ĐGH Phanxicô: Giáo hội cần chứng tá và lòng can đảm của các dòng tu

Các hội dòng phải có can đảm bắt đầu những hình thức dấn thân mới và biết rằng “chỉ có những người không bao giờ làm điều gì thì mới không có sai lỗi”, ĐTC Phanxicô.

ĐGH Phanxicô: Giáo hội cần chứng tá và lòng can đảm của các dòng tu

Vatican – Các hội dòng phải có can đảm bắt đầu những hình thức dấn thân mới và biết rằng “chỉ có những người không bao giờ làm điều gì thì mới không có sai lỗi.”

Trong buổi gặp gỡ 140 Bề trên tổng quyền các hội dòng nam vào cuối tháng 11 năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khuyến khích các hội dòng như thế. Ngài nói: “Thỉnh thoảng chúng ta cũng làm những điều sai, đúng vậy, nhưng lòng thương xót của Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta.”

Những câu hỏi và trả lời trong buổi gặp gỡ kéo dài 3 tiếng giữa Đức Giáo hoàng và các bề trên được xuất bản trên nguyệt san “Văn minh Công giáo” số 4000, ra ngày 09/02/2017. Xuyên suốt các câu trả lời về các vấn đề mục vụ giới trẻ, đời sống tu trì, kinh nghiệm cá nhân của ngài về chức Giáo hoàng và việc loan báo Tin Mừng, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến việc cầu nguyện, lòng can đảm và đặc biệt sự phân định. 

Đối với Đức Giáo hoàng, sự thiếu chuyên gia trong việc phân định “là một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng ta gặp phải trong việc huấn luyện Linh mục,” - việc huấn luyện quá chú ý đến các câu trả lời “trắng và đen” hơn là chú ý vào “các vùng xám của cuộc sống.” Ngài nói với các bề trên: “Các anh em tìm ý Chúa khi theo giáo lý thật của Tin Mừng chứ không phải dán chặt vào một học thuyết trừu tượng.” 

Bằng việc chọn đề tại “các người trẻ, đức tin và phân định ơn gọi” cho thượng hội đồng Giám mục năm 2018, Đức Giáo hoàng nói rằng ngài hy vọng lôi kéo sự chú ý đến tầm quan trọng của việc giúp người trẻ khám phá tiếng gọi của Chúa. 

Sự sút giảm về ơn gọi Linh mục và tu sĩ ở phương Tây gây lo ngại, nhưng Đức Giáo hoàng nhận thấy rằng một số cộng đoàn tu trì mới hơn đang lôi kéo người trẻ cũng là điều cần quan tâm. Ngài đề cao một số dòng mới vì tính nghiêm túc và tốt lành nhưng cũng cảnh giác một số dòng không phát xuất từ đặc sủng của Chúa Thánh Thần, mà là từ đặc sủng của con người. Ngài gọi những người có đặc sủng này thu hút người khác bởi những kỹ năng quyến rũ kiểu con người. Ngài nói đến một số dòng, tưởng như là mang lại sự an toàn, nhưng thật ra là sự cứng nhắc. Ngài lo âu khi nghe có một dòng thu hút nhiều ơn gọi. Chúa Thánh Thần không hoạt động theo kiểu lý luận của con người. Ngài kết luận rằng đời sống của các thành viên cộng đoàn sẽ chứng minh rằng hội dòng đó có phải là hoạt động của Chúa hay không. 

Một trong những nhiệm vụ của các dòng tu trong Giáo hội, theo Đức Giáo hoàng, là cung cấp động lực đặc sủng và ngôn sứ, để có thể giữ cho Giáo hội, Giáo phận hay giáo xứ khỏi bị chìm ngập trong những lo lắng thế gian và giữ cho các thừa tác viên khỏi nghĩ rằng họ là “những hoàng tử nhỏ.” Giáo sĩ trị là một nguy hiểm đối với Giáo hội, giống như là cái vịnh đôi khi tồn tại giữa các dòng tu trong giáo phận và Giám mục và Linh mục. Ngài nói: “Từ vị thế cô độc, chúng ta không thể giúp được người khác.” Công việc của Giáo hội không phải là bảo vệ các cơ chế của minh nhưng là đi ra để giúp những người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần.

Đức Giáo hoàng cũng cho biết là các đề tài về Mẹ Maria được chọn cho các ngày Giới trẻ địa phương trong các năm 2017 và 2018, cũng như cho Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2019 ở Panama là do các Giám Mục châu Mỹ Latinh chọn và ngài thấy đó là điều tốt. Ngài nhấn mạnh đến trọng tâm của các chủ đề này là Đức Maria của đức tin Công giáo, chứ không phải là “vị giám đốc bưu điện, mỗi ngày gửi một bức thư và nói ‘con của ta, hãy làm điều này và ngày tới làm điều đó.’” Đức Maria đích thực là người đã tạo nên Chúa Giêsu trong trái tim của chúng ta. Xu hướng xem Đức Mẹ như siêu sao, như là người xem mình là trung tâm như nhân vật chính, thì không phải là Công giáo.”

Đức Giáo hoàng cũng tiết lộ bí quyết sự bình an thanh thản của ngài chính là cầu nguyện. Ngài kể rằng ngài thường viết cho Thánh Giuse những khó khăn ngài gặp phải. Đức Giáo hoàng cho biết ngài ngủ mỗi ngày 6 tiếng và cầu nguyện là thói quen hàng ngày. Các giờ kinh phụng vụ rất quan trọng với ngài và ngài chưa bao giờ bỏ đọc kinh phụng vụ. Ngài dâng Thánh lễ, đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày. Ngài luôn cầu nguyện với sách Thánh kinh. Và bình an gia tăng. Ngài khẳng định bình an là một quà tặng của Chúa. 

(Hồng Thủy, RadioVaticana 13.02.2017/
CNS 09/02/2017)