Giáo Hội và đất nước Mexicô chờ đón ĐTC Phanxicô
Trong các ngày từ 12 tới 18 tháng hai này ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Mêxicô.
Trong những ngày vừa qua HĐGM nước này đã cho biết sẽ phân phát 900.000 vé cho tín hữu tham dự các thánh lễ và các buổi gặp gỡ với ĐTC. Hiện nay Giáo Hội Mêxicô cần 160.000 thiện nguyện viên giúp tổ chức chuyến viếng thăm mục vụ này.
Từ Mêxicô phát xuất từ chữ Mexhico là tên thổ dân Aztech gọi thủ đô của họ, và nó có nghĩa là “nơi thần chiến tranh Mexitli hay Mextli sống”. Trong quá khứ đây là vùng đất đã có nhiều nền văn minh kế tiếp nhau hiện hữu. Cách đây 11.000 năm đây là vùng đất có các dân tộc gốc á châu sinh sống về nghề săn bắn và hái trái cây. Nông nghiệp đã chỉ phát triển vào khoảng năm 9.000 trước công nguyên, việc trồng bắp đã chỉ bắt đầu vào năm 5.000 trước công nguyên, và các đồ gốm chỉ xuất hiện vào khoảng năm 2.500 trước công nguyên. Trong khi các nhóm dân tại miền bắc tiếp tục sống về săn bắn và hái trái, các nhóm sống ở miền nam đã nhờ nông nghiệp biến thành các xã hội tiến triển hơn.
Từ thế kỷ XII trước công nguyên cho tới khi người Tây Ban Nha xâm lăng Mêxicô đã là quê hương của các nền văn minh nổi tiếng như của người Olmechi (1.200-500 trước công nguyên); nền văn minh Teotihuacán (100 trước công nguyên tới 659 sau công nguyên); nền văn minh Zapotechi (200-700); nền văn minh Maya (200-900); nền văn minh Toltechi (1.000-1.200); nền văn minh Aztechi (1.200-1.500).
Năm 1517 ngưòi Tây Ban Nha do Francisco Hernandez de Cordoba chỉ huy từ Cuba đến bán đảo Yucatán. Năm 1518 Diego Velazquez de Cuéllar gửi 4 chiếc tầu do người cháu là Juan de Grijalva chỉ huy. Năm 1519 chuyến viễn chinh thứ ba do Hernan Cortez chỉ huy gặp bến tại Cozumel. Ban đầu người Tây Ban Nha được hoàng đế Montezuma của đế quốc Aztechi tiếp đón nồng hậu, nhưng sau đó họ bị người Tây Ban Nha tiêu diệt. Hai lãnh tụ cuối cùng của người Aztechi là Cuitláhuac, bị chết vì bệnh đậu mùa và Cuautémoc bị các bộ tộc thổ dân khác bỏ rơi và bị người Tây Ban Nha bắt và giết chết năm 1521.
Mùa thu năm 1521 đế quốc Aztech sụp đổ. Sau hai năm rưỡi bị bao vây bởi quân của người Tây Ban Nha đa số gốc Tlaxcalteca, thủ đô Tenochtitlán bị chiếm và chỉ nội trong vòng một năm người Tây Ban Nha kiểm soát toàn nước. Các vương quốc độc lập xin thần phục, và năm năm sau đó toàn dân Mexicô nằm dưới ách cai trị của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các nhóm thổ dân du mục vẫn tiếp tục kháng chiến, hầu như cho tới thế kỷ XX, khi người Yaquin thương lượng việc ân xá với quân đội Mêhicô.
Người Tây Ban Nha tới Mêhicô đem theo các nhà truyền giáo nổi tiếng như các linh mục tu sĩ Vasco de Quiroga, Motolinía, Martin de Valencia, Bernardino de Sahagún, Diego de Landa, Junipero Serra, Sebastian de Aparicio và Bartolomé de Las Casas. Các vị đã hết sức bênh vực quyền của các thổ dân.
