Phỏng vấn ĐHY Luis Antonio Tagle, Chủ tịch Caritass quốc tế về Năm Thánh
Trong các ngày từ 23 tới 27 tháng 11 ĐHY Luis Antonio Tagle, TGM Manila, Chủ tịch Caritas quốc tế đã giảng tĩnh tâm cho các linh mục thuộc giáo phận Roma, về đề tài Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Nhân dịp này phóng viên Alessandro Gisotti của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng đã phỏng vấn ĐHY về các tâm tình của ngài khi đón nhận tin Năm Thánh ngoại thường này.
Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót và Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế, sẽ được cử hành vào tháng giêng năm tới tại Cebu, các Giám Mục Philippines đã công bố thư mục vụ kêu gọi tín hữu toàn nước tỏ lòng thương xót đối với người nghèo. Năm 2016 đã đuợc HĐGM Phi chọn làm năm canh tân lòng thương xót, bí tích Thánh Thể và gia đình. Các vị khích lệ tín hữu “quỳ xuống trước các gia đình nghèo” không phải chỉ để xin lòng thương xót cho các tội lỗi của chúng ta, nhưng cũng như là một cử chỉ cảm thông đối với những người bị thương tích mà cũng như chúng ta họ đã phạm tội”.
Thư mục vụ mang chữ ký của ĐC Socrates Villegas, Chủ tịch HHDGM Philippines, nhấn mạnh giá trị của cử chỉ quỳ gối để canh tân nội tâm, một cử chỉ của lòng khiêm nhường và thương xót mà nền văn hóa gạt bỏ ngày nay đã lãng quên. Các Giám Mục khẳng định trong thư: “Quỳ gối xuống một cách khiêm tốn chuẩn bị cho chúng ta lãnh nhận và chia sẻ lòng thương xót. Nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta đã ngã qụy, và trong việc quỵ ngã được tha thứ cho chúng ta ấy, chúng ta phải cho nhau thấy lòng thương xót”.
Thư mục vụ của các Giám Mục Phi cũng bày tỏ lo âu đối với tình hình gia đình tại Philippines, vì nó bị đe dọa từ bên trong và từ bên ngoài. Chính vì thế các ngài mời gọi tín hữu quỳ xuống thực hành việc rửa chân cho nhau trong gia đình, rộng mở con tim cho các phép lạ của tình yêu cho thiện ích của tất cả mọi gia đình, như chính ĐTC đã khích lệ tại Philadelphia: “Nơi đâu các anh chị em rửa chân cho nhau và cha mẹ cũng làm như thế, thì ở đó nền văn hoá gia đình quỳ gối hiện diện, giấc mơ canh tân cuộc sống gia đình sẽ không xa tầm nhìn. Gia đình hợp nhau trong lời cầu nguyện thì hiệp nhất, tươi trẻ và được canh tân, bởi vì việc quỳ gối xuống trao ban cho nó sức mạnh đương đầu với các khó khăn của cuộc sống”.
Tại Philippines Giáo Hội địa phương khai mở Năm Thánh Thể và Gia Đình vào ngày 29 tháng 11, như là phần của 9 năm chuẩn bị cho Năm Thánh 2021 kỷ niệm 500 năm Philippines lãnh nhận hạt giống đức tin.
Hỏi: Thưa ĐHY Tagle, ĐHY đã có phản ứng nào khi nghe tin ĐTC Phanxicô công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót?
Đáp: Nói thật ra, tôi đã không ngạc nhiên, bởi vì ngay từ đầu triều đại của ngài ĐTC Phanxicô đã luôn luôn nhấn mạnh khía cạnh này của cuộc sống kitô: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Và khi ngài đã loan báo Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót này, đối với tôi nó đã là việc khẳng định một thúc đẩy thiêng liêng của vị Giáo Hoàng này, tuy nhiên nó cũng là một lời mời gọi đối với toàn thể Giáo Hội duyệt xét lại cuộc sống thiêng liêng, mục vụ và truyền giáo của mình, để tất cả các khía cạnh này của cuộc sống giáo hội là các dụng cụ, các con đường Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Hỏi: Sau các vụ khủng bố thê thảm tại Paris, có thể nói rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót lại là điều cần thiết hơn nữa, có đúng thế không thưa ĐHY?
Đáp: Vâng, đúng thế. Mọi hành động bạo lực là một biểu hiệu thiếu lòng thương xót. Đây là một mầu nhiệm khiến cho chúng ta tất cả đều thinh lặng trước bạo lực. Riêng đối với cá nhân tôi, tôi không thể hiểu nổi làm sao một người, một bản vị con người, lại có thể làm một điều như thế đối với những người vô tội khác như vậy. Tôi không muốn lên án ai cả, nhưng đối với tôi, tưởng tượng, chỉ tưởng tượng thôi – một con tim đi tới chỗ làm các hành động này… các tư tưởng nào và các tinh thần nào đã ảnh hưởng trên con tim này như thế? Khi đó có một từ đến trong tâm trí: lòng thương xót. Có sự thương xót trong các con tim này không? Năm Thánh này là một câu trả lời, một câu trả lời rõ ràng cho bạo lực không thương xót, tại khắp mọi nơi.
