Chứng tá của Linh mục Dòng Tên Maurice Joyeux bên cạnh người di dân ở Hy Lạp
Báo Aleteia gặp Linh mục Maurice Joyeux, Giám đốc Cơ quan Dòng Tên giúp người tị nạn ở vùng biển Égée, Hy Lạp
Cha Maurice Joyeux là người đi tuyến đầu kể từ khi có cuộc khủng hoảng người tị nạn ảnh hưởng đến đất nước. Nhà truyền giáo dày dạn kinh nghiệm trong nhiều vụ can thiệp khẩn cấp trên tất cả các trận tuyến, đặc biệt ở đảo Lesbos, sau nhiều năm sống ở Ấn Độ và Châu Phi, đặc biệt là trong các trại tị nạn ở Rwanda và Chad. Từ năm 2008, cha về sống ở Athens, Hy Lạp.
Aleteia: Vào tháng 9 năm ngoái, cha đã gióng lên tiếng kêu cứu báo động (trên báo Le Point) về cuộc khủng hoảng của người di dân và tình trạng “không nhân đạo” về điều kiện sống của họ, và cha đã đặc biệt quan tâm đến nạn buôn bán chung quanh thảm kịch này. Cha giải thích thế nào về sự vắng mặt của hành lang nhân đạo và không có bất kỳ một sự bảo vệ nào của lực lượng Âu châu hay quốc tế?
Cha Maurice Joyeux: Tôi nghĩ trước làn sóng người tị nạn đến ồ ạt như vậy, các nhà chức trách Âu châu đã không lường trước được, Hy Lạp lại còn ít dự trù hơn. Cánh cửa (đặc biệt là nước Đức) đã được mở và tin tức đã công bố trên tất cả các trang mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông quốc tế, nhưng con đường ra đi lại để một mình trong tay những người buôn người, những người tự nhận mình là người “giúp” người tị nạn đạt được mục tiêu của họ. Họ bắt những người tị nạn phải trả một giá quá đắt. Chúng tôi thiếu sáng suốt và can đảm về mặt chính trị để nhanh chóng bảo vệ người quá cảnh, giúp họ làm hồ sơ hợp lệ, nâng đỡ họ về mặt tổ chức (thực phẩm, y tế, vệ sinh, nước uống, tạm trú …) Nhưng cũng như có một vài nước đã nhanh chóng đóng cửa lại.
Việc thành lập các trại dường như khác với những gì cha đã thấy ở Tchad-Soudan, Phi Châu hay ở các nước khác. Chúng ta có thể thấy đây là một sự suy giảm hoặc yếu kém về mặt trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Âu châu không? Những con số ảo trên các phương tiện truyền thông về số người di cư đến Hy Lạp trên những con tàu và những người tại chỗ có thể hiện cho sự phủ nhận thực tế này không?
Các nhà lãnh đạo Âu châu sợ quan điểm công khai của họ, điều này cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta cần có những nhà lãnh đạo can đảm như bà Angela Merkel, dám làm và dám nhận bất trắc, để thể hiện tình đoàn kết với những người chạy trốn chiến tranh hay bất cứ hình thức khủng bố nào, bạo lực về thể chất cũng như tinh thần. Hy Lạp và Âu châu không nghĩ họ sẽ phải mở những trại như ở các nước đang phát triển, hay ở các biên giới như một số nước Phi Châu… Nhưng sự toàn cầu hóa tăng vọt và các chiến tranh của nó đã có các kết quả ngay chính bên trong biên giới của chúng ta và các vùng đất từ nay. Khẩn cấp là chúng ta đón tiếp một cách khôn ngoan và với lòng tôn trọng cao những người đang tuyệt vọng, đa số họ là những người khách đáng kính của đất nước chúng ta, họ van nài sự thông cảm và nâng đỡ của chúng ta.
