Phỏng vấn ĐHY Parolin về Hội nghị thượng đỉnh về nhân đạo tại Istanbul

“Nếu quý vị muốn rằng Hội nghị thượng đỉnh thành công, hãy đứng về phía những người đau khổ, hãy học từ họ và hãy phán đoán mọi điều từ quan điểm của họ và với sự nhạy cảm của họ”, ĐTC Phanxicô.

Phỏng vấn ĐHY Parolin về Hội nghị thượng đỉnh về nhân đạo tại Istanbul

Trong hai ngày 23-24 tháng 5 vừa qua Hội nghị thượng đỉnh về nhân đạo lần đầu tiên, do Liên Hiệp Quốc triệu tập, đã diễn ra tại Istanbul bên Thổ Nhĩ Kỳ, với 5.200 tham dự viên, trong đó có 65 quốc trưởng. Có 177 quốc gia trên tổng số 192 nước thành viên Liên Hiệp Quốc gửi phái đoàn tham dự.

Hội nghị đã do ông Ban Kii-Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đề nghị hồi năm 2012, và sau 4 năm chuẩn bị đã thành hình. Phái đoàn Tòa Thánh đã do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh làm trưởng đoàn.

Trong diễn văn chào mừng hội nghị tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc tới các cố gắng của chính quyền Thổ trong việc tiếp đón người tỵ nạn Siri, cũng như cơ cấu trợ giúp và các dự án nâng đỡ do chính quyền Thổ đề ra để trợ giúp 3 triệu người Siri và Iraq. Ông nói: “Chúng ta biết là khổ đau không có chủng tộc, tiếng nói và tôn giáo. Và đây chính là tinh thần đã thúc đẩy chúng tôi mở rộng cửa quốc gia cho toàn nhân loại và bất cứ ai cần được trợ giúp, mà không có sự phân biệt nào.”

Tổng thống Erdogan cũng than phiền rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không nhận được sự ủng hộ và phần đóng góp cần thiết từ cộng đồng quốc tế liên quan tới cuộc khủng hoảng của người tỵ nạn. Ông cũng phê bình một số nước trốn tránh nhiệm vụ trợ giúp người di cư tỵ nạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải bỏ ra 10 tỷ mỹ kim cho công cuộc cứu trợ này, trong khi cộng đồng quốc tế đã chỉ đóng góp có 450 triệu mỹ kim. Chính vì thế ông yêu cầu có một sự phân chia đồng đều hơn đối với gánh nặng này. Và tổng thống Erdogan kêu gọi các nước Âu châu tiếp nhận một phần lớn hơn trong số 3 triệu người tỵ nạn hiện đang sống trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, hứa sẽ đóng góp nhiều hơn cho công tác này. Bà nói “Ngày nay không có một hệ thống quốc tế trợ giúp nhân đạo hữu hiệu, vì vậy nhiều ngưòi nhìn Hội nghị với sự chú ý lớn. Chúng ta phải thành công trong việc nhận diện và tiếp cận hữu hiệu hơn cho phép chúng ta có các tài nguyên cho nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau.” Trên thế giới hiện nay có 125 triệu người xin trợ giúp, trong đó có 60 triệu người tỵ nạn.

Trong diễn văn khai mạc ông Ban Kii Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh rằng “chúng ta ở đây để tưởng tượng ra một tương lai khác, không phải chỉ để giúp con người sống còn, nhưng cũng để cống hiến cho họ một cơ may  có một cuộc sống xứng đáng hơn với nhân phẩm.”

ĐHY Parolin đã tuyên đọc sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi hội nghị, trong đó ngài đã tố giác nhiều quyền lợi đang ngăn cản việc giải quyết các xung đột trên thế giới, và kêu gọi canh tân nỗ lực bảo vệ phẩm giá và các quyền con người. ĐTC ghi nhận rằng ngày nay có nhiều quyền lợi đang ngăn cản việc giải quyết các cuộc xung đột và có nhiều chiến lược quân sự, kinh tế và chính trị địa lý đang làm cho cá nhân và các dân tộc phải tản cư. Và chúng áp đặt thần tiền và thần quyền lực trên cuộc sống của con người.

Do đó các nỗ lực nhân đạo thường bị những lợi nhuận thương mại và ý thức hệ hạn chế. Điều cần thiết ngày nay là tái quyết tâm bảo vệ phẩm giá cũng như các nhân quyền, an ninh và những nhu cầu toàn diện của mỗi người trong cuộc sống thường nhật. Song song cũng cần bảo tồn quyền tự do, căn tính xã hội và văn hóa của các dân tộc. Điều này giúp tạo điều kiện cho sự cộng tác, đối thoại và nhất là hoà bình. Để được như thế cần cổ võ quyết tâm cá nhân và cộng đoàn, làm sao để mỗi gia đình đều có nhà ở, người di cư tỵ nạn được tiếp đón, mọi người đều có phẩm giá, mọi người bị thương tích đều được săn sóc, mọi trẻ em đều có tuổi thơ, mọi người trẻ đều có tương lai, và mọi người già được tôn trọng.

