Cầu nguyện cho kẻ thù - sự hoàn thiện trong đời sống Kitô

Sự hoàn thiện mà Đức Giêsu chỉ ra được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: ‘Anh em đã nghe luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.’ Đó là bước cuối cùng trên con đường hoàn thiện và cũng là bước khó nhất.

Cầu nguyện cho kẻ thù - sự hoàn thiện trong đời sống Kitô

VATICAN. Cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta sẽ giúp ích hơn cho họ và làm cho chính chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa là cha hơn. Với suy tư này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giảng trong thánh lễ sáng thứ 3, ngày 14.06, tại nguyện đường thuộc Nhà trọ Thánh Marta.

Bài giảng của Đức Thánh Cha khởi đi từ bài Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, thuật lại việc Đức Giêsu khuyến khích các môn đệ hãy trở nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt.

“‘Anh em đã nghe luật dạy; còn Thầy, Thầy bảo anh em.’ Lời Chúa và hai cách thức không thể dung hợp giữa hai lối hiểu: (1) một danh sách khô khan những việc phải làm và không được làm; (2) lời mời gọi yêu thương Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em bằng tất cả tấm lòng. Lời mời gọi ấy đạt tới cao điểm khi chúng ta biết cầu nguyện cho chính những kẻ thù của mình.

Đây là sự biện chứng của cuộc tranh luận giữa các tiến sĩ luật và Đức Giêsu, giữa Lề Luật được trình bày trong một cách thức khô khan, cứng nhắc mà dân chúng đã được truyền lại từ cha ông của họ với sự tròn đầy, toàn hảo của cùng một Lề Luật đó nhưng đã được Đức Giêsu kiện toàn. Khi Đức Giêsu bắt đầu bài giảng, những phản đối từ kẻ ghen ghét ngài nổi lên. Đó là những lời giải thích về luật trong một bối cảnh khủng hoảng.

Một sự giải thích quá lý thuyết, quá nệ vào luật. Nói khác đi, đó là luật nhưng không có trọng tâm của luật, là tình yêu của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Vì vậy, Thiên Chúa nhắc lại luật của Cựu Ước: điều răn nào là quan trọng hơn cả? Mến Chúa hết lòng, hết sức lực, hết linh hồn và yêu mến người thân cận như chính mình vậy.

Trong lời cắt nghĩa luật của các kinh sư, giới răn yêu thương này lại không phải là trọng tâm, hay là điều được nhắc đến. Trọng tâm lại là những trường hợp hay điều luật: người ta có thể thực hiện được điều này không? Hay người ta có thể thực hiện đến đâu? Và nếu không được thì sao?... Họ chỉ nghiên cứu về luật mà thôi. Đức Giêsu cũng nói về luật nhưng Ngài mang lại ý nghĩa đích thực cho luật và làm cho nó được kiện toàn.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu đã dùng rất nhiều ví dụ để trình bày những giới răn trong một ánh sáng mới. Chẳng hạn, chớ giết người còn có nghĩa là không được xúc phạm hay làm tổn thương anh em. Tình yêu là từ ngữ trào tràn và quảng đại nhất được viết trong lề luật, đến nỗi ta sẵn sàng không chỉ cho đi áo trong mà còn cho luôn cả áo ngoài, sẵn sàng đi hai dặm thay vì chỉ phải đi một.

Đây không đơn thuần là việc kiện toàn lề luật nhưng còn là hành động chữa lành con tim. Với lối cắt nghĩa đối với lề luật mà Đức Giêsu đã thực hiện – trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu – luôn có một hành trình của việc chữa lành: một con tim bị tổn thương vì nguyên tội – tất cả chúng ta đều có một trái tim bị thương tổn vì tội lỗi. Chúng ta phải bước đi trên con đường của sự chữa lành này và chữa lành để được nên giống Chúa Cha là Đấng hoàn thiện: ‘Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời.’ Đây là con đường chữa lành để được trở nên con cái Thiên Chúa.

Sự hoàn thiện mà Đức Giêsu chỉ ra được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: ‘Anh em đã nghe luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.’ Đó là bước cuối cùng trên con đường hoàn thiện và cũng là bước khó nhất. Đức Thánh Cha nhớ lại rằng khi còn bé, ngài có nghe nói đến một nhà độc tài thời đó. Người ta thường cầu nguyện xin Chúa hãy sớm phạt ông đó xuống hỏa ngục. Nhưng thật ra Thiên Chúa cũng đòi hỏi mỗi người chúng ta cũng phải xét mình hằng ngày.

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta biết cầu nguyện cho kẻ thù của mình, cầu nguyện cho những kẻ muốn làm hại chúng ta, muốn gây ra cho chúng ta những điều xấu xa và cầu nguyện cho cả những kẻ muốn ngược đãi chúng ta. Ta biết tên họ của những người đó. Thế nên ta hãy thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, con cầu nguyện cho người này; Con cầu nguyện cho người kia… Tôi dám đoan chắc với anh chị em rằng lời cầu nguyện này sẽ mang lại hai điều: giúp cho người mà ta cầu nguyện được tốt hơn, vì lời cầu nguyện có sức mạnh; và chúng ta sẽ được trở nên con cái của Thiên Chúa cha hơn.”

(Vũ Đức Anh Phương SJ, RadioVaticana 14.06.2016)