Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chúc mừng Phục sinh đến tín hữu của các Giáo hội Đông phương
Nhân dịp Lễ Phục Sinh của các Giáo hội Đông phương cử hành vào Chúa nhật 01-05-2016 theo lịch Julianô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chúc mừng đến tín hữu của các Giáo hội này.
Ngỏ lời với các tín hữu hành hương tụ họp tại quảng trường Thánh Phêrô đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng, Đức Thánh Cha nói: “Nguyện xin Chúa Phục Sinh ban cho những người anh chị em của chúng ta thuộc các Giáo hội Đông phương ánh sáng và bình an của Ngài. Christos anesti! (Chúa Kitô đã sống lại!)”.
Trước đó, trong một dòng tweet trên trang Twitter @Pontifex, Đức Thánh Cha nhắn gửi: “Tôi xin gửi lời chào thân ái đến các tín hữu của các Giáo hội Đông phương đang mừng lễ Phục sinh vào ngày hôm nay. Christos anesti! (Chúa Kitô đã sống lại!)"
Trong khi đó vào dịp Lễ Phục sinh của Giáo hội Chính thống Đông phương, tại các cuộc đàm phán ở Minsk, các bên đã đồng ý rằng các lực lượng chính phủ Ukraina và quân ly khai được Nga hậu thuẫn sẽ tuân thủ một cuộc ngừng bắn toàn diện ở Đông-Nam Ukraina, nơi cả người Chính thống giáo và người Công giáo Hy Lạp đều mừng lễ Phục sinh.
Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào lúc nửa đêm thứ Bảy, nhưng theo các nguồn tin của chính phủ Ukraina, một người lính đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương tại phía đông của quốc gia này vào hôm Chúa nhật, và đây dường như là một sự vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Trong một sứ điệp, Đức Thượng phụ Constantinopolis là Bartholomaios I đã kêu gọi các tín hữu làm chứng cho lòng yêu thương những người thân cận của mình giữa những tàn khốc của thế giới ngày nay, đang bị xâu xé bởi chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh và đau khổ.
Vị Tổng giám mục Chính thống của Italia và Malta là Gennadios Zervos mời gọi các tín hữu hãy “thanh tẩy tâm hồn” để có thể “cảm nhận trọn vẹn Đấng Phục Sinh đang hiện diện”, còn Đức Thượng phụ Giáo hội Chính thống Serbia là Irinej đã gửi sứ điệp Phục sinh mời gọi các tín hữu hãy tha thứ, “đừng phán xét người khác, đừng sợ hãi thế gian với những hệ tư tưởng thế tục, sự chia rẽ, hận thù và bạo lực”.
(Minh Đức, WHĐ 02.5.2016/ Vatican Radio)