Đại hội giới trẻ thế giới – Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha vào đêm canh thức

Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa liều lĩnh, một vị Thiên Chúa của “cái hơn” vĩnh cửu. Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa của an nhàn, an toàn và dễ dãi. Bước theo Đức Giêsu đòi hỏi rất nhiều dũng lực, một sự sẵn sàng đánh đổi chiếc ghế sofa để mua lấy đôi giày đi bộ và bắt đầu một hành trình mới không biết trước...

Đại hội giới trẻ thế giới – Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha vào đêm canh thức

Thật tốt khi được ở đây với các bạn trong giờ Canh Thức này!

Kết thúc bài chia sẻ làm chứng đầy cảm động của mình, Rand đã xin chúng ta điều gì đó. Anh nói rằng: “Tôi thành khẩn xin các bạn cầu nguyện cho đất nước thân yêu của tôi.” Lịch sử cuộc đời của anh ta, vốn đã dính dáng nhiều đến chiến tranh, đau khổ và mất mát, lại kết thúc với lời cầu xin chúng ta cầu nguyện cho. Liệu có cách nào khác dành cho chúng ta để bắt đầu giờ canh thức này tốt hơn việc cầu nguyện không? 

Chúng ta đến đây từ nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới, nhiều châu lục, quốc gia, ngôn ngữ, văn hoá, và dân tộc khác nhau. Vài người trong chúng ta là những người con của những quốc gia đang trong cơn nguy hiểm và đang dính bén với những xung khắc hay thậm chí là chiến tranh. Số khác đến từ những đất nước có thể có “hoà bình”, không có chiến tranh và xung khắc, nơi mà hầu hết những điều tồi tệ xảy đến trên thế giới này chỉ đơn giản là một câu chuyện của tin buổi tối. Nhưng hãy nghĩ về nó.

Đối với chúng ta, ở đây, hôm nay, đến từ nhiều vùng đất khắp nơi trên thế giới, đau khổ và chiến tranh mà nhiều người trẻ trải qua không còn là cái gì đó vô danh, điều gì đó mà chúng ta đọc thấy trên báo chí. Nhưng chúng có một cái tên, một khuôn mặt, một câu chuyện, chúng ở rất gần kề. Ngày nay, chiến tranh ở Syria đã gây ra biết bao nỗi đau thương cho nhiều người, cho rất nhiều người trẻ như người bạn Rand của chúng ta, người đã đến đây và xin chúng ta cầu nguyện cho đất nước yêu quý của mình. 

Có một số hoàn cảnh nào đó có vẻ như rất xa vời với chúng ta cho đến khi chúng ta đụng chạm đến nó một cách nào đó. Chúng ta không coi trọng một vài điều gì đó vì chúng ta chỉ thấy nó trên màn hình điện thoại hay máy vi tính. Nhưng khi chúng ta tiếp xúc với cuộc sống, với sự sống con người, chứ không chỉ qua hình ảnh trên màn hình, thì điều gì đó rất mạnh mẽ xảy ra. Chúng ta cảm thấy mình phải dấn thân vào. Để thấy rằng không còn có những “thành phố bị bỏ quên”, hay dùng ngôn từ của Rand, hay những anh chị em của chúng ta “đang bị cái chết và sự giết chóc vây hãm”, đang hoàn toàn bất lực.

Các bạn trẻ thân mến, tôi cầu xin các bạn hãy cùng nhau cầu nguyện cho nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh và cho nhiều gia đình ở Syria thân yêu và nhiều vùng đất khác trên thế giới. Hơn bao giờ hết, ước gì chúng ta có thể nhận ra rằng không gì có thể bào chữa cho việc đổ máu của một người anh chị em của chúng ta; không gì quý giá hơn người đang đứng cạnh chúng ta. Bên cạnh việc xin các bạn cầu nguyện cho điều này, tôi cũng muốn cảm ơn Natalia và Miguel vì đã chia sẻ những cuộc chiến và xung đột nội tâm của mình. Các bạn chia sẻ với chúng tôi về những đấu tranh của các bạn, về việc làm thế nào mà các bạn đã vượt qua được nó. Cả hai bạn đều là những dấu chỉ sống động của điều mà lòng thương xót Chúa muốn thực hiện nơi chúng ta.

Đây không phải là thời gian để tố giác ai đó hay tố giác chiến tranh. Chúng ta không muốn đổ thêm dầu vào lửa nữa. Chúng ta không muốn chiến thắng hận thù bằng một hận thù lớn hơn, không muốn chiến thắng bạo lực bằng một bạo lực lớn hơn, không muốn chiến thắng khủng bố bằng một khủng bố lớn hơn. Hôm nay, chúng ta ở đây vì Chúa kêu gọi chúng ta lại với nhau. Lời đáp trả của chúng ta dành cho thế giới đang ngập chìm trong chiến tranh có một cái tên: tên của nó là tình huynh đệ, là tình anh em, là sự hiệp thông, gia đình. Chúng ta làm một việc là đến từ những nền văn hoá khác nhau để cùng cầu nguyện. Hay để những lời nói tốt nhất, những tranh luận tốt nhất trở thành sự hiệp nhất trong lời cầu nguyện. Chúng ta hãy dành chút thời gian thinh lặng và cầu nguyện.