Sau khi Tenochtitlán thất thủ Hernan Cortes chiếm quyền, tự xưng là Tổng chỉ huy, và bắt đầu chinh phục một đế quốc rộng lớn bao gồm cả vùng California, Arizona, New Mexico và Texas ngày nay. Một số thành phố được thành lập như thành phố Mêxicô xây trên các đổ nát của Tenochtitlán, Guadalajara, Pueblà, Monterrey và Querétago. Từ năm 1535 có một phó vương cai trị Mêxicô. Trong thời gian này mẫu quốc Tây Ban Nha được phồn thịnh nhờ các mỏ vàng và bạc, và nông nghiệp trồng mía và cà phê của Mêxicô. Số các thổ dân giảm 80% vì các bệnh dịch và các vụ tàn sát. Khi người âu châu tới đây số các thổ dân là 20 triệu vào năm 1650 chỉ còn lại hơn 1 triệu. Ba thế kỷ thực dân 1521-1821 đã biến Mêxicô trở thành một quốc gia latinh, tây ban nha, công giáo và lai giống như chúng ta thấy ngày nay.
Vào đầu thế kỷ XIX có các cuộc nổi loạn khắp nơi bên Châu Mỹ Latinh trong đó có Mêxicô. Năm 1809 người hùng độc lập Melchor de Talamantes qua đời. Ngày 16 tháng 9 năm 1810 linh mục gốc Creol Miguel Hidalgo y Costilla chỉ huy một đạo binh gồm dân làng Dolores Hidalgo trong bang Guanajuato và các thổ dân chống lại chính quyền Tây Ban Nha đánh chiếm thành phố. Phong trào độc lập lan rộng. Người Creol tức các người da trắng nắm nền kinh tế địa phương liên minh với người lai giống và các thổ dân chống lại người Gachupines, tức người Tây Ban Nha sinh sống trong các thành thị và nắm quyền bính chính trị.
Tuyên ngôn độc lập được ký lần thứ nhất năm 1813 và sau cùng ngày 28 tháng 9 năm 1821. Hiến pháp chào đời năm 1824. Từ khi được thành lập như là quốc gia liên bang Mêxicô có tên gọi chính thức là các Bang hiệp nhất Mêxicô, cả khi Hiến Pháp năm 1824 dùng cả hai kiểu gọi. Hiến Pháp năm 1857 chính thức sử dụng tên gọi Cộng hoà Mêhicô, nhưng cũng dùng tên các Bang hiệp nhất Mêxicô.
Sau khi Texas tuyên bố độc lập và bị Hoa Kỳ sát nhập năm 1846, Mêxicô đòi lại vùng đất giữa Rio Grande và Rio Nueces. Thế là chiến tranh bùng nổ giữa Hoà Kỳ và Mêxicô và kéo dài cho tới năm 1848. Năm 1847 Hoa Kỳ chiếm thành phố Mêxicô. Cuộc chiến chấm dứt với thỏa hiệp Guadalupe Hildago. Mêxicô phải thừa nhận Rio Grande như biên giới với Texas. Ngoài ra còn phải nhượng cho Hoa Kỳ 40% đất đai của mình rộng khoàng 2 triệu cây số vuông bao gồm các tiểu bang California, New Mexicô, Arizzona, Nevada, Utah và phần lớn Colorado và Wyoming.
Vào đầu thế kỷ XIX tình trạng bất công xã hội làm nảy sinh ra nhiều cuộc nổi loạn và nội chiến, và bạo lực kéo dài cho tới năm 1930. Trong các năm 1926-1929 chính quyền thi hành chính sách bách hại, tịch thu tài sản của Giáo Hội, đóng cửa các trường học, giải tán các dòng tu, ngăn cản ngươi trẻ đi tu, tước đọat quyền bỏ phiếu của các linh mục tu sĩ, và bắt bỏ tù các cha mẹ rửa tội cho con, hay những người trẻ nào muốn sống đời tu trì. Đã có nhiều tu sĩ nam nữ và giáo dân bị giết vì đức tin.
Thế giới công giáo ban đầu chỉ biểu tình phàn đối với các vụ thu thập chữ ký, sau đó thành lập “Liên minh quốc gia bào vệ tự do tôn giáo”. Sau khi thấy chính quyền công khai bách hại Giáo Hội, một số tín hữu bắt đầu chiến đấu võ trang với khẩu hiệu “Hoan hô Chúa Kitô Vua”. Chính quyền thẳng tay đàn áp những người chống đối. Năm 1929 khi thấy không thành công, chính quyền ký một thỏa hiệp với Giáo Hội thừa nhận tự do tôn giáo, nhưng nhiều chiến sĩ không chấp nhận và tiếp tục chiến đấu 10 năm sau đó. Về phiá mình chính quyền đã không bao giờ tôn trọng các cam kết và vẫn tiếp tục xử tử tất các các thành phần chống đối. Và các luật bài giáo sĩ vẫn hiệu lực.
