Kitô hữu Ấn Độ bày tỏ lập trường chống lại việc cướp đất

“Không được lấy một tất đất nào của chúng tôi. Không được lấy một tấc không gian nào của chúng tôi”, đám đông hô to trong cuộc biểu tình hôm 22-5 và quả quyết rằng họ sẽ không bỏ một chút đất nào của nhà thờ 466 năm tuổi này đã xếp hạng tài sản giáo hội cần bảo vệ.

Kitô hữu Ấn Độ bày tỏ lập trường chống lại việc cướp đất

Người biểu tình nói chính quyền Mumbai nhắm lấy tài sản của Giáo hội cấp cho các nhà đầu tư

Khoảng 3.000 người Công giáo từ các giáo xứ trong tổng giáo phận Mumbai phản đối điều mà họ gọi là một quyết định hành chính không công bằng khi lấy đất của một nhà thờ lâu đời. 

Cuộc biểu tình nổ ra sau khi tập đoàn Brihanmumbai Municipal Corp (BMC) của thành phố tuyên bố sẽ phá bỏ Thánh giá bên trong khuôn viên có tường bao quanh của nhà thờ Đức Bà Cứu Chữa. Nhà thờ được các thừa sai Bồ Đào Nha xây dựng năm 1550. 

Tập đoàn này cho biết việc phá bỏ Thánh giá này nhằm mở rộng một con đường, nhưng các lãnh đạo Kitô giáo ở Mumbai như Dolphy D’Souza cho biết chính quyền lấy lý do mở đường để cướp đất của nhà thờ. 

“Không được lấy một tất đất nào của chúng tôi. Không được lấy một tấc không gian nào của chúng tôi”, đám đông hô to trong cuộc biểu tình hôm 22-5 và quả quyết rằng họ sẽ không bỏ một chút đất nào của nhà thờ 466 năm tuổi này đã xếp hạng tài sản giáo hội cần bảo vệ. 

Các lãnh đạo Kitô giáo cho biết nhà thờ và thánh giá được chính quyền xác định là công trình cổ xưa mà luật pháp muốn phải được bảo tồn và bảo vệ. Ngôi nhà thờ cũng có một nghĩa trang với khoảng 100 ngôi mộ và không thể bị đào lên được, theo luật thành thị. 

“Nếu quyết định phá hủy vô lý này được thực hiện, thì nhà thờ mất chừng 50% khoảng không gian cho các ngôi mộ. Điều đó sẽ không còn chỗ cho giáo dân trong xứ chôn cất nữa”, Ramsey Rebello, người điều phối cuộc biểu tình, cho biết. 

“Chúng tôi sẽ không ngồi yên và để cho BMC lấy đất của chúng tôi … Chúng tôi sẽ đấu tranh vì công lý”, Rebello nói.

Các lãnh đạo Kitô giáo cho biết họ thấy được một kiểu cướp đất nhằm vào các nhà thờ Kitô giáo.

Người biểu tình cho biết, BMC đang chiếm đất này để làm hài lòng nhà phát triển đã xây khu dân cư phức hợp 32 tầng gần bên nhà thờ. Nhà xây dựng này đã gặp khó khi bán các sản phẩm vì đường xá chật hẹp dẫn vào tòa nhà. Người biểu tình nói BMC hành động thay cho nhà xây dựng để mở rộng con đường giúp bán được các căn hộ. 

Nhà thờ đã giao hơn 40% đất của mình cho BMC để phát triển rồi. “Và giờ đây họ lại muốn có thêm nữa. Chúng tôi sẽ không giao thêm một tấc đất nào nữa”, Rebello nói. 

Trên 65% nhà thờ đã bị nhà nước lấy đất trong một thành phố mà tất đất là tất vàng. Trong hầu hết các vụ việc, phát triển cuối cùng chỉ nhằm giúp đỡ nhà đầu tư địa ốc thay vì giúp phát triển thành phố, người biểu tình nói. 

“Chúng tôi là mục tiêu dễ dàng và không có quyền chính trị, nên nhà chức trách và tầng lớp chính trị đối xử với chúng tôi như thể không có chúng tôi vậy. Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Bởi thái độ đó mà chúng tôi phải tự tổ chức và vận động đòi quyền lợi cho mình”, D’Souza nói. 

(UCAN 27.05.2016)