Chúng ta hãy đặt trước Chúa những chứng từ mà các bạn bè của chúng ta vừa chia sẻ và chúng ta hãy đồng hoá mình với họ, những người mà chữ “gia đình” chỉ là một thuật ngữ vô nghĩa và “tổ ấm” chỉ là “nơi để ngủ và ăn”, và với những ai đang sống trong nỗi sợ rằng những sai lầm và tội lỗi của họ có thể khiến họ bị loại trừ. Chúng ta cũng hãy đặt trước Chúa “những cuộc chiến” của riêng chúng ta, những xung đột nội tâm mà mỗi người chúng ta đang có trong tim mình. 

(Thinh lặng) 

Khi chúng ta đang cầu nguyện, tôi nghĩ đến các Tông Đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Phác hoạ lên hình ảnh của họ có thể giúp chúng ta biết xem trọng những gì Thiên Chúa ao ước thực thi trong đời sống của chúng ta, trong chúng ta và với chúng ta. Ngày hôm đó, các môn đệ đang tụ họp với nhau sau những cánh cửa đóng kín vì sợ hãi. Họ cảm thấy bị đe doạ, bị bao trùm bởi bầu không khí sát hại giam hãm họ nơi góc tối của căn phòng nhỏ và để mặc họ trong thinh lặng và như thể bị liệt. Nỗi sợ xâm chiếm họ. Rồi, chính trong hoàn cảnh đó, một điều kỳ diệu vĩ đại đã xảy ra. Thần Khí và lưỡi lửa đến ngự xuống trên từng người trong họ, đưa họ vào một cuộc phiêu lưu không dự báo trước. 

Chúng ta vừa nghe ba chứng từ. Câu chuyện và cuộc sống của họ đã đụng chạm đến chúng ta. Chúng ta giờ đã có thể hiểu được họ trải nghiệm những khoảnh khắc tương tự như các môn đệ như thế nào: sống trong những khoảng thời gian sợ hãi tột cùng, khi mà cảm tưởng như mọi thứ đã sụp đổ. Nỗi sợ và nỗi sầu buồn nảy sinh từ việc biết rằng bỏ nhà ra đi cũng có nghĩa là sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy những người thân yêu một lần nữa, sợ khi không cảm thấy mình được coi trọng, được yêu thương, sợ vì không có chọn lựa nào khác.

Họ chia sẻ với chúng ta cùng một kinh nghiệm mà các môn đệ đã có; họ cảm thấy một kiểu sợ hãi đưa dẫn đến một thứ: cảm giác bị đóng trong chính mình, bị giam cầm. Chúng ta cũng hay có cảm giác đó, nỗi sợ của chúng ta trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn sẽ làm chúng ta tê liệt: cảm giác bị tê liệt. Hãy nghĩ đến chuyện trong thế giới này, trong thành phố của chúng ta và trong các cộng đoàn của chúng ta, không còn chỗ để phát triển, để mơ ước, để sáng tạo, để nhìn đến những chân trời mới, đó sẽ là điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta bị tê liệt, chúng ta không còn khả năng để gặp gỡ người khác, kết bạn, chia sẻ ước mơ và bước đi cùng nhau…

Nhưng trong cuộc sống, còn có một kiểu tê liệt còn nguy hiểm hơn nữa và không dễ để giải quyết nó. Tôi muốn diễn tả nó như một kiểu tê liệt đến từ việc nhầm lẫn “kiểu hạnh phúc trên ghế sofa”. Nói cách khác, người ta cho rằng để có được hạnh phúc, tất cả những gì chúng ta cần là chiếc ghế sofa. Chiếc ghế sofa làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái, êm ái và an toàn. Một chiếc ghế sofa giống như kiểu mà chúng ta có ngày nay, mát-xa chúng ta, giúp đưa ta vào giấc ngủ.

Chiếc ghế sofa hứa hẹn mang đến cho chúng ta những giờ thoải mái để chúng ta có thể chạy trốn vào thế giới của videogames và dành thời gian trước màn hình vi tính. Chiếc ghế sofa giúp bảo vệ chúng ta khỏi mọi đau đớn và sợ hãi. Chiếc ghế sofa cho phép chúng ta cứ ở nhà mà không cần phải làm việc gì hay lo lắng điều gì. “Hạnh phúc theo kiểu sofa!” Đó có lẽ là hình thức tê liệt nguy hiểm nhất vì nó sẽ từ từ làm suy đồi chúng ta mà chúng ta không hề hay biết, khiến chúng ta trở nên gật gù và ngu dốt và người khác – có lẽ cảnh giác hơn chúng ta, nhưng chưa chắc tốt hơn chúng ta – sẽ quyết định tương lai của chúng ta.

