngào trong lời tri ân mà cha Micae Trịnh Ngọc Tứ - đại diện của giáo phận Thanh Hóa gửi tới Đức tổng Giuse.

GP.THANH HÓA: Thánh lễ truyền chức linh mục và chia tay Đức TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh

Sáng ngày 15.06.2018, một bầu không khí hoàn toàn mới phủ đầy không gian trái tim giáo phận. Nơi phố thị ồn ào vốn thức dậy sớm nhưng nay bừng tỉnh khi ánh nắng mai còn chưa vội hé, với những dòng giáo dân từ khắp các giáo xứ tề tựu về tham dự thánh lễ tạ ơn và truyền chúc linh mục cho 5 thầy phó tế. Đồng thời sau Thánh lễ là tấm lòng tri ân của cộng đoàn giáo phận Thanh Hóa với Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh, trước khi người rời xa giáo phận, thực hiện sứ vụ ở vùng đất mới.

 

Thánh lễ tạ ơn

Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh có đôi lời vắn gọn ý nghĩa của đại lễ hôm nay. Trong tâm tình của “một người con chuẩn bị xa quê”, Đức Tổng Giuse còn rất nhiều ước mơ về một tương lai rộn ràng sức sống ở quê Thanh. Hai tuần nữa ngài chính thức trao nhiệm vụ giám mục Giáo phận cho Đức Cha  kế nhiệm. Đó quả thực là một biến cố lịch sử đối với giáo phận, lịch sử bước sang trang mới với niềm tin và khát vọng mới. Đại lễ hôm nay là một trong những bước tiền nhiệm để chuẩn bị cho biến cố đó sẽ diễn ra vào ngày 27.06.2018 tới đây. 

“Trong thánh lễ hôm nay, tôi truyền chức cho 5 thầy phó tế. Đây là món quà cuối cùng tôi gửi lại quê hương Thanh Hóa. Linh mục chính là hiện thân của Chúa giữa cuộc đời. Và 5 người anh em của tôi hôm nay đã lắng nghe tiếng gọi của Chúa Cha để trở thành Tông đồ của Người, thực hiện thiên chức reo hạt mầm đức tin triển nở tốt tươi trên mảnh đất thân thương này. Hy vọng sau thánh lễ truyền chức, bước vào cuộc đời thánh hiến, 5 thầy phó tế hôm nay sẽ là những vị chăn chiên nhân lành, được yêu mến và tin tưởng, đem hết tài năng, trí tuệ để phục vụ anh chị em giáo dân Thanh Hóa”. 

Thánh lễ bắt đầu vào lúc 7 giờ với sự tham dự đồng đủ của các thành phần dân Chúa xứ Thanh, các phái đoàn linh mục và giáo dân khách ở các giáo phận “láng giềng” trong giáo tỉnh Hà Nội như giáo phận Phát Diệm, Giáo phận Vinh, Giáo phận Bắc Ninh…cũng đến chung chia hồng ân với đại lễ của giáo phận. Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế thánh lễ cùng sự đồng tế của linh mục đoàn giáo phận Thanh Hóa và giáo phận khách.

Trong thánh lễ hôm nay Đức Tổng Giuse đặc biết nhấn mạnh đến yêu thương và phục vụ của người Công giáo cũng như những ai hiến dâng cuộc đời cho Chúa.

Chúng ta đã quen thuộc với các câu nói trong đời thực như: Tứ hải giai huynh đệ, bốn biển một nhà, Bầu ơi thương lấy bí cũng, tuy rằng khác giống nhưng chúng một giàn, Thương người như thể thương thân… Những câu ấy muốn hướng con người ta đến yêu thương và đoàn kết giống nòi. 

Nếu Chúa Giêsu cũng kêu gọi yêu thương, phục vụ như những câu nói ấy thì giáo huấn của Ngài có khác với các tôn giáo khác, chế độ chính trị, quan niệm yêu thương trong xã hội.

Giáo huấn của Chúa Giêsu có gì đặc biệt?

