Tôn giáo ở Trung Quốc
Sự lan rộng nhanh chóng của Kitô giáo đang buộc chính quyền nghĩ lại về tôn giáo
Thành phố duyên hải Ôn Châu, đôi khi được gọi là Jerusalem của Trung Quốc. Bao quanh bởi các rặng núi, và cách xa thủ đô Bắc Kinh, nơi đây từ lâu đã là chốn nương thân cho một tôn giáo mà các lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc rất khó chịu: Kitô giáo. Hầu hết thành phố ngang tầm Ôn Châu, nghĩa là khoảng 9 triệu người, chẳng có được hơn chục công trình Kitô giáo thấy được đâu. Cho đến gần đây, ở Ôn Châu, hàng trăm thánh giá vẫn đang còn vươn lên trên nóc các nhà thờ.
Nhưng năm nay, hơn 230 thánh giá đã bị xếp hạng ‘công trình bất hợp pháp’ và đã bị dỡ bỏ. Các video đăng trên internet cho thấy các đám đông giáo dân đang cố gắng lập bức tường người quanh nhà thờ của mình. Hơn chục người đã bị thương. Một đoạn phim khác cho thấy các tín hữu đẫm nước mắt đang kiên quyết hát các bài thánh ca, khi các thánh giá đỏ lớn đang bị cẩu đi khỏi các tòa nhà. Hồi tháng 4, một trong các nhà thờ lớn nhất Ôn Châu đã hoàn toàn bị phá hủy. Với các quan chức chính phủ, thì sự xung khắc giữa chủ nghĩa tư bản lao vùn vụt của thành phố này với hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản, chẳng thành vấn đề, nhưng họ vẫn cứ xem tôn giáo và các biểu tượng tôn giáo là sự sỉ nhục với chủ nghĩa vô thần của đảng.
Kitô hữu ở Trung Quốc đã phải chịu đàn áp quá lâu rồi. Dưới thời Mao Trạch Đông, tự do tín ngưỡng được chế độ Cộng sản mới nắm quyền coi trọng (phần lớn là cho Hồi giáo, và Phật giáo Tây Tạng ở miền Tây). Nhưng ngược lại, gần nửa triệu Kitô hữu bị đàn áp đến chết, và hàng chục ngàn người khác bị ném vào các trại lao động. Từ sau cái chết của Mao vào năm 1976, đảng đã dần dần thoáng hơn với tự do tôn giáo. Hầu hết nhà thờ ở Ôn Châu được gọi là nhà thờ ‘Tam tự’, với con số khoảng 57 ngàn nhà thờ thế này trên khắp cả nước. Theo cách nói của giới cầm quyền, những nhà thờ này tự hỗ trợ, tự điều hành, và tự xuất hiện (do đó không chịu ảnh hưởng nước ngoài). Các nhà thờ này bày tỏ lòng trung thành với Trung Quốc, và đăng ký với chính quyền. Nhưng nhiều nhà thờ thế này ở Ôn Châu rõ ràng gây nên một sự bất mãn khó chịu, và hầu hết Kitô hữu sống sót qua thời đàn áp của Mao, cùng với các tín hữu mới, từ chối gia nhập các nhà thờ này bằng mọi giá, và tiếp tục hội nhau tại ‘nhà thờ tại gia’ và không đăng ký với chính quyền, một việc đảng đã cố gắng đàn áp trong suốt thời gian dài.
Thật khó để điều khiển Kitô giáo ở Trung Quốc, và ngày càng khó khăn hơn nữa. Đạo lan rộng nhanh chóng, và đi vào cả hàng ngũ đảng. Lằn ranh giữa giáo hội tại gia và giáo hội chính thức đang mờ dần đi, và các Kitô hữu bắt đầu thôi trốn tránh, nổi lên đóng một vai trò tích cực trong xã hội. Đảng Cộng sản phải tìm cách mới để giải quyết với mọi chuyện này. Thậm chí có nhiều bàn luận cho rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc, tổ chức vô thần công khai lớn nhất thế giới, nên làm theo các anh em Việt Nam và Cuba mà cho phép các giáo dân được theo giáo lý của mình hơn là theo chủ nghĩa Marx.