Thực ra, với nhiều người, sẽ dễ dàng hơn và tốt hơn khi có những đứa trẻ ngu đần và gật gù, những bé thích kiểu hạnh phúc sofa. Nhiều người khác lại thích những bạn trẻ biết cảnh giác và tìm kiếm, cố gắng đáp lại ước mơ của Chúa và những thao thức trong con tim của nhân loại. 

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta không đến trong thế giới này để “ăn chay”, để xem nhẹ mọi chuyện, để làm cho cuộc sống của chúng ta một chiếc sofa thoải mái mà nằm ngủ. Không, chúng ta hiện diện trong thế giới vì một lý do khác: để lưu lại dấu ấn. Thật buồn khi đi qua cuộc sống này mà không để lại dấu ấn gì. Nhưng khi chúng ta chọn một lối sống dễ dãi, tiện nghi, nhầm lẫn hạnh phúc với tiêu thụ, chúng ta sẽ phải trả giá đắt: chúng ta sẽ mất đi sự tự do.

Là một kiểu tê liệt bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc là thoải mái, là tiện nghi, rằng hạnh phúc có nghĩa là để cuộc sống trôi qua trong vật vờ hay bình thản, rằng cách duy nhất để được hạnh phúc là sống trong lớp bụi mù. Chắc chắn, nghiện ngập là xấu, nhưng cũng có nhiều kiểu nghiện ngập được xã hội chấp nhận, nhưng rốt cuộc lại khiến chúng ta trở thành nô lệ. Cách này hay cách khác, nó tước mất khỏi chúng ta một gia tài quý báu nhất: sự tự do.

Các bạn thân mến, Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa liều lĩnh, một vị Thiên Chúa của “cái hơn” vĩnh cửu. Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa của an nhàn, an toàn và dễ dãi. Bước theo Đức Giêsu đòi hỏi rất nhiều dũng lực, một sự sẵn sàng đánh đổi chiếc ghế sofa để mua lấy đôi giày đi bộ và bắt đầu một hành trình mới không biết trước; để nhóm lên những con đường mở ra những chân trời mới đủ sức làm lan tỏa niềm vui, một niềm vui nảy sinh từ tình yêu Thiên Chúa và tuôn chảy trong con tim của các bạn với những việc bác ái; để có thể bước đi trên con đường “điên dại” của Chúa chúng ta, Đấng dạy chúng ta tìm gặp Ngài nơi những kẻ đói, khát, trần truồng, ốm đau, những người đang gặp khó khăn, tù nhân, di dân, tị nạn, và những người hàng xóm láng giềng đang cảm thấy như bị bỏ rơi; để cất bước trên con đường của Chúa chúng ta, Đấng khuyến khích chúng ta trở thành những chính khách, những nhà tư tưởng, những nhà hoạt động xã hội. Thiên Chúa mời gọi chúng ta kiến tạo nên một nền kinh tế có sự liên đới. Trong tất cả mọi bối cảnh của bản thân, tình yêu của Thiên chúa mời gọi các bạn hãy mang Tin Mừng, làm cho cuộc sống của các bạn trở thành một tặng phẩm cho Ngài và cho người khác. 

Các con có thể nói vói cha: nhưng thưa cha, điều đó không phải dành cho tất cả mọi người, nhưng chỉ dành cho số ít được chọn mà thôi. Đúng vậy, và những người được chọn là tất cả những ai sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của mình với người khác. Cũng như Thánh Thần đã biến đổi con tim của các môn đệ vào ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài cũng làm đối với những người bạn đã chia sẻ chứng từ của mình hôm nay. Miguel, cha sẽ dùng từ của con. Con nói với chúng ta rằng trong “Facenda”, vào ngày họ trao cho con trách nhiệm giúp sửa lại nhà cửa cho họ, con bắt đầu hiểu rằng Thiên Chúa đang mời gọi con làm điều gì đó. Đó là khi mọi thứ bắt đầu thay đổi. 

Các bạn thân mến, đây chính là bí quyết và tất cả chúng ta được mời gọi để chia sẻ. Thiên Chúa mong đợi điều gì đó nơi các bạn. Thiên Chúa muốn điều gì đó nơi các bạn. Thiên Chúa hy vọng nơi các bạn. Thiên Chúa đến để phá vỡ tất cả các hàng rào. Ngài đến để mở những cánh cửa cho đời sống của chúng ta, giấc mơ của chúng ta và cách thức chúng ta nhìn mọi sự chung quanh. Thiên Chúa đến để mở ra những gì đang giam hãm các bạn bên trong. Ngài khuyến khích các bạn hãy dám ước mơ. Ngài muốn làm cho các bạn thấy rằng thế giới có thể trở nên khác nhờ các bạn. Nếu các bạn không cống hiến những điều tốt nhất của các bạn, thế giới sẽ chẳng bao giờ trở nên khác cả. 