Đối với những quan điểm yêu thương thông thường thì đó là là cảm xúc, nhu cầu bản năng của con người. Nhưng đối với những người tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Kitô, yêu thương là luật, là mệnh lệnh của Ngài, chỉ có yêu thương nhau mới chu toàn được sứ mệnh của mình với Chúa.

Yêu thương là phục vụ

“Bài đọc của Thánh lễ hôm nay đã ghi lại sứ mệnh của các tiên tri là Thiên Chúa qua thần khí của ngài. Thần khí Chúa đã sai tôi đi. Chúa Giêsu cũng sai chúng ta đi không phải nhân danh bất cứ giá trị nào mà là nhân danh Chúa Cha, Con và Thánh Thần”. 

Thiên Chúa hiện diện nơi con người với hình ảnh “Ba Ngôi một Chúa” để chỉ ra rằng tình hiệp thông, yêu mến là tất cả những gì người muốn dành cho giống loài Người đã tạo ra từ chính hình ảnh của mình. Yêu thương vì Chúa muốn như thế. 

Nếu Yêu thương đối với người Kitô giáo mang tính thần thiêng thì Tình yêu đối với tha nhân là thần thánh. Hôn nhân Công giáo không chỉ là sợi dây nối kết giữa người nam và người nữ mà còn được nâng lên hàng bí tích vì vậy hôn nhân cũng là thiêng liêng, được thánh hóa… 

Ở bất cứ đâu, nơi nào Tin Mừng Chúa được gieo hạt thì nơi ấy tình yêu sẽ nở hoa và bung tỏa hương sắc. Chúa Cha dùng tình yêu để thánh hóa con dân của Người và tạo dựng nên cõi hạnh phúc thiên nhan. 

Đức Tổng Giuse cũng nhân đây để nói lên tình yêu và nguyện ước dành cho các tiến chức – những người mà ít phút nữa thôi sẽ trở thành mục tử của Chúa, là hiện thân của Người giữa cuộc đời trần thế. “Cầu nguyện cho phó tế, mỗi người chúng ta yêu thương vì Chúa thật sự chứ không phải yêu thương vì dạy dỗ ở chủng viện hay được ai uyên bác dạy dỗ mà là Chúa chỉ thị cho chúng ta”. 

Ở bên ngoài có biết bao tổ chức từ thiện cũng như các hình thức yêu thương khác nhau trong đức tin của người Kitô hữu. Không có có chuyện yêu thương riêng lẻ trong thế giới của người Công giáo, vì vậy các tiến chức phải đặt tình yêu của mình, sự tận tâm phục vụ của mình trong cộng đoàn keo sơn một nhà. 

“Gốc của Thiên Chúa là hiệp thông. Chúng ta xin Chúa cho những người anh em đặt mình trong khung cảnh cuộc đời để hiệp thông Giáo hội”.

Yêu thương như thế nào? 

Đức Tổng Giuse lấy ẩn dụ về hình ảnh ánh sao trong đêm Giáng sinh, dẫn đường Ba Vua về bái phục con Thiên Chúa hạ giá thế trần. 

Trong muôn vàn ánh sao lấp lánh trên bầu trời, đó cũng chỉ là ánh sao bé nhỏ âm thầm chiếu sáng cho ai chú tâm tới. Ba Vua chính là hiện thân của sự tín phục, chờ đợi ánh sáng của ánh sao dẫn đường khi ấy. 

Hình ảnh những con lừa có tính cách khác nhau để thấy được đâu mới là biểu tượng mà Chúa hướng con người đi theo. Chú Lừa chở Chúa Giêsu vào Đền Thánh Giêrusalem thì những tưởng sự hoan hỉ reo mừng của người dân bên đường là dành cho mình mà trở nên hống hách. Còn chú lừa chở Đức Mẹ và Chúa Giêsu chạy sang Ai Cập trong đêm tối thì lại trở thành biểu ý của sự nhẫn nhục, phục tùng vô điều kiện. 

