Giáo Hội không cần những đồng tiền dơ bẩn

Dân của Thiên Chúa, đó là Giáo Hội, không cần những đồng tiền dơ bẩn, nhưng cần cõi lòng rộng mở cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Và thật cần thiết việc đến gần Thiên Chúa cùng với bàn tay trong sạch, hãy tránh xa sự dữ và thực hành điều thiện cũng như sự công bằng.

Giáo Hội không cần những đồng tiền dơ bẩn

VATICAN. Thiên Chúa muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ vì thế hãy kiến tạo sự công bình như hành vi hoán cải để nhận lãnh sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 02.03.2016 tại quảng trường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của đông đảo khách hành hương. Tuần này, Đức Thánh Cha nói về lòng thương xót và sự sửa dạy của Thiên Chúa dành cho con cái như người cha trong gia đình.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:

“Nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta đã nhiều lần gợi nhắc hình ảnh người cha trong gia đình, vốn yêu thương con cái mình, giúp đỡ chúng, quan tâm đến chúng, tha thứ cho chúng. Và như người cha, ông giáo dục chúng và sửa dạy mỗi khi chúng phạm lỗi, trợ giúp sự lớn lên của chúng trong sự tốt lành.

Đây cũng là sự giới thiệu về Thiên Chúa trong chương thứ nhất của sách tiên tri Isaia, qua đó Thiên Chúa, như người cha đầy tình cảm nhưng tận tâm và nghiêm khắc, nói với dân Israel để tố cáo sự bất trung và suy đồi, để đưa dân trở lại đường ngay nẻo chính. Chúng ta bắt đầu với bản văn: “Trời hãy nghe đây, đất lắng tai nào, vì Đức Chúa phán: 'Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta. Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì'”. (1,2-3).

Thiên Chúa, qua trung gian ngôn sứ, nói với dân cùng với sự chua xót của một người cha đầy thất vọng: Ngài làm cho các con cái mình được lớn lên, và giờ đây họ nổi loạn chống lại Ngài. Ngay cả súc vật còn trung thành với chủ nhân và nhận ra bàn tay đã nuôi dưỡng chúng; thì ngược lại dân không còn nhận biết Thiên Chúa, họ từ chối không muốn hiểu. Mặc dầu bị tổn thương, Thiên Chúa đã để cho tình yêu lên tiếng, và tình yêu mời gọi lương tâm của những người con lầm lạc ngõ hầu họ hối cãi và để cho mình được yêu thương một lần nữa. Đây là điều mà Thiên Chúa làm! Ngài đến gặp gỡ chúng ta ngõ hầu chúng ta để cho Ngài yêu thương chúng ta trong con tim của Thiên Chúa chúng ta.

Tương quan cha-con, qua đó các ngôn sứ đã luôn vận dụng để nói về tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và dân riêng của Ngài, đã bị bóp méo. Sứ mệnh giáo dục của các bậc cha mẹ nhằm làm cho con cái được lớn lên trong sự tự do, trao ban cho chúng những trách nhiệm, khả năng để thực hiện những điều tốt lành cho chính mình và cho tha nhân. Tuy nhiên, do căn nguyên của tội lỗi, sự tự do đã trở nên yêu sách của sự tự trị, yêu sách của sự ngạo mãn, và sự kiêu ngạo dẫn đến sự chống đối và ảo tưởng về sự tự lập.

Để rồi Thiên Chúa tái kêu gọi dân của Người: “Các ngươi đã lầm đường lạc lối”. Ngài nói với dân với sự cay đắng và đầy tình yêu. Thiên Chúa không bao giờ khước từ chúng ta; chúng ta là dân của Ngài, người nam xấu xa nhất, người phụ nữ đồi bại nhất, những người xấu xa nhất trong các dân tộc vẫn là con cái của Thiên Chúa. Và đó là Thiên Chúa: không bao giờ từ bỏ chúng ta! Ngài luôn nói: “Con ơi, hãy đến đây”. Và đây là tình yêu của Thiên Chúa Cha; đây là lòng thương xót của Thiên Chúa. Có một người cha như thế sẽ mang lại cho chúng ta hy vọng, mang lại cho chúng ta niềm tin. Sự thuộc về này phải đuợc sống trong niềm tin tưởng và sự vâng lời, cùng với sự thấu hiểu rằng tất cả là ân ban vốn đến từ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Ngược lại, thì đó là sự kiêu căng, sự ngu dốt và ngẫu tựơng.

Vì thế giờ đây ngôn sứ nói trực tiếp với dân này cùng với những lời nghiêm khắc để giúp đơc dân hiểu về tính nghiêm trọng của tội lỗi họ: “Khốn thay dân tộc phạm tội, […] lũ con hư hỏng! Chúng đã bỏ Đức Chúa, đã khinh Đức Thánh của Ít-ra-en, mà quay lưng đi”(c.. 4).

