Bốn năm giáo hoàng của Đức Phanxicô
Hỏi: Thưa ĐHY, ĐHY có kỷ niệm gì về biến cố Mật nghị Hồng Y bầu Đức Jorge Mario Bergoglio làm Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội công giáo hối tháng 3 năm 2013?
Đáp: Ngày 13 tháng 3 hồi ấy tôi không ở Roma, nhưng còn là Sứ Thần Toà Thánh tại Caracas bên Venezuela. Tin tức đã đến với chúng tôi lúc giữa trưa, trong khi ở Roma thì đã là ban chiều. Dĩ nhiên điều đầu tiên tôi nghe được đã là một ngạc nhiên lớn đối với tên gọi, đối với việc bầu Đức Hồng Y Bergoglio, mà tôi đã nghe nói tới nhưng người ta đã không thấy trước trong lúc đó là ngài sẽ là đức Tân Giáo Hoàng, ít nhất là báo chí đã không giới thiệu ngài giữa các vị “có thể là Giáo Hoàng”. Vì thế đó đã là một ngạc nhiên, tên gọi “Phanxicô” cũng là một ngạc nhiên nữa, vì nó đã không có trong loạt tên của các Giáo Hoàng, và theo tôi nó đã nhận diện ngay lập tức các đặc tính của vị Tân Giáo Hoàng.
Thế rồi trong diễn văn của ngài, được nói với sự đơn sơ biết bao, với biết bao an bình, thanh thản; đã đánh động tôi nhất là sự tín thác lẫn nhau, sự kiện ngài đã tín thác nơi dân chúng và xin lời cầu nguyện của họ, “dân thánh của Thiên Chúa”, như ĐTC Phanxicô thích nói, để Thiên Chúa chúc phúc cho ngài. Đàng khác, đó cũng là sự tín thác của vị mục tử cho dân Chúa, và của dân Chúa cho mục tử và của mục tử cho dân Chúa và tất cả cùng nhau tín thác cho Thiên Chúa. Từ đó nảy sinh ra hình ảnh này của Giáo Hội là một cộng đoàn cùng nhau tiến bước , mục tử và dân Chúa, với lòng tin tưởng và tín thác tất cả mọi người cho lời cầu nguyện, và như thế cho ơn thánh và lòng thương xót của Chúa.
Hỏi: Ngay trong các lần phát biểu công khai đầu tiên, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh trên sự kiện “Giáo Hội đi ra”, Giáo Hội bước đi. Kiểu công nghị này, quan điểm mà Đức Giáo Hoàng rất lưu tâm này đang được khẳng định trong nhiều bình diện của Giáo Hội, có phải thế không thưa ĐHY?
Đáp: Đương nhiên nó là một lộ trình dài, một con đường tiệm tiến, một con đường mà chúng ta có thể nói đã bắt đầu với Công Đồng Chung Vaticăng II, mà ĐTC Phanxicô muốn là người tiếp tục áp dụng vào trong cuộc sống của Giáo Hội. Đối với tôi xem ra quan trọng, việc Giáo Hội tiến bước, Giáo Hội rộng mở: một Giáo Hội rộng mở trước hết đối với Chúa, một Giáo Hội đi ra hướng tới Chúa của mình, hướng tới Chúa Giêsu Kitô. Chính vì Giáo Hội đi ra hướng về Chúa Giêsu Kitô, nên cũng có thể đồng hành với dân chúng, gặp gỡ dân chúng, đồng hành với dân chúng trong thực tại cuộc sống thường ngày của họ. Đối với tôi đây là điều rất quan trọng, và xem ra lộ trình này phải được làm cùng nhau. Đó là tính cách công nghị! Giáo Hội bước đi được làm cùng nhau, nhưng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Như thế một Giáo Hội được hiệp nhất lại bởi Thần Khí, trong đó mỗi người chú ý tới tiếng nói của Thần Khí, và mỗi người để chung lại các ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho để thực hiện sứ mệnh này.
Hỏi: Thưa ĐHY, Năm Thánh Lòng Thương Xót đã kết thúc, nhưng lòng thương xót vẫn là đà chính của Triều đại giáo hoàng này, như huy hiệu giám mục của Đức Jorge Mario Bergoglio nhắc nhớ. ĐHY trông thấy các hoa trái phong phú nhất của việc liên tục nhắc nhở này của ĐTC đối với chiều kích của lòng thương xót, của sự hiền dịu của Thiên Chúa như thế nào?