ĐTC cầu mong hội nghị thượng đỉnh Istanbul là một cơ hội giúp nhìn nhận các hoạt động của những người đang phục vụ tha nhân, góp phần an ủi những khổ đau của các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, các nguời di cư và tỵ nạn. Đây cũng là dịp ghi nhận nỗ lực của những nhân viên xã hội và những người lựa chọn can đảm bênh vực hoà bình, sự tôn trọng, chữa lành và tha thứ. Đó là cách thức cứu vớt các sinh mạng con người.

Phát biểu trong ngày đầu tiên ĐHY trưởng phái đoàn Toà Thánh, kêu gọi hàng lãnh đạo chính trị gia tăng việc phòng ngừa các xung đột trên thế giới. Vì chiến tranh là vô nhân đạo, do đó cần phòng ngừa và chấm dứt các cuộc xung đột võ trang và bạo lực giữa các dân tộc và các quốc gia. Muốn có hoà bình lâu dài, cần phải đầu tư vào việc phát triển an sinh toàn diện và nhổ bỏ các nguyên nhân gây ra xung đột, chứ không được dựa vào các giải pháp quân sự chỉ gây chết chóc và tàn phá thương đau cho con người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị thính giả bài phỏng vấn ĐHY về Hội nghị thượng đỉnh nói trên.

Hỏi: Thưa ĐHY, hội nghị đã đề cập đến những vấn đề gì trong hai ngày sinh hoạt?

Đáp: Người ta đã nói tới hàng triệu người trốn chạy chiến tranh, bạo lực, tai ương thiên nhiên, các cuộc bách hại và các thay đổi khí hậu. Trên nền của hội nghị thượng đình về nhân đạo có cuộc chiến tại Siria đã khiến cho hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người phải di cư tỵ nạn. Tuy nhiên, có nguy cơ là cuộc họp thượng đỉnh hai ngày này tại Istanbul qua đi trong thinh lặng. Đó là nỗi sợ hãi của hàng trăm tổ chức chính quyền tham dự: lo sợ rằng các lời tuyên bố, các ý hướng của hàng lãnh đạo chính trị hiện diện không được thể hiện ra trong các hoạt động cụ thể.

Hỏi: ĐHY nghĩ gì về sáng kiến triệu tập hội nghị quốc tế nhân đạo này?

Đáp: Tư tưởng triệu tập hội nghị thượng đỉnh này chắc chắn là một tư tưởng tích cực, chính vì các mục đích được đề ra. Vì thế nó đáng được ủng hộ. Xem ra các công việc trong hai ngày hội họp này đáp ứng phần nào các chờ mong, nhất là trong  nghĩa nó đưa ra câu trả lời cụ thể, chứ không chỉ hạn chế trong các lời tuyên bố suông, nhưng được cụ thể hóa trong các sáng kiến chính xác, nhằm trợ giúp những người đau khổ.

Tôi đã có ấn tượng mạnh, khi thấy nhiều bài phát biểu đã nêu bật tính cách cụ thể này. Dĩ nhiên điều này sẽ là thách đố. Hiện tại chúng ta không thể nói rằng sẽ có các câu trả lời. Có ý chí làm điều ấy, và chúng ta hy vọng là nó sẽ được thực hiện cụ thể chứng minh cho thấy sự hữu hiệu và giá trị của hội nghi.

Hỏi: Thưa ĐHY, hội nghị cũng nhắm phối hợp hoạt động của các chính quyền và các tổ chức khác nhau phi chính quyền hay của chính quyền. Có lẽ đây là phần khó khăn nhất, có đúng thế không?

Đáp:  Chắc chắn đây là phần khó khăn nhất. Nhưng theo tôi thấy nhiều người có ý muốn và ý hướng này: đó là trông thấy một sự phối hợp để câu trả lời được hữu hiệu. Dĩ nhiên, nếu câu trả lời rất cô lập và phân tán từng mảnh, thì có nguy cơ không đạt tới các người đang gặp khó khăn và cần được trợ giúp. Vì thế sự kiện cùng nhau suy tư, có các định hướng được chia sẻ chắc chắn sẽ khiến cho câu trả lời được hữu hiệu hơn rất nhiều.

Hỏi: Đây đã là một hội nghị thượng đỉnh, trong đó có lẽ đã không thiếu chiều kích chính trị, như các diễn văn của vài thuyết trình viên cho thấy. Theo ĐHY điều này có gây thiệt hại cho ý nghĩa của cuộc gặp gỡ hay không?