Hậu quả của tội là một tình trạng đau khổ, qua đó phải lãnh nhận những hậu quả cho cả đất nước, bị tàn phá và bỏ mặc như sa mạc, còn Sion, nghĩa là Giêrusalem, thì trở nên bất khả cư ngụ. Nơi đâu khước từ Thiên Chúa, cả tình phụ tử của Ngài, thì chẳng thể nào sống được nữa, sự hiện hữu mất đi gốc rễ của chính nó, tất cả dường như bị hủy hoại và tha hóa.

Tuy nhiên, ngay cả giây phút đau khổ này cũng vẫn nằm trong viễn tượng của sự cứu độ. Sự thử thách được đưa ra ngõ hầu dân chúng có thể trải nghiệm sự đắng cay của kẻ chối bỏ Thiên Chúa, và vì thế tự mình đối diện với một sự trống rỗng sầu muộn của việc chọn lựa cái chết. Sự đau khổ, hậu quả không thể tránh được của một quyết định mang tính tự hủy diệt mình, phải được chính tội nhân tự phản tỉnh hầu hướng lòng đến sự hoán cải và sự tha thứ.

Và đây chính là hành trình của lòng thương xót của Thiên Chúa: Thiên Chúa không đối xử với chúng ta theo như tội của chúng ta (Tv 103, 10). Sự trừng phạt trở nên khí cụ để khơi gợi sự phản tỉnh. Người ta hiểu rằng Thiên Chúa tha thứ cho dân của Ngài, ban ân sủng, và không tiêu diệt tất cả, nhưng luôn để một cánh cửa mở dẫn đến sự hy vọng. Sự cứu độ bao hàm quyết định của lắng nghe và hoán cải bản thân, nhưng vẫn mãi luôn là ân ban nhưng không. Thiên Chúa, vì thế, trong lòng thương xót của Ngài, chỉ dẫn đường lối, không phải là con đường của những của lễ toàn thiêu mang tính nghi thức, nhưng đúng hơn đó chính là sự công bằng.

Nghi thức đã bị chỉ trích không phải bởi vì tự bản thân nó vô dụng, nhưng bởi vì, thay vì diễn tả sự hoán cải, thì lại muốn thay thế sự hoán cải; và trở nên cuộc tìm kiếm chính sự công bằng, tạo ra sự xác tín dối trá rằng những lễ tế ấy sẽ cứu độ, chứ không phải lòng thương xót của Thiên Chúa vốn tha thứ tội lỗi. Để hiểu rõ điều này: khi một người ốm đi đến thầy thuốc, thì cũng giống như một người cảm thấy mình là tội nhân và đến với Thiên Chúa. Nhưng thay vì đến với thầy thuốc, người đó lại đến với thầy phù thủy và vì thế không được lành bệnh.

Rất nhiều lần chúng ta thích đi trong đường lầm lạc, tìm kiếm một sự biện minh, một sự công chính, một sự bình an vốn được tặng ban cho chúng ta như quà tặng từ chính Thiên Chúa nếu chúng ta không đi tìm kiếm Ngài. Thiên Chúa, như tiên tri Isaia nói, không ưng máu chiên máu bò (c.11), nếu sự dâng tiến được thực hiện bởi bàn tay vấy máu của người anh em (c.15). Nhưng tôi nghĩ đến một vài nhà tài trợ của Giáo Hội khi đến để dâng cúng “hãy nhận cho Giáo Hội những dâng cúng này”, vốn là máu của biết bao người bị bóc lột, bạc đãi, đày đọa như nô lệ cùng với công việc được trả lương bèo bọt! Tôi sẽ nói với những người này: “Làm ơn, hãy bước ra sau cùng với ngân phiếu của mình, rồi hãy đốt nó đi”.

Dân của Thiên Chúa, đó là Giáo Hội, không cần những đồng tiền dơ bẩn, nhưng cần cõi lòng rộng mở cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Và thật cần thiết việc đến gần Thiên Chúa cùng với bàn tay trong sạch, hãy tránh xa sự dữ và thực hành điều thiện cũng như sự công bằng. Thật là đẹp khi tiên tri Isaia nói: “Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.”(c.16-17)

Anh chị em hãy nghĩ đến biết bao người tị nạn đang lên bờ trong khắp châu Âu và họ không bíêt đi đâu. Và rồi, Thiên Chúa nói, những tội lỗi, thậm chí đỏ thẫm, cũng có thể trở nên trắng như tuyết, và trắng trẻo như bông, và dân sẽ được nuôi dưỡng trong những sản vật của trần gian và sống trong hòa bình (c.19)

Đây là phép lạ của sự tha thứ của Thiên Chúa; sự tha thứ mà Thiên Chúa như người cha, muốn trao tặng cho dân của Ngài. Lòng thương xót của Thiên Chúa được trao ban cho tất cả, và những lời này của ngôn sứ có hiệu lực cho tất cả chúng ta ngày nay, chúng ta được kêu gọi để sống như con cái của Thiên Chúa.”

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai