Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật 21 Thường Niên
VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 21.08, với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Đức Giêsu chính là cánh cửa. Cánh cửa ấy tuy hẹp nhưng luôn rộng mở cho tất cả mọi người. Cửa hẹp giúp chúng ta loại bỏ những kiêu căng và tội lội. Cửa rộng mở để Thiên Chúa chào đón chúng ta vào một cuộc sống hạnh phúc viễn mãn trên nước trời.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
“Bài đọc Tin Mừng ngày hôm nay thôi thúc chúng ta suy tư về chủ đề ơn cứu độ. Thánh sử Luca thuật lại rằng Đức Giêsu đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem và trên con đường ấy có nhiều người tiến lại gần Ngài và hỏi rằng: ‘Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?’ (Lc 12,23). Đức Giêsu không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của người ấy mà hướng sang một mức độ khác, với một thứ ngôn ngữ mang tính mời gọi nhiều hơn là tranh cãi. Và có lẽ ngay cả các môn đệ lúc ban đầu cũng không hiểu điều Đức Giêsu nói: ‘Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.’ (c.24). Với hình ảnh cánh cửa, Đức Giêsu mong muốn những người đang nghe Ngài giảng dạy hiểu rằng đừng có bận tâm về số lượng – bao nhiêu người sẽ được cứu – điều ấy không quan trọng. Nhưng điều quan trọng là người ta nhận biết đâu mới là con đường dẫn đến ơn cứu độ.
Con đường dẫn đến ơn cứu độ mời gọi người ta bước qua cánh cửa. Nhưng cánh cửa đó ở đâu? Và ai là cửa? Đức Giêsu chính là cánh cửa. Chính Ngài đã nói như thế trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: ‘Tôi là cửa.’ (Ga 10, 9). Đức Giêsu dẫn chúng ta vào sự thông hiệp với Chúa Cha. Chính nơi ấy chúng ta tìm thấy tình yêu, sự thấu hiểu và sự bảo vệ chở che. Nhưng người ta có thể đặt vấn đề: Tại sao cửa lại hẹp? Tại sao Đức Giêsu lại nói cửa hẹp? Cửa hẹp không phải vì cửa ấy nặng nề, khó khăn mà vì Thiên Chúa mời chúng ta thu hẹp và loại bỏ sự kiêu hãnh của chúng ta cũng như nỗi sợ hãi nhát đảm của chúng ta; để từ đó chúng ta mở lòng ra với một con tim khiêm nhường và tín thác vào Thiên Chúa; để từ đó chúng ta nhận biết mình là tội nhân, cần ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Như vậy, cửa hẹp chính là để chúng ta thu hẹp và loại bỏ lại tính kiêu căng, ngạo mạn của mình. Sự kiêu căng khiến chúng ta nghĩ mình to lớn, quan trọng không cần đến Thiên Chúa. Cánh cửa xót thương của Thiên Chúa thì hẹp nhưng luôn rộng mở cho hết mọi người! Thiên Chúa không phân biệt hay ưu tiên ai nhưng chào đón tất cả. Một cánh cửa hẹp giúp loại bỏ sự kiêu căng và nỗi sợ hãi của chúng ta; một cánh cửa rộng mở để Thiên Chúa chào đón tất cả mọi người không phân biệt một ai. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là một dòng chảy lòng thường xót chứa chan bất tận. Dòng chảy ấy phá tan mọi ngăn cách và mở ra những viễn tượng ngỡ ngàng sung sướng của ánh sáng và bình an. Anh chị em đừng quên điều này: Cửa hẹp nhưng luôn luôn rộng mở.
