Sinh viên Indonesia được kêu gọi hãy hành động vì công ích
Giới trẻ Công giáo được mời gọi giúp đấu tranh cho công bằng xã hội
Phát biểu tại tọa đàm “Giới trẻ và Tự do” hôm 26-6, Cha Ignatius Ismartono kêu gọi sinh viên trên khắp Jakarta hãy ủng hộ các nạn nhân của bất công và bị phân biệt.
“Các bạn phải cố gắng chọn lựa giữa điều phải và sai trái”, Cha Ismartono nói.
Buổi tọa đàm giới thiệu chương trình 5 năm (2016-2020) của Tổng giáo phận Jakarta, nhằm khuyến khích người Công giáo hãy quan tâm hơn nữa tới các vấn đề xã hội. Chương trình này ủng hộ tư tưởng triết học của nhà nước Indonesia được biết như là Pancasila (Năm nguyên tắc).
Theo Cha Ismartono, năm nguyên tắc bao gồm niềm tin vào Thiên Chúa Tối Cao, sự thống nhất của Indonesia, công bằng xã hội cho hết thảy mọi người, dân chủ và một nhân loại công bằng và văn minh – đã bị xao lãng và lạm dụng bởi các nhóm lợi ích.
“Xã hội dân sự bao gồm cả sinh viên phải tiến về phía trước và cam kết thực hiện công bằng”, ngài nói.
Cha Ismartono cho biết xã hội và nhà nước đã làm ngơ lợi ích chung. Ngài đề cập tới việc đóng cửa các nhà thờ và thu hồi giấy phép của nhà thờ, như nhà thờ GKI Yasmin ở Bogor, West Java, từng có giấy phép hợp pháp, và nhiều nhà thờ khác.
Rafael Udi Yuniarto, một nhà hoạt động ở Tổng giáo phận Jakarta, cho biết giới trẻ Công giáo phải biết rằng Giáo hội đang chuyển từ việc chỉ làm mục vụ sang hành động nhấn mạnh công bằng xã hội.
“Một phần trong sự thay đổi này cho thấy ý nghĩa của việc là người Công giáo; ưu tiên cho tha nhân hơn là cho chính chúng ta” – ông nói.
Surya Tjandra, một luật sư và giảng viên tại Đại học Công giáo Atma Jaya ở Jakarta, nói rằng người trẻ chiếm phần lớn trong Giáo hội Indonesia và có thể tạo ra tác động lớn nếu họ làm việc chung với nhau.
“Đừng giấu giếm căn tính Công giáo của các bạn. Đừng sợ sống trong cộng đoàn thiểu số” – Tjandra nói và thêm rằng thời điểm thích hợp nhất để vun trồng tình yêu vì công lý là trong lúc học ở đại học.
“Đừng đợi cho tới khi các bạn học xong mới tìm kiếm công lý”, ông nói.
Điều phối viên sinh viên Davin Pradipta, 20 tuổi, phản ứng tích cực trước thông điệp của Tổng giáo phận Indonesia nhằm đưa Pancasila trở thành một lối sống.
“Đã có động lực cho sinh viên để hành động rồi”, Pradipta, một sinh viên tại Đại học Bách khoa Jakarta, nói với ucanews.com.
(Siktus Harson từ Jakarta, Indonesia/
UCAN 29.06.2016)