ĐTC thăm các phụ nữ nạn nhân mại dâm tại Cộng đoàn Gioan 23

Cuộc viếng thăm của ĐTC là một chúc lành cho chiến dịch “Đây là thân thể của tôi” nhằm chặn đứng tệ nạn mua dâm bằng tiền. Chiến dịch nhằm giải thoát các chị em phụ nữ nạn nhân của tệ nạn buôn bán người và khai thác tình dục. Nạn buôn bán mại dâm xúc phạm trầm trọng phẩm giá và các quyền của nữ giới.

ĐTC thăm các phụ nữ nạn nhân mại dâm tại Cộng đoàn Gioan 23

Phỏng vấn Linh Mục Aldo Bonaiuto, tuyên úy cộng đoàn Gioan XXIII chuyên tiếp đón và trợ giúp các phụ nữ nạn nhân của mạng lưới mại dâm tại Roma

Hôm thứ sáu 12 tháng 8 vừa qua ĐTC Phanxicô đã đến thăm 20 chị em phụ nữ của cộng đoàn Gioan XXIII, là cộng đoàn chuyên tiếp đón và trợ giúp các phụ nữ nạn nhân của mạng lưới mại dâm tại Roma. 

Hịêp hội Gioan XXIII là một tổ chức quốc tế của giáo dân có quyền toà thánh. Hiệp hội đã do linh mục Oreste Benzi thành lập năm 1968 nhằm chống lại tình trạng nghèo túng và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Năm 1973 hiệp hội mở nhà gia đình đầu tiên tại Rimini, sau đó nhiều nhà khác theo nhau chào đời trong nhiều thành phố và vùng miền Italia. Năm 1983 theo lời yêu cầu của ĐC Denis Dejong, GM Ndola bên Zambia, một nhóm thừa sai  đầu tiên của hiệp hội sang mở một nhà bên Zambia. Đây là nhà gia đình đầu tiên tại nước ngoài. Hiện nay hiệp hội Gioan XXIII hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới, cả khi đa số các nhà được mở tại Italia. 

Các thành viên của hiệp hội sống với các anh chị em nạn nhân 24 giờ trên 24 giờ và trợ giúp họ lớn lên trong tương quan với Chúa Kitô, và yêu thương trợ giúp họ thoát ra khỏi các hoàn cảnh sống thê thảm của họ. Hiệp hội chia sẻ một cách trực tiếp cuộc sống của các anh chị em bị khước từ và là nạn nhân của biết bao nhiêu bất công xã hội. Hiện nay mỗi ngày hiệp hội nuôi sống 41.000 anh chị em nghèo túng, và là nạn nhân của nhiều tệ nạn xã hội khác nhau, trong đó có nghiện ngập ma túy, mại dâm, bụi đời, trong 500 trung tâm tiếp đón đủ loại gồm các trung tâm phục hồi, cộng đoàn cai nghiện, các nhà gia đình cho người vô gia cư, các gia đình rộng mở và các nhà cầu nguyện. Hiệp hội cũng hoạt động trong các vùng có chiến tranh xung khắc qua chiến dịch “Công tác bồ câu hoà bình”. 

Từ năm 2006 Hiệp hội cũng có đại diện tại Liên Hiệp Quốc với quy chế là cố vấn đặc biệt của tổ chức ECOSOC, tức Hội đồng phát triển kinh tế xã hội của Liên Hiệp Quốc, và là tiếng nói của những người rốt hết trên thế giới bên cạnh các vị lãnh đạo quốc tế có quyền quyết định trên số phận của nhân loại. 

** Hiện diện trong buổi gặp gỡ có ông Giovanni Paolo Ramonda, giám đốc cộng đoàn, hai nhân viên đường phố và bà phụ trách lo cho các phụ nữ tá túc tại trung tâm Roma. Ngoài ra còn có cha Aldo Bonaiuto tuyên úy cộng đoàn.

