Viên chức Vatican cử hành ngày cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc

Đức TGM Savio Hon, sinh ở Hồng Kông, làm tổng thư ký của Bộ Truyền giáo cho các dân tộc của Tòa Thánh từ năm 2010. Đức cha Hon bất ngờ về thăm quê hương trong hai ngày sau khi tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống và phó tổng thống Đài Loan. Đây là lần đầu tiên một viên chức cấp cao của Tòa Thánh tham dự ngày cầu nguyện này tại Hồng Kông...

Viên chức Vatican cử hành ngày cầu nguyện cho Giáo hội Trung Quốc

Đức Tổng giám mục Savio Hon Tai-fai khuyến khích người Công giáo Trung Quốc hãy can đảm và đi theo con đường sự thật, bác ái

Lần đầu tiên một viên chức cao cấp Vatican tham dự sự kiện Hồng Kông mừng Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. 

Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân của Hồng Kông đã mời Đức Tổng giám mục Savio Hon Tai-fai thay ngài làm chủ tế Thánh lễ tại Thánh đường Thánh Giuđa ở Hồng Kông hôm 24-5 mừng ngày cầu nguyện đặc biệt này. 

Đức Tổng giám mục Savio Hon, sinh ở Hồng Kông, làm tổng thư ký của Bộ Truyền giáo cho các dân tộc của Tòa Thánh từ năm 2010. 

Đức cha Hon bất ngờ về thăm quê hương trong hai ngày sau khi tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống và phó tổng thống Đài Loan. 

Đây là lần đầu tiên một viên chức cấp cao của Tòa Thánh tham dự ngày cầu nguyện này tại Hồng Kông, theo các viên chức Giáo hội. 

“Thật may mắn là các Kitô hữu luôn tin tưởng vào hy vọng qua những điều bất hạnh xảy ra trong cuộc sống”, Đức Tổng giám mục nói trong bài giảng của ngài, và nhắc tới tình hình thách đố hiện nay mà Giáo hội Công giáo đang gặp phải ở Trung Quốc. 

Trung Quốc hiện đang chứng kiến một khuynh hướng đi xuống về số lượng những người muốn làm linh mục và chiến dịch triệt hạ thánh giá của nhà cầm quyền ở tỉnh Chiết Giang, nơi có khoảng 1.700 thánh giá nhà thờ đã bị nhà chức trách triệt hạ từ năm 2013. 

Tình hình Giáo hội ở Trung Quốc thật khó mà lạc quan được do áp lực từ chính quyền và chính sách của nó đang là bất lợi cho Giáo hội”, theo Anthony Lam Sui-ki, thư ký điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Thánh Linh của giáo phận Hồng Kông chuyên nghiên cứu đời sống Công giáo ở Trung Quốc. 

Bắc Kinh cũng nhằm siết chặt quản lý tôn giáo dưới danh nghĩa “Trung Quốc hóa tôn giáo” sau cuộc họp toàn quốc hồi tháng Tư về công tác tôn giáo và ra luật nghiêm khắc hơn để kiểm soát các tổ chức phi chính phủ. 

“Và dân số Công giáo bị sụt giảm liên tục. Mỗi năm, ước tính có 170.000 người Công giáo qua đời nhưng chỉ khoảng 70.000 người được rửa tội”, Lam cho biết. 

Trong bài giảng của mình, Đức cha Hon đề cập đến câu chuyện tượng Đức Mẹ tại thánh địa Sheshan ở Thượng Hải bị phá bỏ trong cuộc Cách mạng Văn Hóa và những tiếp xúc trước đây của ngài với Cha Pedro Yu Heping, còn có tên là Wei Heping, ngài được phát hiện đã chết trong tình huống đầy bí ẩn hồi tháng 11. 

“Chúng ta nhìn thấy hy vọng trong đêm tối … Càng gặp khó khăn, chúng ta càng hy vọng nhiều hơn bởi Chúa Giêsu ở với chúng ta”, Đức Tổng giám mục Hon nói. 

Ngài khuyến khích người Công giáo Trung Quốc “hãy can đảm và bước theo con đường chân lý và bác ái” như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết trong bài cầu nguyện năm 2008 của ngài cho ngày cầu nguyện đặc biệt này. 

Đức Bênêđictô đã chọn ngày này trong bức thư năm 2007 của ngài gởi cho người Công giáo Trung Quốc, trong đó ngài nói đến lòng sùng kính Đức Mẹ Phù hộ các Kitô hữu tại thánh địa Sheshan dành cho Giáo hội tại Trung Quốc. 

(UCAN 27.05.2016)