Hiện nay Cộng hòa Mêxicô rộng hơn 1 triệu 970 cây số vuông, đứng hàng thứ 14 trên thế giới, có hơn 117 triệu dân và là quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đông người nhất. Sau Brasil Mêhicô cũng là quốc gia châu Mỹ Latinh đông dân nhất, gồm 60% người lai giống, con cháu của người âu châu, nhất là của người Tây Ban Nha, và các thổ dân. Người Amerindi thuộc nhiều vương quốc thổ dân như Maya xưa kia, chiếm 20%. Có 16% dân gốc âu châu nhất là Tây Ban Nha, nhưng cũng có người Italia, Pháp, Đức, Ba Lan, Nga và Anh. Số còn lại gồm các người Da đen, Do thái, A rập, Thổ nhĩ kỳ, Tàu và Nhật. Cũng có các người đến từ nhiều nước châu Mỹ Latinh khác như Argentina, Guatemala, Colombia, Cuba và Perù. Họ là những người tỵ nạn trốn chạy các cuộc nội chiến và các chế độ độc tài của thập niên 1980.
Trong thế kỷ XIX các cộng đoàn gốc âu châu và á châu là các cộng đoàn tiêu biểu nhất, nhưng trong thế kỷ XX các cộng đoàn gốc Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh nổi bật nhất. Mêhicô là nước có nhiều công dân Hoa Kỳ sống ngoài nước nhất. Lý do là vì các liên lạc thương mại ngày càng quan trọng hơn giữa hai nước, đặc biệt là sau các thỏa hiệp tự do thương mại Mexicô ký kết với Hoa Kỳ và Canada viết tắt là NAFTA, bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994. Ngoài ra người Mỹ coi Mêhicô là nơi nghỉ ngơi lý tưởng giúp tránh cuộc sống xô bồ cuồng nhiệt, đặc biệt tại San Miguel và các nơi khác trong vịnh California. Ngày xưa Mêxicô có 200 chủng tộc thổ dân khác nhau, nhưng nay chỉ còn lại 62, có gốc gác từ thời tiền thực dân. Từ tiểu bang Sinaloa cho tới tiểu bang Chiapas có 10 triệu thổ dân sinh sống.
Trên bình diện tín ngưỡng 83,9% dân Mêxicô theo Công Giáo, tín hữu Tin Lành chiếm 7,6%, các tôn giáo khác chiếm 2,5% và có 4,6% không theo tôn giáo nào. Một số người Amerindi tuy tuyên bố theo Công Giáo nhưng trên thực tế họ thực hành một tôn giáo pha trộn Kitô giáo với vài yếu tố của các tín ngưỡng cổ truyền của người Aztech và Maya. Trong khi giáo phái tin lành Mormon đang lan tràn trong các thành phố chính vùng biên giới đông bắc. Do thái giáo đã hiện diện tại Mêxicô từ bao thế kỷ qua và hiện có khoảng 100 ngàn tín hữu. Còn có một tín ngưỡng ít được biết đến nhưng phổ biến tại Mêxicô, cũng như tại Trung Mỹ Latinh và miền nam Hoa Kỳ đó là Sự chết thánh.
Từ nhiều thập niên qua số tín hữu công giáo giảm sút từ 98,21% trong năm 1950 xuống 88% năm 2000, và hiện nay là 83.9%.
Trên bình diện ngôn ngữ không có thứ tiếng nào được chỉ định là tiếng nói chính. Tuy nhiên, tiếng Tây Ban Nha và các thứ thổ ngữ tại Mêxicô cũng như của các nhóm dân da đỏ khác sinh sống tại Mêxicô được thừa nhận. Tiếng Tây Ban Nha là tiếng nói được sử dụng trong các sinh hoạt chính thức vì được mọi người sử dụng. Tuy nhiên có 7% tổng số dân nói một thứ tiếng Amerindia. Chính quyền Mêhicô thừa nhận 62 thổ ngữ Amerindie, trong đó có hai thổ ngữ đông người nói nhất là Nahuatl và Maya, mỗi thổ ngữ có khoảng 1,5 triệu người sử dụng. Chính quyền Mehicô đã phát huy các chương trình song ngữ Tây Ban Nha và một thổ ngữ tại các vùng quê thổ dân. Trong các thành phố lớn tiếng Anh cũng thông dụng và đang trở thành ngôn ngữ được giởi trẻ sử dụng và được dậy trong các trường tư.