Đức Tổng Giuse muốn kêu gọi tinh thần của chú lừa thứ hai được triển nở nơi những người anh em kề cận với người trong con đường coi sóc giáo phận Thanh Hóa. Phục vụ mà muốn được biết, được công nhận thì khi ấy chẳng có nghĩa lý gì. 150 ngàn tín hữu giáo phận Thanh Hóa, 7 triệu người Công giáo Việt Nam cùng với hàng triệu người Kitô hữu trên toàn thế giới bước vào đời gieo vãi tình thương của Chúa ra muôn nơi. 

Tất cả vẽ nên một viễn cảnh tươi đẹp, một bức tranh lay động lòng người, một vận hội mới, tương lai tràn đầy tình yêu cho thế giới.

Truyền chức linh mục cho 5 thầy phó tế

Bên cạnh Thánh lễ tạ ơn, nghi thức truyền chức cho 5 thầy phó tế được mong chờ với tâm thế hồi hộp và phấn khởi. Đối với người Kitô hữu, đây là biểu tượng của niềm tự hào và vinh danh của gia tộc khi có người con được Chúa chọn vào hàng tư tế của Ngài. 

5 thầy phó tế đã trải qua cuộc hành trình với những thăng trầm của tuổi trẻ, với sự rèn luyện mỗi ngày trước những cám dỗ của hiện thực, với sự phấn đấu học hỏi không ngừng nơi tiểu chủng viện, đại chủng viện và thực tập mục vụ tại các giáo xứ.

Không có con đường nào vốn rải hoa hồng mà đều bước qua những chông gai để đích đến chứa đựng vẻ đẹp vinh quang nhất. Vì vậy, ngày hôm nay đối với 5 tiến chức, đó là ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời trần thế. 

Nghi thức diễn ra trong bầu khí thiêng liêng, đọng lại là hình ảnh đẹp về tình huynh đệ giữa linh mục đoàn, cái ôm tiếp sức, bắt tay chung chia niềm vui, đặt tay để tiếp thêm sức mạnh. 

Có lẽ đâu đó phía dưới cung thánh, ân nhân, người thân vì xúc động trước hình ảnh tươi đẹp đó mà chẳng thể ngăn vội dòng lệ vui mừng. “Xin Chúa hoàn tất việc tốt lành Ngài đã khởi sự nơi con”. Lời nguyện cầu qua Đức Tổng – vị chủ chăn giáo phận như gói gọn tất cả dâng lên Thiên Chúa. 

Trước đó vài phút trước, các thầy phó tế còn được gọi là tiến chức nhưng giờ đây đã bước lên tân chức, tân linh mục. Nắng đã lên vàng óng, những giọt mồ hôi lăn vội hòa cũng vị mặn của những giọt nước mắt xúc động từ thân nhân các tân chức. Với sự góp mặt của 5 vị tân linh mục ngày hôm nay nâng tổng số linh mục lên con số 141 linh mục, hoạt động mục vụ trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn của giáo phận Thanh Hóa. 

Đức Tổng Giuse có nói rằng đó là món quà cuối cũng người dành cho giáo phận Thanh Hóa. Nhưng có lẽ, đây cũng chính là dấu ấn đặc biệt, một món quà đặc biệt mà giáo phận Thanh Hóa gửi tặng lại vị chủ chăn thân yêu.

Nghẹn ngào những lời tri ân

Đối với giáo phận Thanh Hóa, hôm nay vừa là đại lễ của niềm vui nhưng cũng là ngày buồn khi giáo phận phải nói lời tạm việt với vị chủ chăn nhân lành thân yêu. Điều này được thể hiện một cách ân tình và nghẹn ngào trong lời tri ân mà cha Micae Trịnh Ngọc Tứ - đại diện của giáo phận Thanh Hóa gửi tới Đức tổng Giuse. 

Có niềm vui nào hơn khi giáo phận có thêm tân linh mục, thêm đôi tay nối dài, thêm đôi chân dũng bước cũng với Giám mục giáo phận để coi sóc đoàn chiên Thanh Hóa. Nhưng niềm vui ấy dường như đã bị san bớt khi Đức Tổng Giuse chẳng còn ở với giáo phận Thanh Hóa, đến miền đất xứ Huế mộng mơ. Vẫn biết rằng chia ly là một tất yếu nhưng yêu thương, tiếc nuối cứ mãi vấn vương những người ở lại. Ngoài lời xin lỗi, lời tri ân và lời cầu chúc, chẳng có gì có thể diễn tả hơn nữa là lời nguyện mãi đồng hành cũng Đức Tổng trong hành trình của yêu thương. 

