Linh mục Michelini: "Đối với tôi, Giáo hoàng là Thánh Phêrô"
Tu sĩ Dòng Phanxicô giái thích “nhân tính” của Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Máthêu.
“Cùng với Chúa Giêsu, cùng với Thánh Phêrô”. Đó là chủ đề của tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo triều từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 3-2017. Tuần tĩnh tâm sẽ được tổ chức ở Nhà Thầy Chí Thánh (Casa Divin Maestro), Ariccia, cách Rôma 30 cây số. Tuyển tập các suy niệm sẽ được nhà xuất bản Edizioni Porziuncola của Dòng Phanxicô in.
Trước kỳ giảng tĩnh tâm, linh mục Giulio Michelini giải thích cho độc giả trang Zenit biết cha sẽ đặc biệt suy niệm về “nhân tính của Chúa Giêsu”. Linh mục Michelini nhắc đến phản ứng của cha khi Đức Phanxicô mời cha giảng và cha thố lộ: “Đối với tôi, Giáo hoàng là Thánh Phêrô… Vì thế cái nhìn của tôi sẽ không những chỉ hướng về một con người như tôi, nhưng còn hướng về một con người khác là Thánh Phêrô”.
Linh mục Michelini, như thế nào và khi nào cha biết cha được chọn để hướng dẫn tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Đức Giáo hoàng?
Tôi biết tin này vào chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng. Một trong các cộng sự của tôi gọi báo cho tôi và cho tôi biết Đức Giáo hoàng sẽ gọi tôi.
Đức Giáo hoàng đã gọi cho cha như thế nào?
Ngài rất lịch sự khi mời tôi giảng. Tôi giải thích là tôi cảm thấy khó khăn khi nói chuyện trước giáo hoàng và giáo triều. Tôi nói ngài có thể hỏi những người có khả năng hơn tôi. Ngài trả lời cho tôi: “Mình sẽ làm như vậy, thưa cha. Cha tiếp tục suy nghĩ những người giỏi hơn cha. Nhưng xin cha giúp cho các Bài tập này”. Và câu trả lời của ngài cho tôi thấy ngài thật trực tiếp và khôn ngoan… tôi tin tưởng ở giáo hoàng.
Cha có dịp biết riêng ngài không?
Thật ra tôi may mắn được gặp ngài ba lần, tôi có dịp được chào ngài và ôm ngài, nhưng nói chuyện với ngài thì không. Lần đầu tiên tôi gặp là lần ngài đến Axixi, ngài gặp tất cả cộng đoàn Maria các Thiên Thần. Rồi một lần ở Florence, khi ngài gặp các thành viên của hội đồng chuẩn bị cho cuộc họp tu sĩ quốc gia mà tôi có tham dự. Lần thứ ba vào tháng 11 vừa qua với các đồng nghiệp dạy học của Hiệp hội Kinh Thánh Ý trong buổi tiếp kiến ở Vatican.
Cảm tưởng của cha trong ba lần gặp tuy ngắn, nhưng trao đổi trìu mến này như thế nào?
Tôi nhận ra Đức Giáo hoàng không sợ ánh nhìn, ngược lại ngài còn đi tìm. Theo tôi, đó là ánh nhìn của Phêrô. Tựa đề quyển sách mà tôi chọn để làm tuyển tập các bài suy niệm là Cùng với Chúa Giêsu, cùng với Thánh Phêrô (Etre avec Jésus, être avec Pierre) sẽ được nhà xuất bản Porziuncola in. Đối với một tu sĩ Dòng Phanxicô thì đây đúng là một kinh nghiệm đặc biệt. Theo tôi, giáo hoàng là Phêrô. Tôi nghĩ đến Phúc Âm thánh Máthêu, thánh sử nhấn mạnh nhiều đến chiều kích hội thánh. Vì thế cái nhìn của tôi sẽ không những chỉ hướng về một con người như tôi, nhưng còn hướng về một con người là Thánh Phêrô.
Cha cho biết, để chuẩn bị tốt hơn cho bầu khí của các Bài tập này, cha đã đi Capharnaüm, Galilê 10 ngày. Cha có thể tóm tắt chuyến đi này mang gì về mặt thiêng liêng cho cha mà cha phải thân chinh đi đến Đất Thánh?
Trong các bài tập, tôi có thể nói đến nhân tính của Chúa Giêsu. Hơn nữa, thập giá, thương khó, cái chết, táng xác là nói đến nhân tính của Chúa Giêsu mà chúng ta cần tìm hiểu. Ở Capharnaüm, nơi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của mình, chúng ta có thể tìm thấy dấu vết con đường của Chúa Giêsu đã đi qua, cái hồ Chúa đã đi qua, căn nhà của ông Simon, nơi ngài đến. Biết rằng bàn chân của mình đã đi trên những nơi mà Chúa Giêsu đã đi qua thì thật là xúc động. Và rồi có một yếu tố khác là yếu tố văn hóa: dù có nhiều xung đột, nhưng khách hành hương trên khắp thế giới đều về Đất Thánh. Và cuối cùng, đối với chúng tôi, anh em Dòng Phanxicô khiêm nhường, được là người giữ miền đất này là cả một vinh dự.
Các bài suy niệm sẽ chú trọng về sự thương khó, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Máthêu. Vì sao có lựa chọn này? Bài Phúc Âm Thánh Máthêu có đặc nét nào phù với Mùa Chay không?