Trong một giờ rưỡi ĐTC đã lắng nghe các phụ nữ chia sẻ cuộc đời bất hạnh của họ. Trong số 20 phụ nữ có 6 chị người Rumani, 4 chị người Albani, 7 chị người Nigeria và 3 chị khác người Tunisi, Ý và Ucraine. Tuổi trung bình của các chị là 30. Tất cả đã gánh chịu các bạo lực thể lý và tâm thần.

Ngỏ lời với họ ĐTC nói: “Tôi xin lỗi chị em về tất cả những người đàn ông đã gây ra khổ đau cho các chị em. Tôi xin lỗi vì tất cả các tín hữu Công giáo và tín hữu khác đã khai thác, lạm dụng và bạo hành chị em. Chị em hãy sống với niềm hy vọng và niềm vui tương lai chờ đón chị em”. ĐTC đã khích lệ cộng đoàn Giaon XXIII tiếp tục việc chia sẻ can đảm và quan trọng này. Ngài cũng mời gọi các nhà làm luật đừng thờ ơ nhưng chú ý tới việc bảo vệ phẩm giá của nữ giới. 

Ông Giovanni Ramonda cho biết cuộc viếng thăm của ĐTC và ĐTGM Rino Fisichella chủ tịch Ủy ban Năm Thánh đã là một ngạc nhiên thích thú cho mọi người. Đó đã là một cuộc gặp gỡ giữa một Chủ chăn biết nhận ra mùi các con chiên của mình, đặc biệt là các con chiên bị gạt bỏ và bị khai thác bóc lột nhất. Chúng tôi đã hát thánh ca và cầu nguyện với nhau và đã ăn bánh như trong một gia đình.

Thật là một món quà tuyệt vời ĐTC đã đem đến cho chúng tôi. Nó đóng ấn trực giác mà cha Oreste Benzi đã có cách đây 25 năm, khi ngài lang thang trong các đường phố để tìm cứu giúp các chị em phụ nữ rơi vào mạng lưới của các tổ chức buôn bán mại dâm. Nhiều người đã không hiểu cha và công việc can đảm cha làm. Nhưng cha đã rất xác tín rằng thực tại mà các chị em phụ nữ này phải sống là một bất công trầm trọng trong xã hội. Cha vẫn thường lập đi lập lại: “Không có phụ nữ nào sinh ra là phụ nữ mại dâm cả. Có ai đó đã khiến cho họ trở thành như vậy” . 

Theo ông Ramonda cuộc viếng thăm của ĐTC cũng là một chúc lành cho chiến dịch “Đây là thân thể của tôi” nhằm chặn đứng tệ nạn mua dâm bằng tiền. Chiến dịch nhằm giải thoát các chị em phụ nữ nạn nhân của tệ nạn buôn bán người và khai thác tình dục. Nạn buôn bán mại dâm xúc phạm trầm trọng phẩm giá và các quyền của nữ giới. Và các khách hàng là những kẻ đồng lõa trong việc biến phụ nữ thành nô lệ tình dục, khai thác bóc lột họ cho nhu cầu tình dục của nam giới. Vì thế các thành viên của Cộng đoàn Gioan XXIII liên đới với các chị em nạn nhân, ghé vai vác đỡ thập giá của họ, và nói với những người chế tạo ra các thập giá này ngưng làm chuyện đó, để cho đừng có bé gái hay phụ nữ nào bị bán đi và bị khai thác cho kỹ nghệ tình dục. 

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn Linh Mục Aldo Bonaiuto, tuyên uý cộng đoàn Gioan XXIII, về cuộc viếng thăm này của ĐTC. 

Hỏi: Thưa cha Aldo, cha có cảm tưởng gì về cuộc viếng thăm này của ĐTC?

