Đức hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh hy vọng mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sẽ được cải thiện

Ngày nay, hơn bao giờ hết, có nhiều hy vọng và mong đợi cho những bước phát triển mới và cơ hội mới cho mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, vì lợi ích không chỉ đối với những người Công giáo tại quê hương của Khổng Tử mà còn đối với toàn thể đất nước vốn tự hào là một trong số những nền văn minh lớn nhất địa cầu.

Đức hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh hy vọng mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sẽ được cải thiện

Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết ngài “hy vọng và mong đợi những bước phát triển mới và những cơ hội mới trong mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc”. Đức hồng y Parolin đã phát biểu như trên tại hội thảo về tác phẩm của Đức hồng y Celso Costantin, diễn ra tại chủng viện giáo phận Pordenone, Italia, hôm thứ Bảy 27-08.

Bài phát biểu của Đức hồng y Quốc vụ khanh – đề cập nhiều đến lịch sử bang giao giữa Trung Hoa và Tòa Thánh – nhấn mạnh về vai trò làm người bắc nhịp cầu của Đức hồng y Celso Costantini. 

Đức hồng y Celso Costantini sinh năm 1876 tại Castions di Zoppola, là công dân danh dự của Pordenone và Aquileia. Ngài được Đức giáo hoàng Piô XI bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh đầu tiên tại Trung Hoa từ 1922 đến 1933. 

Đức hồng y Parolin nói: “Đức hồng y Celso Costantini đã hoàn thành mỹ mãn sứ mạng đặc biệt quan trọng này: ngài đã dựng “chiếc cầu” giữa Tòa Thánh và Trung Hoa, và Đức Thánh Cha, cũng như người dân và chính quyền Trung Quốc, rất lưu tâm đến cầu nối này. 

Nhật ký của Đức hồng y Celso Costantini, nhan đề là Những bí mật của một vị hồng y Tòa Thánh Vatican: Nhật ký của Celso Costantini trong giai đoạn chiến tranh, 1938-1947, được giữ kín đến năm 2010 mới xuất bản, cho biết một số chuyện về việc ngài được bổ nhiệm tại Trung Hoa. 

Trong phần kết luận, Đức hồng y Parolin đã phát biểu như sau: 

“Từ một số suy tư về những sự kiện chung quanh mối liên hệ của Đức hồng y Celso Costantini với “lục địa” Trung Hoa rộng lớn có thể thấy một trong những khả năng độc đáo của ngài là “bắc cầu”, nghĩa là khả năng nhận biết, tôn trọng, gặp gỡ, và đối thoại giữa các thế giới vốn rất cách xa nhau, ít nhất là bề ngoài. 

Ngày nay, hơn bao giờ hết, có nhiều hy vọng và mong đợi cho những bước phát triển mới và cơ hội mới cho mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, vì lợi ích không chỉ đối với những người Công giáo tại quê hương của Khổng Tử mà còn đối với toàn thể đất nước vốn tự hào là một trong số những nền văn minh lớn nhất địa cầu. Tôi có thể quả quyết những mối quan hệ này sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống chung trong trật tự, hòa bình và thịnh vượng của các dân tộc và quốc gia trên thế giới, cũng như của chính chúng ta, vốn đã đổ vỡ vì những căng thẳng và xung đột. Tôi thấy rất cần phải nhấn mạnh: Khôi phục sự hy vọng và tái lập quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc – bao gồm quan hệ ngoại giao, nếu Chúa muốn! – không phải là mục đích tự thân, cũng chẳng phải nhằm đạt đến sự thành công “thế gian”.

Theo đuổi những hy vọng và nỗ lực này – không chút run sợ vì đó là những công việc của Giáo Hội thuộc về Chúa – tôi nhắc lại, theo đuổi vì lợi ích của người Công giáo Trung Hoa, lợi ích của người dân Trung Hoa, và vì sự hòa hợp của toàn xã hội, và mưu cầu hòa bình cho thế giới. 

