Ba cột trụ của cải cách

Đức Hồng y Pietro Parolin, người tín cẩn / Đức Hồng y Beniamino Stella, người đào tạo linh mục theo quả tim của Đức Giáo hoàng / Đức Ông Dario Edoardo Viganò, người truyền thông

Ba cột trụ của cải cách

Đức Hồng y Pietro Parolin, người tín cẩn / Đức Hồng y Beniamino Stella, người đào tạo linh mục theo quả tim của Đức Giáo hoàng / Đức Ông Dario Edoardo Viganò, người truyền thông

Đức Hồng y Pietro Parolin, người tín cẩn

Nhà ngoại giao cao cấp, 61 tuổi, Sứ thần Tòa Thánh ở Venezuela trước khi được bổ làm Quốc Vụ Khanh năm 2013,  Hồng y Parolin là sự đổi mới mà Đức Phanxicô muốn có ở cấp cao nhất của Vatican. 

Ngài người miền Venetia, nước Ý, có tư cách điềm đạm, rất nhã nhặn, đi đôi với tính chuyên nghiệp rất cao và một sự đơn giản được những người tiếp xúc với ngài kính trọng. 

Một thời gian ngắn sau khi chịu chức năm 1980, người thanh niên trẻ chăm chỉ học hành và kín đáo được gởi đi học trường ngoại giao Vatican một cách rất tình cờ. Sau đó ngài phục vụ ở Nigeria, Mêhicô rồi trở về Rôma. Các hồ sơ gay go được giao cho ngài, như các hồ sơ bang giao giữa Tòa Thánh với Việt Nam, với Israel hay với Trung quốc. 

Xa các bè cánh, ít chuyên lo về chính trị của nước Ý, ngài được xem là người cởi mở và hiệu năng, ngài được Đức Phanxicô hoàn toàn tin cậy. Ở địa vị này, ngài phối hợp toàn bộ cải cách mà Đức Phanxicô mong muốn. 

Đức Hồng y Beniamino Stella, người đào tạo linh mục theo quả tim của Đức Giáo hoàng

Đức Hồng y Beniamino Stella được chọn trong số các nhà ngoại giao lỗi lạc của Tòa Thánh, ngài là bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, một bộ quyền lực có nhiệm vụ quan trọng giám sát các linh mục trên toàn thế giới ở “kỷ nguyên Phanxicô”: các mục tử “với mùi đàn chiên của mình”. 

Xuất thân từ một gia đình có mười hai anh chị em, ngài cũng ở vùng Venetia, nước Ý, ngài lớn lên “dưới bóng gác chuông nhà thờ”, nhất là nhờ Phong trào Công giáo Tiến hành. Sau khi theo học ở Viện giáo hoàng, “trường của các sứ thần”, ngài phục vụ trên khắp thế giới, nhất là ở các nước có hoàn cảnh tế nhị như nước Cộng hòa Dân chủ Congo và Cuba, nơi ngài đón tiếp Đức Gioan-Phaolô II năm 1998. 

Năm 2007, trong lần họp hội đồng các giám mục Nam Mỹ Celam ở Aparecida, mà Đức Ông Stella lúc đó là sứ thần Tòa Thánh ở Colomba đã gặp Tổng Giám mục Buenos Aires. Đức Bergoglio thấy sứ thần “kín đáo” và luôn thích đáng. 

Hồng y Stella, 75 tuổi, thường hay nhắc các mục tử đã chịu chức phải tập trung vào việc phục vụ của mình và để cho giáo dân làm những việc họ có thể làm. Nổi tiếng là người gần gũi với giáo dân, tháng 12-2016 ngài công bố tài liệu Đại cương cơ bản cho Việc Huấn luyện Linh mục (Ratio fundamentalis), đưa ra chân dung linh mục của ngày mai, một linh mục “có thể phối hợp một cách thăng bằng các khía cạnh nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ”. 

Đức Ông Dario Edoardo Viganò, người truyền thông

Đức Ông Viganò người Ý, sinh năm 1962 ở Rio de Janeiro, Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thống, người thúc bách các thói quen của Vatican để hợp lý hóa và hiện đại hóa các phương tiện truyền thông. Ngài đang tiến hành tái tổ chức Radio Vatican, báo Osservatore Romano và Văn phòng báo chí Tòa Thánh, từ nay các cơ quan này quy tụ vào một ban bộ, việc tiến hành này không phải không tạo các quan ngại trong nội bộ. 

Được Đức Hồng y Carlo Maria Martini, Tổng Giám mục địa phận Milan phong chức năm 1987, Đức Hồng y đã khuyến khích tân linh mục khai phá các mối dây giữa đức tin và phim ảnh. Năm 2004, cha được chỉ định làm Chủ tịch hội đồng giám định phim ảnh của Hội đồng Giám mục Ý và qua năm tháng, cha trở thành một hình ảnh đáng kể trong lãnh vực nghệ thuật thứ bảy, kể cả trong các cơ quan dân sự. 

Năm 2013,  Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm cha đứng đầu Trung tâm Truyền hình Vatican (CTV). Một tháng sau, khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, thế giới theo dõi trực tiếp truyền hình cảnh Đức Bênêđictô XVI lên máy bay trực thăng đi về Castel Gandolfo qua các hình ảnh đậm nét… phim ảnh. Tất cả đã được Đức ông Viganò điều khiển. 

Cách “siêu quản trị” của ngài không phải được thiện cảm tất cả. Nhưng từ nay ngài mong, mọi tranh luận hay mọi vấn đề chung quanh Đức Giáo hoàng hay Vatican phải được ngăn ngừa trước từ trên cao nhờ một hệ thống truyền thông hoàn toàn trôi chảy. 

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 03.01.2017/ 
la-croix.com, Marie Malzac, 2017-01-02)