Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc lại điều ngài đã phát biểu tại phiên họp chung hội nghị thượng đỉnh G7 về trí tuệ nhân tạo gần đây: Máy móc có thể tạo ra các lựa chọn thuật toán. Nhưng con người không chỉ lựa chọn mà còn có khả năng quyết định. Chúng ta phải nhận thức rõ rằng quyền quyết định luôn thuộc về con người, ngay cả khi chúng ta phải đối diện với những khía cạnh kịch tính và cấp bách xảy đến trong cuộc sống. Chúng ta sẽ đẩy nhân loại vào một tương lai vô vọng nếu chúng ta tước đi khả năng đưa ra quyết định về bản thân và cuộc sống của con người, bằng cách khiến họ phải phụ thuộc vào sự lựa chọn của máy móc. Chúng ta cần đảm bảo và bảo vệ một không gian để con người có thể kiểm soát một cách đúng đắn những lựa chọn do các chương trình trí tuệ nhân tạo đưa ra: phẩm giá con người phụ thuộc vào điều này.
Ở điểm này Đức Thánh Cha khen ngợi sáng kiến của các tôn giáo, và khích lệ mọi người làm cho thế giới thấy rằng các tôn giáo đang đi đầu trong việc yêu cầu bảo vệ nhân phẩm trong kỷ nguyên máy móc mới này.
Đề cập đến việc hội nghị được tổ chức ở Hiroshima, Đức Thánh Cha khẳng định điều này mang tính biểu tượng quan trọng. Bởi vì trong các cuộc xung đột ngày nay, chúng ta ngày càng nghe nói nhiều về công nghệ này. Ngài viết: “Điều quan trọng là khi chúng ta đoàn kết như anh chị em, chúng ta nhắc nhở thế giới rằng trước thảm kịch xung đột vũ trang, điều cấp thiết là phải xem xét lại sự phát triển và sử dụng các thiết bị như cái gọi là ‘vũ khí tự động gây chết người’ và cuối cùng là cấm sử dụng chúng. Điều này bắt đầu từ một cam kết hiệu quả và cụ thể nhằm đưa ra sự kiểm soát của con người ngày càng phù hợp và lớn hơn”.
Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nhìn nhận sự đóng góp văn hoá của các dân tộc và tôn giáo trong việc điều chỉnh trí tuệ nhân tạo, là chìa khoá dẫn đến sự thành công trong cam kết quản lý đổi mới công nghệ. Ngài hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ mang lại kết quả trong việc mang lại tình huynh đệ và cộng tác.