Linh mục Ernest Simoni, hồng y máu đào
Trong một quyết định hiếm có, ngày 19 tháng 11-2016, Đức Giáo hoàng tấn phong một hồng y ngoại hạng, ngài 88 tuổi, người chịu gian khổ trong vòng ba mươi năm trời dưới chế độ cộng sản tàn bạo ở Albania, nhưng cha vẫn là một tông đồ luôn không mệt mỏi của tinh thần giải hòa và của lòng tha thứ.
Đây là một hồng y được chứng thực với nhãn hiệu “Đức Phanxicô”. Một hồng y không có địa chỉ cố định, không có lịch làm việc, một hồng y hiếm có trong Giáo hội công giáo. Đã 88 tuổi, đôi mắt còn trong, gương mặt hằn vết khắc khổ của người dân miền núi Albania. Linh mục Ernest Simoni sẽ mặc phẩm phục hồng tía trong hội nghị hồng y sáng thứ bảy 19-11 mà không qua giai đoạn làm “giám mục”. Một sự kiện rất hiếm.
Để gặp người đã thoát chuyện kinh hoàng, đã ngồi tù trong chế độ cộng sản thì dù có hai số điện thoại tiếng Albania và tiếng Ý để liên lạc với giám mục của cha cũng không đủ. Phải giao cho Chúa Quan phòng giải quyết, không hẹn trước, phải lên máy bay ngày thứ bảy đến thủ đô Tirana và phải đến Shkodë, thành phố miền Bắc nơi tập trung cộng đoàn công giáo Albania thiểu số.
Rồi chiều chúa nhật, sau khi đi lễ kính các thánh tử đạo xong, phải vào phòng thánh xin hẹn, tại đây mọi người đổ xô đến để chụp hình với tân hồng y. Dù mệt mỏi, cha cũng nói với tôi “ngày mai ông đến khoảng năm giờ chiều”. Nhưng đến đâu? Bí mật… Cơn xoáy đã mang cha Ernest đi. Và không một ai, ngay cả giám mục của cha cũng không biết cha ở đâu khi cha đến Shkodë, giữa những lần cha đi thăm các cộng đoàn Albania ở Ý, ở Đức và ở Bắc Mỹ.
“Tu sĩ Phan Sinh” trong vòng tay của Đức Giáo hoàng
Dò tìm ngoài đường, nơi mọi người ai cũng biết ai rồi cũng tìm được nơi cha ở, dưới cơn mưa tầm tã trong một khu phố có những căn nhà thấp. Nhà của “bác sĩ Simoni”, người em út của cha Ernest, bác sĩ di dân qua Turin, căn nhà không có tiện nghi bao nhiêu so với chức vụ ghi ở thùng thư.
Người cháu của cha đến từ Ý ra mở cửa. Bác của anh đứng chờ ở cửa, gần một cái bàn lớn chưng các bức tượng thờ phượng nhỏ. Đây là “văn phòng làm việc” vừa có máy giặt, máy sưởi mà hồng y Simoni tiếp khách của ngài. Từ người thấp nhỏ nhất đến người cao cấp nhất.
Hồng y ư? Khi cha Ernest nghe tin, cha nghĩ mình nghe lầm. Dù vậy, hai năm trước đó, Đức Phanxicô đã không lầm khi ngài ôm hôn cha, dưới tràng pháo tay, trong làn nước mắt của cử tọa, người “tu sĩ Phan Sinh” bị lên án tử hình hai lần bởi một trong các chế độ độc tài khủng khiếp nhất của thế kỷ 20.
Chính trong chuyến đi Albania, một nước nhỏ ở vùng “ngoại vi” Âu châu, nơi Đức Giáo hoàng biết có tấm gương sống chung hòa bình giữa các tín hữu kitô thiểu số – Công giáo ở miền Bắc và Chính thống giáo ở miền Nam – với các tín hữu Hồi giáo từ thời đế quốc Thổ. Linh mục Ernest vẫn chưa hoàn hồn. “Tôi xấu hổ, ông biết đó… Đức Thánh Cha muốn ôm tôi trong vòng tay ngài. Tôi đi lui nhưng ngài nhanh hơn tôi, ngài chụp được tôi và ngài ôm tôi thật lâu. Đức Thánh Cha mạnh hơn tôi!”
