Ả Rập Xê Út. Một Giáo hội của Di dân

Tháng Bảy này, Đức Ông Paolo Martinelli, một tu sĩ dòng Capuchin từ Ý, kỷ niệm ba năm kể từ khi ngài bắt đầu sứ vụ giám mục của mình tại Hạt Đại diện Tông tòa Nam Ả Rập. Ngài chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo của mình tại Hạt Đại diện Tông tòa này, nơi tất cả những người Công giáo đều là di dân đến từ các quốc gia khác. Bán đảo Ả Rập đặt ra thách thức cho Giáo hội trong việc sống sứ mạng của mình một cách đích thực, nâng đỡ đức tin của những di dân để họ có thể trở thành chứng nhân của niềm vui Tin Mừng giữa xã hội phức tạp này.

 

Hạt Đại diện Tông tòa Nam Ả Rập bao gồm ba quốc gia: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman và Yemen. Tổng số tín hữu Công giáo khoảng một triệu người. Chúng tôi có chín giáo xứ tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống

nhất và bốn giáo xứ tại Oman. Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, có một số lượng lớn các trường Công giáo có học sinh thuộc nhiều tôn giáo khác nhau theo học. Một số trường do Hạt Đại diện Tông toà trực tiếp quản lý, còn các trường khác do các dòng tu nữ phụ trách. Thật không may, tại Yemen, sau bảy năm chiến tranh, tình hình trở nên vô cùng khó khăn. Số lượng Kitô hữu còn lại rất ít và cơ cấu của Giáo hội đã bị thu hẹp đáng kể.

 

Hiện tại, trong Hạt Đại diện tông toà có tổng cộng 75 linh mục, phần lớn thuộc dòng Phanxicô Capuchin. Chúng tôi là Giáo hội của di dân. Có rất ít linh mục bản địa hoặc nước ngoài hiện có được quốc tịch của các quốc gia này.

 

Hầu hết các tín hữu đều là người lao động. Đa số người Công giáo đến từ Philippines và Ấn Độ. Nhưng cũng không thiếu các Kitô hữu đến từ thế giới Ả Rập, chủ yếu là từ Liban và Jordan. Số lượng tín hữu đến từ Châu Phi rõ ràng ngày càng tăng. Tuy không nhiều, nhưng cũng có sự hiện diện đáng kể của những người Công giáo đến từ Châu Mỹ Latinh, Châu Âu và Bắc Mỹ. Hầu hết người Công giáo của chúng tôi là những người dân thường; họ làm những công việc bình thường và sống cuộc sống thanh đạm. Tuy nhiên, cũng có  không ít những người có trình độ cao đến đây để đóng góp chuyên môn của họ cho các quốc gia này.

 

Các tín hữu của chúng tôi đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau, mang theo những truyền thống, văn hóa và nghi lễ khác nhau.  Thách thức to lớn là làm sao duy trì được sự đa dạng như vậy mà vẫn hình thành được một Giáo hội duy nhất, sống trong sự hiệp nhất. Rõ ràng, điều này không dễ dàng và đôi khi gây ra căng thẳng trong các giáo xứ. Vấn đề là phải luôn nỗ lực để giữ cho đời sống của các cộng đoàn Công giáo có thể cân bằng giữa việc trân trọng các đặc sủng khác nhau và sự hiệp nhất của Giáo hội. Trên thực tế, vì tất cả đều là di dân, nên các tín hữu không chỉ được mời gọi phải gìn giữ các truyền thống cội nguồn của

mình mà còn phải cố gắng thích nghi với các phong tục, các giá trị khác và cùng đồng hành với mọi thành viên trong cộng đoàn dân Chúa. Nếu chỉ bảo tồn các truyền thống khác nhau, thì có nguy cơ Giáo hội có thể bị thu hẹp thành một tập hợp các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau mà không có liên hệ gì với nhau cả. Điều quan trọng là phải tôn trọng sự đa dạng, học hỏi lẫn nhau, tìm hiểu và tôn trọng lẫn nhau.

 

Các linh mục và các tu sĩ đóng vai trò cơ bản trong đời sống của Giáo hội đặc biệt này. Họ cũng đến từ nhiều nền văn hóa và nghi lễ khác nhau. Chính trong các giáo xứ, các linh mục cũng đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhiều người là thành viên của gia đình Phanxicô Capuchin nhưng thuộc các khu vực khác nhau: Ấn Độ, Philippines, Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông. Các dòng tu khác cũng mang tính liên văn hóa, giống như các cộng đoàn tín hữu vậy.

