Đức Phanxicô phẫn nộ trước thái độ dửng dưng với người nghèo

Nếu phải “phân biệt các người nghèo và các hình thức ăn xin khác nhau để thực sự giúp những người đang khốn khó thật”, thì Đức Phanxicô lưu ý không được phán xét. Ngài công kích những người từ chối không cho, lấy lý do “đồng tiền mình cho sẽ bị người này đi mua rượu uống say sưa”...

Đức Phanxicô phẫn nộ trước thái độ dửng dưng với người nghèo

Trước 40 000 giáo dân tụ họp ở Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung đặc biệt lần thứ tư vào ngày thứ bảy 9 tháng 4 của Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Phanxicô kêu gọi giáo dân khi làm việc từ thiện giúp người đang thiếu thốn thì đừng phán xét họ, dành thì giờ và quan tâm đến họ nhiều hơn.

Tươi cười và thoải mái trên xe giáo hoàng, trước hết ngài đi một vòng Quảng trường Thánh Phêrô đông nghẹt những người trong tiếng nhạc của một ban nhạc kèn trống. Trong bài giáo lý của mình, Đức Phanxicô suy niệm về việc làm bác ái, một khía cạnh thiết yếu để thực hiện lòng thương xót. Không làm việc bác ái để được khen, được ngưỡng phục nhưng âm thầm làm trong lòng, nơi chỉ có Chúa thấy và biết giá trị của hành vi đã được làm. 

Một đồng tiền để mua rượu

Nếu phải “phân biệt các người nghèo và các hình thức ăn xin khác nhau để thực sự giúp những người đang khốn khó thật”, thì Đức Phanxicô lưu ý không được phán xét. Ngài công kích những người từ chối không cho, lấy lý do “đồng tiền mình cho sẽ bị người này đi mua rượu uống say sưa”. Đức Phanxicô ứng khẩu vặn lại: “Nhưng nếu người đó say, thì vì người đó không có con đường nào khác! Còn mình, mình làm gì để che giấu, để không ai thấy… và mình là quan tòa của người khốn khổ đi xin đồng tiền để mua rượu sao?” 

Đức Phanxicô nói tiếp: “Từ thiện không phải nơi đồng tiền mình vội vàng cho, không ngừng lại một giây, không nhìn vào mắt người nhận, không nói chuyện với họ để hiểu họ đang cần gì. Vì thế không phải bề ngoài là đáng kể, nhưng là biết nhìn vào người mình giúp, trong một cử chỉ chân thành quan tâm.” 

Đức Phanxicô khuyến khích giáo dân nên có cái nhìn yêu thương với người mình giúp, quan tâm đến họ nhiều hơn. Làm việc từ thiện bao gồm một khía cạnh hy sinh, có nghĩa là mình sẽ thiếu khi cho, là cho cái có giá trị, Đức Phanxicô nhấn mạnh trước khi kết thúc: Niềm vui khi cho lớn hơn là khi nhận.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 12.04.2016/
cath.ch, 2016-04-09)