Cha là người miền núi, nên những chữ này mang sức nặng của nó. ‘Đầu hàng’ trong vòng tay của Đức Giáo hoàng chắc chắn là việc đầu hàng duy nhất mà linh mục lớn tuổi này chịu đầu hàng. Cha sinh năm 1928 trong một gia đình nghèo phải về thành phố để mưu sinh, cha Ernest Simoni vào Dòng Phan Sinh rất sớm. Năm 1948, sự kinh hoàng lên tột độ, tất cả các tu sĩ đều bị xử bắn, các chủng sinh bị trục xuất, nhà dòng bị biến thành nơi tra tấn.
Được chế độ xem là người “còn dùng được”, cha Ernest được gởi đến vùng núi để dạy học. Albania lúc đó trải qua một đêm den tối dài đằng đẳng. Bốn mươi năm dài, trong suốt những năm này, cha Ernest vẫn mở hai mắt to.
Gần các người dân xa xuôi hẽo lánh cô lập, họ luôn thoát được sự kiểm soát của Tirana, “thầy giáo trẻ” đã làm công việc của một nhà truyền giáo. Dù bị áp lực của nghĩa vụ quân sự, cha lén lút học xong thần học và chịu chức ở Shkodër năm 1956.
Khi đó sự trấn áp bắt đầu qua các linh mục và các nhà trí thức công giáo, nhưng cũng cả người hồi giáo cũng bị. Bằng chứng vẫn còn qua các tranh trên tường – các bức vẽ ở các nhà thờ, các nguyện đường hồi giáo – vẫn còn thấy rõ trong các căn phòng giam hung ác “Sigurimi” là sở mật vu, tòa nhà bây giờ là nhà tu của các nữ tu Dòng Clara. Vì vâng lời giám mục, cha Ernest không tù Dòng Phan Sinh mà qua tu triều.
“Tôi đi xuống hầm mỏ như một lực sĩ lên võ đài”
Ý chí cương quyết đương đầu với chế độ độc tài của cha thật sự bắt đầu vào năm 1963. Năm đó vào buổi chiều lễ Giáng Sinh, cha bị bắt và bị giam biệt cấm. Tội của cha? Cha nhấn mạnh: “Đã cử hành ba thánh lễ cầu nguyện cho Tổng thống Kennedy vài ngày sau khi ông bị ám sát. Đó là một người công giáo…”
Trước hết là bị lên án tử hình, sau đó linh mục trẻ bị hai mươi lăm năm lao động khổ sai. Chính ở tận đáy mỏ crôm ở Spaçi, một trại tập trung của chế độ, mà cha dôc hết sức lực thể xác và tinh thần của mình để đối phó.
“Cha xuống hầm mỏ như một lực sĩ lên võ đài, sẵn sàng hứng hết mọi cú đấm, cha lặp lui lặp tới lời của Chúa Giêsu: các con đừng sợ! Cha lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Một vài người nghĩ cha điên khi thấy cha nói lẩm bẩm một mình.”
Đó là chìa khóa cho sự chịu đựng của cha. Chìa khóa mà bây giờ cha Ernest vẫn dùng trong tất cả các bài giảng của cha, cho những người đến gặp cha, cho các người trẻ Albania đang đi tìm điểm mốc. “Các con hãy cầu nguyện, cầu nguyện không ngừng. Đó là điều Chúa Giêsu xin chúng ta ở vườn Giếtsêmani. Bởi vì chỉ có tình yêu mới cao cả và mới tiếp tục lan tỏa trên thế giới. Tất cả những chuyện khác sẽ bị xóa dưới một xẻng đất.”