Thời đại mà chúng ta đang sống không cần những “cái li-văng” trẻ, nhưng là những người trẻ với đôi giày hay đôi ủng hẳn hoi, chuẩn bị cho vòng thi đấu đầu tiên như những vận động viên chứ không có chỗ cho những người thích ngồi ì ra đó. Thế giới ngày nay muốn các bạn phải trở thành những nhân vật chính của lịch sử vì cuộc sống sẽ luôn tươi đẹp khi chúng ta sống nó một cách tròn đầy, khi chúng ta muốn để lại dấu ấn.

Ngày nay, lịch sử mời gọi chúng ta bảo vệ nhân phẩm của mình và không để người khác quyết định tương lai của mình. Như trong ngày Ngũ Tuần, Thiên Chúa muốn thực thi một trong những phép lạ vĩ đại nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm; Ngài muốn biến đôi bàn tay của các bạn, của cha, của chúng ta thành những dấu chỉ hoà giải, của hiệp thông, của sáng tạo. Ngài muốn đôi bàn tay của các bạn tiếp tục xây dựng thế giới ngày nay. Và Ngài muốn xây dựng thế giới đó cùng với các bạn. 

Các con có thể nói với cha: thưa cha, nhưng con có nhiều giới hạn lắm, con là một tội nhân, con có thể làm gì? Khi Chúa kêu gọi chúng ta, Ngài không quan tâm chúng ta là ai, chúng ta là gì, hay chúng ta đã làm gì và chưa làm gì. Hoàn toàn ngược lại. Khi Ngài kêu gọi chúng ta, Ngài đang nghĩ về những điều mà chúng ta có thể trao ban, tất cả tình yêu mà chúng ta có thể lan toả. Ngài nhắm đến tương lai, đến ngày mai. Đức Giêsu đang hướng bạn đến tương lai phía trước. Vì thế, hôm nay, các bạn thân mến, Đức Giêsu đang mời gọi các bạn, kêu gọi các bạn hãy để lại dấu ấn trong cuộc sống, để lại dấu ấn trong lịch sử của chính các bạn và của người khác nữa. 

Ngày nay, cuộc sống cho chúng ta thấy rằng sẽ dễ dàng hơn khi tập trung vào những gì chia rẽ chúng ta, tách chúng ta ra. Người ta cố gắng khiến chúng ta tin rằng đóng lại trong chính mình là cách tốt nhất để giữ mình an toàn khỏi mọi tổn thương. Hôm nay, chúng tôi, những người lớn, cần các bạn dạy chúng tôi cách sống trong sự phong phú, trong sự khác biệt, để trải nghiệm tính đa văn hoá không phải như một sự đe doạ nhưng như là một cơ hội. Hãy có dũng lực để dạy chúng tôi rằng xây dựng những chiếc cầu thì dễ hơn là xây những bức tường. Chúng tôi mời gọi các bạn hãy thách đố chúng tôi tiếp bước con đường xây dựng tình huynh đệ. Xây dựng những chiếc cầu…

Bạn có biết chiếc cầu đầu tiên cần phải xây không? Đó là chiếc cầu mà chúng ta phải xây dựng ở đây và bây giờ, bằng việc đưa tay ra và nắm lấy tay nhau. Nào, chúng ta hãy xây dựng nó bây giờ, ngay tại đây, chiếc cầu đầu tiên: hãy nắm lấy tay nhau. Đây là chiếc cầu vĩ đại của tình huynh đệ và những người nắm quyền lực của thế giới này phải học cách xây dựng nó… Không phải để có hình cho bản tin tối nay nhưng là để xây dựng những chiếc cầu lớn hơn nữa. Ước gì chiếc cầu được nối kết bởi những con người này là sự khởi đầu cho nhiều chiếc cầu khác. Bằng cách này, nó sẽ để lại dấu ấn. 

Ngày hôm nay, Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, đang mời gọi các bạn để lại dấu ấn trong lịch sử. Ngài, Đấng là sự sống, đang mời gọi các bạn để lại dấu ấn mang sự sống đến trong lịch sử của chính bạn và của nhiều người khác. Ngài, Đấng là sự thật, đang mời gọi các bạn hãy bỏ đi con đường loại trừ, chia rẽ và trống vắng. Các bạn có dấn thân theo lời mời gọi này không? Câu trả lời của bạn dành cho Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, sẽ như thế nào, với đôi tay, đôi chân của các bạn? 

(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, dongten.net 02.08.2016)