Linh mục Mông Cổ đầu tiên nói về sứ mạng của mình
Đạo Công giáo có lịch sử đầy sóng gió ở Mông Cổ nhưng Cha Enkh Baatar muốn thay đổi điều đó
Đó là giây phút lịch sử cho Giáo hội Công giáo Mông Cổ khi linh mục người bản xứ đầu tiên thụ phong linh mục hôm 28-8. Cha Joseph Enkh Baatar, 29 tuổi, có thể là linh mục người địa phương đầu tiên chịu chức trong cả thiên nên kỷ.
Vị tân linh mục chịu chức tại nhà thờ Chính tòa Thánh Phêrô và Phaolô tại thủ đô Ulaanbaatar. Có khoảng 1.500 người tham dự buổi lễ do Đức cha Wenceslao Padilla, Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, chủ sự.
“Tôi hy vọng Cha Enkh sẽ là một người Samaria Nhân lành cho người dân Mông Cổ”- Đức cha Lazzaro You Heung-sik của giáo phận Daejeon ở Hàn Quốc, nơi Cha Enkh thụ huấn làm linh mục, cho biết.
Mông Cổ có khoảng 1.200 người Công giáo. Sự hiện diện của Giáo hội Công giáo tại Mông Cổ vẫn còn nhỏ bé, chỉ chiếm 0,04% trong tổng số dân là 2,7 triệu người. Có tới 17 trong số 21 tỉnh không có sự hiện diện của Giáo hội.
Nhưng vị linh mục trẻ không hề nao núng. “Chúa Giêsu nói rằng lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Nếu bạn hết lòng phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài, thì cho dù bạn có mang quốc tịch hay thuộc dòng tu nào cũng chẳng nghĩa lý gì. Bạn phải giúp ích nhiều cho công việc truyền giáo không chỉ cho Mông Cổ nhưng cho toàn thế giới”, ngài nói.
Cha Enkh cho biết ngài “hạnh phúc và vinh dự” được thụ phong linh mục nhưng ý kiến cho rằng ngài là linh mục Mông Cổ đầu tiên trong một thiên niên kỷ là cường điệu.
“Thực sự là các nhà thừa sai đầu tiên đến Đế Quốc Mông Cổ là những người Nestorians (một nhánh Kitô giáo xưa) ở thế kỷ thứ 7 và họ đã giúp nhiều bộ lạc theo đạo”, ngài giải thích. “Các thừa sai Công giáo đầu tiên đến đây hồi thế kỷ 13 dưới thời Nhà Nguyên và một số tài liệu lịch sử nói rằng có khoảng 30.000 người Công giáo lúc đó vì thế có thể đã có nhiều giáo sĩ … vì thế tôi không tự nhận mình là linh mục bản xứ đầu tiên”.
Sự sụp đổ của Nhà Nguyên, cùng với sự nổi dậy của Nhà Minh ở Trung Quốc đã xóa bỏ đạo Công giáo ở Mông cổ trong nhiều thế kỷ. “Có nhiều lý do cho thấy tại sao có một khoảng cách lớn như thế giữa việc loan báo Tin Mừng thời kỳ đầu ở Mông Cổ và sự khởi đầu mới mẻ của Giáo hội ngày nay”, Cha Enkh cho biết.
“Sự nổi dậy của người Hồi giáo ở Trung Đông đã cản trở các thừa sai bởi vì Mông Cổ là một quốc gia ở giữa đất liền và lúc đó từ thế kỷ 16, Phật giáo Tây Tạng du nhập vào và cuối cùng trở thành quốc giáo. Rồi Mông Cổ trở thành một quốc gia cộng sản năm 1924 và Giáo hội Công giáo đã ngưng công việc truyền giáo ít ỏi vốn đang diễn ra ở thời điểm đó. Chỉ sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ mới có ba nhà thừa sai đầu tiên đến Mông Cổ năm 1992”, ngài kể.
Sau nhiều năm chế độ cộng sản đàn áp niềm tin tôn giáo, các thừa sai mới đến phải bắt đầu lại từ đầu. Trước hết họ cố gắng giúp người dân chống lại nghèo đói.
Các linh mục thừa sai bắt đầu bằng cách yểm trợ một nhà nuôi trẻ mồ côi sắp phá sản, dạy ngoại ngữ cho sinh viên và thiết lập các chương trình giải quyết nạn nghiện rượu tràn lan. Còn về truyền giáo, có một kế hoạch đào giếng nước cho động vật của các bộ tộc du mục uống, tiếp xúc các mục đồng khi họ đưa gia súc tới uống nước, theo báo Catholic Herald.
“Giáo hội Công giáo ở Mông Cổ chỉ mới được 24 năm tuổi và sẽ mừng kỷ niệm 25 năm vào năm tới”, vị tân linh mục cho biết. “Thật sự phải có thời gian và cố gắng để truyền giáo bởi Mông Cổ đã cắm rễ sâu vào Tengerism (một tôn giáo dùng phù phép, ảo thuật đưa con người vào trạng thái hôn mê để giao tiếp với thần linh) và Phật giáo. Người dân vẫn còn xem Kitô giáo là tôn giáo ngoại lai và thậm chí là mối nguy cho văn hóa của họ”.
Trước khi chịu chức linh mục, Cha Enkh lấy bằng đại học về kỹ thuật sinh học tại Đại học Quốc tế Mông Cổ. Cha mẹ ngài, sau khi đã an tâm là ngài đã tốt nghiệp đại học, liền cho phép ngài nhập Chủng viện Daejon ở Hàn Quốc và ngài học ở đó 8 năm.
“Chúng tôi cần nhiều linh mục Mông Cổ hơn nữa bởi vì các ngài sẽ biết cách áp dụng tốt hơn các giáo huấn của Đức Kitô và Giáo hội vào trong đất nước chúng tôi”, ngài nói sau lễ phong chức. “Chỉ đến khi đó người Mông Cổ sẽ hiểu được rằng đạo Công giáo không chỉ là một tôn giáo ngoại lai mà là một điều gì đó gần gũi với truyền thống, văn hóa và lối sống của họ”.
(Louis Plantier Vassal từ Ulaanbaatar, Mông Cổ,
UCAN 13.09.2016)