Thánh lễ đầu tiên ở Qaraqosh, thành phố được giải phóng
Qaraqosh là thành phố biểu tượng của các tín hữu kitô ở Irak
Chúa nhật 30 tháng 10, lần đầu tiên kể từ khi thành phố Qaraqosh bị nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chiếm, Đức Giám mục Petros Mouche, giám mục Syria công giáo ở Qaraqosh, đã trở về thành phố của mình. Ngài đã dâng thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Al Taheera.
Ngài đã quỳ rất lâu ở thềm nhà thờ chính tòa Al Taheera (Vô Nhiễm), ngài hôn đất đầy cả tro và gạch nát. Một tuần sau khi binh đoàn 9 của quân đội Irak giải phóng thành phố Qaraqosh, thành phố kitô hữu lớn nhất của Irak, Đức Giám mục Petros Mouche trở về thành phố của mình để dâng thánh lễ.
Chúa nhật 30 tháng 10, lần đầu tiên kể từ khi thành phố Qaraqosh bị nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chiếm, Đức Giám mục Petros Mouche, giám mục Syria công giáo ở Qaraqosh, đã trở về thành phố của mình. Ngài đã dâng thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Al Taheera.
Tiếng súng đại bác vẫn còn liên tục vang lên. Các cuộc chiến đấu chống các người khủng bố hồi giáo của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng vẫn còn tiếp diễn ở làng Minara chỉ cách thành phố Qaraqosh năm cây số. Các tiếng súng bắn và các tiếng nổ vẫn còn lác đác nghe ở một vài khu vực trong thành phố. Bên trong nhà thờ chính tòa hoàn toàn bị thiêu rụi, tro bụi và bồ hóng phủ từ đất lên đến trần, một bàn thờ tạm thời được đặt: một bàn gỗ được dựng trên các cục đá lớn tìm được trong đống gạch vụn, một khăn lễ, chín ngọn nến nhỏ và một cây thánh giá đơn sơ. Đức Giám mục đã đi một vòng nhà thờ để xông hương và rảy nước thánh, nước thánh được đem về từ Lộ Đức, để thanh tẩy nơi đã bị đánh phá.
Thánh lễ cuối cùng được dâng ở nhà thờ này là vào chiều 6 tháng 8-2014, ngày lễ Hiển Linh. "Khi chúng tôi sửa sang lại nhà thờ, chúng tôi sẽ dâng một thánh lễ dâng hiến", Đức Giám mục Petros Mouche cho biết. Các bài hát bằng tiếng Syria vang lên giữa nhà thờ đang còn hỗn độn. Các binh sĩ đi đi lại lại, họ đứng xem lễ. Trong bài giảng rất ngắn về đoạn tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô, Đức Giám mục nhấn mạnh đến hai điểm: sự quan trọng trong việc tin vào ơn của Chúa và sự hợp nhất giữa các tín hữu kitô. Một sứ điệp bị che mờ đối với các tín hữu kitô của các binh đoàn khác nhau, họ đã tranh cãi về quyền bảo vệ an ninh cho thành phố Qaraqosh sau khi thành phố được giải phóng khỏi tay Nhà nước Hồi giáo Tự xưng.
Ngôi nhà thờ này là một biểu tượng thật sự đối với chúng tôi, nếu nó bị phá hủy thì chúng tôi
không biết chúng tôi có đủ sức mạnh để trở về không.
Một tia nắng lọt qua các kiếng nhà thờ đã bị vỡ và đen thui. Kinh Tin Kính bằng tiếng Ả Rập vang lên trong lúc này mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Các tên khủng bố hồi giáo nghĩ rằng họ có thể xóa sự hiện diện của kitô giáo có hàng trăm năm ở đây bằng cách phá hủy thánh giá, bằng cách phá bỏ hàng loạt các ảnh tượng, bằng cách đốt cháy các nhà thờ. Trong nhà thờ vẫn còn chiếc thang bị cháy thành than mà họ dùng để hạ một cây thánh giá ở trên cao. Thánh lễ hôm nay, sau hai năm thành phố bị chiếm đã chứng tỏ cho họ thấy, họ đã lầm. Đức Giám mục Petros Mouche giải thích: "Sự hiện diện của tôi hôm nay ở đây là dấu hiệu khuyến khích cho tất cả các kitô hữu của thành phố này đã ở xa nhà họ từ hai năm nay. Khi đến đây, tôi muốn nói với họ là một ngày nào đó, họ sẽ có thể về lại đây…" Ngài cho biết, dù bị cháy nhưng nhà thờ vẫn còn đứng vững. "Ngôi nhà thờ này là một biểu tượng thật sự đối với chúng tôi, nếu nó bị phá hủy thì chúng tôi không biết có đủ sức mạnh để trở về không."