Đáp: Tôi muốn nói rằng việc nhấn mạnh trên lòng thương xót này không phải là một sở thích cá nhân của ĐTC cho bằng nó là trung tâm sự chú ý trên Mầu nhiệm nền tảng là tình yêu của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ không là gì khác hơn là lịch sử của mạc khải tình yêu, của lòng thương xót và sự hiền dịu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Và ĐTC đã nhắc nhớ chúng ta về trung tâm này, về suối nguồn này. Tôi tin rằng nỗ lực của Giáo Hội phải là nỗ lực làm trung gian, làm con kênh của cuộc gặp gỡ này giữa lòng thương xót của Thiên Chúa với con người ngày nay trong thực tại cụ thể của nó, trong các niềm vui và các khổ đau, trong các an ninh và cả trong các yếu đuối và nghi ngờ của nó nữa.
Năm Thánh Lòng Thương Xót đã là một cống hiến mà ĐTC đã trao ban cho Giáo Hội, để trở thành dụng cụ của lòng thương xót. Một cách đúng đắn như chính ngài đã nói, Cửa Thánh được khép lại, nhưng cửa lòng thương xót luôn luôn rộng mở! Liên quan tới các hoa trái của Năm Thánh tôi muốn nêu bật hai điều.
Thứ nhất, từ phía nhiều kitô hữu, nhiều người đã được rửa tội, là việc tái khám phá ra Bí tích Giải Tội như Bí Tích lòng thương xót của Thiên Chúa, trong đó Chúa Giêsu cho chúng ta sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, ơn tha thứ các tội lỗi và tất cả tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Tôi đã nghe từ nhiều phía nói rằng đã có một thức tỉnh của Bí Tích này và biết bao nhiêu người đã đến với Bí Tích Giải Tội. Chúng ta hy vọng rằng sự thức tỉnh này tiếp tục, và được thực sự diễn tả ra qua việc thường xuyên lãnh Bí Tích Hoà Giải.
Thứ hai là sự chú ý tới các tình trạng nghèo túng, thiếu thốn. ĐTC đã cho chúng ta thấy, nhất là bằng các cử chỉ, việc thực thi lòng thương xót, và cũng là một trong các điều được xin một cách cấp thiết trong Mùa Chay: sự hoán cải nảy sinh từ việc thực thi các công tác bác ái huynh đệ. Và vì thế tái chú ý tới những người gặp khó khăn, người nghèo, người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, chú ý tới tất cả những ai cần sự trợ giúp và gần gũi. Xem ra có biết bao nhiêu sáng kiến. Tôi tin rằng cả điều này nữa cũng là một chiều kích cần tiếp tục nhấn mạnh.
Hỏi: Trong năm thứ tư của Triều đại giáo hoàng, đặc biệt với việc công bố Tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục “Niềm vui yêu thương - Amoris laetitia”, trong lãnh vực công giáo cũng đã nổi lên các chỉ trích, các không hiểu, nếu muốn nói như thế, đối với Huấn quyền của ĐTC Phanxicô. ĐHY có thể đọc hiểu nó như thế nào?
Đáp: Trước hết tôi xin nói rằng hãy nhìn Tông huấn “Amoris laetitia” như là một món quà ĐTC ban tặng cho chúng ta. Tôi nhớ là ĐTC, ngay từ đầu, trước khi Thượng hội đồng giám mục về gia đình bắt đầu, ngài đã nói: “Thượng Hội Đồng Giám Mục này phải làm sáng lên Tin Mừng của gia đình”. Và Tin Mừng của gia đình một đàng có nghĩa là chương trình của Thiên Chúa đối với gia đình, chương trình mà Thiên Chúa đã quan niệm từ đời đời đối với gia đình và đồng thời cũng là các điều kiện thực tế trong đó gia đình này sống: một gia đình bị ghi dấu bởi tội tổ tông như tất cả thực tại nhân loại.
