Phỏng vấn ĐHY Dieudonné Nzapalainga, TGM Bangui Trung Phi

ĐHY Nzapalainga cho biết trong những ngày vừa qua đã có gần 1.000 người tỵ nạn trở về quê nhà của họ nhờ ngân quỹ trợ giúp của Toà Thánh. Và kể từ đầu tháng 3 đã có khoảng 10.000 người rời đan viện Camelô Bangui để hồi hương. Những người khác đã được trú ngụ trong các cơ sở và trung tâm của Giáo Hội cũng từ từ trở lại với cuộc sống bình thường sau hơn 4 năm bạo lực.

Phỏng vấn ĐHY Dieudonné Nzapalainga, TGM Bangui Trung Phi

Trong các ngày vừa qua ĐHY Dieudonné Nzapalainga, TGM Bangui thủ đô Trung Phi, đang viếng thăm Milano bắc Italia, theo lời mời của Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, và cũng đã gặp gỡ ĐHY Angelo Scola, TGM sở tại.

ĐHY Nzapalainga cho biết trong những ngày vừa qua đã có gần 1.000 người tỵ nạn trở về quê nhà của họ nhờ ngân quỹ trợ giúp của Toà Thánh. Và kể từ đầu tháng 3 đã có khoảng 10.000 người rời đan viện Camelô Bangui để hồi hương. Những người khác đã được trú ngụ trong các cơ sở và trung tâm của Giáo Hội cũng từ từ trở lại với cuộc sống bình thường sau hơn 4 năm bạo lực. Đây là một vài tin tích cực đến từ Trung Phi là quốc gia đã được ĐTC Phanxicô viếng thăm mục vụ và mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót hồi tháng 11 năm 2015.

ĐHY Nzapalainga cũng cho biết tình hình Trung Phi tiếp tục nghiêm trọng, mặc dù trong thủ đô có an ninh. Dân chúng có thể đi lại  tự do và các sinh hoạt từ từ bắt đầu trở lại, đồng thời với việc tái thiết. Tuy nhiên, các vùng còn lại trong toàn nước nằm dưới quyền kiểm soát của các nhóm vũ trang. Họ tiếp tục tấn công các làng mạc, cướp bóc và sát hại thường dân. Và không có ai che chở bảo vệ dân chúng. 

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Nzapalainga dành cho phái viên Anna Pozzi, được đăng trên nhật báo Quan Sát Viên Roma của Toà Thánh số ra ngày 31 tháng 3 vừa qua. 

Hỏi: Thưa ĐHY, Giáo Hội Trung Phi đi tiên phong trong việc thăng tiến hoà bình và hoà giải để dẫn đưa Trung Phi ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay. Giáo Hội đang đặc biệt làm những gì?

Đáp: Giáo Hội đã luôn luôn nắm giữ vai trò quan trọng tại Trung Phi. Mỗi lần các Giám Mục gặp nhau và phổ biến một thông điệp, nhân dân toàn nước chờ đợi nó. Các GM chúng tôi can thiệp vào nhiều đề tài nhậy cảm như: việc cai trị yếu kém, óc bộ tộc, nạn con ông cháu cha, nạn gian tham hối lộ. Chúng tôi cũng nắm giữ vai trò là “lính tuần canh” để thức tỉnh dân chúng đối với cuộc khủng hoảng trầm trọng mà đất nước đang phải sống trong các năm qua, và nhất là khích lệ giới lãnh đạo đảm nhận trách nhiệm của họ một cách tràn đầy. Chẳng hạn như chú ý tới tình trạng các nhà thương không có thuốc men, đặc biệt trong các vùng nội địa: người ta có cảm tưởng chúng là các vùng đất chết. Ngoài ra sự bất ổn ngày càng gia tăng. Và các điều kiện sống cũng ngày càng khó khăn hơn. 

Hỏi: Cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 2012 với biến cố các lực lượng dân quân Seleka tiến chiếm thủ đô và đảo chánh hồi tháng 3 năm 2013, khiến cho tình hình tồi tệ hơn. Trung Phi là một trong những nước nghèo và ít phát triển nhất thế giới. Giờ đây sau 4 năm nội chiến Trung Phi lại càng bị thương tích và chia rẽ hơn nữa, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Cuộc khủng hoảng cuối cùng này đã có một đà tiến nhanh như chớp, và có sự tham dự của các lính đánh thuê đến từ các nước Ciad, Sudan, và những người không nói tiếng địa phương là tiếng Sango, cũng không nói tiếng Pháp, nhưng họ nói tiếng A rập. Chính ở đây đã có sự hiểu lầm lẫn lộn, và dân chúng nói tất cả các chiến binh Seleka là người hồi giáo, và mọi người hồi đều thuộc lực lượng Seleka. Nhưng rõ ràng là không phải như vậy. Đối với các kitô hữu cũng thế. Không phải kitô hữu nào cũng chống Balaka, hay các dân quân tự vệ: chỉ cần nhìn họ mang đầy bùa chú trên người thì đủ biết. Nhãn hiệu bộ tộc tôn giáo tại Trung Phi đã chỉ khiến cho tình hình tồi tệ thêm, nên ngày nay thật khó mà làm cho tiến trình hoà bình và hoà giải tiến triển. 

