Đức Thánh Cha gặp các Giám Mục Mêhicô và dâng thánh lễ tại Đền thánh Đức Bà Guadalupe
Tường thuật buổi gặp gỡ các Giám Mục Mêhicô và thánh lễ ĐTC cử hành tại Vương cung thánh đường Guadalupe
Như chúng tôi dã tưởng thuật các sinh hoạt ngày đầu tiên của ĐTC tại Mêhicô đã là cuộc gặp gỡ các giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Quốc Gia trong thủ đô Mêhicô.
Lúc 6 giờ rưỡi chiều thứ bảy ĐTC đã đến nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời để gặp gỡ các Giám Mục Mêhicô. Ngài đã được các giới chức chính quyền thủ đô tiếp đón và trao chìa khóa thành phố tại quảng trường Zócalo, xây trên các dấu tích trung tâm chính trị tôn giáo của thủ đô Tenochtitlan của thổ dân Aztechi xưa kia. Quảng trường có thể chứa được 80 ngàn người.
Nhà thờ chính toà Đức Mẹ hồn xác lên trời được xây trên nơi xưa kia có một đền thờ kính thần Xipe. Đền thờ hiện nay được khởi công xây năm 1657 nhưng đã chỉ hoàn thành năm 1813. Mặt tiền đền thờ có các bức khắc đá cẩm thạch trắng, chính giữa là cảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời, bên trái là cảnh Chúa trao chià khóa Thiên đàng cho thánh Phêrô, bên phải là con tầu Giáo Hội. Bên trên đồng hồ có ba bức tượng diễn tả ba nhân đức đối thần: đức tin đức cậy và đức mến. Bên trong nhà thờ có 5 gian dọc và 16 bàn thờ cạnh. Vòm nhà thờ vẽ cảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời.
Có cuộc sống trông sáng và biết có cái nhìn của Mẹ Maria
Ngỏ lời với các Giám Mục ĐTC đã đề cao việc sùng kính Đức Mẹ Guadalupe như linh hồn của dân nước Mêxicô. Đức Trinh Nữ “Da ngăm” dậy chúng ta rằng sức mạnh duy nhất có khả năng chinh phục trái tim con người là sự hiền dịu của Thiên Chúa. Điều gây thích thú và lôi cuốn, điều khuất phục và chiến thắng, điều mở ra và tháo các xích xiềng không phải là sức mạnh của các dụng cụ hay sự cứng rắn của luật lệ, nhưng là sự yếu đuối toàn năng của tình yêu Thiên Chúa, là sức mạnh của tình yêu của Thiên Chúa, là sức mạnh không thể cưỡng lại được của sự dịu hiền và lời hứa không trở lại đàng sau của lòng thương xót Ngài.
Trong lịch sử dài và đau đớn của dân nước Mêhicô, với biết bao máu đã đổ ra, với biết bao bạo lực, tôi mời gọi anh em khởi hành từ cung lòng của đức tin kitô có khả năng hòa giải quá khứ với tương lai. Anh em hãy cúi xuống, với sự tế nhị và lòng kính trọng, trên linh hồn sâu thăm của dân chúng, hãy chú ý đi xuống và đọc ra gương mặt mầu nhiệm của họ. Cần phải có một cái nhìn có khả năng phản ánh sự dịu hiền của Thiên Chúa. ĐTC khích lệ các Giám mục như sau:
Anh em hãy là các Giám Mục có cái nhìn trong sáng, có linh hồn trong suốt, có gương mặt rạng ngời. Đừng sợ hãi sự trong sáng. Giáo Hội không cần bóng tối để làm việc. Anh em hãy canh thức để các cái nhìn của anh em không bị che phủ bởi các bóng tối của sương mù của tinh thần thế gian; đừng để cho mình bị hư thối bởi chủ thuyết duy vật tầm thường, cũng như bởi các ảo tưởng quyến rũ của các thỏa hiệp ngầm; đừng tin tưởng nơi “các ngựa xe” của các Pharaô thời đại ngày nay, bởi vì sức mạnh của chúng ta là “cột lửa” chẻ đôi nước biển, mà không gây ồn ào…
Anh em đừng mất thời giờ và năng lực trong những chuyện phụ thuộc, các bép xép và các mưu mô, trong những dự tính nghề nghiệp tiến thân, trong các chương trình bá chủ, trong các câu lạc bộ khô cằn của các lợi lộc hay các phe nhóm. Đừng để cho mình bị chặn đứng bởi cac lẩm bẩm hay nói xấu. Anh em hãy săn sóc các linh mục, người trẻ, hãy gần gũi với các vùng ngoại biên và các vùng đất buồn thương của các thành phố, lôi cuốn các cộng đoàn giáo xứ, trường học, cơ cấu cộng đoàn, cộng đoàn chính trị, các cơ cấu an ninh.
