Tái khởi hành từ Bí Tích Rửa Tội, suối nguồn lòng thương xót để tìm lại sự hiệp nhất

Nhờ ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, kitô hữu chúng ta đã có được lòng thương xót của Thiên Chúa và chúng ta đã được tiếp nhận vào dân của Ngài. Tất cả chúng ta, Công giáo, Chính thống và Tin lành, chúng ta làm thành một chức tư tế thánh thiện và một quốc gia thánh thiện...

Tái khởi hành từ Bí Tích Rửa Tội, suối nguồn lòng thương xót để tìm lại sự hiệp nhất

Tất cả, công giáo, chính thống, tin lành, chúng ta làm thành một chức tư tế vương giả và một quốc gia thánh thiện.

Điều này có nghĩa là chúng ta có một sứ mệnh chung là thông truyền lòng thương xót đã nhận lãnh cho những người khác, bắt đầu từ những người nghèo nàn và bị bỏ rơi nhất. Do đó phải tái khởi hành từ Bí tích Rửa Tội là suối nguồn của lòng thương xót và sự hiệp nhất. 

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với 8.000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua. 

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: chúng ta đã nghe văn bản kinh thánh hướng dẫn suy tư trong Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô, từ ngày 18 đến 25 tháng giêng. Đoạn thư thứ nhất của thánh Phaolô đã được chọn bởi một nhóm đại kết Lettonia, được Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội  và Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các kitô hữu giao trách nhiệm. 

Chính giữa nhà thờ chính toà Luther tại Riga có một giếng rửa tội thuộc thế kỷ XII vào thời Lettonia được thánh Mainardo rao giảng Tin Mừng. Giếng rửa tội đó là dấu chỉ hùng hồn của một nguồn gốc đức tin được tất cả mọi kitô hữu công giáo, luther và chính thống nước Lettonia thừa nhận. Nguồn gốc đó là bí tích Rửa Tội chung của chúng ta.

Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng: “Bí tích Rửa Tội là ràng buộc bí tích của sự hiệp nhất có giữa tất cả những người nhờ nó đã được tái sinh” (Unitatis redintegratio, 22). Thư thứ I của thánh Phêrô hướng tới thế hệ kitô đầu tiên để khiến cho họ ý thức về ơn đã nhận lãnh với Bí tích Rửa Tội và các đòi buộc mà nó bao hàm. Cả chúng ta nữa, trong Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất này, chúng ta được mời gọi tái khám phá ra tất cả những điều này và cùng nhau sống nó, bằng cách vượt quá các chia rẽ giữa chúng ta. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC khẳng định như sau: 

Trước hết, chia sẻ bí tích Rửa Tội có nghĩa là tất cả chúng ta là những người tội lỗi, cần được cứu rỗi và giải thoát khỏi sự dữ. Đây là khiá cạnh tiêu cực, mà thư của thánh Phêrô gọi là “tối tăm” khi nói “Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta ra khỏi mền tăm tối để dẫn đưa anh em vào ánh sáng tuyệt vời của Ngài”. Đây là kinh nghiệm của cái chết, mà chính Chúa Kitô đã sống, và nó được biểu tượng trong bí tích Rửa Tội bởi việc được dìm mình trong nước và trồi lên, biểu tượng của sự sống lại vào cuộc sống mới trong Chúa Kitô.

Khi kitô hữu chúng ta nói rằng mình chia sẻ một bí tích Rửa Tội, chúng ta khẳng định rằng tất cả chúng ta – công giáo, tin lành và chính thống – chúng ta chia sẻ kinh nghiệm được mời gọi từ bóng tối đáng thương và bị tha hóa tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, tràn đầy lòng thương xót. Thật vậy, tất cả chúng ta đều sống kinh nghiệm của tính ích kỷ, sinh ra chia rẽ, khép kín, khinh bỉ. Tái khởi hành từ Bí tích Rửa Tội  có nghĩa là tìm lại suối nguồn của lòng thương xót, suối nguồn của niềm hy vọng đối với tất cả mọi người, bởi vì không có ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên  Chúa cả.  Không có ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa. 

