Tổng Giám mục Samir Nassar: "Chúng tôi phải sống dưới bóng của hồi giáo"

“Đối với tín hữu Kitô ở Trung Đông, giải pháp duy nhất là sống dưới bóng của Hồi giáo vì hiện nay Hồi giáo không thể nào tán thành các giá trị hiện đại của xã hội Tây phương như tự do, bình đẳng và huynh đệ", Tổng Giám mục Nassar.

Tổng Giám mục Samir Nassar: "Chúng tôi phải sống dưới bóng của hồi giáo"

“Đối với tín hữu Kitô ở Trung Đông, giải pháp duy nhất là sống dưới bóng của Hồi giáo”, Đức Tổng Giám mục Samir Nassar cho biết.

Phát biểu trước các ký giả Công giáo ở Annecy, Pháp, Tổng Giám mục Maronite của địa phận thủ đô Damas, Syria cho biết, hiện nay Hồi giáo không thể nào tán thành các giá trị hiện đại của xã hội Tây phương như tự do, bình đẳng và huynh đệ.

Tổng Giám mục Nassar đã sống qua hai cuộc chiến tranh, Liban của những năm 1980 và Syria từ năm năm nay, ngài không thấy một giải pháp nào cho một nhóm thiểu số tín hữu Kitô ở Syria và Irak ngoài phải thuần phục đại đa số Hồi giáo. Họ phải chịu sự bế tắc về sự bình đẳng các quyền và tự do tôn giáo.

Hồi giáo chưa sẵn sàng tiếp nhận nhân quyền

Dù đã có hai nguyên tắc chủ yếu của Thông Điệp Hậu Thượng Hội Đồng về Giáo hội Trung Đông đã được Đức Bênêđictô XVI công bố năm 2012. “Điều này vẫn còn là những lời mong ước, Hồi giáo chưa sẵn sàng tiếp nhận nhân quyền. Bên ngoài không thể nào áp đặt họ, phải khởi xuất bên trong từ chính họ. Hiện nay điều này chưa xảy ra. Nếu chúng tôi muốn chọn tự do, bình đẳng, huynh đệ thì chúng tôi phải xếp vali đi chỗ khác,” giám mục Nassar bình luận.

Tự do, bình đẳng và huynh đệ không phải là các giá trị hồi giáo

Tương lai nào khi đứng trước bạo lực, nạn nghèo khó, nạn không bao dung đối với các tín hữu Kitô ở những nước có chiến tranh, giám mục Nassar đặt vấn đề trước hơn 250 người tham dự Ngày Phanxicô đệ Xalê thứ 20 nhóm họp vào ngày 21 và 22 tháng 1-2016 tại Annecy, Pháp. Giải pháp đầu tiên là tản đi. “Đó là điều mà đôi khi các bạn Phương Tây của chúng tôi khuyên chúng tôi. Bây giờ Sydney là thành phố maronite lớn nhất thế giới, hơn cả thành phố Bêyrút. Nhưng có thể nào chúng ta chỉ đơn giản ra đi và đóng cửa lại? Bỏ nguồn gốc, bỏ truyền thống của mình?”

Giải pháp thứ nhì là thiểu số chúng tôi liên minh với những người Kurde, Druze, Alaouit, Chiite hay các sắc dân khác nữa. Nhưng rõ ràng đây là liên minh ngược với tự nhiên. Ngoài ra chưa chắc đã liên minh được với một tuyệt đại đa số Hồi giáo.

Giải pháp thứ ba là có được sự bảo vệ của các thế lực cực mạnh bên ngoài. Nhưng giải pháp này không phải là không bấp bênh như hai giải pháp trên. Vì nó có thể không lâu dài và làm cho tín hữu Kitô càng bị trả thù, bị tấn công hơn nữa sau khi sự bảo vệ này không còn.

“Chúng tôi sống với Hồi giáo từ nhiều thế kỷ nay với một số điều quy định ít nhiều không như ý chúng tôi, nhưng cũng cho phép chúng tôi ít nhiều sống được trong hòa bình.” Đối với giám mục Nassar, ngài nói với tư cách cá nhân, giải pháp thứ tư sau đây là giải pháp duy nhất khả dĩ được. “Chúng tôi phải nối lại với truyền thống xưa và sống dưới bóng Hồi giáo”. Ngài công nhận điều này có thể làm cho người Phương Tây được nuôi dạy trong tự do, bình đẳng, huynh đệ nghe lạ lỗ tai.

Không được gây sự chú ý đến tín hữu kitô

Giám mục còn đi xa hơn khi ngài nghĩ không nên quá chú ý đến số phận của Kitô hữu ở Trung Đông, trong khi đại đa số dân chúng Hồi giáo cũng khổ như vậy, gây chú ý chỉ tạo ngờ vực nơi người Hồi giáo.

Người hồi giáo xem tín hữu kitô là đội quân thứ năm của Phương Tây.

Dù kitô hữu đã ở Syria từ thời các thánh tông đồ và họ vẫn chiếm đa số cho đến thế kỷ 13, họ bị người Hồi giáo xem là đội quân thứ năm của Phương Tây.

“Vậy chúng tôi là người Syria, người Irak trước khi là Kitô hữu, là bạn của tín hữu Kitô phương tây.

Chuẩn bị một con đường tương lai

Tuy nhiên Đức Giám mục Nassar không cam chịu, ngài quyết tâm đối diện với các thử thách hiện nay. Để chuẩn bị một con đường cho tương lai, các chức trách đại diện cho mười ba tín ngưỡng Kitô giáo của Syria suy nghĩ để dò tìm con đường cải cách, ngài giải thích. Việc đầu tiên là phải sống tinh thần đại kết mạnh hơn giữa tín hữu Kitô với nhau, thường các Kitô hữu chỉ gần nhau khi không phải trực tiếp đương đầu. Thứ hai là dành cho giới trẻ một chỗ lớn hơn, và làm thuận tiện cho việc tông đồ giáo dân, một công việc vẫn còn dành riêng cho hàng giáo sĩ. Thứ ba là con đường đối thoại sâu đậm với hồi giáo, vượt qua các buổi thăm hỏi xã giao. Cuối cùng là phải dạy giáo huấn xã hội của Giáo hội, đó là cột trụ chính trong tiến trình cải cách của Giáo hội kitô giáo Trung Đông.

Đối thoại trong đời sống hàng ngày

Và cần phải đối thoại hàng ngày với người Hồi giáo. Đức Giám mục Nassar thấy đây là sự phong phú cho cả hai bên. “Người Hồi giáo đẩy chúng ta phải chứng tỏ đức tin của mình. họ cầu nguyện ở mọi nơi, họ không giấu giếm”. Cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay tháng ramadan, đó là những cột trụ của Hồi giáo, và đó là tấm gương cho tín hữu Kitô. Cũng như đòi hỏi đóng góp từ thiện, theo giám mục Nassar, đây là điều làm cho xã hội Syria không sụp đổ hoàn toàn.

Còn về phần tín hữu Kitô, thì họ mang đến sự cởi mở. “không ít người Hồi giáo vào nhà thờ, theo dõi thánh lễ, nghe Lời Chúa và nghe chú giải Thánh Kinh. Một vài người còn xin rửa tội. Chúng tôi dạy giáo lý và gởi họ đi rửa tội ở Liban vì Syria cấm không được rửa tội.” Tín hữu Kitô cũng làm cho người Hồi giáo đặt câu hỏi về chỗ đứng và vai trò của người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội.

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 26.01.2016/
cath.ch, Maurice Page, 2016-01-23)