Tiếp tục bài nói chuyện với các Giám Mục ĐTC khích lệ các vị biết đánh giá quá khứ, tái khám phá ra sự khôn ngoan, và kiên trì khiêm tốn với các nguời cha đức tin của quê hương đã biết hướng dẫn các thế hệ tiếp theo trong việc học hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa, bằng cách học và dậy đối thoại với Thiên Chúa. Đặc biệt cần có một cái nhìn hết sức tế nhị đối với các thổ dân và các nền văn hóa hấp dẫn của họ, cũng như thừa nhận phần đóng góp phong phú của họ để chấp nhận căn tính tạo thành một quốc gia duy nhất. Anh em đừng mệt mỏi nhắc nhở cho dân chúng biết các gốc rễ cố cựu mạnh mẽ cho phép một tổng hợp kitô của sự hiệp thông nhân bản, văn hóa và tinh thần đã được tôi luyện trên mảnh đất này.
ĐTC cũng kêu gọi các Giám Mục đừng rơi vào sự tê liệt cống hiến các câu trả lời cũ cho các vấn nạn mới. Quá khứ của anh em là một cái giếng phong phú cần đào sâu, vì nó có thể gợi hứng cho hiện tại và soi sáng cho tương lai. Ngoài ra cần đào sâu đức tin và đánh giá cao lòng đạo đức bình dân và rao truyền Tin Mừng. Thắng vượt cám dỗ xa cách và duy giáo sĩ, lạnh lùng và thờ ơ, hay thái độ chiến thắng và tự quy chiếu về mình. Anh em hãy chú ý tới từng người tìm kiếm Thiên Chúa. Chú ý tới các linh mục, đừng để cho họ cô đơn, bị bỏ rơi và làm mồi cho tinh thần thế gian. Hãy biết đọc hiểu các khổ đau và khám phá ra các nhu cầu đích thật của con người. Cần sống sự thân tình trong con tim Thiên Chúa. Đức Bà Guadalupe chỉ xin một căn “nhà nhỏ thánh” thôi. Ước chi những người tụ tập nhau trong nhà thờ của chúng ta cảm thấy được thoải mái.
Đức Bà Guadalupe hiệp nhất người dân Mêhicô. Chỉ khi nhìn lên Mẹ Mêhicô mới có được một cái nhìn toàn vẹn về chính mình. ĐTC cũng khích lệ các Giám Mục hiểu rằng sứ mệnh của Giáo Hội đòi hỏi cái nhìn ôm trọn tất cả. Và chỉ có thể làm được điều này trong sự hiệp thông và việc duy trì sự hiệp nhất giữa các giám mục, giữa các giám mục và các linh mục và toàn dân. Ngài cũng xin các Giám mục nghĩ tới vấn đề của người di cư và củng cố sự hiệp thông với các giám mục Hoa Kỳ.
Sau khi gặp gỡ các Giám Mục Mêxicô và dùng bữa trưa tại Toà Sứ Thần, vào lúc 4 giờ chiều ĐTC đã đi xe đến vương cung thánh đường Đức Bà Guadalupe cách đó 16 cây số để chủ sự thánh lễ.