Hỏi: Có phải vì thế mà ĐHY đã quyết định thành lập một Diễn đàn liên tôn không?

Đáp: Vâng. Một hôm mục sư tin lành Nicolas Guerékoyame-Gbangou, chủ tịch liên minh tin lành, và Imam Oumar Kobine Layama của thủ đô Bangui, đã đến gặp tôi để thảo luận về điều chúng tôi có thể cùng nhau làm trước tình trạng nghiêm trọng như thế. Chúng tôi đã không muốn rằng chiến tranh mang sắc thái tôn giáo. Trong đất nước chúng tôi sự khác biệt tôn giáo ngay trong một gia đình là một chuyện thường xảy ra. Chẳng hạn trong trường hợp  của tôi, mẹ tôi theo tin lành, cha tôi theo công giáo. Nhưng trong nhà đã không bao giờ xảy ra xung khắc.

Cũng thế, có những gia đình gồm tín hữu Kitô và Hồi giáo sống an bình với nhau. Điều này nói lên rằng trong đất nước chúng tôi việc chấp nhận và tôn trọng người khác trong sự khác biệt là một điều bình thường. Rất tiếc, xung khắc đã gieo vãi sợ hãi, nghi kỵ và thù hận. Có các diễn văn chính trị kích động dân chúng tự vũ trang để chống lại kẻ thù đến hồi giáo hoá chúng tôi. Chúng tôi đã nghĩ là không phải chống lại các diễn văn như thế bằng cách kêu gọi không phải vũ trang, nhưng đến với sức mạnh của Lời Chúa.

Các linh mục, mục sư và Imam - là những điểm quy chiếu duy nhất trong nhiều vùng đất nước - đã xin dân chúng trung thành với Tin Mừng và với Kinh Coran. Ba người chúng tôi: tôi, mục sư Nicolas và Imam Bangui đã bắt đầu du hành qua tất cả mọi miền, trước hết để gặp gỡ  tín hữu và các cộng đoàn của chúng tôi và để lắng nghe họ. Chúng tôi nhận ra rằng điều đầu tiên mà người dân ước mong là được lắng nghe: sự kiện có thể diễn tả, có thể nói lên nhừng gì họ nghĩ, tự nó đã là một loại liệu pháp chữa trị rồi. Dân chúng cảm thấy cuối cùng họ tự do. Ngoài ra nó cho phép sự thật nổi bật lên, vì thường khi nó bị che mờ bởi các lời bép xép và các lèo lái. Chỉ trên nền tảng này mới có thể làm cho con người lại gặp gỡ nhau, và đánh đổ các bức tường chia rẽ: các bức tường của thành kiến và dối trá, của thù nghịch và bạo lực. Và thăng tiến đối thoại trở lại. 

Hỏi: Thưa ĐHY, cả trên bình diện quốc tế  diễn đàn liên tôn cũng được thừa nhận như là một trong các thực tại ý nghĩa nhất tại Cộng hoà Trung Phi. Trong năm 2015 ĐHY đã nhận được giải thưởng Sergio Vieira de Mello, và cả ba vị đã được tiếp đón tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bởi tổng thống Pháp và thủ tướng Anh, và cả ĐTC Phanxicô nữa, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, mục đích chính việc dấn thân của chúng tôi là đem lại hiệp nhất và đoàn kết cho đất nước và xã hội Trung Phi. Nhất là chúng tôi hoạt động cho hoà bình, hoà giải và phát triển của dân tộc Trung Phi, bằng cách thăng tiến sự hiểu biết nhau, mặc dù có các khác biệt. Hiện nay Diễn đàn của chúng tôi đã soạn thảo một quy chế nội bộ và một chương trình chiến thuật, được áp dụng bởi đại diện của 16 tỉnh. Đặc biệt chúng tôi đang tìm làm việc trên 4 lãnh vực chính cụ thể là: giáo dục, sức khỏe, truyền thông qua các chương trình phát thanh, và phát triển. Nhất là chúng tôi muốn tạo ra các cơ may để đào tạo nghề nghiệp và tìm công ăn việc làm cho giới trẻ, để họ không trở thành đích nhắm dễ dãi của các nhóm vũ trang đang tiếp tục tuyển mộ binh sĩ trẻ, và khi bị rơi vào bẫy như thế là người trẻ không có viễn tượng tương lai. 