Xã hội Mêxicô hiện đang phải đương đầu với nhiều vấn đề, trong đó có nạn gian tham hối lộ, bất công xã hội, bạo lực, các tổ chức tội phạm buôn bán ma tuý, buôn người. Các giới chức chính quyền thường vào hùa với các tổ chức đa quốc ăn cướp đất đai của các thổ dân, để khai thác các quặng mỏ, gây ô nhiễm môi sinh và đẩy các thổ dân vào cảnh sống bần cùng vì không còn đất đai canh tác.
Điển hình là vụ thổ dân Chimalapas cùng với nhiều tổ chức phi chính quyền đã yêu cầu chính quyền Mêxicô can thiệp để cứu vãn môi sinh trong vùng Santa Maria và San Miguel rộng 600 ngàn héc ta, là đất của thổ dân Zoque, chống lại các doanh thương và các tổ chức đốn gỗ từ bang Chiapas và Veracruz đang xâm lấn vùng này. Đây là vùng sinh sống của 146 loài động vật có vú, 140 loại bò sát, 316 loại chim và 900 loại bướm khác nhau. ĐC Arturro Lona Reyes, nguyên giám mục Tehuantepec, sống trong vùng rừng này giữa thổ dân Chimalapas, đã nhiều lần than phiền về sự thờ ơ của chính quyền trong việc bảo vệ quyền lợi của các thổ dân. ĐC nói “chính quyền chỉ can thiệp sau khi đã xảy ra các vụ đổ máu, và chỉ đến đốt nến cho người đã chết”.
Trong thông cáo công bố ngày 28 tháng giêng HĐGM Mêxicô cho biết cuộc gặp gỡ của ĐTC với các cộng đoàn thổ dân ngày 15 tháng hai tại San Cristobal de las Casas là việc viếng thăm toàn cộng đoàn giáo hội thổ dân và người lai giống, cả khi ưu tiên cho các thổ dân thường bị lãng quên. ĐGH không đến để ủng hộ nhóm xã hội nào cả, nhưng để xây các cây cầu và đạp đổ các bức tường ngăn cách, khích lệ việc hội nhập nhân bản và kitô, của người giầu và người nghèo, của những người sống đức tin một cách truyền thống hơn và của những người lãnh nhận nó với chiều kích xã hội gắn liền.
Giáo phận San Cristobal de las Casas là một trong những giáo phận nghèo và bị gạt bỏ ngoải lề nhất Mêxicô, tuy có cố gắng của chính quyền, các tổ chức xã hội, các doanh thương liên đới và chính các thổ dân nhằm cải thiện các điều kiện sống của dân chúng đặc biệt trong lãnh vực y tế, giáo dục, nhà cửa và điện nước. Tuy có việc thừa nhận Mêxicô là một quốc gia đa văn hóa năm 1992, và việc cải cách Hiến Pháp năm 2001, nhưng 62 bộ lạc thổ dân gồm 11 triệu người vẫn chưa có một tổ chức chính trị, chưa có đất đai và cuộc sống và nền văn hóa của họ chưa được chú ý đủ. Các Giám Mục hy vọng chuyến viếng thăm của ĐTC huy động được tình liên đới của mọi người đối với thực tại sống khó khăn của các cộng đoàn thổ dân.
Ngày 26 tháng giêng Tổng giáo phận thủ đô Mêxicô cũng ra thông cáo mạnh mẽ khẳng định rằng “các thổ dân cần công lý và việc thừa nhận các quyền lợi của họ. Họ phải sống trong cảnh bần cùng và bị khinh miệt. Các giới chức chính quyền lợi dụng họ để mưu lợi và có các đường lối chính trị nhằm duy trì các kỳ thị, vi phạm quyền con người và thái độ cha chú, sử dụng họ cho các mục đích kiếm phiếu.”
Trong cuộc họp mục vụ tại Ciudad Altamirano, các Giám Mục các giáo phận Chilapa-Chilpancingo, Acapulco, Tlapa và Ciudad Altamirano khẳng định rằng “bang Guerrero và nước Mêxicô sẽ luôn luôn có bầu khí bạo lực vì cảnh bất công khiến cho người dân tuyệt vọng nổi loạn sử dụng bạo lực”. Ngày 19 trước đó đã có nhiều vụ báo thù khiến cho 10 người chết.
Ngoài ra, sự kiện chính quyền Mêxicô thừa nhận hôn nhân của các cặp đồng phái và cho phéo phá thai trong 12 tuần đầu cũng là những thách đố luân lý đối với Giáo Hội.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 10.02.2016)