Đây là Đền Thánh chính của Mêxicô và là Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới hàng năm có tới 20 triệu tín hữu và du khách hành hương kính viếng. Đền thánh được xây trên nơi Đức Mẹ đã hiện ra 5 lần với thổ dân Juan Diego, trong các ngày từ mùng 9 tới 12 tháng 12 năm 1531. Cùng với người bác là Juan Bernardino Juan Diego là một trong những thổ dân đầu tiên theo Kitô giáo năm 1525.
Tên gọi Guadalupe phát xuất từ việc đọc sai từ “Coatlaxopeuh” trong tiếng thổ dân có nghĩa là “Người nữ chiến thắng con rắn”. Đức Mẹ Guadalupe đã được tuyên bố là Bổn Mạng nước Mêhicô năm 1737, Bổn Mạng và Hoàng Hậu châu Mỹ năm 1910 và của Philippines năm 1935. Vì thế trước đền thờ có treo 24 cờ của các nước châu Mỹ và của Philippines.
Vương cung thánh đường cũ đưọc xây năm 1709, nhưng bị hư hại nhiều sau nhiều vụ động đất. Do đó ngay từ thập niên 1940 HĐGM Mêxicô đã quyết định xây đền thờ mới. Lễ đặt viên đá đầu tiên được cử hành ngày 12 tháng 12 năm 1974. Vì nền đất bên dưới yếu nên các cột trụ có đường kính rộng tới 102 mét, sâu 32 mét. Có 344 cột trụ khác chống đỡ đền thờ nặng 50 tấn.
Nhìn từ bên ngoài, vương cung thánh đường giống một chiếc lều hình tròn dựng trong sa mạc, như Lều Hội Ngộ mà Giavê Thiên Chúa đã truyền cho ông Môshê dựng lên dưới chân núi Sinai xưa kia. Mái đền thờ được lợp bằng 8.000 mét vuông đồng mầu xanh nước biển, là mầu áo của Đức Mẹ. Trên đỉnh đền thờ có thánh giá và một đế hình chữ M là chữ đầu tên của Mẹ Maria và cũng là chữ đầu tên nước Mehicô. Bên trong mái đền thánh được lợp bằng 6.000 mét vuông gỗ thông được biến chế chống lửa do nước Canada dâng tặng.
Từ trên trần treo lủng lẳng 164 ngọn đèn bát giác, 7 trong số đó có gắn các loa phóng thanh và ống kính truyền hình. Nền đền thờ được lát bằng 8.000 mét vuông đá cẩm thạch Mêxicô. Cột trụ chính giữa đền thờ bọc gỗ trắc bá, được trang hoàng với các lá bằng vàng có hình Đức Bà Guadalupe. Đế hình có thể quay tròn cho phép tín hữu đứng ở đâu trong đền thờ cũng có thể trông thấy Đức Mẹ, kể cả trong nhà nguyện phòng thánh sau bàn thờ chính. Để giúp làn sóng tín hữu tuốn tới đây mỗi ngày rất đông có 4 cầu thang lưu động giúp mọi người có thể chiêm ngắm cách hình Đức Mẹ 6 mét.
Vương cung thánh đường có thể chứa được 12.000 tín hữu, và quảng trường phía trước có chỗ cho 30.000 người. Đền thánh Đức Bà Guadalupe cũng bao gồm một viện bảo tàng, nhà nguyện “Pocito” thuộc thế kỷ XVIII, nhà thờ và dòng Capucino, nhà nguyện “Hoa hồng” thuộc thế kỷ XVI, đài tưởng niệm “Cánh buồm của các thuỷ thủ”, nghĩa trang của thổ dân Teyepac. Và cũng có một hầm đậu xe có chỗ cho 1.850 chiếc xe.
Trong đền thánh có hình phép lạ Đức Mẹ được vẽ trên một áo choàng làm bằng sợi cây xương rồng Maguey, bình thường không kéo dài hơn 20 năm. Hình Đức Mẹ cao 1,45 mét và được vẽ với các màu rất sống động, với nhiều biểu tượng ý nghĩa. Mẹ Maria xem ra được biến đổi bởi mặt trời, Mẹ đang mang thai và từ cung lòng Mẹ phát ra ánh sáng và các ngọn lửa. Đó là Mẹ của Hài Nhi Mặt Trời. Các nét trên gương mặt của Đức Mẹ không phải là của phụ nữ Tây Ban Nha, cũng không phải của các thổ dân, nhưng là người lai giống.