 

Ngoài ra, vì Công giáo là thiểu số ở các quốc gia này, nên sự hợp tác giữa các dòng tu khác nhau là điều thiết yếu để sứ mạng truyền giáo của Giáo hội tại vùng đất này có hiệu quả.

 

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

 

Phần lớn người Công giáo của Hạt Đại diện Tông toà đều sống tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đây là một xã hội cực kỳ hiện đại đã phát triển ấn tượng kể từ khi thành lập (năm 1971). Quốc gia này được tổ chức tốt, có cơ sở hạ tầng tuyệt vời. Cảm giác chung là mọi người đều được chào đón. Sự phát triển nhanh chóng và đa đạng này có thể thực hiện được là nhờ tầm nhìn xa trông rộng của các tiểu vương, những người đã đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo giai cấp lãnh đạo ở nước ngoài, đặc biệt là ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Hơn nữa, một đóng góp thiết yếu cho sự phát triển chắc chắn phải kể đến là số lượng khổng lồ những di dân, tạo nên lực lượng lao động của đất nước. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một quốc gia Hồi giáo chiếm ưu thế nhưng lại có điểm đặc trưng rõ rệt là sự khoan dung và chung sống hòa bình giữa tất cả những người sinh sống trên vùng đất này. Giáo hội Công giáo và các hệ phái Kitô giáo khác, cũng như các tôn giáo khác, đều được tự do tôn giáo. Nhà nước kiểm soát các hoạt động tôn giáo để đảm bảo có sự khoan dung và không có nhóm cực đoan hay bạo lực nào được hình thành.

 

Oman và Yemen

 

Hạt Đại diện Tông tòa cũng bao gồm Oman, một thực thể khác biệt về nhiều mặt so với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Xã hội Oman mang đến một hình ảnh an tâm và ôn hòa. Đất nước này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Hồi, nhưng vẫn được tự do tôn giáo. Chúng ta không thấy những trung tâm siêu hiện đại như ở Dubai. Cảnh quan phong phú đa dạng, mời gọi người ta chiêm nghiệm. Cuộc khủng hoảng đại dịch vừa qua đã khiến cho số tín hữu Công giáo sụt giảm đáng kể.

 

Gần đây, Tòa thánh và Vương quốc Hồi giáo Oman đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Đây là một quá trình bắt đầu từ năm 1999, sau đó bị gián đoạn và chỉ hoàn tất cách đây hai năm. Bước tiến quan trọng này có thể mở ra một thời kỳ hợp tác rộng rãi hơn cho Giáo hội Oman. Trên thực tế, các Kitô hữu của chúng ta rất mong muốn được đóng góp cho xã hội Oman vì lợi ích chung.

 

Cuối cùng, Hạt Đại diện Tông tòa Nam Ả Rập cũng bao gồm cả Yemen. Một đất nước bị nội chiến tàn phá suốt hơn bảy năm qua. Thật ra, Kitô giáo đã hiện diện tại Yemen từ rất xa xưa. Thành phố Aden từng là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hạt Đại diện Tông tòa Ả Rập. Trong những tháng gần đây, tình hình nội bộ quốc gia này đã được cải thiện sau một vài tháng xung đột tạm lắng. Tuy nhiên, tình trạng đau khổ vẫn còn đó, đặc biệt là đối với người già, người bệnh và trẻ em. Nhiều Kitô hữu đã rời khỏi đất nước vì bị bách hại hoặc vì mất công ăn việc làm.

 

Hiện nay, chỉ còn vài trăm tín hữu Công giáo, trong đó có một số người bản địa Yemen. Các nhà thờ đã bị hư hại trong các cuộc xung đột và hiện không thể sử dụng được. Một sự hiện diện đặc biệt quý giá ở đất nước này là Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta. Dòng có hai cộng đoàn tu sĩ và thực hiện hoạt động phục vụ quan trọng là tiếp nhận chăm sóc những người khuyết tật và người già. Dòng được một linh mục thuộc nhánh nam của dòng Mẹ Têrêsa hỗ trợ.

 

Tóm lại, Bán đảo Ả Rập đang đặt ra thách thức cho Giáo hội trong việc nâng đỡ đức tin đơn sơ của các tín hữu di dân, để họ có thể trở thành chứng nhân cho niềm vui Tin Mừng trong môi trường Hồi giáo này và bằng cách đóng góp thiết thực vào lợi ích của tất cả mọi người trong việc xây dựng một xã hội nhân bản và huynh đệ hơn.

 

Tác giả: Đức Ông Paolo Martinelli

Nguồn: southworld.net