Đức tin là gia sản quý giá nhất

Thật là hữu ích nếu mỗi người chúng ta cũng hãy tự hỏi mình rằng: ‘Khi ra đi, tôi sẽ để lại gì cho con cháu? Tôi sẽ trao cho những người thừa kế gia sản gì?’...

Đức tin là gia sản quý giá nhất

VATICAN. “Gia tài quý giá nhất mà chúng ta có thể để lại cho các thế hệ mai sau chính là đức tin”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 5, ngày 04.02, tại nhà nguyện thánh Marta. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng chúng ta đừng sợ hãi, vì đằng sau cái chết sự sống vẫn mãi tiếp tục.

Suy nghĩ về cái chết sẽ giúp soi sáng cho cuộc sống hiện tại

Được gợi hứng từ bài đọc một trích sách các Vua thuật lại sự ra đi của vua Đa-vít, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải trải qua những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Suy nghĩ này khiến chúng ta chẳng mấy vui thích. Vì thế, chúng ta thường tránh đi và không muốn nhắc đến. Nhưng cái chết lại là một thực tại hiển nhiên của kiếp sống nhân sinh. Khi biết suy xét đúng đắn về ‘cuộc vượt qua cuối cùng’ này sẽ mang lại ánh sáng cho cuộc đời chúng ta. Sự chết chính là thực tại mà ai cũng phải đối diện.

Trong những buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ tư hàng tuần, có lần tôi đã gặp một nữ tu lớn tuổi với gương mặt chan chứa niềm vui và bình an, đang ngồi giữa những bệnh nhân và người đau yếu. Tôi hỏi soeur: ‘Năm nay soeur bao nhiêu tuổi rồi?’ Soeur trả lời tôi với một nụ cười rất tươi: ‘Dạ, thưa Đức Thánh Cha, nay con được 83 ạ. Con đang hoàn tất những chặng đường cuối cùng trong cuộc hành trình dương thế này và bắt đầu một cuộc hành trình khác bước đi cùng với Thiên Chúa. Con bị ung thư tuyến tụy, Đức Thánh Cha ạ.’ Và như thế, trong an bình, vị nữ tu này đã sống hết mình trong một cuộc đời hiến dâng. Soeur đã chẳng hề tỏ ra sợ hãi trước cái chết, vì như soeur đã nói ‘con đang hoàn tất cuộc đời này để bước vào một cuộc sống mới với Đức Kitô’. Đó là một sự chuyển tiếp. Và sự chuyển tiếp này rất cần thiết với chúng ta.

Đức tin - gia sản quý giá nhất

Vua Đa-vít đã trị vì Ít-ra-en được 40 năm. Khi thấy mình đã gần đất xa trời, vua truyền dạy Sa-lô-môn con mình phải biết tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, các luật pháp và chỉ thị của Người như đã ghi trong luật Mô-sê. Trong đời mình, vua Đa-vít đã phạm nhiều tội lỗi, nhưng ngài cũng đã biết nài xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Và ngày hôm nay, mỗi lần nhắc đến ngài, Giáo hội đều dùng tước hiệu ‘thánh vương Đa-vít’. Ngài là tội nhân nhưng cũng là một vị thánh. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, vua đã để lại cho con trai một gia sản quý giá và đẹp đẽ nhất, một gia sản mà ai cũng có thể để lại cho con cái mình, đó chính là đức tin, là lòng tin tưởng.

Khi viết di chúc, người ta thường nói: tôi để lại cái này cho người này, cái kia cho người kia, cái nọ cho người nọ, … vân vân và vân vân. Điều ấy tốt thôi. Nhưng gia sản quý giá nhất mà một người có thể để lại cho con cháu của mình chính là đức tin. Vua Đa-vít ghi nhớ lời Thiên Chúa hứa và vẫn hằng tin tưởng vào những lời hứa ấy. Cuối cùng vua đã truyền lại lòng tin tưởng ấy cho con trai mình. Thế nên, hãy để lại đức tin cho con cháu như một gia sản thừa kế.

Khi cử hành nghi thức Thanh Tẩy, chủ tế trao nến phục sinh cháy sáng cho các bậc phụ huynh và nói những lời tương tự như thế này: ‘Ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom. Hãy làm bừng sáng nơi con cái của anh chị em và hãy truyền lại ánh sáng ấy cho con cái như một gia sản quý giá’.

Để lại đức tin cho con cháu như một gia sản. Đây là điều mà chính vua Đa-vít đã làm và cũng là một bài học cho mỗi người chúng ta. Vua đã qua đời cách bình thường và đơn sơ như bao nhiêu người khác, nhưng vua lại biết truyền dạy và để lại cho con thứ gia tài quý giá và quan trọng nhất. Gia tài đó không phải là ngôi vua, là vương quốc nhưng chính là đức tin.

Thiên Chúa trung tín, là người Cha không bao giờ khiến con cái thất vọng

Như vậy thật là hữu ích nếu mỗi người chúng ta cũng hãy tự hỏi mình rằng: ‘Khi ra đi, tôi sẽ để lại gì cho con cháu? Tôi sẽ trao cho những người thừa kế gia sản gì?’

Chúng ta hãy xin Thiên Chúa hai điều. Thứ nhất, xin ơn đừng sợ hãi trước cái chết. Hãy xin ơn để được giống như vị nữ tu mà tôi đã nhắc đến trong buổi tiếp kiến chung – ‘Con đang hoàn tất cuộc hành trình dương thế để bắt đầu một chặng đường mới với Đức Kitô’ – đừng hoảng sợ. Và điều thứ hai, xin ơn để mỗi người chúng ta có thể để lại cho đời, để lại cho con cháu, cho thế hệ mai sau một thứ gia sản quý giá nhất, đó chính là đức tin, là lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa Thành Tín. Vị Thiên Chúa ấy luôn bên cạnh chúng ta. Ngài chính là người Cha không bao giờ khiến cho con cái mình phải thất vọng".

(Vũ Đức Anh Phương, SJ, RadioVaticana 04.02.2016)