Đức Thánh Cha gặp gỡ giới lao động tại Mêhicô

Chúng ta muốn để lại cho con cháu thế giới nào? Phải chăng Mêhicô muốn để lại một kỷ niệm về sự bóc lột, về đồng lương không xứng đáng, về những sự xách nhiễu tại nơi làm việc? Hoặc muốn để lại một nền văn hóa nhớ đến công ăn việc làm xứng đáng, một mái nhà khang trang và đất đai để canh tác?...

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới lao động tại Mêhicô

CIUDAD JUÁREZ. Trong cuộc gặp gỡ 3 ngàn người đại diện giới chủ xí nghiệp và công nhân, ĐTC Phanxicô kêu gọi kiến tạo cơ may làm việc cho người trẻ và quan tâm đến vấn đề luân lý đạo đức trong doanh nghiệp.

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc quá 11 giờ 30 ngày 17-2-2016 tại thành phố Ciudad Juárez, ở miền bắc Mêhicô, giáp giới với Hoa Kỳ. Thành phố này có hơn 1 triệu 220 ngàn dân cư, khét tiếng là một trong những thành phố nhiều bạo lực nhất thế giới, hơn cả Miami, New Orleans ở Mỹ và Caracas, thủ đô Venezuela.

Tại đây, sau khi gặp các tù nhân tại trung tâm tái hội nhập xã hội số 3, gọi tắt là CeReSo 3, ngài gặp gỡ giới lao động tại trường huấn nghệ của bang Chihuahua.

Trường huấn nghệ này được gọi là "Cologio de Bachilleres”, được thành lập năm 1973 như một trường cao đẳng với mục đích đáp ứng nhu cầu huấn luyện cho các học viên trước khi bước vào thế giới lao động, sản xuất và cung cấp các dịch vụ xã hội, cũng như chuẩn bị cho các học viên học cao hơn nữa. Sự thành công của sáng kiến này đưa đến việc thành lập các trường tương tự ở thành phố Chihuahua trong những năm từ 1982 đến 1984.

Cuộc gặp gỡ giữa ĐTC và 3 ngàn đại diện giới lao động, gồm cả các chủ nhân lẫn công nhân viên, diễn ra tại hội trường thể thao của Học Viện.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức GM tổng giáo phận Ciudad Juárez và chứng từ của hai công nhân, ĐTC nhận xét rằng:

"Một trong những tai ương lớn nhất mà giới trẻ của anh chị em gặp phải là thiếu cơ may được học hành, được công ăn việc làm lâu dài và có lợi tức giúp họ thực hiện những dự phóng và điều này trong nhiều trường hợp gây ra tình trạng nghèo đói. Vì thế tình trạng nghèo đói này trở thành môi trường thuận lợi cho sự rơi vào cái vòng buôn bán ma túy và bạo lực... Không thể bỏ rơi hiện tại và tương lai của Mêhicô”.

"Đáng tiếc là thời đại chúng ta đang sống áp đặt tiêu chuẩn lợi lộc kinh tế như nguyên tắc điều hành các quan hệ giữa con người với nhau. Não trạng thịnh hành là làm sao đạt được nhiều lợi tức tối đa, với bất cứ giá nào và ngay lập tức. Không những não trạng ấy làm mất đi chiều kích luân lý đạo đức của các xí nghiệp, nhưng nó còn khiến người ta quên rằng sự đầu tư tốt đẹp nhất ta có thể thực hiện chính là đầu tư vào con người, vào cá nhân và các gia đình.

Sự đầu tư tốt đẹp nhất là kiến tạo những cơ may. Não trạng thịnh hành đặt con người phải phục vụ cho tư bản, và trong nhiều trường hợp, nó tạo ra sự bóc lột các công nhân viên như những đồ vật người ta dùng rồi vất bỏ đi, "vắt chanh bỏ vỏ” (Xc Laudato sí, 123). Thiên Chúa sẽ hỏi tội những kẻ tạo nên những người nô lệ ngày nay, và chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để những tình trạng như vậy không xảy ra nữa. Làn sóng tư bản không thể xác định cuộc sống của con người”.

ĐTC nhắc đến những người, "đứng trước những đề nghị của đạo lý xã hội Công Giáo, họ đặt vấn đề và nói: "Những đạo lý này đòi chúng tôi phải trở thành những tổ chức từ thiện, hoặc chúng tôi phải biến các xí nghiệp thành những cơ quan từ thiện.”! Thật ra, chủ trương duy nhất mà Đạo lý xã hội Công Giáo muốn, đó là lưu ý về sự toàn vẹn của con người và các cơ cấu xã hội. Mỗi khi sự toàn vẹn này, vì nhiều lý do, bị đe dọa, hoặc bị biến thành một sản phẩm tiêu thụ, thì Đạo lý xã hội của Hội Thánh sẽ là một tiếng nói ngôn sứ giúp tất cả mọi người đừng lạc mất trong biển tham vọng đầy cám dỗ. Mỗi khi sự toàn vẹn của con người bị chà đạp, thì toàn thể xã hội, một cách nào đó, cũng bắt đầu suy thoái.

Đạo lý này không nhắm chống lại ai, nhưng có lợi cho tất cả mọi người. Mỗi lãnh vực có nghĩa vụ phải quan tâm đến thiện ích của tất cả mọi người; tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con tàu. Tất cả chúng ta phải chiến đấu làm sao để lao công là một phương thế nhân bản hóa và xây dựng tương lai, trở thành một không gian để kiến tạo xã hội và đời sống dân sự. Thái độ này không những tạo nên một sự cải tiến ngay, nhưng về lâu về dài còn biến thành một nền văn hóa có khả năng thăng tiến những môi trường xứng đáng cho tất cả mọi người. Nền văn hóa này, thường này sinh từ sự căng thẳng, đang tạo nên một lối quan hệ mới, một kiểu thức mới của quốc gia”.

Cũng trong bài nói chuyện với giới lao động, ĐTC đặt câu hỏi với giới chủ nhân xí nghiệp và các công nhân viên: "Chúng ta muốn để lại cho con cháu thế giới nào? Đây là một câu hỏi luôn là điều tốt đẹp khi nghĩ tới: tôi muốn để lại cho con cháu tôi điều gì? Mêhicô muốn để lại điều gì cho các con cháu của mình? Phải chăng Mêhicô muốn để lại một kỷ niệm về sự bóc lột, về đồng lương không xứng đáng, về những sự xách nhiễu tại nơi làm việc? Hoặc muốn để lại một nền văn hóa nhớ đến công ăn việc làm xứng đáng, một mái nhà khang trang và đất đai để canh tác? Chúng ta muốn những người sinh sau chúng ta được thấy một nền văn hóa nào? Chúng sẽ hô hấp bầu không khí thế nào? Một thứ không khí ô nhiễm vì tham nhũng, bạo lực, bất an, nghi kỵ, hoặc một không khí có khả năng tạo nên sự đổi mới và thay đổi?”

Cuộc gặp gỡ dài một tiếng đồng hồ. Sau khi giã từ mọi người, ĐTC đã về đại chủng viện giáo phận Ciudad Juárez để dùng bữa trưa cùng với đoàn tùy tùng và nghỉ ngơi.

(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 18.02.2016)