Đáp lại tấm tình con thảo, Đức Tổng Giuse cũng nói lên tình cảm của mình với giáo phận mẹ Thanh Hóa. Đối với ngài, 14 năm ở Thanh Hóa chính là quãng thời gian đẹp nhất. Dù đã đi muôn nơi, có điều kiện tiếp xúc với số đông nhưng ấn tượng về một giáo phận hiệp nhất, phục vụ quên mình, thân thiện và vững tin khiến Đức Tổng chẳng nỡ xa rời. Người cũng nhấn mạnh rằng sẽ chẳng có những hoa thơm trái ngọt như ngày hôm nay nếu như không có cộng đoàn mến yêu, tin tưởng, không có linh mục đoàn đồng hành, không có giới trẻ, sinh viên tiếp sức, không có những hạt mần thánh hiến từ lễ sinh, chủng sinh… cho thêm sức mạnh… Người cũng gửi lời xin lỗi bởi sức có hạn trước mộng ước quá lớn lao, vẫn còn những dự định đang còn dang dở. 

Và Đức Tổng Giuse cũng nguyện cầu mọi thành phần dân Chúa tiếp tục đồng hành với Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Cường – Giám mục kế nhiệm ngài ở giáo phận Thanh Hóa, trên hành trình “Hãy ra chỗ nước sâu và thả lưới”. Cả không gian như muốn dừng lại khi lời cuối Đức tổng Giuse cất lên “Tôi yêu Thanh Hóa”. 

Từng lời, từng lời của vị cha chung như in đậm vào tâm trí mỗi người hiện diện. Chẳng hiểu sao  chia ly luôn đong đầy nước mắt. Bởi có ai ngăn nổi khi người cha, người mẹ thân thương sẽ rời xa. Đức Tổng Giuse đã là người cha, người mẹ mà tất cả giáo dân Thanh Hóa chẳng thể nào quên được. Xin tạm biệt vị mục tử với mái tóc muối tiêu mỗi ngày lại điểm thêm sợi trắng, tạm biệt nụ cười thân thương đã thành thương hiệu rất riêng của “ông Linh” mà giới trẻ Thanh Hóa vẫn thường hay gọi, tạm biệt giọng nói trầm ấm, những bài giảng ân nghĩa… Cầu chúc ngài luôn mạnh mẽ, vững tin trên con đường mà ngài đang bước ở vùng đất mới. 

Thánh lễ kết thúc nhưng sự bịn rịn vẫn còn. Sẽ có trang sử mới mở ra với giáo phận Thanh Hóa, và sẽ cần nhiều hơn sức mạnh để giáo phận Thanh Hóa rộng mở yêu thương, lan tỏa khắp nơi ánh sáng của hạnh phúc. Cùng cầu chúc những điều tươi sáng sẽ tiếp tục ở lại mảnh đất xứ Thanh thân yêu.

 

 

ThanhHoa-01.jpg

ThanhHoa-02.jpg

ThanhHoa-03.jpg

ThanhHoa-04.jpg

ThanhHoa-06.jpg

ThanhHoa-07.jpg

ThanhHoa-08.jpg

ThanhHoa-09.jpg

ThanhHoa-10.jpg

ThanhHoa-11.jpg

ThanhHoa-12.jpg

ThanhHoa-13.jpg

 

(WGP.Thanh Hóa) 

ThanhHoa-01.jpg

ThanhHoa-02.jpg

ThanhHoa-03.jpg

ThanhHoa-04.jpg

ThanhHoa-06.jpg

ThanhHoa-07.jpg

ThanhHoa-08.jpg

ThanhHoa-09.jpg

ThanhHoa-10.jpg

ThanhHoa-11.jpg

ThanhHoa-12.jpg

ThanhHoa-13.jpg

 

(WGP.Thanh Hóa 14.06.2018)