Thiệp Giáng Sinh của Đức Phanxicô
Thiệp Giáng Sinh của Đức Phanxicô, duyên dáng và thanh nhã. Ngài chọn bức tranh khảm “Đức Giêsu Ra Đời” của họa sĩ Giotto (1267-1337) để làm thiệp của Vatican gởi chúc lễ Giáng Sinh cho Giáo triều La Mã, cho nhân viên và cho tất cả tín hữu sẽ tham dự vào các buổi tiếp kiến và các lễ trong những ngày sắp tới.
Bức khảm này có từ năm 1313, là một trong các bức trang hoàng của Đền thờ Thánh Phanxicô Axixi ở thành phố Ombrie. Thiệp có ghi câu trích từ sách Tiên tri I-saia: “Vì một trẻ thơ chào đời để cứu chúng ta, Thủ Lãnh của hòa bình” (“Filius datus est nobis, Princeps Pacis”, Is, 9,5). Báo Avvenire cho biết, bức khảm này là bức duy nhất trên thế giới vẽ hai Hài đồng Giêsu biểu tượng Đức Kitô có hai bản tính, một nhân tính, một thiên tính. Đức Phanxicô chọn vì Axixi, vì “Thánh Phanxicô là người đầu tiên làm máng cỏ”.
Theo tinh thần của các vị tiền nhiệm, từ Đức Phaolô VI năm 1963, các giáo hoàng chọn chủ đề và câu Thánh Kinh đi kèm cho thiệp chúc của mình. Năm nay, để đi theo bức khảm của họa sĩ Giotto, Đức Phanxicô chọn câu của Tiên tri I-saia: “Vì một trẻ thơ chào đời để cứu chúng ta, Thủ Lãnh của hòa bình” như lời nhắn “tư tưởng, cái nhìn, cử chỉ” của chúng ta phải được nhắm đến hòa bình, và đã được họa sĩ đưa lên hàng đầu để khơi lên niềm vui đích thực của lễ Giáng Sinh: một niềm vui bình dị, khiêm tốn, xa các sự thế gian, như ngài nói trong buổi kinh Truyền Tin chúa nhật Mùa Vọng 28 tháng 11 vừa qua.
“Kinh Thánh của người nghèo”
Theo linh mục Enzo Fortunato phụ trách báo chí của tu viện Axixi, thì bức tranh khảm này được trích từ một tuyệt tác có tên là Kinh Thánh của người nghèo, vì các bức khảm này như bài giáo lý giúp mang Tin Mừng đến không những cho người quyền cao chức trọng, nhưng và nhất là mang Tin Mừng đến cho những người đơn sơ và những người không biết chữ, như Thánh Phanxicô hằng mong muốn.
Điểm gây chú ý là bức khảm vẽ hai Chúa Hài Đồng, một trên gối Đức Mẹ, Đức Mẹ âu yếm nhìn hài nhi; một trong tay cô mụ với ánh nhìn yêu thương, chăm chú, sắp cùng với một cô mụ khác tắm cho hài nhi. Linh mục Enzo Fortunato giải thích, hai Hài Đồng này tượng trưng cho hai bản tính của Chúa Kitô: một nhân tính, một thiên tính. Chiều kích nhân tính “rút từ” thiên tính là đặc nét loan báo của các tu sĩ Dòng Phanxicô.
Màu xanh lơ của họa sĩ Giotto
Họa sĩ Giotto dùng màu xanh lơ chiếu trong đêm tối Bêlem để thực hiện thiên tính của Chúa Giêsu. Nghệ sĩ nhấn mạnh câu chuyện của mình bằng một loạt cảnh nho nhỏ hài hòa. Ông ý thức mình đang kể một câu chuyện thật – “Vừa mạnh vừa thanh thoát”, linh mục Enzo cho biết. Người nghệ sĩ loại hết các tác dụng đặc biệt, chỉ dùng màu xanh lơ “bắt mắt và rất xúc động”, tạo một tác dụng khó ai cưỡng lại được. Khách du lịch, khách hành hương khi bước bước qua ngưỡng cửa đền thờ đều bị mê hoặc bởi bức khảm này. Sắc màu lóng lánh như vàng, nhưng lại thật hơn: vòm ngôi sao xanh lơ, từng cảnh bầu trời xanh lơ. Áo Đức Mẹ xanh đậm hơn, sáng hơn nhưng nhất là rất “vương giả và thật”.
Các vùng ngoại vi
Và để mừng lễ Giáng Sinh, và cũng dịp Năm Thánh vừa kết thúc, Đức Phanxicô chọn bức khảm này với ba hành vi “rất con người” vì đòi hỏi phải cố gắng, và “nhẹ nhàng” vì có thể làm được: hai cô mụ ôm hài nhi trong lòng, quấn tả cho hài nhi, nâng hài nhi với tình thương như Phúc Âm Thánh Luca mô tả mà họa sĩ Giotto cảm nghiệm. “Ôm trong lòng” là hình ảnh nhân bản, như những “mảnh” nhân loại thuộc về tôi. “Quấn tã” cho hài nhì là nói lên sự cần thiết xoa dịu nỗi đau của người khác, nỗi đau vì đói phải đến giờ cho con bú; nỗi đau vì lạnh của người buộc lòng phải rời khỏi xứ. Và cuối cùng là “nâng đỡ” sự mong manh của cơ thể.
Ba cử chỉ này mời gọi người tín hữu cảm nhận có sự hiện diện của Chúa. Máng cỏ và cánh đồng của mục tử, hai nơi ở tạm thời của người du mục, của mục đồng, hai nơi của cuộc sống khổ đau hàng ngày trở thành trung tâm của Hy vọng. Đó là các vùng ngoại vi mà Đức Giáo hoàng muốn nói lên qua bức khảm này để con người có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các hành vi đơn giản của đời sống hàng ngày.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 10.12.2016/
fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2016-12-07)