Bất kỳ thay đổi nào trong cách nghĩ của chính quyền với tôn giáo đều có liên quan đến cách Trung Quốc xử lý một loạt các thách thức trong nước, từ việc bắt giữ những người theo chủ nghĩa phân lập trong số các Phật tử Tây Tạng và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng phía Tây, cho đến việc phát triển các NGO và tổ chức dân sự, những tổ chức của dân thường, và thường mang sắc thái tôn giáo, vốn bị chính quyền ngờ vực nhiều nhưng lại đang lan rộng nhanh chóng.
An toàn về mặt con số
Cơn bùng phát tôn giáo ở Trung Quốc, đặc biệt là trong người Hán, chiếm 90% tổng dân số, là chuyện chung cả xã hội. Từ trên tàu cao tốc chạy dọc vùng quê Trung Quốc, hành khách có thể thấy các nhà thờ và đền thờ mới xây mọc lên ở mọi nơi. Phật giáo, có mặt ở Trung Quốc rất lâu trước Kitô giáo, một tôn giáo dân gian, cũng đang bùng nổ, ngày càng nhiều người Hán lên đường đến các đền chùa Phật giáo để tìm sự xoa dịu tâm linh. Tất cả những chuyện này gây lo lắng cho các quan chức chính phủ, những người theo Marx, xem tôn giáo là ‘thuốc phiện của nhân dân’, và hơn nữa họ tin tôn giáo là một thế lực nguy hiểm đối với lòng trung thành dành cho đảng và chính quyền. Đặc biệt, Kitô giáo bị gắn với cuộc xâm lược của các đế quốc phương Tây hồi thế kỷ XIX, và do đó cách hành xử của đảng đối với các Kitô hữu cho thấy rõ cách thay đổi thái độ của họ.
Thật khó để nắm rõ con số Kitô hữu ở Trung Quốc. Các khảo sát chính thức tìm cách hạ thấp con số này, bác bỏ một con số khổng lồ những người thờ phượng trong các giáo hội tại gia. Ngược lại, các nhóm Kitô hữu hải ngoại lại thường thổi phồng về mình. Năm 1949, khi đảng bắt đầu nắm quyền, có khoảng 3 triệu người Công giáo và 1 triệu người Tin Lành. Các quan chức cho biết con số này bây giờ khoảng 23 và 40 triệu. Trong khảo sát năm 2010 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, ước tính có khoảng 58 triệu người Tin Lành và 9 triệu người Công giáo. Nhiều chuyên gia, cả ở Trung Quốc và nước ngoài, cho rằng có thể số Kitô hữu còn nhiều hơn con số 87 triệu đảng viên Đảng Cộng sản nữa. Hầu hết là người Tin Lành phái Phúc âm.
Và có vẻ Kitô giáo thật khó để phát triển. Yang Fenggang của Đại học Purdue, ở Ấn Độ, nói rằng kể từ năm 1980, giáo hội Kitô giáo ở Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình 10% một năm. Ông cũng tính là với xu thế hiện thời, đến năm sẽ có 250 triệu Kitô hữu, biến Trung Quốc thành quốc gia đông người Kitô giáo nhất trên thế giới. Ông Yang nói rằng tốc độ tăng trưởng này gần giống với Roma thời thế kỷ IV, ngay trước khi hoàng đế Constantine trở lại, dọn đường cho Kitô giáo trở thành quốc giáo trong đế chế của ông.
Trong thập niên 1980, đức tin tăng nhanh nhất là ở vùng quê, được tăng sức do sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương, và niềm tin là đạo Kitô có thể chữa bệnh. Trong vài năm gần đây, Kitô giáo đã nảy nở ở các thành phố. Một làn sóng mới các Kitô hữu thành thị có học thức đã xuất hiện. Gerda Wielander thuộc Đại học Westminster, trong quyển sách ‘Các giá trị Kitô giáo ở Trung Quốc Cộng sản,’ đã nói rằng nhiều người Trung Quốc thấy Kitô giáo đầy lôi cuốn, bởi đến bây giờ, khi niềm tin vào chủ nghĩa Marx đã suy tàn, thì Kitô giáo đem lại một hệ thống đạo đức trọn vẹn với một cội nguồn siêu việt. Bà thêm rằng, trong một thời đại thay đổi hỗn loạn, người ta tìm kiếm những sự vững vàng như thế.