Sau thánh lễ, giám mục và các linh mục đi theo ngài đều muốn đi xem một vòng Qaraqosh. Họ muốn ước lượng tầm thiệt hại của thành phố. Tất cả ở đây đều nhắc lại kỷ niệm. "Vào đây xem phòng tôi!" linh mục Abouna Nehad nói, cha là một trong các linh mục sống ở nhà xứ bên cạnh nhà thờ chính tòa Al-Taheera. Để lên tầng trên phải bước qua gạch vụn, phải chú ý đến các sợi dây trên trần nhà. Nhà thờ bị phá một cách có hệ thống. Còn nghe mùi khét. Như tất cả mọi nơi, không một cây thánh giá nào còn nguyên, cho đến các tràng chuỗi trang hoàng cho hàng chục gác chuông nhà thờ của thành phố cũng bị phá. Linh mục Nehad lượm một thánh giá bằng sắt bị gãy làm đôi. Cha nói: "Họ sợ thánh giá!".
Có người mang đến cho giám mục chiếc gậy giám mục bị cháy và một vài áo lễ.
Ngài cười và đội mũ miện vừa tìm lại của mình.
Một nơi xa hơn, ở trung tâm Thánh Phaolô, nơi có các lớp giáo lý và các buổi hội thảo đang lao xao. Hai giờ trước đây, hai phụ nữ lớn tuổi ở Qaraqosh được tìm thấy lành mạnh trong một căn nhà của thành phố. Họ ở hai năm với những người của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng. Các binh lính ôm các bà sống sót phép lạ này.
Chuyến thăm thành phố hoang vắng và bị tàn phá tiếp tục, chúng tôi đến nhà thờ Mar Behnam và Sarah, nơi đây gác chuông bị giật mìn. Đức Giám mục đến thăm một chủng viện ở khu phố mà hôm qua còn chưa vào được vì có những người bắn tỉa núp đàng xa. Nơi đây là nơi ngài sống từ khi nhận chức giám mục năm 2011, trụ sở chính của ngài ở Mossoul quá nguy hiểm. Sân cỏ bên trong cơ sở đen cháy vì lửa. Suối nước bị hủy, thư viện thành than, phòng các linh mục và chủng sinh bị phá. Đức Giám mục Petros Mouche về văn phòng mình, tất cả sách vở vẫn còn nhưng vật dụng cá nhân, hình ảnh đều bị đốt cháy. Trong phòng ngài, áo quần vẫn còn trong tủ áo. Có người mang đến cho giám mục chiếc gậy giám mục bị cháy và một vài áo lễ. Ngài cười và đội mũ miện vừa tìm lại của mình.
Đi một vòng đến các nhà thờ Mar Yohana và nhà thờ Mar Yacoub mang lại một chút hy vọng. Như các nơi khác, các tượng và thánh giá đều bị hư hại, nhưng tòa nhà còn nguyên. Các tên khủng bố đã chất các băng ghế ra thành hai đống, nhưng rõ ràng chúng không có thì giờ để đốt…
Ra về, Đức Giám mục Petros Mouche cho biết: "Phải cần hàng tháng để xây dựng lại nhưng nhất là phải hủy mìn để không bị tai nạn". Khi rời thành phố, chúng tôi nghĩ người dân ở đây phải cần rất nhiều can đảm để trở lại thành phố chết chóc này, để viết một trang sử mới cho tín hữu kitô ở đồng bằng sông Nivine này.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 31.10.2016/
lavie.fr, Laurence Desjoyaux, Qaraqosh, 2016-10-31)