Hôm nay, một lần nữa, Đức Giêsu trao cho chúng ta một lời mời gọi khẩn thiết là hãy tiến đến với Ngài, hãy bước qua cửa của sự sống tròn đầy, của sự hòa giải và hạnh phúc chứa chan. Cho dù chúng ta đã trót phạm bất kỳ tội lỗi nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn đợi chờ mỗi người chúng ta, để ôm chầm lấy chúng ta và để ban cho chúng ta ơn tha thứ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể biến đổi tâm hồn chúng ta. Chỉ Thiên Chúa mới có thể mang lại ý nghĩa tròn đầy cho sự hiện hữu của chúng ta, trao cho chúng ta niềm vui đích thực. Bước vào cánh cửa Giêsu, cánh cửa của đức tin và của Tin Mừng, chúng ta có thể thoát khỏi những thái độ hay cung cách hành xử mang tính thế gian, thoát khỏi những thói quen xấu, thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân và sự đóng kín cô lập. Cuộc sống của chúng ta sẽ được chiếu soi bởi ánh sáng của Chúa Thánh Linh. Đó là thứ ánh sáng chẳng hề tắt bao giờ.
Tôi muốn đề nghị với anh chị em một điều. Giờ đây, trong thinh lặng, chúng ta hãy nghĩ đến những gì bên trong con người chúng ta, đang ngăn cản chúng ta bước qua cửa. Phải chăng đó là sự kiêu căng, ngạo mạn hay tính hư danh, xem mình là quan trọng, hay là tội lỗi mà chúng ta đã phạm? Tiếp đến, chúng ta hãy nghĩ đến một cánh cửa khác, một cánh cửa luôn rộng mở của lòng thương xót Chúa. Nơi cánh cửa ấy, Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta và sẵn sàng trao ban cho ta ơn tha thứ của Người.
Thiên Chúa ban rất nhiều cơ hội để chúng ta được cứu chuộc và để cho chúng ta bước vào cánh cửa của sự cứu rỗi. Cánh cửa này là cơ hội mà chúng ta không được bỏ lỡ. Chúng ta phải nắm lấy những cơ hội ấy để được cứu độ, vì sẽ đến một lúc nào đó ‘chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại’ (c.25). Nhưng Thiên Chúa là Đấng tốt lành và hằng yêu thương chúng ta thì tại sao Ngài đóng cửa lại? Đó là vì cuộc đời chúng ta không phải là một trò chơi video có thể tua đi tua lại hay là một câu chuyện không có hồi kết. Nhưng cuộc đời chúng ta hết sức nghiêm túc và có một đích điểm quan trọng phải đạt tới. Đó là ơn cứu độ đời đời.
Hướng về Mẹ Maria, Cánh Cửa Thiên Quốc, chúng ta hãy nài xin Mẹ giúp chúng ta biết nắm bắt những cơ hội mà Thiên Chúa đã trao ban để chúng ta bước qua cánh cửa của đức tin mà tiến vào một con đường rộng rãi thênh thang. Đó là con đường của ơn cứu rỗi, đón nhận tất cả những ai đã để mình được chìm đắm trong tình yêu mến. Tình yêu có sức cứu vớt. Tình yêu trên mặt đất này là nguồn mạch phúc lành cho tất cả những ai hiền lành, kiên nhẫn và tìm kiếm công lý. Họ biết quên mình đi, sẵn sàng hiến thân cho người khác, đặc biệt là cho những ai yếu đau, nhỏ bé nhất.”
Chào mừng và mời gọi
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: ‘Tôi hết sức đau buồn về cuộc tấn công đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày hôm qua. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết thảy các nạn nhân, cho những người đã qua đời cũng như những người bị thương tích. Chúng ta nguyện xin ơn sủng của sự bình an đến với tất cả mọi người.
Tôi cũng gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác. Cách đặc biệt, tôi gởi lời chào đến các tân chủng sinh của Học viện Giáo hoàng ở Bắc Mỹ."
Đức Thánh Cha cũng chào mừng các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể đang tề tựu nơi đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin này.
Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.
(Vũ Đức Anh Phương SJ, RadioVaticana 21.08.2016)