Hỏi: Nhưng mà tình hình hoà bình hiện nay ra sao? Mới đây có tin về các vụ tấn công  tại Bocaranga, nơi có 18 người bị giết, và cứ điểm truyền giáo của các tu sĩ Capucino bị tấn công. Nhưng cũng xảy ra các vụ tấn kích tại Bambari và các làng khác nữa cũng bị bạo lực và tàn phá, có phải vậy không thưa ĐHY?

Đáp: Ngoài thủ đô ra các lực lượng của chính quyền cũng như các lực lượng dân sự không kiểm soát được ở đâu hết. Vì thế các nhóm phiến quân làm chủ bất cứ đâu họ muốn và có thể: từ các cựu binh sĩ Seleka cho tới các nhóm  tự vệ chống Balaka, từ các người du mục Peul cho tới các dân quân của Quân đội giải phóng của Chúa. Ai có vũ khí thì sử dụng chúng để kiểm soát vùng đất, để cướp bóc và thống trị dân chúng, và nhất là để khai thác các tài nguyên quặng mỏ của đất nước như trường hợp vùng Bambari là nơi đặc biệt có mỏ vàng và mỏ kim cương, cũng như mỏ Uranium và dầu hoả. Không có một quyền bính thực sự kiểm soát  đất nước ngoại trừ ở thủ đô. Có vài tỉnh và quận lỵ cũng không có cảnh sát nữa, hay có nhưng họ lại không có vũ khí. 

Hỏi: Thưa ĐHY, quân đội không bảo vệ dân chúng hay sao? Thế còn lực lượng bảo hoà của Liên Hiệp Quốc nữa thì ở đâu?

Đáp: Đất nước chúng tôi chưa có một quân đội đúng nghĩa. Có 350 binh sĩ đang được đào tạo, nhưng Liên Hiệp Quốc lại cấm vì cho rằng chính quyền của chúng tôi còn quá non yếu. Liên quan tới sứ mệnh bảo hoà của Liên Hiệp Quốc cho Trung Phi, lực lượng MINUSCA, thì đã bị dân chúng mạnh mẽ chỉ trích và phản đối trong quá khứ. Tuy nhiên, ngày nay lực lượng bảo hoà được nhìn với con mắt thiện cảm hơn, đặc biệt tại những nơi họ thực sự bảo vệ thường dân và phòng ngừa bạo lực. Nhưng rất tiếc là trong nhiều vùng không phải luôn luôn được như vậy. 

Hỏi: Vậy có niềm hy vọng nào cho Trung Phi hay không thưa ĐHY?

Đáp:  Muà Chay là thời gian của hoán cải và chia sẻ. Nó nói với chúng ta rằng không được đánh mất đi niềm hy vọng, bởi vì con người có thể thay đổi và có thể thực sự làm được điều này. Tôi nghĩ là có nhiều người chờ đợi các thay đổi này nơi chúng tôi và chung quanh chúng tôi, để bước theo con đường của Thiên Chúa. Cả tôi cũng đã làm một lộ trình thay đổi trong các năm này. Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, tôi cũng đã lo sợ, tôi sợ hãi đi gặp các người anh em khác của tôi là những người liều mạng. Nhưng khi tôi tín thác nơi Chúa, tôi đã cảm thấy mình tự do. Khi đó tôi đã cảm thấy mình có thể đi gặp họ.

Nó cũng là một con đường của đam mê và khắc khoải nội tâm, bởi vì chúng ta có thể gặp hiểu lầm. Khi tôi nói: “cần phải giơ tay ra cho người khác”, nhiều người đã không hiểu và từ chối làm điều ấy. Cũng như người ta đã không hiểu tại sao tôi đã tiếp đón một Imam và gia đình ông, và cho trọ trong nhà tôi trong vòng 6 tháng, vì họ gặp nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là vai trò mục tử của tôi: nói với mọi người rằng Thiên Chúa luôn giang tay ra cho chúng ta, và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải giang tay ra cho người khác. Chỉ như thế chúng ta mới có thể cùng nhau tiến bước về một tương lai hoà bình và liên kết.  

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 09.04.2017/ Oss. Rom. 31-3-2017)