Một vài người Trung Quốc cũng thấy trong Kitô giáo có các cội rễ của sức mạnh Tây phương. Họ xem Kitô giáo là nguồn lực phía sau sự phát triển công bằng xã hội, xã hội dân sự, và vai trò luật pháp, tất cả những gì họ hi vọng sẽ có ở Trung Quốc. Nhiều NGO mới xuất hiện ở Trung Quốc, được điều hành bởi các Kitô hữu hay Phật tử. Và con số tiến sỹ và hàn lâm học sỹ Kitô hữu cũng tăng mạnh. Hơn 2000 trường Kitô giáo rải rác khắp Trung Quốc, và nhiều trong số đó chỉ nhỏ mà thôi, và tất nhiên là tất cả đều bất hợp pháp.
Một nhà vận động quyền dân sự nói rằng, trong số 50 luật sư quyền dân sự kỳ cựu nhất ở Trung Quốc, có đến phân nửa là Kitô hữu. Một số họ đã lập lên Hiệp hội Trạng sư Nhân quyền vì Kitô hữu Trung Quốc. Các nhóm luật sư Kitô giáo thành thị có mức phí cao, đã chung tay với nhau bảo vệ các Kitô hữu và những người khác trước tòa. Các nhà truyền giáo đã bắt đầu lên đường từ Trung Quốc đến với các nước đang phát triển.
Các lợi ích không ngờ
Các nhà chức trách phản ứng với việc này theo nhiều cách khác nhau. Ở những nơi như Ôn Châu, họ đã đàn áp thẳng tay. Việc thi hành chính sách tôn giáo thường được giao cho các quan chức địa phương. Một vài người xem cứng rắn là cách thể hiện lòng trung thành với chính quyền trung ương. Ông Yang của Đại học Purdue nói rằng người ta đồn rằng hành động đàn áp thẳng tay ở Ôn Châu là do lãnh đạo địa phương cố gắng lấy lòng chủ tịch Tập Cận Bình.
China Aid, một nhóm giáo hội ở Hoa Kỳ, nói rằng trong năm ngoái, có hơn 7400 Kitô hữu phải bị bắt bớ ở Trung Quốc. Ngoài ra còn có nhiều hành động kỳ thị khó thấy hơn. Nhưng 7400 người thì chưa đến 0,01% toàn bộ người Kitô hữu Trung Quốc. Ngay cả khi con số này cao hơn, thì trong thế kỷ này, ‘việc bắt bớ rõ ràng không còn là chuẩn hành động nữa,’ dẫn lời của Brent Fulton của ChinaSource, một nhóm Kitô giáo ở Hồng Kông.
Điều này phần nhiều là bởi nhiều quan chức thấy có các lợi điểm khi Kitô giáo phát triển. Một vài doanh nhân giào có ở Ôn Châu đã theo đạo, họ được gọi là ‘Kitô hữu doanh nhân,’ và đã bỏ tiền xây nhiều nhà thờ lớn trong thành phố. Có người tổ chức các buổi hội đêm, nơi các nam nữ doanh nhân trình bày cách tiếp cận ‘kinh thánh’ để kiếm tiền. Người khác lại lập các nhóm khuyến khích nhau kinh doanh trung thực, nộp thuế và giúp đỡ người nghèo. Hiếm có quan chức nào ở Trung Quốc muốn đuổi các nhà đầu tư đi.
Còn ở các vùng khác, các lãnh đạo địa phương, ủng hộ hoặc nhắm mắt cho qua, bởi họ thấy các Kitô hữu là những công dân tốt. Sự tận tụy với phúc lợi cộng đồng của họ giúp củng cố sự ổn định. Trong vài thành phố lớn, chính phủ tài trợ cho xây dựng các nhà thờ ‘Tam tự’ mới. Nhà thờ Chongyi ở Hằng châu, có sức chứa đến 5000 người. Các lãnh đạo của Tam tự bắt đầu trao đổi với các lãnh đạo của giáo hội tại gia, ngược lại các lãnh đạo của giáo hội tại gia không còn xem các giáo hội chính thức hoàn toàn là tay chân của đảng nữa.