Đáp: Đó đã là một ngạc nhiên lớn, nhất là đối với các thiếu nữ đã khổ đau vì là nạn nhân của tình trạng mại dâm và  bị nô lệ hóa. Vì thế ĐTC đã đến  tìm họ, gặp gỡ họ và lắng nghe lịch sử cuộc đời họ. Đó đã là những giờ phút ngoại thường đối với sự khổ đau, tiếng khóc, nhưng cũng đối với sự an ủi và vòng tay ôm mà họ nhận được từ ĐTC. Ngài đã dùng những lời lẽ rất là đẹp, nhưng cũng rất mạnh mẽ: nhân danh tất cả mọi kitô hữu ĐTC đã xin lỗi vì những bạo lực và tất cả sự dữ mà các thiếu nữ này đã phải gánh chịu.

Các lời của ĐTC đã là các lời rất cảm động. Ngài đã lắng nghe lâu giờ lịch sử cuộc đời của các thiếu nữ này và đã rất xúc động, ĐTC đã ôm hôn họ và đã nói chuyện với từng người một, cả với thiếu nữ mới tới chiều hôm qua, đã sinh con trên đường một mình và trông thấy đứa bé chết trên cánh tay mình. Vì vậy đó là các câu chuyện thực sự thê thảm mà ĐTC đã có thể nhìn tận mắt, các vết thương, bởi vì các thiếu nữ cũng đã cho ngài xem các vết thương mà họ đã chịu trên thân xác: các thiếu nữ bị đánh đập, bị què quặt, các thiếu nữ bị cắt đứt tai. 

Hỏi: Các phụ nữ đã phải sống các tình trạng kinh khủng này, họ đã có phản ứng nào đối với việc gặp gỡ ĐTC Phanxicô?

Đáp: Họ đã ngạc nhiên vì họ không chờ đợi được gặp gỡ ngài. Chúng tôi đã nói với họ là sẽ có một người nổi tiếng tới thăm họ, nhưng chúng tôi đã tìm cách đánh lạc hướng họ một chút. Họ hiểu là sẽ có một điều gì đó, nhưng họ đã không thể tưởng tượng rằng ĐTC đến thăm họ. Vì vậy đối với họ thật là một ngạc nhiên rất lớn. Họ bị sốc, nhưng mà bị sốc một cách rất hạnh phúc. 

Hỏi: Thưa cha, các phụ nữ này mang theo họ lịch sử nào?

Đáp: Rất tiếc họ đem theo mình các lịch sử của bạo lực, lạm dụng, lừa dối. Có các thiếu nữ với các vấn đề tâm thần rất trầm trọng. Và vì vậy họ là các phụ nữ, mà rất tiếc là không ai có thể tái trao ban cho họ sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể lý. Sức khỏe này của họ đã bị các khách hàng lấy mất đi, đã bị những kẻ nghĩ rằng họ có quyền đi mua thân xác của một phụ nữ vì các lý do tình dục. Trên các đường phố đó đây hiện có hơn 100.000 phụ nữ mại dâm.

Hỏi: Việc buôn bán người như là một tệ nạn của nhân loại, như là một vết thương của Chúa Kitô. ĐTC đã luôn luôn nói tới điều này, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Một tệ nạn, như chúng tôi cũng nhấn mạnh như thế trong chiến dịch “Đây là thân xác của tôi" được phát động chống lại tệ nạn mại dâm. Chúng tôi đã muốn lấy khẩu hiệu như thế. Một chiến dịch để nói rằng đã tới lúc phải chặn đứng cái cung cầu này, bằng cách theo mô thức của các quốc gia bắc âu, là mô thức hoạt động hữu hiệu. Đó là chính quyền phải can thiệp để chặn đứng thị trường mại dâm kinh khủng này. Đây là cách thế duy nhất giúp thay đổi não trạng kinh khủng duy nam giới trong xã hội, theo đó người ta nghĩ rằng họ có thể mua một người khác cho thú vui nhục dục của mình. 

(SD 13-8-2016) 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 16.08.2016)