Hội thảo chuyên đề "Nói về Chúa Giêsu với anh chị em tín đồ Hồi giáo như thế nào?"

“Thực thi một đức bác ái sống động là chứng từ đích thực duy nhất, bởi vì chúng ta không thể Phúc âm hóa mà không yêu mến. Cũng như trong mọi tiến trình Phúc âm hóa, trong số các chìa khóa hết sức cụ thể để nói về niềm tin của mình cho người Hồi giáo, chính thái độ mới đánh động", Cha Balde.

Hội thảo chuyên đề "Nói về Chúa Giêsu với anh chị em tín đồ Hồi giáo như thế nào?"

“Diễn đàn Czestochowa của người trẻ” do cộng đoàn Emmanuel tổ chức trong khuôn khổ Ngày Giới trẻ Thế giới tại Krakow, Ba Lan, đã dành ra buổi chiều cho các “cuộc giao lưu”, cho các hội thảo chuyên đề theo nhiều chủ đề như: Công đồng chung Vatican II, ơn gọi, vị trí của phụ nữ trong xã hội hay … Hồi giáo.

Một trong nhiều hội thảo chuyên đề này đề cập đến cách thức nói về Chúa Giêsu với người Hồi giáo. Cuộc trao đổi về chủ đề này do một linh mục người Ghinê vốn là con của một imam điều hành. 

Thành công lớn

Tới giờ, hàng chục người trẻ đã quy tụ trong một căn lều lớn dùng làm nơi ăn uống để trao đổi về chủ đề “Nói thế nào về Chúa Giêsu cho người Hồi giáo?”, do linh mục Frederic-Marc Balde, người Ghinê và là con của một imam hướng dẫn. “Đây là một trong những chuyên đề quy tụ nhiều người nhất, theo nhận định của một linh mục trong nhóm Paris, và là dấu hiệu cho thấy chủ đề có tính thời sự nóng bỏng này có sức hấp dẫn lớn”. 

Mở đầu, cha Balde nhắc lại sáu điểm căn bản của đức tin Hồi giáo, đặt nền tảng trên niềm tin về một Thiên Chúa duy nhất và quyền năng và vào mạc khải của Người; đồng thời cha nhấn mạnh: “Để rao giảng Tin Mừng cho một người Hồi giáo, trước tiên phải hiểu biết đức tin của người ấy”. 

“Chúng ta có thực sự phải Phúc âm hóa người Hồi giáo?”

“Nhưng chúng ta có thực sự phải Phúc âm hóa người Hồi giáo không?”, cô Madeleine, 22 tuổi, nêu câu hỏi. Câu hỏi quả không đơn giản, nhưng “nói về Chúa Giêsu là một bổn phận của người Kitô hữu”, cô nhìn nhận, “và bổn phận này có thể mặc nhiều hình thức khác nhau”. 

Trong phần trình bày của mình, cha Balde phân biệt Phúc âm hóa trực tiếp và Phúc âm hóa gián tiếp. Trong trường hợp thứ nhất, cha giải thích, “chúng ta không nhất thiết phải nhìn lại con người. Tốt hơn hết là đi thẳng vào cốt lõi của sứ điệp Yêu Thương, và biết cách trả lời cho các vấn nạn”. 

“Chẳng hạn, cha nói tiếp, người Hồi giáo xem Kinh Thánh là một cuốn sách đã bị giả mạo: chúng ta có thể mời họ nói lên ý nghĩ riêng của họ và mời họ đọc Kinh Thánh!” 

Sống như một người có lòng tin

Liên quan đến việc Phúc âm hóa người xung quanh, cha Balde đã nêu lên nhiều khía cạnh. “Điều thứ nhất phải có trong đầu, đó là để nói về Chúa Giêsu, chúng ta cần phải sống như một tín hữu, như một người có lòng tin, bằng không, lời nói của chúng ta sẽ không đáng tin”. “Ai trong các bạn, khi đọc kinh Truyền tin, đã ngừng mọi công việc để cầu nguyện? Người Hồi giáo bày tỏ lòng tin tôn giáo của họ ra bên ngoài thường xuyên hơn nhiều và họ không hiểu tại sao chúng ta lại xếp niềm tin của chúng ta vào lĩnh vực riêng tư như vậy”, cha nói rõ thêm. 

Một điểm căn bản khác: “Thực thi một đức bác ái sống động là chứng từ đích thực duy nhất, bởi vì chúng ta không thể Phúc âm hóa mà không yêu mến”. Cha Balde quả quyết: Cũng như trong mọi tiến trình Phúc âm hóa, trong số các chìa khóa hết sức cụ thể để nói về niềm tin của mình cho người Hồi giáo, chính thái độ mới đánh động, “chứ không nhất thiết phải là lời nói”. 

Trong cử tọa, có nhiều câu hỏi được nêu lên. “Với tính cách là Kitô hữu, người ta có phải đọc kinh Coran để hiểu rõ người Hồi giáo hơn không?” “Thiên Chúa của Hồi giáo mệnh danh là Đấng thương xót, từ này có cùng ý nghĩa như chúng ta hiểu hay không?”

Những yếu tố để suy tư

Một người trẻ khác, người Syria, là Hanna 27 tuổi, luật sư, đang tị nạn tại Vienna (Áo), đặt vấn đề với cha Balde và các bạn trẻ có mặt: “Trong kinh Coran có nhiều câu chống lại các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Ở châu Âu, các bạn có thể có những người bạn là tín đồ Hồi giáo, nhưng tôi, tôi đã lớn lên cùng với họ và tôi muốn nhấn mạnh để mỗi người ý thức rõ về điều họ nghĩ về người Kitô hữu”. Một bạn trẻ người Iraq nêu câu hỏi về lực lượng Daesh: “Hiện tượng này có phải là Hồi giáo không?”

Cô Madeleine, người Pháp, nhận xét rằng loại hình hội thảo chuyên đề này giúp chúng ta có được “những yếu tố để suy tư về một chủ đề ít được biết đến nhưng lại được tranh luận rất nhiều”. Và nhất là ý thức rằng các vấn đề được nêu lên quả khác nhau biết chừng nào giữa châu Âu và Trung Đông”. 

(Mai Tâm, WHĐ 26.07.2016/ Theo La Croix)