Trong những năm gần đây, mối bận tâm của đảng đã không còn là lo lắng về niềm tin tôn giáo của nhân dân, nhưng đổi chiều lo giữ vững sự ổn định và vị thế độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản. Nếu hợp tác với các giáo hội góp phần đạt được các mục tiêu này, thì cứ làm như vậy,cho dù việc này vẫn gây lo ngại rằng nó sẽ khuyến khích một thế lực khác thay thế đảng cầm quyền. Năm 2000, Giang Trạch Dân, tổng bí thư đảng, và cũng có tự tay viết thư pháp cho các chùa Phật giáo ở địa phương mình, đã có phát ngôn chính thức cho rằng cả khi khái niệm về giai cấp và chính quyền biến mất, tôn giáo có lẽ vẫn cứ còn tồn tại.
Và càng ngày đảng càng cần sự hỗ trợ của những người có đạo. Nếu chật vật trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho tốt, thì có các nhóm Kitô hữu và Phật tử sẵn lòng, và có thể, giúp một tay. Từ năm 2003, chính quyền đại lục đã nhờ đến các nhóm tôn giáo ở Hồng Kông để lập các NGO làm việc từ thiện. Trong một thời đại theo chủ nghĩa khoái lạc và tham nhũng, chủ nghĩa tích cực quên mình đã giúp các giáo hội thêm thanh thế, hơn nữa, việc này cũng đã thuyết phục chính quyền rằng người Kitô hữu không nhắm lật đổ họ. Với giáo hội Công giáo, mọi chuyện phức tạp hơn, bởi các quan chức chính phủ vẫn xem mối liên hệ với Roma là dấu hiệu phản bội.
Bà Wielander nói rằng bà không tin con số Kitô hữu sẽ tiếp tục phản triển đều đặn 10% mỗi năm. Nhưng bà nhìn nhận rằng hiện nay đảng đang chú ý hơn đến lòng đạo đang ngày càng tăng của thường dân Trung Quốc. Vậy nên, ở nhiều vùng, đảng đang thay đổi thái độ và cách tuyên truyền (trong khi vẫn gây áp lực dữ dội lên các Phật tử Tây Tạng và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, khi niềm tin tôn giáo của họ được xem là mối đe dọa với sự nguyên vẹn quốc gia). Tại Bắc Kinh, hồi tháng 5 năm ngoái, chủ tịch Tập đã tiếp người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, lãnh đạo giáo hội nước ngoài đầu tiên có dịp gặp tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc.
Bây giờ là thời của tất cả những người thiện chí …
Hồi năm 2001, khi Đảng Cộng sản cho phép các chủ doanh nghiệp gia nhập đảng, nhiều người cho rằng cũng nên cho phép những người có tôn giáo được gia nhập đảng như vậy. Pan Yue, một quan chức có tinh thần cải cách, đã viết một bài báo với tựa đề đánh động, ‘Quan điểm tôn giáo về Đảng Cộng sản phải đi cùng thời đại.’ Một điểm tác động là việc Đảng Cộng sản Việt Nam, vào năm 1990, đã cho những người có tôn giáo gia nhập đảng. Vận động này diễn ra nhẹ nhàng, và có lẽ đã giúp ổn định Việt Nam sau thời kỳ trước đầy biến động. Nhưng ở Trung Quốc, ý tưởng của ông Pan đã bị bác bỏ.
Một bài báo Trung Quốc hồi năm 2004, cho rằng khoảng 3 đến 4 triệu đảng viên đã trở thành Kitô hữu. Dù thế, đảng vẫn lưỡng lự nhiều về việc chính thức chấp nhận họ. Các cuộc biểu tình đòi dân chủ mới đây ở Hồng Kông, có lẽ đã khiến đảng thêm sợ, bởi một số nhân vật chính của phong trào này là Kitô hữu. Chế độ lo lắng rằng sự phát triển của các giáo hội tại gia sẽ tạo điều kiện cho các phái nhại theo Kitô giáo, sau này có thể trở nên chính trị hóa và rồi là chống cộng. Có căn cứ lịch sử để đảng sợ các phái như thế. Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc hồi thế kỷ XIX, được dẫn dắt bởi một người tự nhận mình là anh em Chúa Giêsu. Cuộc nổi dậy này đã bị dập tắt với thiệt hại nhân mạng đến 20 triệu người.