Chân Mẹ đạp mặt trăng, chân trái hơi nhún xuống, ám chỉ bước đường hành hương và điệu vũ trong lễ hội của các nền văn hóa tiền Colombiano. Áo choàng của Đức Mẹ mầu hồng với các hoa lạ gắn bên trên, trong đó có thể nhận ra một bông hoa nhỏ bốn cánh trên bụng của Mẹ. Nó có ý nghĩa rất lớn, vì trong các nền văn hóa thổ dân nó biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, là nguồn sự sống. Bên trên áo choàng ở trên cổ có một hình thập giá.
Trong các nền văn hóa thổ dân mesoamericano, nó mang cùng ý nghĩa như bông hoa bốn cánh: diễn tả sự tràn đầy và bất tử. Đối với kitô hữu đó là dấu chỉ của ơn cứu rỗi. Áo choàng màu xanh da trời đầy sao là mầu của ngọc và ngọc lam, biểu tượng cho vương quyền và sự đồng trinh. Các chòm sao là bản đồ bầu trời mùa đông năm 1531, khi Đức Mẹ hiện ra. Hình Đức Mẹ được cất giữ trong một nhà nguyện nhỏ có trước, sau đó được lưu giữ trong nhiều nhà thờ khác nhau. Năm 1895 hình được ĐGH Leo XIII đội triều thiên và được rước vào Vương cung thánh đường mới ngày 12 tháng 10 năm 1976 với sự hiện diện của phái đoàn các nước Mỹ châu, Philippines, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Italia.
Chính tại đây thánh Gioan Phaolô II đã đồng tế thánh lễ với các Giám Mục trong dịp khai mạc hội nghị lần thứ ba của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh ngày 27 tháng giêng năm 1979; tiếp đến là trong lễ phong chân phước cho ông Juan Diego, ba vị tử đạo thổ dân Tlaxcala là Cristobal, Juan và Antonio và linh mục José Maria de Yermo y Parres ngày mùng 6 tháng 5 năm 1990; và trong thánh lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước Juan Diego ngày 31 tháng 7 năm 2002.
Lúc 16 giờ 45 xe chở ĐTC tới Vương cung thánh đường cũ. ĐTC vào phòng thánh và được các Kinh Sĩ tiếp đón. Thánh lễ kính Đức Bà Guadalupe được cử hành bằng tiếng Tây Ban Nha. Trưóc đó hàng chục ngàn tín hữu thổ dân đã mặc sắc phục truyền thống nhiều mầu sặc sỡ tay cầm tượng hay hình Đức Mẹ Guadalupe đi rước về Đền thánh để tham dự thánh lễ với ĐTC.
Tất cả mọi người đểu cần thiết trong việc xây dựng cộng đoàn Giáo Hội và xã hội
Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm kể lại biến cố Đức Mẹ thăm viếng bà Êlizabeth. Cuộc gặp gỡ với thiên thần đã khiến cho Mẹ Maria trở thành người nữ của hai tiếng “xin vâng”, xin vâng tận hiến cho Thiên Chúa và các anh chị em khác. Nó khiến cho mẹ di chuyển để cho đi điều tuyệt hảo của mình và đến gặp gỡ tha nhân. Đức Maria, người phụ nữ của tiếng xin vâng, cũng đã muốn viếng thăm người dân vùng đất này của Mỹ châu trong con người của thổ dân Juan Diego. Cũng như xưa Mẹ đã bước đi trên các nẻo đường của vùng Giuđêa và Galilêa Mẹ cũng đã đến Tepeyac với các y phục và tiếng nói của nó để phục vụ quốc gia lớn lao này. Như Mẹ đã đồng hành với việc mang thai của bà Êlizabeth, Mẹ cũng đã đồng hành với việc thai nghén của đất nước Mêhicô được chúc phúc này.
