Tôn vinh Thiên Chúa là bằng chứng của lòng tin tưởng
VATICAN. “Niềm tin của tôi nơi Đức Giêsu Kitô như thế nào?” Đây là câu hỏi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 6, ngày 15.01, tại nguyện đường thánh Marta.
Được gợi hứng từ bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể về việc Đức Giêsu đã chữa lành cho một người bại liệt, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng:
“Để thực sự hiểu biết Đức Giêsu, tâm hồn chúng ta không được đóng kín nhưng phải rộng mở để bước theo Ngài trên con đường của sự tha thứ và khiêm nhường. Không ai mua được đức tin. Đó là quà tặng của Thiên Chúa. Món quà ấy sẽ giúp biến đổi cuộc đời chúng ta.
Trong bài Tin Mừng, dân chúng tìm mọi cách để đến gần Đức Giêsu và không nghĩ rằng rủi ro hay nguy hiểm có thể xảy ra khi chen lấn, xô đẩy nhau vì quá đông. Quả thật, có rất nhiều người ở trong cũng như xung quanh bên ngoài ngôi nhà Đức Giêsu đang hiện diện. Vì dân chúng đông đúc, những người khiêng kẻ bại liệt không thể nào đến gần Ngài. Họ mới dỡ mái nhà, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Hành động ấy chứng tỏ họ có lòng tin mạnh mẽ.
Lòng tin tưởng này cũng giống với lòng tin của người đàn bà băng huyết cố chen chúc trong đám đông để mong chạm vào tua áo Đức Giêsu khi Ngài đang trên đường đến nhà ông Gia-ia. Và bà cũng đã được chữa lành. Đó cũng chính là niềm tin của viên đại đội trưởng, người đã nài xin sự chữa lành cho tên đầy tớ của mình. Đức tin mạnh mẽ và sự can đảm sẽ giúp con người tiến về phía trước và mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa.
Trong câu chuyện về người bại liệt, Đức Giêsu đã đi xa thêm một bước nữa. Ở Nadaret lúc bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã vào hội đường và tuyên bố rằng Ngài được sai đến để giải thoát những ai đang bị áp bức, tù tội; cho người mù được thấy, kẻ què được đi… và để công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.
Nhưng trong câu chuyện về người bại liệt, Đức Giêsu đã tiến xa hơn một bước. Ngài không chỉ chữa lành bệnh tật mà còn tha thứ tội lỗi cho anh. Tuy nhiên, trong câu chuyện ấy, cũng có những người với tâm hồn đóng kín và con tim chai đá. Họ chỉ chấp nhận Đức Giêsu như là một vị thầy thuốc có khả năng chữa lành; còn việc tha thứ tội lỗi lại là chuyện khác, cần một uy quyền mạnh mẽ hơn. Họ nghĩ rằng Đức Giêsu không được phép tha tội, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội mà thôi. Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như vậy, Người mới bảo họ: ‘Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy? Vậy, để các ông biết ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – đây là một bước đột phá – Đức Giêsu nói với người bại liệt: ‘Hãy đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà’.
Việc Đức Giêsu tha thứ tội lỗi cho người bại liệt quả là một lời khó nghe, chướng tai, khiến nhiều người không chấp nhận được, ngay cả một số môn đệ đi theo Ngài cũng cảm thấy như thế. Họ cũng đã xầm xì ‘lời này thật chướng tai’, khi Đức Giêsu tuyên bố phải ăn thịt và uống máu Ngài để được ơn cứu độ và sự sống trường sinh. Người ta thực sự không hiểu biết Đức Giêsu. Họ chỉ chấp nhận Ngài như một thầy thuốc chữa bệnh chứ không phải là Thiên Chúa.
Chúng ta biết rằng Đức Giêsu có thể chữa chúng ta khỏi bệnh hoạn, tật nguyền nhưng trên hết Ngài đến để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Đức Giêsu được sai đến chính vì mục đích đó, để hy sinh tính mạng của mình nhằm cứu chuộc chúng ta. Và đây là điều thực sự khó hiểu không chỉ đối với dân chúng, với các kinh sư, thượng tế mà ngay cả các môn đệ đi theo Đức Giêsu. Nhiều người trong số họ đã bỏ Ngài mà đi nơi khác, đến nỗi Đức Giêsu phải quay lại và hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi ư?’ Đây cũng là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta.
Lòng tin tưởng của chúng ta đặt để nơi Đức Giêsu như thế nào? Chúng ta có tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa? Lòng tin tưởng này có biến đổi đời sống của chúng ta? Đức tin là một quà tặng. Không ai có thể chiếm đoạt hay mua bán đức tin. Đó là một món quà. Lòng tin tưởng nơi Đức Giêsu Kitô có dẫn chúng ta đến thái độ tự hạ, đến sự ăn năn, sám hối? Để từ đó, ta có thể nài xin: ‘Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Xin tha thứ mọi lỗi lầm mà con đã phạm’.
Dân chúng tìm kiếm Đức Giêsu để nghe lời của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Dân chúng tuôn đến với Đức Giêsu cũng vì muốn được chữa lành, muốn nhìn thấy Ngài làm phép lạ. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng, sau khi đã lắng nghe và đã xem thấy, họ ngạc nhiên sửng sốt và ra đi tôn vinh Thiên Chúa. Như vậy, một phép thử chứng tỏ tôi tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa – Đấng được Chúa Cha sai đến để tha thứ và cứu chuộc tôi – chính là sự tôn vinh, tán tụng.
Tôi thực sự tin, nếu tôi có khả năng tán dương, tôn vinh Thiên Chúa. Tôn vinh là điều hoàn toàn tự do và tự nhiên. Đó là cảm xúc dâng trào mà Thánh Thần Thiên Chúa khuấy động trong lòng khiến chúng ta thốt lên: ‘Đức Giêsu là Thiên Chúa’. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta luôn được triển nở trong niềm tin tưởng vào Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Xin cho lòng tin tưởng này thôi thúc chúng ta không ngừng cất cao lời ca ngợi, tán dương Thiên Chúa”.
(Vũ Đức Anh Phương, SJ, RadioVaticana 16.01.2016)