Nhưng một vài quan chức chính phủ đang ngày càng thẳng tay thanh trừng hơn. Điều này thể hiện rõ ràng ở Bắc Kinh, khi vào năm 2005, hai giáo hội tại gia lớn đã bắt đầu thuê địa điểm để phụng vụ thánh lễ chúa nhật. Giáo đoàn lớn nhất, Shouwang, được lãnh đạo bởi Jin Tianming, tốt nghiệp trường Đại học danh tiếng Tsinghua ở Bắc Kinh. Giáo đoàn này đã quy tụ được nhiều thành phần trí thức ở đại học. Nhiều ngày chúa nhật, số người tham dự phụng vụ lên đến 1000 người. Các giáo dân có thể tải bài giảng từ trang mạng của giáo hội. Ông Jin nổi tiếng là người âm thầm đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ông đã cố đăng ký giáo hội Shouwang thành một cộng đoàn hợp pháp nhưng độc lập, không chịu sự kiểm soát của giáo hội chính thức, nhưng đề nghị này đã bị bác đi. Năm 2009, ngay trước khi tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama đến Trung Quốc, chính quyền đã buộc chủ tòa nhà chấm dứt hợp đồng cho thuê với giáo đoàn Shouwang. Ông Jin đưa giáo đoàn đến hội ở công viên gần đó, cử hành phụng dưới mưa tuyết. Ông và các lão thành giáo đoàn bị quản thúc tại gia, và nhiều giáo dân bị bắt giữ. Họ đã vượt qua lằn ranh đỏ chính trị.
Phía bên kia Bắc Kinh, lại là một câu chuyện khác. Trong một tòa nhà văn phòng cách đó ba con đường, một cộng đoàn không đăng ký khác, giáo đoàn Sion, cũng gặp chuyện tương tự, mục sư của giáo đoàn, Jin Mingrri, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Như giáo đoàn Shouwang, Zion cũng thuê nguyên một tầng, gồm cả một hiệu sách và quán càphê có cấp thẻ thành viên. Sảnh chính chứa được 400 người. Trông nó hệt như một giáo đoàn vùng ngoại ô Hoa Kỳ vậy. Các mục sư của Zion cũng giảng các bài giảng phúc âm hóa không nhân nhượng, nhưng giáo đoàn vẫn được mở cửa, bởi biết để ý hơn về các vấn đề nhạy cảm.
Mục sư của cả hai giáo đoàn này (và cả lãnh đạo của giáo hội tại gia lớn nhất Thượng Hải trước khi bị đóng cửa vào năm 2010) đều là thành viên trong cộng đồng thiểu số người Hàn với khoảng 2 đến 3 triệu dân, những người xem sự Kitô hóa của Nam Hàn là hình mẫu để Trung Quốc noi theo. Cả hai mục sư đều có tham gia các cuộc biểu tình Thiên An Môn hồi năm 1989, sự sụp đổ đập tan mộng tưởng với đảng cộng sản và tiếp đó là con đường tâm linh dẫn họ đến trở lại đạo. Nhưng cho đến nay, các quan chức chính phủ ở Bắc Kinh, thấy họ có thể sống chung với ít nhất một trong số các mục sư này.
Tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Liu Peng, đang cố giúp đỡ tiến trình này. Ông Liu đề nghị một đường lối ôn hòa để xoa dịu tình trạng khó xử của cộng đoàn Shouwang. Trong văn phòng của ông Liu, có chứng nhận ghi rằng cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã hành động theo lời khuyên của ông. Và với tiêu chuấn thanh trừng những người bất đồng chính kiến, thì hành động của chính quyền đối với giáo đoàn Shouwang vẫn còn nhẹ.
Ông Liu, cũng là một Kitô hữu, đã tự khởi xướng soạn thảo một văn bản mà ông hi vọng sẽ trở thành luật tôn giáo đầu tiên ở đất nước này. Hiện nay, tôn giáo chỉ được điều hành bởi các quy định hành chính, và một luật như ông muốn sẽ khiến các quan chức chính phủ khó mà thực hiện các cuộc thanh trừng tùy ý hơn. Ông Liu nói rằng đảng nên cho các đảng viên được có tôn giáo, bởi một thời kỳ khoan nhượng sẽ có lợi cho cả đảng và các giáo hội. Nên có một ‘thị trường tôn giáo tự do.’ Nhưng, ông cũng thừa nhận rằng, việc này, cũng như bộ luật ông đang theo đuổi, còn lâu mới thành sự.