Câu trả lời thuần về mặt kỹ thuật thì không. Tất cả các Phúc Âm đều được dùng vào giai đoạn Mùa Chay này. Tôi nhớ phụng vụ theo Thánh Ambrôsê thì dùng Phúc Âm Thánh Gioan, phụng vụ Rôma thì chúng tôi thường đọc ba Phúc Âm nhất lãm (Máthêu, Mácô, Luca). Nhưng tôi chọn Phúc Âm Thánh Máthêu vì đó là Phúc Âm tôi biết nhiều, là bản văn tôi cảm thấy thoải mái. Tôi có viết một quyển sách về bản văn này, quyển Máthêu. Giới thiệu, chuyển dịch và bình luận (Matteo. Introduzione, traduzione e commento, nxb. San Paolo, 2013), nhưng những gì tôi giảng trong tuần tĩnh tâm này thì hoàn toàn mới.
Ngoài suy niệm của cha, cha muốn có sự hợp tác của một cặp vợ chồng đã hợp tác nhiều năm với cha, ông bà Gilberto Gillini và Mariateresa Zattoni, và một nữ tu dòng kín Clara. Vì sao có lựa chọn này?
Vì tôi làm việc nhiều năm với những người này. Đó là một chọn lựa đến tự nhiên với tôi, không có nhiều suy nghĩ. Tôi đã viết tám quyển sách với hai vợ chồng Gillini Zattoni. Họ cùng một cách đọc Kinh Thánh như tôi, không chỉ về mặt kinh điển. Tôi xin họ ý kiến về đoạn thương khó của Thánh Máthêu khi bà vợ khuyên quan tổng trấn Philatô. Như thế là áp dụng Phúc Âm trong đời sống cụ thể của con người: các bạn của tôi là những người rành về đời sống vợ chồng, vì thế họ rất hữu ích. Còn về nữ tu dòng Clara, khi xơ biết tôi sẽ nói về việc xức dầu ở Bêtania, xơ đã gởi cho tôi vài hàng. Tôi thấy những lời này quá đẹp nên tôi quyết định giữ nguyên văn. Thực chất, xơ mang một nét nữ tính để kết thúc, mà tôi sẽ không bao giờ làm được như vậy. Tôi mừng vì có những người ở môi trường khác môi trường các nam tu sĩ thánh hiến, hai vợ chồng từ môi trường gia đình và một nữ tu dòng chiêm niệm.
Ngoài các bài Phúc Âm, cha có đề nghị các suy niệm nào khác không?
Có. Tôi may mắn được học văn chương hiện đại và có bằng ngôn ngữ nước ngoài. Tôi đọc nhiều, vì thế khi tôi đọc Lời Chúa, các tham khảo thuộc địa hạt văn chương hay thần học đến trong đầu tôi ngay. Về mặt thần học, tôi sẽ trích Romano Guardini, một tác giả mà tôi đọc từ nhiều năm nay. Rồi tôi sẽ đưa ra các câu chuyện thật, như câu chuyện làm cho tôi xúc động được ký giả Massimo Gramellini kể trong cột báo La Stampa ông có trước đây.
Về mặt thuần túy văn chương, không thể nào không nói đến Amos Oz, một nhà khảo luận Israel đã viết một bài rất hay về Giuđa, một trong các nhân vật chính của sự Thương Khó. Tôi cũng sẽ nói đến câu chuyện được văn sĩ Emmanuel Carrère viết trong quyển sách Vương Quốc (Le Royaume) khi ông đề cập đến việc đức tin bị mất. Các bản văn này trình bày rất rõ thảm kịch của con người thời đại ngày nay. Và tôi cũng sẽ trích văn hào Tiệp Franz Kafka. Trong bữa ăn chúng tôi sẽ đọc các bài về Mẹ Maria và quyển sách Một chốc lát trước rạng đông (Un instant avant l’aube) của linh mục Ibrahim Alsabagh, một câu chuyện có thật về những gì xảy ra ở vùng đất Alep, Syria trong thời kỳ chiến tranh.
Có những bài cầu nguyện đặc biệt nào và các bài đọc Phúc Âm nào cha khuyên nên đọc cho những ai muốn theo Đức Thánh Cha trong tuần tĩnh tâm này không?
Sẽ có hai bài đọc Phúc Âm mỗi ngày, một buổi sáng, một buổi xế trưa. Khi đọc các đoạn này, các tín hữu có thể theo Đức Giáo hoàng và cầu bàu với Thần Khí cho tôi.
Cha đã chuẩn bị tuần tĩnh tâm này như thế nào?
Tôi ở vài ngày ở hồ Tibêria nhưng bây giờ tôi trở về với công việc dạy học của tôi. Chuẩn bị của tôi là chu toàn công việc hàng ngày và liên tục cầu nguyện, dự thánh lễ, tôi không làm gì khác hơn. Nhưng tôi phải nói, một cảm nhận bình an đi theo tôi, tôi chưa bao giờ cảm nhận như thế cho đến bây giờ. Theo tôi, cảm nhận này là dấu chỉ có rất nhiều bạn cầu nguyện cho tôi và cho giáo hoàng.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 24.02.2017/
fr.zenit.org, Federico Cenci, 2017-02-23)