Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những cánh cửa mở cho tất cả mọi người mà hai thánh Phêrô và Phaolô đã kinh nghiệm được trong cuộc sống và sứ vụ của hai vị tông đồ.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Chúng ta hãy nhìn vào hai Tông Đồ Phêrô và Phaolô: người đánh cá xứ Galilê mà Chúa Giêsu đã biến ông thành một kẻ lưới người; người Pharisêu bách hại Giáo hội được biến đổi nhờ Hồng ân để trở thành người rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta để mình được soi sáng bởi câu chuyện của họ, bởi lòng nhiệt thành tông đồ đã đánh dấu chặng đường cuộc đời của họ. Nhờ gặp gỡ Chúa, họ đã sống một kinh nghiệm Phục Sinh thực sự: họ được giải thoát và trước mặt họ, những cánh cửa của một cuộc sống mới đã mở ra.
Anh chị em thân mến, đứng trước thềm Năm Thánh, chúng ta cùng dừng lại ở hình ảnh cánh cửa. Thật vậy, Năm Thánh sẽ là thời gian ân sủng, nơi đó chúng ta sẽ mở Cửa Thánh, để mọi người có thể bước qua ngưỡng cửa của đền thờ sống động là Chúa Giêsu và, trong Ngài, sống kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, vốn khơi nên niềm hy vọng và canh tân niềm vui. Và trong câu chuyện của Phêrô và Phaolô cũng có những cánh cửa mở ra.
Bài đọc thứ nhất kể cho chúng ta câu chuyện về việc Phêrô được giải thoát khỏi ngục tù; câu chuyện này có nhiều hình ảnh nhắc nhớ chúng ta về kinh nghiệm Phục Sinh: câu chuyện xảy ra trong tuần Lễ Bánh Không Men; Hêrôđê gợi nhớ lại hình ảnh Pharaô của Ai Cập; cuộc giải thoát diễn ra vào ban đêm như đã xảy ra với dân Israel; thiên thần cho Phêrô những chỉ dẫn tương tự như những chỉ dẫn đã được ban cho dân Israel: hãy mau đứng dậy, thắt lưng lại, xỏ dép vào (xem Cv 12,8; Xh 12,11). Do đó, những gì chúng ta được nghe là một cuộc xuất hành mới. Thiên Chúa giải phóng Giáo Hội của Người, giải phóng những ai đang bị xiềng xích, và một lần nữa Người tỏ cho thấy Người là Thiên Chúa của lòng thương xót, Đấng nâng đỡ bước đường của Giáo hội.
Và trong đêm giải phóng ấy, lần đầu tiên cánh cửa ngục mở ra một cách kỳ diệu; sau đó, câu chuyện kể về Phêrô và thiên thần đồng hành, rằng họ đứng trước “cửa sắt thông ra phố; cửa tự động mở ra trước mặt hai người” (Cv 12,10). Họ không mở nhưng cửa tự mở. Chính Thiên Chúa là Đấng mở cửa, chính Người là Đấng giải phóng và mở đường. Với Phêrô - như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng - Chúa Giêsu đã giao phó chìa khóa Nước Trời; nhưng ông nhận ra rằng, để mở những cánh cửa, Chúa là người đầu tiên, Người luôn đi trước chúng ta. Có điều đáng chú ý là: các cánh cửa nhà tù được mở ra bởi sức mạnh của Chúa, nhưng Người lại gặp khó khăn khi bước vào nhà của cộng đoàn Kitô hữu. Người đứng ở cửa, và người ta tưởng là ma nên không mở cho. Biết bao nhiêu lần các cộng đoàn không học được sự khôn ngoan này của việc mở những cánh cửa.
Con đường của Thánh Phaolô trước hết cũng là một kinh nghiệm Phục Sinh. Thật vậy, trước tiên ông được Đấng Phục Sinh biến đổi trên đường đến Đamát và sau đó, trong việc liên lỉ chiêm ngưỡng Chúa Kitô chịu đóng đinh, ông khám phá ra ân sủng của sự yếu đuối: chính khi chúng ta yếu, ngài khẳng định, là lúc chúng ta mạnh, vì chúng ta không còn dựa vào chính mình nữa mà bám vào Chúa Kitô (xem 2 Cr 12,10). Được Chúa nắm lấy và cùng chịu đóng đinh với Người, Thánh Phaolô viết: “Không còn phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nhưng mục đích của tất cả những điều này không phải là một kiểu tôn giáo thân mật và an ủi dạt dào như một số phong trào trong Giáo hội trình bày với chúng ta ngày nay: một linh đạo ngồi tại chỗ trên ghế bành. Không. Ngược lại, cuộc gặp gỡ với Chúa khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo trong cuộc đời Thánh Phaolô. Như chúng ta đã nghe trong Bài đọc thứ hai, vào lúc cuối đời ngài đã tuyên bố: “có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4,17).
Khi kể về việc Chúa đã ban cho mình rất nhiều khả năng để loan báo Tin Mừng, Thánh Phaolô đã sử dụng hình ảnh những cánh cửa mở rộng. Vì vậy, khi ngài đến Antiokia cùng với Banaba, trình thuật kể rằng “khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14,27): Người đã mở cánh cửa đức tin cho dân ngoại. Tương tự như vậy, khi nói với cộng đoàn Côrintô, ngài nói: “Một cánh cửa lớn và thuận lợi đã mở ra cho tôi” (1Cr 16,9); và khi viết cho cộng đoàn Côlôxê, ngài khuyên nhủ họ như sau: “anh em cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi nữa, xin Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người, để chúng tôi loan báo mầu nhiệm Đức Ki-tô” (Cl 4,3).
Anh chị em thân mến, hai Tông Đồ Phêrô và Phaolô đã có kinh nghiệm về ân sủng này. Họ đã trực tiếp trải nghiệm công việc của Thiên Chúa, Đấng đã mở cửa nhà tù nội tâm của họ cũng như những nhà tù thực sự nơi họ bị giam cầm vì Tin Mừng. Và hơn nữa, Người đã mở những cánh cửa truyền giáo cho họ, để họ có thể sống niềm vui được gặp gỡ anh chị em của các cộng đoàn non trẻ và có thể mang niềm hy vọng Tin Mừng đến cho mọi người.
Và chúng ta cũng đang chuẩn bị mở Cửa Thánh trong năm nay.
Anh chị em thân mến, hôm nay các Tổng Giám mục được bổ nhiệm trong năm vừa qua sẽ nhận Dây Pallium. Trong sự hiệp thông với Thánh Phêrô và noi gương Chúa Kitô, là cửa ràn chiên (x. Ga 10,7), họ được mời gọi trở thành những mục tử nhiệt thành mở những cánh cửa Tin Mừng và là những người, với sứ vụ của mình, góp phần xây dựng một Giáo hội và một xã hội với những cánh cửa rộng mở.
Và tôi muốn diễn tả tình cảm huynh đệ, lời chào mừng Phái đoàn Tòa Thượng phụ Đại kết: cảm ơn quý vị đã đến để bày tỏ ước muốn chung về sự hiệp thông trọn vẹn giữa các Giáo hội của chúng ta. Tôi gửi lời chào chân thành đến người anh em của tôi, người anh em Bartolomeo thân yêu của tôi.
Xin hai thánh Phêrô và Phaolô giúp chúng ta mở cánh cửa cuộc đời chúng ta cho Chúa Giêsu, xin các ngài cầu bầu cho chúng ta, cho thành phố Rôma và cho toàn thế giới. Amen.