Táo bạo hơn nữa
Trong lúc đó, các hành động bất chấp ngày càng tăng cao. Một viên chức bậc trung trong một thành phố lớn vừa mới cho biết cô giữ đức tin Kitô giáo, cả văn phòng đều biết chuyện này, và như thế là không phù hợp với vai trò đảng viên, nên cô bị buộc phải bỏ đạo. Cô đã nhã nhặn báo với cấp trên là cô không thể làm thế, và sự tự do tín ngưỡng của cô được bảo vệ bởi hiến pháp Trung Quốc. Cô đã không bị sa thải, nhưng bị gởi đến trường chính trị để chỉnh đốn. Bây giờ, cô đã trở lại làm việc, và cho biết các đồng nghiệp thường đến nhờ cô cầu nguyện.
Các Kitô hữu cũng đang ngày càng tận tụy dấn thân với xã hội. Wang Yi là một cựu giáo sư luật và một blogger có tiếng, đã trở thành Kitô hữu hồi năm 2005. Một năm sau, ông là một trong 3 Kitô hữu giáo hội tại gia đến gặp tổng thống George W. Bush tại Nhà trắng Ông Wang bây giờ đang là mục sư tại Early Rain, một giáo hội tại gia ở thành phố miền tây nam Thành Đô. Ngày 01 tháng 6 năm nay, ngày Quốc tế thiếu nhi, ông và các thành viên giáo đoàn đã bị bắt giữ vì phân phát truyền đơn chống chính sách một con của Trung Quốc và cả nạn phá thai từ đó mà ra.
Năm 2013, một nhóm trí thức Trung Quốc đã triệu tập một hội nghị ở Oxford, lần đầu tiên quy tụ các tư tưởng gia từ phái Tân Tả, những người muốn giữ lại một vài phần quân bình của chủ nghĩa Mao, cho đến phái Tân Khổng giáo, muốn đẩy mạnh suy tư triết học truyền thống của Trung Quốc, và phái Tân Tự do, chủ trương kinh tế kinh điển và tự do chính trị. Đây là lần đầu tiên, các trí thức Kitô giáo cũng tham dự. Họ đã chung tay soạn một văn bản, gọi là Đồng thuận Oxford, nhấn mạnh rằng trung tâm điểm của quốc gia Trung Quốc là nhân dân chứ không phải chính quyền, văn hóa phải đa dạng, và Trung Quốc phải luôn hành xử hòa bình với các nước khác. Văn bản này không mang tính Kitô giáo công khai, nhưng điều đáng chú ý là các trí thức Kitô giáo đã góp phần trong đó. Bản tóm tắt hội nghị đã được đăng trên tờ Southern People, một tờ báo có ảnh hưởng, và hầu hết các tham dự viên hội nghị này tiếp tục sống tự do, dù có bị theo dõi, ở Trung Quốc.
Nhưng tất cả điều biết một nghịch lý là, nếu tự do tôn giáo được thực hiện, thì có thể gây hại cho giáo hội Kitô giáo theo hai cách: Giáo hội có thể trở nên cơ chế hơn, nhiều tài sản hơn và từ đó nảy sinh tham ô, như từng xảy ra ở Roma thời Trung cổ, và cũng đã xảy ra chút ít ở trong các giáo đoàn của những doanh nhân ở Ôn Châu. Thứ hai, là giáo hội, đã được củng cố trong thời gian dài khi bị đàn áp, có thể trở thành một phần nhạt nhòa của xã hội nhân nhượng. Như một lão thành của một giáo hội tại gia ở Bắc Kinh, từ sự xói mòn đức tin Kitô giáo ở châu Âu phương Tây, đã cho tuyên bố rằng: ‘Nếu chúng ta có tự do tôn giáo hoàn toàn, thì giáo hội chấm hết.’
(J.B. Thái Hòa, phanxico.vn 25.11.2016/
chuyển dịch từ The Economist)