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: 

Việc chia sẻ ơn thánh này tạo ra một mối dây không thể tan biến giữa các kitô hữu chúng ta, và như thế, nhờ Bí tích Rửa Tội chúng ta có thể coi nhau tất cả như anh em thật sự. Chúng ta thực sự là dân thánh của Thiên Chúa, cả khi nếu vì các tội lỗi của chúng ta, chúng ta chưa là một dân hoàn toàn hiệp nhất. Lòng thương xót của Thiên  Chúa hoạt động trong Bí tích Rửa Tội mạnh mẽ hơn các chia rẽ của chúng ta. Nó mạnh mẽ hơn.

Trong mức độ trong đó chúng ta tiệp nhận ơn thánh của lòng thương xót, chúng ta luôn ngày càng trở thành dân của Thiên Chúa một cách tràn đầy hơn và chúng ta cũng có khả năng loan báo cho tất cả mọi người các việc diệu kỳ của Ngài, chính từ một chứng tá hiệp nhất đơn sơ và huynh đệ. Kitô hữu chúng ta có thể loan báo cho tất cả mọi người sức mạnh của Tin Mừng bằng cách dấn thân chia sẻ các công tác của lòng thương xót trên thân xác và trong tinh thần. Đây là một chứng tá cụ thể của sự hiệp nhất giữa các kitô hữu chúng ta: tin lành, chính thống, công giáo. 

Kết luận, anh chị em thân mến, nhờ ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, kitô hữu chúng ta đã có được lòng thương xót của Thiên Chúa và chúng ta đã được tiếp nhận vào dân của Ngài. Tất cả chúng ta, Công giáo, Chính thống và Tin lành, chúng ta làm thành một chức tư tế thánh thiện và một quốc gia thánh thiện. Điều này có nghĩa là chúng ta có một sứ mệnh chung, đó là thông truyền lòng thương xót đã nhận lãnh cho những người khác, bắt đầu từ những người nghèo nàn và bị bỏ rơi nhất. Trong tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô này, chúng ta hãy cầu nguyện để cho tất cả chúng ta là các môn đệ của Chúa Kitô tìm ra kiểu cộng tác với nhau hầu đem lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tới mọi phần của trái đất này. 

ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói các thư tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và mời gọi cầu nguyện và dấn thân tìm mọi phương thế cộng tác với nhau để đem lòng thương xót của Thiên Chúa tới cho mọi người. Ngài đã đặc biệt chào nhóm tín hữu đến từ Học viện đại kết Bossey. ĐTC xin Chúa cho mọi người sống các dấn thân của Bí Tích Rửa Tội và gắn bó hơn với gương mặt thương xót của Chúa Giêsu, là niềm hy vọng và an bình của mọi kitô hữu. 

Chào các tín hữu đến từ các nước Trung Đông ngài nhắc cho mọi người biết Bí Tích Rửa Tội đã biến tất cả thành anh chị em với nhau và là đền thờ của Chúa Thánh Thần, có cùng ơn gọi là loan báo Tin Mừng tới tận cùng bờ cõi trái đất. Vì thế hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Thần dẫn đưa tới sự hiệp nhất và đem lòng thương xót Chúa tới khắp nơi. 

Chào các nhóm đến từ nhiều nơi trong nước Italia, ngài cầu chúc việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót và bước qua Cửa Thánh hoán cải con tim mọi người và rộng mở nó cho tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. 

Sau cùng ngỏ lời với giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nói Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các kitô hữu nhắc cho chúng ta tất cả nhớ rằng mình là những người tin nơi Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, và là thành phần dân Thiên Chúa. Ngài xin các bạn trẻ cầu nguyện để mọi kitô hữu ngày càng trở thành một đại gia đình duy nhất. ĐTC khuyến khích các anh chị em đau yếu dâng các khổ đau của họ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới vun trồng tình yêu thương xót và nhưng không như tình yêu Thiên Chúa dưõng nuôi và dành để cho mọi người. 

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người. 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 20.01.2016)