Đáp: Điều quan trọng không phải là “vứt nó vào trong chính trị”, như thường nói, cả khi chính trị trong nghĩa rộng hơn của từ này, hiện diện một cách đương nhiên. Cũng cần thắng vượt  các căng thẳng hay các khác biệt, và tìm hiệp nhất trong vài điều nền tảng. Tôi tin rằng điều này cũng là ý nghĩa  và nhắc nhở của hội nghị thượng đỉnh, nghĩa là tính nhân bản, con người phải ở hàng đầu, vượt qua các lập trường chính trị.

Theo tôi thấy hội nghị thượng đỉnh đã cố gắng làm điều này, cả khi, dĩ nhiên, cũng có ai đó đã lợi dụng micro để nhấn mạnh các lập trường của họ. Tuy nhiên, từ phía nhiều người đã có lời kêu gọi vượt quá các lập trường, các khác biệt, các chống đối chính trị để đưa ra một câu trả lời nhân bản và liên đới với các nhu cầu của những người nam nữ khổ đau.

Hỏi: Sứ điệp của ĐTC mà ĐHY đã tuyên đọc trong ngày đầu tiên của hội nghị đã có tiếng vang quan trọng. ĐTC đã có những lời lẽ rất là mạnh mẽ và đã đưa ra các chỉ dẫn chính xác, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Vâng, đúng thế. Trước hết là học từ những người đau khổ. Tôi tin rằng đây là phần đánh động tôi nhất trong sứ điệp của ĐTC. Ngài đã nói: “Nếu quý vị muốn rằng Hội nghị thượng đỉnh thành công, hãy đứng về phía họ, hãy học từ họ và hãy phán đoán mọi điều từ quan điểm của họ và với sự nhạy cảm của họ”. Xem ra đây là điều nền tảng. Thế rồi, tính cách trung tâm của bản vị con người. Đây là một sứ điệp mà Tòa Thánh và nhiều phái đoàn khác đã nhấn mạnh: con người phải là trung tâm, nhưng một con người trong cụ thể, trong biệt tính của nó. Như thế đó là con người đau khổ, con người đang có các nhu cầu: trẻ em, người già, bà mẹ vv…. Như vậy đây là các chỉ dẫn rất thiết thực, có thể tìm ra một áp dụng cụ thể và cả một áp dụng chính trị nữa.

Hỏi: Như vậy, ở đây trong hội nghị thượng đỉnh này, đâu là phần đóng góp của Tòa Thánh và đâu sẽ là dấn thân mà Toà Thánh có ý thăng tiến trong tương lai thưa ĐHY?

Đáp: Phần đóng góp đã là sự ủng hộ đương nhiên qua sự hiện diện phong phú của phái đoàn Tòa Thánh tham dự hội nghị thượng đỉnh. Chúng tôi đã muốn ủng hộ tất cả các khía cạnh tích cực mà Hội nghị thượng đỉnh này  đã muốn diễn tả. Liên quan tới dấn thân chúng tôi đã trình bầy trên bình diện của ba cuộc hội thảo bàn tròn, mà chúng tôi đã tham dự. Cuộc hội thảo thứ nhất nhắm chấm dứt các cuộc xung đột qua việc phòng ngừa chiến tranh. Cuộc hội thảo thứ hai dành cho việc quan sát và tôn trọng các luật lệ quốc tế. Đây là điều nền tảng.

Tôi thành thật tin rằng Hội nghị thượng đỉnh thành công trong việc thông chuyền tư tưởng quyền nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng, và nó sẽ là một bước tiến lớn từ phiá tất cả rồi: từ phía các tác nhân chính quyền cũng như các tác nhân không chính quyền. Cuộc hội thảo thứ ba là giáo dục nền văn hóa hòa bình. Thế giới Công giáo đang cống hiến các câu trả lời cụ thể cho tình trạng, cho các cấp thiết cứu trợ nhân đạo quốc tế. Rất nhiều lần các cơ cấu Công giáo, nhất là các cơ cấu địa phương, là các tổ chức đầu tiên cứu trợ nhân đạo, rồi trong biết bao nhiêu lần tôi nghe nói chúng cũng là các cơ cấu duy nhất làm việc tại chỗ.

Vì thế tôi cũng nhớ tới tất cả những người dấn thân và dấn thân với rất nhiều quyết tâm và lòng hăng say trong các công tác cứu trợ nhân đạo. Tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh này, và cả sự hiện diện của Toà Thánh, có thể củng cố ý chí của họ tiếp tục hoạt động cho các người cần được trợ giúp trên thế giới.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 16.06.2016)