Cũng như Mẹ đã đến với thổ dân Juan Diego Mẹ đến với tất cả chúng ta đặc biệt những người cảm thấy mình không có giá trị gì. Trong buổi sáng tháng 12 năm 1531 xa xôi ấy Thiên Chúa đã đánh thức niềm hy vọng của những người bé nhỏ nhất, đau khổ nhất, những người tỵ nạn, bị gạt bỏ ngoài lề và cảm thấy mình không có một chỗ xứng đáng trên các vùng đất này. Buổi sáng hôm đó Thiên Chúa tới gần con tim của biết bao nhiêu bà mẹ, người cha, ông bà nội ngoại, đã thấy con cháu mình phải chết, bị mất tích hay bị nạn tội phạm giật thoát khỏi tay họ. Buổi sáng hôm đó lần đầu tiên trong đời, chú bé Juan Diego sống niềm hy vọng lòng thương xót của Thiên Chúa và hiểu nó có nghĩa là gì. Nhiều lần cậu xin Đức Mẹ chọn những người khác làm sứ giả của Mẹ, cậu thấy mình không phải là người thích hợp, vì vô học thức, nghèo hèn, nhưng Đức Mẹ cương quyết nói không. Và ĐTC rút tỉa ra kết luận sau đây:
Trong việc xây dựng đền thánh khác, đền thánh của cuộc sống, đền thánh của các cộng đoàn, xã hội, văn hóa của chúng ta, không ai có thể bị bỏ ra ngoài cả. Chúng ta tất cả đều cần thiết, nhất là những người thường không đáng kể vì không ở trên độ cao của các tình huống, hay không đem lại tư bản cần thiết cho việc xây dựng các cộng đoàn đó. Đền thánh của Thiên Chúa là cuộc sống của tất cả các con cái Ngài, trong tất cả mọi điều kiện, đặc biệt của người trẻ…
Đền thánh của Thiên Chúa là các gia đình của chúng ta, cần có cái tối thiểu để có thể giáo dục và nâng đỡ con cái. Đền thánh của Thiên Chúa là gương mặt của biết bao người chúng ta gặp trên đường đời. ĐTC đã mời gọi mọi người nhìn lên Mẹ để nghe lại lời Mẹ nói với cậu bé Juan Diego: “Mẹ không phải là mẹ của con sao? Mẹ không ở đây sao?”
Đừng để mình bị các khổ đau, buồn sầu chiến thắng. Hãy là các sứ giả của Mẹ. Hãy là những người được Mẹ sai đi xây dựng các đền thánh mới, đồng hành với biết bao cuộc sống, lau khô bao nước mắt. Chỉ cần bước đi trên các con đường trong khu phố, cộng đoàn và giáo xứ của con như là sứ giả của Mẹ. Hãy là sứ giả của Mẹ bằng cách cho người đói khát ăn uống, dành một chỗ cho người nghèo, mặc cho người trần truồng, viếng thăm người đau yếu, cứu giúp kẻ tù tội, tha thứ cho kẻ xúc phạm tới con, an ủi kẻ buồn phiền, và kiên nhẫn với tha nhân, nhất là khẩn nài và cầu xin Thiên Chúa của con.
Sau thánh lễ ĐTC đã kính viếng nơi cất giữ hình Đức Mẹ Guadalupe. Tiếp đến ngài ký tên vào Sổ Vàng lưu niệm và gặp các kinh sĩ cũng như các nhân viên phục vụ tại đền thánh Đức Mẹ và các trẻ em giúp lễ. Lúc 7 giờ rưỡi chiều ngài lên xe trở về Tòa Sứ Thần để dùng bữa tối và nghỉ đêm.
Chúa Nhật 14-2 ĐTC sẽ tới thăm giáo phận Ecatepec, cách thủ đô Mêhicô 28 cây số để chủ sự thánh lễ cho tín hữu, rồi thăm nhà thương nhi đồng Federico Gómez trong thủ đô Mêhicô.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 14.02.2016)