Kể từ hiệp ước đã ký với Thỗ Nhỉ Kỳ, cha đã quan sát thấy gì về phía cảnh sát địa phương và về người di dân? Về mặt đạo đức và chính sách? Ý kiến của cha về thỏa ước này là gì?
Tôi nhận thấy nó phức tạp và thiếu sự tôn trọng ngay chính trong phẩm giá con người. Một thương lượng 72.000 người di cư phải trở về để đổi lấy 72.000 khác từ Thổ Nhĩ Kỳ được phân phối sang các nước Âu châu… Chúng ta quên mất sự đa dạng của những cuộc đời và các khuôn mặt của những người tị nạn! Vì thế hiệp ước này buồn cho một phần. Dù sao cũng là cả một sự can đảm vì dám “thương thuyết” với Thỗ Nhỉ Kỳ và các nhà chức trách Thổ, họ thường xuyên giải quyết trực tiếp, làm theo lệnh của các mạng lưới quyền lực mafia, những người trục lợi bất chính “đưa người” đến Hy Lạp và Âu châu.
Tại thời điểm đó, những cuộc vượt biên đã dừng lại, nhưng mối đe dọa trở lại vẫn còn, tiếc thay lại do cầm quyền Thổ chủ trương. Tóm lại, những người tị nạn cũng là con tin của các cuộc thương thuyết chính trị cao hay thấp. Và đó là sự toàn cầu hóa của chúng ta, cái gọi là thỏa hiệp mang hơi hướm nặng cho việc mất thanh danh của chính mình… Nhưng làm sao để làm, làm sao để giải quyết các vấn đề như vấn đề ra đi, lưu vong dưới làn bom đạn?
Người ta thông báo đã giảm 90% số người di cư đến Hy Lạp vào tháng ba và tháng tư vừa qua. Con số này có thực sự đúng như thế?
Điều này là đúng sự thật và nó vẫn còn đúng cho đến hôm nay. Chứng tỏ cho thấy có các liên kết trực tiếp với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, họ đứng ra thương thuyết với các mạng lưới cực mạnh của những kẻ buôn người, đã bắt mỗi thuyền nhân phải trả từ 2000 hoặc 2500 € để vượt biển Égée trên những chiếc tàu bơm hơi không an toàn làm chết người. Chỉ cần nhà cầm quyền Thỗ Nhỉ Kỳ quyết định là mọi sự có thể ngừng lại! Không thú vị sao? Nhưng chúng ta đừng quên Thỗ Nhỉ Kỳ “đón nhận” hơn 2 triệu người Syria tị nạn trên đất của họ! Sự sẵn sàng đón nhận người tị nạn trên đất Âu châu của chúng ta so với họ thì có kém…
Là linh mục Dòng Tên, đâu là mối tương quan của cha với người di dân và dưới quan điểm đức tin, cha sống như thế nào trong hoàn cảnh này?
Tôi đau khổ nhiều khi nhìn sát cạnh vấn đề này, đã có không biết bao nhiêu người bị đau khổ, bị chính tất cả chúng ta đối xử tệ. Tôi cảm thấy xấu hổ cho những kẻ buôn người, những kẻ tống tiền. Cùng với các bạn bè, tôi cố gắng giúp đỡ để chận lại cuộc đi điên rồ này, trước hết là một kinh nghiệm rất thể lý. Rất mệt mỏi nhưng chẳng là bao so với sự kiệt sức của những người tị nạn phải ra đi… Trong lòng tôi là tiếng kêu, là lời cầu nguyện, là những câu hỏi, là lòng trắc ẩn, là việc đi tìm sự thật…
Đây vẫn là và luôn là phục vụ cho sự sống, là chứng nhân của tinh thần phục vụ này, phục vụ cho những người đang lưu vong. Tiếp nhận sự sống này, các tài năng, các khác biệt này có thể là một cơ hội lịch sử, một may mắn. Điều này tùy thuộc vào chúng ta. Như người ta nói, các giá trị của chúng ta không gặp nguy hiểm, nó bị thử thách, nó cần được huy động, được cho ra và đến lượt nó, nó dám nhận thử thách.