Đức giáo hoàng Phanxicô, và các vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, thấu hiểu tình cảnh cộng đồng Công giáo tại Trung Quốc phải gánh trên vai những đau khổ, hiểu lầm, vẫn thường lặng lẽ chịu tử đạo: cả một lịch sử nặng nề! Nhưng Đức Thánh Cha cũng biết, cùng với những khó khăn trong ngoài, là cả một niềm ao ước được hiệp thông trọn vẹn với Đấng Kế vị Thánh Phêrô, biết bao tiến bộ và nỗ lực đã được thực hiện, để làm chứng cho lòng mến Chúa yêu người, nhất là yêu người yếu thế và cùng cực, vốn là điểm chung của mọi cộng đoàn Kitô giáo. Đức Thánh Cha cũng biết và khích lệ, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, hãy tha thứ cho nhau, hoà giải giữa những anh chị em đã từng chia rẽ, và hãy phấn đấu để hiểu biết, cộng tác và yêu thương nhau! 

Tất cả chúng ta đều được mời gọi hãy đồng cảm, tôn trọng, khiêm nhường, và trên hết hãy cầu nguyện, để đồng hành với Giáo hội tại Trung Quốc trên lộ trình này, bằng cách nhìn về phía trước với niềm tín thác vào sự Quan phòng của Thiên Chúa và với tinh thần hiện thực lành mạnh nhằm bảo đảm một tương lai cho người Công giáo Trung Hoa cảm nhận sâu sắc mình là người Công giáo –sẽ thấy rõ hơn mình được neo chắc vào Phêrô đã được ý Chúa đặt làm đá tảng– và hoàn toàn là người Trung Hoa, không còn phải chối bỏ hoặc xem nhẹ tất cả những gì là chân thật, cao quý, tinh tuyền, đáng yêu, đáng kính (x. Pl 4, 8) nơi những gì đã được lịch sử và nền văn hóa của mình đã và tiếp tục sinh ra. Công đồng Vatican II nhắc chúng ta nhớ không có gì thực sự của con người lại không vang vọng nơi trái tim những môn đệ của Chúa Kitô! (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 1). 

Thực tế phải nhìn nhận rằng giữa Tòa Thánh và Trung Quốc không ít vấn đề cần được giải quyết, và những vấn đề vốn phức tạp đó có thể phát sinh những quan điểm và định hướng khác nhau. Tuy nhiên, những vấn đề này không hoàn toàn khác những vấn đề đã tích cực giải quyết 70 năm trước. Vì thế, Đức hồng y Celso Costantini vẫn là nguồn cảm hứng và kiểu mẫu còn nguyên vẹn tính thời sự. Do đó, xin cảm ơn quý vị đã tham gia hội nghị này, đồng thời cũng xin cảm ơn vì đã mang lại cho tôi cơ hội được tìm hiểu kỹ hơn về chân dung và tác phẩm của Đức hồng y Costantini, cũng như những việc khác giáo phận này đã và đang làm. 

Trên bước đường sắp tới, với niềm tin tưởng vô biên, chúng ta phó thác cho Mẹ là “Đức Bà phù hộ các giáo hữu, Auxilium christianorum”. Năm 1924, Đức hồng y Costantini đã tôn vinh ảnh Đức Mẹ Xà Sơn, gần Thượng Hải. 

Ngày 22 tháng Năm 2016, nhân lễ Đức Bà phù hộ các giáo hữu được mừng kính tại Xà Sơn, Đức Thánh Cha đã bày tỏ ước mong về “một nền văn hóa đích thực của sự gặp gỡ và hài hoà trong mọi xã hội, sự hài hòa vốn được người Trung Hoa rất mến mộ”. Tinh thần này cũng là tinh thần của các Giám mục Roma vốn hằng rất lưu tâm, hết sức dấn thân và bày tỏ lòng quý mến vô hạn đối với nhân dân Trung Hoa”. 

(Thành Thi chuyển ngữ, WHĐ 28.08.2016/ Vatican Radio)