Bài phỏng vấn của Đức Thánh Cha dành cho báo La Croix
Trong số báo ra ngày thứ Ba 17 tháng 5, tờ La Croix đã đăng một cuộc phỏng vấn dài Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho báo này về nhiều đề tài khác nhau đối với Giáo Hội tại Pháp, vấn đề người Hồi giáo và di cư, thị trường tự do và căn cội Kitô giáo của xã hội châu Âu.
Bàn về nỗi sợ Hồi Giáo, Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
“Tôi không nghĩ rằng bây giờ có một nỗi sợ hãi chính đạo Hồi, nhưng người ta sợ quân khủng bố Hồi Giáo IS và cuộc chiến tranh chinh phục của nó, được lèo lái một phần là do đạo Hồi”
“Đối mặt với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo hiện nay, chúng ta nên đặt câu hỏi về cách thức trong đó một mô hình dân chủ quá Tây Phương đã được xuất khẩu sang các nước nơi có một quyền lực mạnh mẽ, chẳng hạn như ở Iraq, hoặc ở Libya, nơi có cấu trúc bộ lạc. Chúng ta không thể cứ sấn tới mà không xem xét nền văn hóa đó.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với tờ La Croix rằng ngài khó chịu với các cuộc thảo luận về nguồn gốc Kitô giáo của xã hội châu Âu. “Đôi khi tôi sợ những giai điệu, dường như có vẻ vênh vang hoặc thậm chí hằn học” . Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ căn cội Kitô Giáo tại Âu châu đã đề cập đến vấn đề này “một cách thanh thản.”
Nhắc đến nước Pháp, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận rằng nước Pháp là “trưởng nữ của Giáo Hội” nhưng ngày nay cách nào đó nước Pháp lại là vùng “ngoại vi cần được Phúc âm hóa”. Ngài cho biết rất mộ mến vị Thánh người Pháp là Thánh Nữ Têrêsa thành Lisieux và đã vinh danh hai nhà văn Pháp là Đức Hồng Y Henri de Lubac và Cha Michel de Certeau, như những “linh mục dòng Tên đầy sáng tạo.”
Ngài xác nhận Tổng thống Pháp François Hollande và Hội đồng giám mục Pháp đã gởi thư chính thức mời ngài thăm nước Pháp. Nhưng về ngày tháng thì chưa xác định, chắc chắn không phải là năm 2017 vì đó là năm bầu cử. Đức Phanxicô có nêu lên thành phố Marseille, một thành phố chưa có giáo hoàng nào đến thăm.
Khi được hỏi về tình trạng thiếu linh mục ở Pháp, ngài nói:
Hàn Quốc là một ví dụ lịch sử. Đất nước này đã nhận được ánh sáng Tin Mừng từ những nhà truyền giáo từ Trung Quốc. Sau đó, trong hai thế kỷ, Hàn Quốc được phúc âm hóa bởi những người giáo dân. Đó là một vùng đất của các vị thánh và các vị tử đạo ngày hôm nay với một Giáo Hội mạnh mẽ. Các linh mục không phải là điều kiện tiên quyết để rao giảng Tin Mừng.
Mấy tuần gần đây Đức Hồng Y Philippe Barbarin của Lyon, thành phố lớn thứ hai của nước Pháp, đang ở trung tâm bão của một chiến dịch buộc ngài phải từ chức vì cách thức ngài giải quyết vụ linh mục Bernard Preynat bị buộc tội tấn công tình dục 4 cậu bé hướng đạo trong thời gian từ 1986 đến 1991.
Cha Preynat đã bị đặt dưới sự điều tra chính thức vào tháng Giêng, nhưng luật sư của ông lập luận rằng tội ác này đã vượt quá thời hạn hồi tố.
Tháng Ba vừa qua, các công tố viên ở Lyon yêu cầu một cuộc điều tra sơ bộ về những cáo buộc của ba nguyên đơn dân sự theo đó Giáo Phận Lyon đã biết về vụ tai tiếng này từ những năm trước, nhưng không thông báo cho các nhà chức trách.
Theo tổng giáo phận Lyon, Đức Hồng Y Barbarin chỉ nhận được lời khai của một nạn nhân vào giữa năm 2014, và sau một cuộc điều tra đã buộc cha Preynat ngưng việc mục vụ vào tháng Năm 2015.
Bình luận về vụ này, Đức Thánh Cha nói:
“Đối với Giáo Hội trong lĩnh vực này, sẽ không có thời hạn hồi tố. Qua các lạm dụng này, một linh mục có ơn gọi là đưa trẻ em đến với Chúa thì linh mục này lại hủy hoại em. Linh mục đó gây ra sự dữ, lòng oán giận, sự đau khổ. Như Đức Bênêđictô thứ 16 đã nói, mức độ khoan dung phải là zero.”
Đáp lại một câu hỏi về Đức Hồng Y Philippe Barbarin của Lyon, Đức Thánh Cha nói: “Dựa trên những thông tin tôi có, tôi nghĩ rằng, tại Lyon, Đức Hồng Y Barbarin đã đưa ra những biện pháp cần thiết, ngài nắm được tình hình. Ngài là một người dũng cảm, đầy sáng tạo, một nhà truyền giáo.”
Khi được hỏi liệu Đức Hồng Y Barbarin có nên từ chức không, Đức Thánh Cha nói: “Không, đó sẽ là một điều mâu thuẫn, một sự thiếu thận trọng. Chúng ta sẽ bàn đến sau khi kết thúc phiên tòa. Nhưng bây giờ từ chức thì có khác gì tự xưng là có tội.”
Đối thoại với các thành viên Huynh Đoàn Thánh Piô X nhưng không có một thỏa thuận nào.
Một vấn đề khác của Giáo Hội Pháp, đó là các quan hệ với Huynh đoàn Thánh Piô 10. Đức Phanxicô đã biết về Huynh đoàn này từ khi còn ở Buenos Aires. Theo ngài, các thành viên của Huynh Đoàn là “những người Công Giáo đang trên đường đi đến sự hiệp thông trọn vẹn”. Ngài công nhận có những đối thoại, ngài hiểu “Đức Cha Fellay là một người có thể đối thoại”: “Hai bên đi chậm, với nhiều kiên nhẫn”, nhưng cho đến lúc này chưa có một thỏa thuận nào giữa hai bên được nhắm đến.
Người di dân: các vấn đề được đặt ra
Về vấn đề di dân ở Âu Châu, Đức Thánh Cha thừa nhận, “không thể nào mở rộng cửa một cách phi lý. Nhưng vấn đề căn bản được đặt ra là tại sao có quá nhiều người di dân hiện nay.” Theo Đức Thánh Cha, gốc rễ của hiện tượng này là một “hệ thống kinh tế toàn cầu chìm trong việc thờ ngẫu tượng tiền bạc”. Ngài kêu gọi Âu Châu hội nhập những người di dân mới đến, trong khi xét lại thực tế là “Âu Châu đang có vấn đề lớn về chuyện không sinh sản, do thái độ tìm kiếm một sự thoải mái một cách ích kỷ”.
Ngài lấy làm tiếc là nước Pháp đã sa đà quá đáng trong xu hướng thế tục hóa khi “xem các tôn giáo là một loại văn hóa thứ yếu chứ không phải là một loại văn hóa riêng của mình”. Và ngài nói thêm: “nước Pháp phải đi một bước tới đàng trước về vấn đề này, để chấp nhận rằng, việc cởi mở với những điều siêu việt phải là một quyền của tất cả mọi người”.
(Đặng Tự Do, VCN 17.05.2016)