Cha thấy Hy vọng ở đâu trong một sự kiện như vậy?
Hy vọng là trong thách thức của sự khác biệt và ý thức về những sự giống nhau. Những người tị nạn có cùng nhu cầu, cùng mong muốn như tất cả mọi người. Lời hứa của người khác, điều này vẫn còn! Sức sống và nhân phẩm của các cá nhân và các gia đình, tuổi trẻ của các em bé khi các em đến đất nước chúng ta buộc lương tâm chúng ta phải tỉnh thức, kích thích sự quan tâm, sự hiếu kỳ của chúng ta, để chúng ta kiên nhẫn dấn thân xây dựng cho họ một tương lai.
Trong cuộc phỏng vấn của cha với báo Le Point, cha nhấn mạnh đến một số lớn người di dân vì kinh tế, họ thuộc tầng lớp trung lưu, những người có giá trị lớn. Cha có nghĩ cuộc di cư hàng loạt này là chỉ duy nhất do nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng gây ra không? Như thế sẽ có hệ quả của hai đường lối chính trị phòng thủ với hai tốc độ, giữa đường lối của Liên hiệp Âu châu và đường lối của Mỹ, mà không đường lối nào tôn trọng người dân?
Không, tôi không nghĩ vậy. Đơn giản chỉ vì chiến tranh, vì hiểm nguy đến tính mạng mà người dân phải chạy trốn cái chết. Các cuộc khủng hoảng hồi giáo đã từng có, cũng như các cuộc khủng hoảng về mặt kinh tế, mà xung đột về lợi ích giữa các cường quốc là nguyên nhân, từ đó gây ra sự đổ máu và người dân buộc phải chạy trốn.
Có những trò gian xảo và những nhà chiến lược mánh khóe đã tìm cách gây bất ổn bên ngoài biên giới của họ, để trả thù cho sự đô hộ mà họ đã chịu, hoặc những bài học mà Âu châu hoặc Phương Tây muốn cho thế giới qua các bài diễn văn, hoặc qua các cuộc can thiệp của họ. Chúng ta phải canh chừng và nhận định.
Cha mong gì cho tương lai của tất cả những người đang cố gắng để xây dựng lại cuộc sống của họ? Các giấy tờ cần thiết để họ được định cư ở Âu châu hoặc các phương tiện để họ tham dự vào việc tái xây dựng lại đất nước của họ? Cha muốn nói gì với người dân Pháp và Âu châu về cuộc khủng hoảng này và với những dân tộc này?
Mong muốn của tôi là hòa bình. một hòa bình nhanh chóng được thành lập lại ở Syria và Trung Đông. Mong muốn của tôi là có nhiều sự hiểu biết và giảm bớt sự e ngại giữa chúng ta, những người Âu châu có nguồn tài nguyên văn hóa và tôn giáo mênh mông. Hy vọng của tôi là thấy những người người tị nạn này được lắng nghe và được tiếp nhận, được tôn trọng và được yêu thương.
Một số có thể trở về quê hương của họ và xây dựng lại, nhưng trước hết và trên hết, chúng ta giúp họ ở đây và ngay bây giờ để đối diện, để họ tự hào về chính họ và để chia sẻ những gì họ có tốt nhất với chúng ta. Là người Âu châu, chúng ta cậy dựa vào chính nguồn năng lực riêng của mình, đào sâu hy vọng và đức tin của chúng ta, chúng ta sẽ cởi mở hơn và sẵn sàng cho sự gặp gỡ và cho các biến đổi của nó… Bờ giếng Samaritain, nơi chính Chúa Giêsu đã có những cuộc gặp gỡ bất ngờ, nhưng cũng là cuộc gặp gỡ của niềm vui, của một hứa hẹn chưa từng có.
(Anrê Trần Lam Hồng chuyển dịch, phanxico.vn 14.08.2016/
aleteia.org, Louise Alméras, 2016-05-25)