CUỘC HỌP CHUNG THỨ 8 CỦA ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỒNG TRÁCH NHIỆM TRONG SỨ VỤ
Chủ đề truyền giáo
Chủ đề của Phần B2 là sứ vụ truyền giáo. Trong bài phát biểu giới thiệu, Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng nhắc lại rằng “một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội được sai đi truyền giáo”. Và lệnh truyền Chúa ban cho các Tông đồ cũng được áp dụng cho tất cả các thành viên của Giáo hội tông truyền của chúng ta.
Chủ đề truyền giáo cũng đã xuất hiện liên tục trong phần B1 của Tài liệu làm việc, bởi vì “sự hiệp thông không khép kín nhưng được thúc đẩy hướng tới sứ vụ; đồng thời, mục đích của sứ vụ chính là mở rộng phạm vi hiệp thông, giúp ngày càng nhiều người có thể gặp gỡ Chúa và đón nhận lời mời gọi trở thành thành phần của Dân Chúa”.
Đồng trách nhiệm trong sứ vụ
Lấy ví dụ về “lục địa kỹ thuật số”, khi mà internet không chỉ là công cụ nhưng nó còn biến đổi cách sống, cách cảm nhận thực tế và các tương quan, Đức Hồng Y Hollerich nhìn nhận rằng Giáo hội cần sự trợ giúp của các thành viên trẻ trong lĩnh vực này. Và điều này cho thấy lý do đồng trách nhiệm trong sứ vụ. “Tất cả những người đã được rửa tội đều được kêu gọi và có quyền tham gia vào sứ vụ của Giáo hội, tất cả đều có sự đóng góp không thể thay thế được. Điều đúng đối với ‘lục địa kỹ thuật số’ cũng đúng đối với các khía cạnh khác trong sứ mạng của Giáo hội.”
5 bảng câu hỏi của phần B2 của Tài liệu Làm việc
Đức Hồng y Hollerich cho biết mỗi nhóm nhỏ sẽ chỉ bàn thảo về 1 trong 5 bảng câu hỏi của phần B2 của Tài liệu Làm việc.
Ý nghĩa và nội dung của sứ vụ truyền giáo
Bảng câu hỏi đầu tiên đề cập đến nhu cầu đào sâu ý nghĩa và nội dung của sứ vụ truyền giáo, sứ vụ được truyền tải trong Giáo hội chúng ta qua nhiều ngôn ngữ và hình ảnh. Đức Hồng Y giải thích: “Sứ vụ này không chỉ giới hạn ở môi miệng chúng ta mà còn phải xuất hiện trong nhiều chiều kích khác nhau của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Sứ vụ của Giáo hội thuộc về cam kết đối với hệ sinh thái toàn diện, cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình, ưu tiên lựa chọn người nghèo và những vùng ngoại vi, và sự sẵn sàng cởi mở để gặp gỡ tất cả mọi người”.
Thừa tác vụ trong Giáo hội
Bảng câu hỏi thứ hai tập trung vào thừa tác vụ trong Giáo hội.
Thăng tiến phẩm giá mà người nữ nhận được qua Bí tích rửa tội
Đức Hồng y Tổng Tường trình viên muốn tập trung nhiều hơn vào ba Bảng câu hỏi còn lại. “Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng phụ nữ cảm thấy họ là một phần không thể thiếu của Giáo hội truyền giáo này? Chúng ta, những người nam, có nhận thấy sự đa dạng và phong phú của các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho phụ nữ không?... Chúng ta có cảm thấy được phong phú hay bị đe dọa khi chia sẻ sứ mạng chung của mình và khi phụ nữ đồng trách nhiệm trong sứ vụ của Giáo hội, dựa trên ân sủng của Bí tích Rửa tội chung của chúng ta không?”
Mối liên hệ giữa thừa tác vụ thánh chức và các thừa tác vụ theo Bí tích Rửa tội
“Mối liên hệ giữa thừa tác vụ thánh chức và các thừa tác vụ theo Bí tích Rửa tội khác là gì?... Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận rằng tất cả các chi thể của thân thể đều quan trọng không? Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận rằng Chúa Kitô là đầu của thân thể và thân thể chỉ có thể hoạt động nếu mỗi bộ phận liên quan đến đầu và các bộ phận khác không? Liệu Giáo hội của chúng ta có thể hoạt động hài hòa hay các bộ phận đang vặn vẹo theo mọi hướng không?”
Thừa tác vụ của Giám mục
“Bảng câu hỏi cuối cùng liên quan đến các Giám mục, những người mà thừa tác vụ của họ theo ý muốn của Chúa sẽ cấu trúc nên sự hiệp thông của Giáo hội. Thừa tác vụ này nên được đổi mới và thúc đẩy như thế nào để được thực thi một cách phù hợp với một Giáo hội hiệp hành?”
Hồng Thuỷ - Vatican News