Vì thế tôi tin rằng Tông huấn “Amoris laetitia” đã và đang trao ban một sức đẩy lớn cho mục vụ gia đình, như tôi đã nghe nhiều người nói. Tông huấn đang sản xuất các hoa trái đích thực của việc canh tân và đồng hành với các hoàn cảnh gia đình giòn mỏng. Liên quan tới các chỉ trích phê bình, thì trong Giáo Hội đã luôn luôn có! Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Tôi tin là chính ĐTC đã cho chúng ta chià khoá đọc hiểu chúng: nghĩa là, đó phải là các phê bình chỉ trích chân thành, muốn xây dựng, và khi đó chúng giúp tiến tới, chúng cũng giúp cùng nhau tìm ra cách ngày càng hiểu biết hơn ý muốn của Thiên Chúa và áp dụng nó.
Hỏi: Thưa ĐHY, ĐTC Phanxicô cũng đang bắt đầu việc cải cách sâu rộng các cơ quan trung ương Toà Thánh. Thế rồi ngài cũng thường nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều cần một cuộc cải cách, nếu chúng ta muốn, một cuộc cải cách quan trọng hơn nhiều, đó là “cải cách con tim”. Và trong Tông huấn “Evangelii gaudium Niềm vui Phúc Âm” ĐTC khẩn nài “một cuộc cải cách Giáo Hội đi ra truyền giáo”. Tại sao tiến trình cải tổ này lại quan trọng đối với ĐTC như vậy, vì ngài liên tục nhắc nhở trong biết bao nhiêu lãnh vực như thế?
Đáp: Trong lịch sử, rồi Công Đồng lấy lại, “Giáo Hội luôn luôn canh cải!” Nó là một chiều kích nền tảng của Giáo Hội, chiều kích ở trong một tiến trình cải tổ, “hoán cải”, để dùng từ của Phúc Âm. Và thật đúng đắn là như vậy, thật cần thiết là như thế. ĐTC tha thiết nhắc nhớ cho chúng ta biết điều đó, để Giáo Hội luôn ngày càng trở nên chính mình hơn, ngày càng trở nên trung thực hơn, gỡ đi các cáu bẩn chồng chất lên trên con đường lịch sử, và thực sự rạng ngời như sự trong sáng của Tin Mừng. Tôi sẽ nói rằng một cách nền tảng đó là ý nghĩa của cuộc cải tổ, và chính vì vậy mà ĐTC nhấn mạnh trên “việc cải cách con tim”. Mọi cuộc canh tân cần thiết cả trên bình diện cơ cấu – trên bình diện các cơ quan trung ương Toà Thánh đang có các thay đổi cho việc canh tân – tuy nhiên tất cả khởi hành từ con tim, tất cả khởi hành từ nội tâm. Do đó, thật là đúng đắn khi ĐTC nhấn mạnh trên điều này.
Tôi muốn nói rằng, thật là quan trọng, ngoài ra chính ĐTC nói thế, bằng cách nhấn mạnh trên “việc cải cách con tim”: không phải các tiêu chuẩn hoạt động hữu hiệu hướng dẫn cuộc cải tổ này, nhưng là một cách sâu rộng hơn các tiêu chuẩn của một cuộc trở lại đích thật của con người với Thiên Chúa và một biểu lộ trung thực của bản chất thật của Giáo Hội.
Hỏi: Thưa ĐHY, ĐHY là cộng sự viên thân tín gần gũi nhất của ĐTC. Việc ở gần ĐTC Phanxicô trong các năm qua đã đang trao ban cho ĐHY điều gì trên bình diện cá nhân, trước hết như là kitô hữu, rồi như là Quốc Vụ Khanh Toà Thánh?
Đáp: Tôi thật cảm tạ Chúa. Điều đánh động tôi nhất nơi ĐTC Phanxicô chính là kiểu ngài đọc hiểu các sự vật, các hoàn cảnh dưới ánh sáng đức tin, từ nó nảy sinh ra một sự thanh thản lớn lao. Chính ĐTC đã nói lên điều đó nhiều lần, nhưng tôi sống kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với ngài: Sụ thanh thản nền tảng ấy trước các tình trạng, cả khi khó khăn nhất, phức tạp nhất – và có biết bao nhiêu tình trạng như thế gây khắc khoải âu lo – khả năng nhìn các sự việc với sự thanh thản, và biết rằng các sự việc ở trong tay Thiên Chúa, và vì thế tiến bước với sức mạnh, với lòng can đảm. Và điều này trợ giúp tôi rất nhiều cả trong việc thi hành các trách nhiệm và vai trò của tôi nữa.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 15.03.2017/ SD 12-3-2017)