Đức tin của các hầm mộ hài cốt
Với năm tháng, cha Ernest trở thành cha thiêng liêng của nhiều tù nhân. Khi cha thấy có những điều kiện thuận lợi, cha đã dám liều dâng thánh lễ cho họ. “Ngay cả người Hồi giáo cũng tham dự thánh lễ vì họ cảm nghiệm có sự hiện diện của Chúa trong giây phút này.”
Năm 1973, cha bị kết tội oan về một âm mưu phản kháng, cha lại bị lên án tử hình. Lần này cha thoát nhờ các tù nhân làm chứng cho cha. Cuối cùng cha được thả ra năm 1981, nhưng cha vẫn bị xem là “kẻ thù của dân tộc”. Bằng chứng là cha bị bắt làm việc trong các ống cống ở Shkodër cho đến khi chế độ sụp đổ năm 1991.
Chứng nhân không mệt mỏi cho đức tin của các hầm mộ hài cốt, ngày 5 tháng 11 vừa qua là lễ phong chân phước cho 38 vị tử đạo Albania ở thánh đường Shkodër, cựu tử tù không thích phô trương. Một nữ ký giả của đài truyền hình Ý đã phải trả giá cho việc này, chương trình nhắc đến các vụ tra tấn mà chính cha không muốn nhắc đến. “Chúa ở đâu trong những giây phút này, thưa cha Ernest?” “Vậy bà nghĩ Chúa ở đâu khi chính Con Thiên Chúa bị đóng đinh trên thập giá?”, cha đơn giản trả lời, tạo một sự thinh lặng khó chịu trên sàn quay.
Tông đồ không mệt mỏi
Trời vẫn còn mưa nặng hạt ở Shkodër. Cha Ernest đi một lát rồi trở lại, mỗi tay cha cầm một ly sinh tố. “Cha ăn toàn rau cỏ trong trại lao động nên bây giờ cha quen với những thức ăn dở ẹt!”, cháu của cha vừa nói vừa cười, anh có một tiệm ăn ở Florence. “Cha 88 tuổi rồi, cha uống cái gì cha thích chứ! Lại thêm nó có nhiều chất bổ… Ông có muốn uống không?”
Năng lực, người tôi tớ phục vụ luôn cần. Mỗi ngày cha dậy từ sáng sớm, cha đi bộ, cha dâng thánh lễ, cha ngồi tòa, cha thăm người bệnh, cha làm phép nhà, cha làm tang lễ, bất cứ ai cần, bất cứ ỏ đâu có cha. Buổi chiều là giờ cầu nguyện qua điện thoại với các cộng đoàn Albania ở Berlin, ở Luân Đôn, ở New York… Không kể đến các buổi trừ quỷ viễn liên. Từ khi chế độ cộng sản sụp đổ, cha giúp cho khoảng sáu mươi gia đình miền núi giải hòa, họ bị kẹt trong các vụ thanh toán trả thù đẫm máu.
Sau hội nghị hồng y ngày 19 tháng 11, ngày 21 tháng 11 tân hồng y sẽ dâng thánh lễ ở nhà thờ dành cho người Albania ở Rôma, nhà thờ này được Đức Gioan-Phaolô II tặng cho cộng đoàn Albania. Người Albania sẽ đến rất đông, hàng ngàn người từ khắp nơi đến, bằng xe buýt, bằng máy bay. Cháu của cha vừa cười vừa nói, “như một trận đá banh!”
Rồi linh mục-hồng y sẽ như trước, sẽ cất áo hồng y vào tủ, áo này do Tổng Giám mục địa phận Florence tặng cha. Đỏ như máu các thánh tử đạo.
“Trọng kính cha, cha đã tha cho các người làm hại cha?” Linh mục Ernest nhẹ gập mình cúi xuống đàng trước, như thử thố lộ một chuyện bí mật. Ánh mắt của cha vẫn còn sáng. “Ngay từ giây phút đầu tiên…”
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 18.11.2016/
la-croix.com, Samuel Lieven (Shkodër, Albania), 2016-11-18)