Hỏi: Thưa ĐHY, trong tông sắc công bố Năm Thánh “Gương mặt của lòng thương xót” ĐTC Phanxicô khẳng định rằng Năm Thánh cũng được mở cho tín hữu Do thái và tín hữu Hồi giáo, bởi vì đối với họ lòng thương xót là một trong các đặc tính, một trong các tính từ ý nghĩa nhất diễn tả Thiên Chúa…Có đúng thế không?
Đáp: Vâng, đúng thế, và không phải chỉ cho tín hữu Do thái và tín hữu Hồi mà thôi. Bên Á châu chúng tôi, tất cả các truyền thống tôn giáo lớn – Phật giáo. Ấn giáo, Khổng giáo – tất cả các tôn giáo đó đều là các tôn giáo có một truyền thống của lòng thương xót. Chẳng hạn các nhà sư Phật giáo mỗi sáng đều đi một vòng trong toàn thành phố để xin thực phẩm, quần áo, không phải cho các vị, mà là xin cho người nghèo. Và tới bữa trưa thì bàn ăn của các tu sĩ được mở ra cho tất cả mọi người. Các tu sĩ ăn sau cùng: đó là lòng thương xót. Tôi hy vọng rằng trong Năm Thánh này, điểm tham chiếu của việc đối thoại liên tôn, tập trung nơi lòng thương xót, không phải chỉ trên bình diện lý thuyết hàn lâm, mà cả trên bình diện thực tiễn nữa.
Hỏi: Thưa ĐHY, trong tông sắc công bố Năm Thánh ĐTC Phanxicô viết: “Đây là lúc thuận tiện để thay đổi cuộc sống”, “tiếp nhận lời mời gọi hoán cải”, trong khi “Giáo Hội cống hiến lòng thương xót”. Nghĩa là có một tương quan mật thiết giữa việc hoán cải, thay đổi cung cách suy tư hành xử, trở về với Thiên Chúa và lòng thương xót?
Đáp: Lòng thương xót của Thiên Chúa là một món quà; một ơn cần lời đáp trả của chúng ta. Lời đáp trả ơn Lòng Thương Xót là sự hoán cải. Khi tôi đánh giá cao ơn Lòng Thương Xót, mà tôi không đáng được, tim tôi bắt đầu mở ra và tự hỏi: Ai là vì Thiên Chúa này? Tại sao Ngài lại nhìn tôi với đôi mắt bằng hữu? Và các câu hỏi này là công việc làm của ơn thánh Chúa: mở rộng con tim. Và chúng ta hy vọng rằng việc hoán cải sẽ đến.
Hỏi: Có người lo rằng khi nhấn mạnh giá trị của Lòng Thương Xót – và đây là điều ĐTC Phanxicô làm liên tục – người ta lấy đi sức mạnh của sự thật. Cả trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình chúng ta cũng đã thấy các nghị phụ thảo luận về vấn đề này, riêng ĐHY thì ĐHY nghĩ sao?
Đáp: Trong Thánh Kinh, trong con tim của Thiên Chúa, Lòng Thương Xót, sự thật, công lý không trái nghịch nhau. Chúa là Lòng Thương Xót, bởi vì Ngài công bằng, bởi vì Ngài là sự thật. Chúa biết sự thật của điều kiện con người, và bởi vì Ngài là sự thật nên Ngài có khả năng là Lòng Thương Xót. Tuy nhiên, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vượt quá công lý hẹp hòi “từng cái một” – như ám chỉ trong từ ngữ của con người – và bởi vì Chúa của công lý cũng là Tòa Án cuối cùng của các nạn nhân của bất công. Công lý của Chúa là Lòng Thương Xót đối với các nạn nhân của thế giới này.
Hỏi: Thưa ĐHY, ĐTC Phanxicô luôn luôn xin mọi người đặc biệt chú ý tới người nghèo. Năm Thánh Lòng Thương Xót này có thể là một dịp để tín hữu làm chứng và hiểu biết điều này một cách cụ thể hay không?
Đáp: Có, trong Caritas quốc tế này chúng tôi rất vui mừng, bởi vì cửa của Lòng Thương Xót không chỉ mở ra tại Đền Thờ thánh Phêrô và các Vương Cung Thánh Đường lớn, nhưng ĐTC cũng muốn mở các cánh cửa của lòng bác ái trong mọi cộng đoàn nữa! Như là Chủ tịch tổ chức Caritas quốc tế, tôi đã viết cho các thành viên khác nhau của Liên hiệp Caritas, để chúng nhận diện và mở các Cửa của lòng Bác Ái, các cánh cửa trong đó người ta và tín hữu có thể vào và đi hành hương tới với người nghèo. Chắc chắn là Chúa sẽ rất vui tiếp đón các người hành hương ấy, không phải trong các vương cung thánh đường, mà trên đường phố, trong các nhà tù, trong các nhà thương, tại các vùng ngoại ô…Cả những nơi này nữa cũng là các nơi của lòng thương xót và ân xá.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 25.12.2015)