Đức Phanxicô, Đức Gioan Phaolô I, và Lòng thương xót
Năm 1963, tổng thống John F. Kennedy bị ám sát, và từ đó đến nay người Mỹ vẫn nghĩ mãi nếu như không có chuyện này thì lịch sử sẽ thế nào.
Mười lăm năm sau, Giáo hội Công giáo cũng gặp chung vấn đề như thế, về giáo hoàng Gioan Phaolô I, ‘Giáo hoàng Mỉm cười’ con người nồng hậu và đơn sơ, đã qua đời vì đau tim ngày 28-9-1978, chỉ 33 ngày sau khi nhận ngai giáo hoàng.
Người Mỹ có lẽ vẫn còn nghĩ mãi, nhưng người Công giáo ngày nay về cơ bản đã có câu trả lời. Nếu như Đức Gioan Phaolô I vẫn còn sống, thì hẳn ngài sẽ khá giống với Giáo hoàng Phanxicô.
Suy nghĩ này cũng xuất hiện khi nghĩ đến quyển sách phỏng vấn, cũng là quyển sách đầu tiên của Đức Phanxicô được xuất bản trên cương vị giáo hoàng. ‘Tên của Thiên Chúa của Thương xót,’ một cuộc trao đổi về Năm Toàn xá Lòng Thương xót 2016. Quyển sách này là kết quả từ những buổi đàm luận với nhà báo Vatican Andrea Tornielli. Sách được phát hành chính thức vào thứ tư này, các bản sao đã được gởi đến cho các nhà xuất bản sớm hơn, và sách sẽ được xuất bản trong 84 thứ tiếng.
Có hai điểm đáng chú ý.
Một là vấn đề nóng của Công giáo thời nay, là liệu những người Công giáo li dị rồi tái hôn bên ngoài Giáo hội liệu có thể được rước lễ hay không. Hiện nay, vẫn là không.
Trong quyển sách mới, Đức Phanxicô kể về một người từng kết hôn với một người cháu của ngài, nhưng là trước khi cuộc hôn nhân trước của người đó được tòa án Giáo hội tuyên bố vô hiệu, do đó người này bị dứt các phép bí tích. Đức Giáo hoàng nói rằng ngày chúa nhật nào, anh cũng đến nhà thờ và nói với linh mục, ‘Con biết cha không thể tha tội cho con, nhưng con đã phạm tội, xin chúc lành cho con với’.
Và Đức Phanxicô gọi người này là ‘trưởng thành về lòng đạo.’ Có thể xem đây là một gợi ý cho thấy Đức Phanxicô có chiều hướng muốn thúc đẩy sự thông hiểu, nhưng không nhất thiết là thay đổi khuôn khổ hiện có.
Có đoạn, Đức Phanxicô nói về câu nói nổi tiếng của ngài hồi 2013, ‘Tôi là ai mà phán xét?’
Đức Giáo hoàng nói rằng, ngài ‘đang giải thích tâm điểm Giáo lý của Giáo hội Công giáo,’ nhắc đến Toát yếu giáo huấn chính thức của Giáo hội.
‘Bạn có thể khuyên [những người đồng tính] cầu nguyện, thể hiện thiện chí, chỉ cho họ đường đi nước bước và đồng hành với họ trên con đường này’, và một lần nữa, điều này cho thấy ngài ủng hộ sự đồng cảm và dung nạp, nhưng không xem xét lại giáo huấn Công giáo.
Nhìn tổng thể, quyển sách này cho chúng ta hiểu cách hiểu của Đức Phanxicô về lòng thương xót.
‘Giáo hội không hiện hữu để lên án con người, nhưng là để đưa lại cuộc gặp gỡ với tình yêu mãnh liệt của lòng thương xót Thiên Chúa,’ và đây là một nhìn nhận thẳng thắn rằng không phải lúc nào Đạo Công giáo cũng được như vậy.
Trích lời thánh Ambrosio, Đức Giáo hoàng nói ‘Nơi nào có ân sủng, nơi đó có Chúa Kitô hiện diện.’ Và cũng như vậy, thì ‘Nơi nào có sự nghiêm khắc, thì chỉ có các thừa tác viên của Giáo hội hiện diện, chứ không phải là Chúa Kitô’.
Đức Phanxicô bác bỏ ‘sự tôn trọng triệt để các luật và kế hoạch tinh thần’ ngài nhấn mạnh rằng ‘lòng thương xót là đặc tính tiên quyết của Thiên Chúa’.
Lòng thương xót là đặc tính tiên quyết của Thiên Chúa.
Đức Giáo hoàng Phanxicô
Xem qua bản văn rút gọn, điều đánh động là dù Đức Phanxicô trích lại lời của 5 giáo hoàng từ thời Công đồng Vatican II, là thánh Gioan XXIII, chân phước Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô I, thánh Gioan Phaolô II, và Đức Bênêđictô XVI, nhưng người ngài trích nhiều nhất là Đức Gioan Phaolô I.
Đáng chú ý nhất là triều giáo hoàng của 4 bậc kia trung bình đều khá dài, nhưng Đức Gioan Phaolô I chỉ trị vì hơn 1 tháng.
Cho dù triều giáo hoàng rất ngắn, nhưng Đức Gioan Phaolô I là con người khiến quần chúng mê say.
Ngài xuất hiện chính xác như những gì mà người Công giáo cầu mong: nồng ấm, cảm thông, hạnh phúc thực sự khi ở với những người bình thường, là con người với đức tin rõ ràng, không thể hiện sùng đạo quá mức hay quá nghiêm trọng về bản thân. Ngài mở đường cho sự đơn giản hóa cương vị giáo hoàng bằng cách bỏ đại từ danh xưng hoàng gia, bỏ mũ 3 tầng của giáo hoàng, và không dùng ngai giáo hoàng di dộng nữa.
[Nghe giống ai đó nhỉ?]
Trong số các tuyên bố chung hiếm hoi của triều giáo hoàng ngắn ngủi, Đức Gioan Phaolô I có nói rằng, Thiên Chúa quá thương xót như một người mẹ hơn là người cha.
‘Thiên Chúa có một tình yêu trìu mến như thế cho chúng ta, còn dịu dàng hơn tình yêu bà mẹ dành cho con cái mình. Các trẻ em, khi bị bệnh, thì càng có thêm lý do để người mẹ yêu thương chúng, và chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta bị bệnh với sự xấu xa, nếu chúng ta lầm lạc, thì càng có lý do để Chúa yêu thương chúng ta hơn nữa’.
Những dòng này nghe như lời của Đức Phanxicô, và sự thực là chính ngài đã vô số lần trích lại câu này.
Điều này không có nghĩa là Đức Phanxicô không có nhiều điểm chung với các bậc tiền nhiệm khác, chẳng hạn như thánh Gioan Phaolô II đã ấn định lễ Lòng thương xót Chúa, tạo tiền đề cho năm thánh của Đức Phanxicô, nhưng mối liên kết giữa ngài với Đức Gioan Phaolô I lại đặc biệt đáng chú ý, nhất là khi ngài khá bị lãng quên.
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 14.01.2016/
Crux | John L. Allen Jr. | 10-01-2016)