Đức Giáo hoàng và gia đình: Quá trễ đối với tỉnh bang Québec của Canada không?
Khi đọc Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, tôi vui vì thấy một Giáo hoàng chứng tỏ cho thấy mình thấu hiểu thích đáng về tình yêu vợ chồng.
Quả thật, lời giáo huấn của Giáo hội về gia đình, tình yêu, dục tính thường ở mức độ cao của giáo điều, chưa đủ để đi sát với đời sống các cặp, những người chỉ đơn giản làm sao sống cuộc sống tình yêu của mình. Nhưng đó có phải là làn gió thổi quá trễ không?
Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương công bố vào ngày thứ sáu 8 tháng 4, Đức Phanxicô đã chọn cách trình bày tình yêu như một con đường với sức sống riêng của nó, đối diện với thực tế, sống với thân phận con người, mà chính thân phận này buộc con người phải chiến đấu không ngừng cho hạnh phúc, với một quả tim mong manh và với một tấm lòng thương tổn… Cái nhìn về tình yêu vợ chồng này biểu hiệu cho một sự thay đổi đáng kể trong cương vị của Giáo hội. Cái nhìn này không còn đúc khuôn trên hình ảnh lý tưởng của đôi cặp và của bí tích, với kỳ vọng các cặp vợ chồng sẽ thích ứng ngay khi có các thuận tình được trao đổi.
Một con đường, một khoảng cách phải đi, một đích đến đang chờ. Điểm khởi đầu là khi hai người lần đầu đưa ra chương trình sống chung với nhau. Đích đến không có gì lý tưởng hơn là một sự hiệp thông hoàn hảo.
Đã lập gia đình từ 32 năm nay, thật tình tôi ngờ chưa đạt được lý tưởng này, nhưng thế lại là tốt! Vì sức sống bên trong của tình yêu ngăn không cho nó trở nên trơ ì, bất động hay đến đích trọn vẹn.
Tình yêu như một cuộc du hành, buộc mình sẽ gặp các hoàn cảnh bắt mình phải thứ thách để tăng trưởng, dù là lúc mới đề máy, lúc tăng ga, lúc đạp thắng, lúc rẽ ngoặt, lúc đãng trí, lúc tai nạn, lúc dừng chân, lúc kẹt xe, lúc phải đi vòng, lúc được tiếp sức, lúc gặp cảnh đẹp, lúc lên tàu, lúc xuống tàu và đôi khi còn thay phi công phụ!
Nói đến con đường để hình dung đời sống đôi cặp, nó là như vậy. Cho đến bây giờ, Giáo hội luôn nhấn mạnh đến giáo điều, đến chuẩn mực mà thường là không với tới được, nếu không muốn nói là không còn cảm hứng gì.
Và bây giờ thì ngược lại, giọng điệu của bản tài liệu dài này vừa mang lại một chút sức thổi.
Quá ít, quá trễ?
Bản tài liệu này đối với bang Québec có quá trễ quá chăng? Ngược với các Giám mục, họ thấy bản văn này thích ứng với hoàn cảnh chúng ta, tôi thì thấy Giáo hội đã đánh mất quan hệ với hai, thậm chí là ba thế hệ, họ đã quay lưng lại với Giáo hội. Có thể những người này sẽ thình lình trở lại giáo xứ của họ với hy vọng họ sẽ được nhìn một cách khác. Nhưng bây giờ thì họ đã ở nơi khác.
Tài liệu của Giáo hoàng sẽ dính đến các mục tử, các người lo mục vụ hôn nhân nhiều hơn. Nó khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo thích ứng cho gia đình. Thậm chí Đức Giáo Hoàng còn đánh giá cao kinh nghiệm của các linh mục lập gia đình (ở các Giáo hội Chính Thống). Có lẽ phải thấy đây là một cái nháy mắt ngài hướng về tầm quan trọng, để quy chiếu về hiểu biết thực tế của những vấn đề phức tạp mà các gia đình phải chạm trán.
Các vấn đề khó khăn hơn cần giải quyết để Giáo hội không bị đi lui. Vợ chồng ăn ở với nhau không đám cưới, ly dị, tái hôn, tái cấu trúc gia đình là những hoàn cảnh rất phổ biến hiện nay ở Québec. Bản Tông Huấn muốn đến với họ, tìm hiểu các giá trị của những kinh nghiệm tích cực thay vì dứt khoát lên án họ đã đi những con đường cấm. Mời họ gia nhập thay vì loại trừ họ, kín đáo ghi nhận, cho đến việc giúp họ được nhận các phép bí tích như phép Thánh Thể mà việc rước lễ của những cặp ly dị và tái hôn luôn là vấn đề gây tranh luận nơi người công giáo.
Trong số các vùng tối, không có một lời nào trực tiếp nói đến những người đồng tính. Ngược lại, sự minh bạch về giáo điều được nhắc lại một cách mạnh mẽ ở đây: không có một tương đồng nào giữa tình yêu đồng tính và hôn nhân theo nguyên tắc của Giáo hội. Trong một tài liệu được khen về mặt mục vụ, thì đáng tiếc không có một lời an ủi hay khuyến khích nào dành cho họ.
Tông Huấn này không thay đổi gì giáo điều công giáo về hôn nhân. Nhưng đó không bao giờ là mục đích của Tông Huấn. Nhưng Tông Huấn đã mang lại một sự thay đổi lớn về tông giọng. Là tu sĩ Dòng Tên, Đức Giáo hoàng biết mình phải dựa trên thời gian. Tất cả mọi văn hóa đều tiến hóa, kể cả văn hóa mục vụ. Qua tiếp cận với những trạng huống phức tạp, dựa trên lòng tốt và tháp tùng, trên hội nhập và nhận định, văn hóa mục vụ của Giáo Hội sẽ biến đổi một cách sâu đậm và tích cực, mặc cho những người theo chủ nghĩa thuần túy, muốn Giáo Hội lúc nào cũng giữ một hình ảnh bất biến.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 12.04.2016/
presence-info.ca/, Jocelyn Girard, 2016-04-11)