Sáng thứ Hai, ngày 09 tháng Mười năm 2023, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới Kỳ thứ XVI đã bước sang tuần thứ hai, với phiên khoáng đại thứ tư, dưới quyền chủ tọa theo lượt của Ðức Hồng y Timothy John Costelloe, Dòng Don Bosco, Tổng giám mục Giáo phận Perth bên Úc. Ðức Thánh cha không tham dự phiên họp này.
Ðầu phiên họp, Ðức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng thông báo trong số 346 thành viên, có vài tham dự viên nhiễm Coronavirus nên vì lý do an toàn, họ sẽ không tham dự các phiên họp trong những ngày tới đây. Ðức Hồng y trấn an rằng "không có gì đáng báo động"! Ðức Hồng y khuyên các tham dự viên hãy sử dụng các biện pháp đề phòng, như rửa tay thường xuyên, dùng các bình khử trùng đặt tại 35 bàn tròn nơi các tham dự viên ngồi. Ngoài ra, Ðức Hồng y cũng khuyên những người cao tuổi và cảm thấy yếu sức, hãy đeo khẩu trang. Tổng số người tham dự Công nghị này là 464 người, kể cả những người được mời như đại biểu của các Giáo hội anh em.
Ðức Hồng y Hollerich giới thiệu đề tài
Sau thông cáo thực hành trên đây, Ðức Hồng y Hollerich, người Luxemburg, Tổng Tường trình viên, đã giới thiệu phần thứ hai, gọi là B1, của Tài liệu Làm việc, trong đó có đề cập đến một số đề tài "nóng". Phần này mang tựa đề "Một sự hiệp thông tỏa lan. Làm thế nào trở thành một dấu chỉ và phương thế kết hiệp với Thiên Chúa và hiệp nhất nhân loại một cách trọn vẹn hơn?" Ðức Hồng y nói: "Vài người nhận xét rằng sẽ có căng thẳng gia tăng, nhưng chúng ta không nên sợ vì chúng ta là anh chị em với nhau, cùng đi với nhau". Lời mời gọi được đưa ra ở đây là "mang lại những câu trả lời cụ thể" và chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa, kể cả đối với những người có vẻ đe dọa căn tính của chúng ta".
Ðức Hồng y Hollerich kể về một gia đình từ Phi châu di cư tới một nước Âu châu và khó tìm được một giáo xứ Công giáo để sống đức tin. Ban đầu, gia đình ấy tìm được một giáo xứ có các tín hữu Công giáo hành đạo, đi dự lễ, nhưng không phải là một giáo xứ cống hiến một cảm thức hiệp thông sâu xa. Gia đình Phi châu ấy cảm thấy bị coi rẻ vì có những thói quen đạo đức khác, nên cảm thấy hoàn toàn bị loại trừ. Sau đó, gia đình ấy tìm được sự đón tiếp trong một cộng đoàn Tin lành Methodist, được giúp đỡ cụ thể để sống tại nước này. Ðức Hồng y nhận xét rằng gia đình đó đã được đón tiếp như những anh chị em, chứ không phải như những đối tượng bác ái, không phải chỉ là phương thế để làm phúc. Họ được đón tiếp như những con người đồng hành.
Từ đó, Ðức Hồng y Hollerich nhắc lại lời Ðức Thánh cha nhắc nhở trong Ðại hội Giới trẻ Quốc tế ở Lisboa, Bồ Ðào Nha: "hãy đón tiếp tất cả, tất cả, tất cả. Tất cả đều được mời gọi tham dự vào Giáo hội. Chúa Giêsu đã nới rộng tình hiệp thông với tất cả mọi người tội lỗi. Vậy, chúng ta có sẵn sàng làm như vậy không? Chúng ta có sẵn sàng thực hiện điều đó với những nhóm mà chúng ta cảm thấy khó chịu, vì lối sống của họ có vẻ đe dọa căn tính của chúng ta hay không?"
Từ những điều trên đây, Ðức Hồng y Hollerich cũng nhắc đến sự đối thoại đại kết: "Làm sao chúng ta có thể sống đức tin sâu xa trong văn hóa của mình mà không loại trừ những người khác văn hóa, thuộc những truyền thống khác về đức tin, dấn thân với họ cho công lý, hòa bình và sinh thái toàn diện?"
Ðức Hồng y mời gọi mọi người suy nghĩ, "nhưng không phải dưới hình thức như một khảo luận thần học hoặc xã hội học. Chúng ta phải đi từ những kinh nghiệm cụ thể, kinh nghiệm bản thân và nhất là kinh nghiệm tập thể của dân Chúa, đã nói qua giai đoạn lắng nghe." Trong tiến trình này, chúng ta đừng sợ những căng thẳng. Chúng ta đừng sợ những căng thẳng. Những căng thẳng này thuộc về tiến trình bao lâu chúng ta còn coi nhau như những anh chị em đồng hành với nhau.
Cha Timothy Radcliffe
Trong phiên khoáng đại thứ tư, cha Timothy Radcliffe, nguyên Bề trên Tổng quyền Dòng Ða Minh, đã đề nghị một vài điểm suy tư, trong đó cha nhấn mạnh rằng Thượng Hội đồng này là một trường yêu thương, không trốn chạy và cũng chẳng chiếm đoạt người khác, một tình thương không tấn công cũng chẳng lạnh lẽo.
Cha đi từ giai thoại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với phụ nữ xứ Samaria bên giếng nước, để trình bày vài suy tư, qua đó chúng ta thấy Thiên Chúa xuất hiện giữa chúng ta như người khát, nhất là khát mỗi người chúng ta: Thiên Chúa đã khát người phụ nữ sa ngã ấy đến độ đã làm người. Ðã chia sẻ với bà điều quý giá nhất là danh Thiên Chúa: "Tôi là người đang nói với bà"!
Trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, phụ nữ ấy đã khám phá một cái khát sâu xa hơn. Bà đã có nhiều đời chồng. Bà đang mong được nước hằng sống mà Thiên Chúa có thể ban cho bà và không còn khát đời đời nữa. Cho đến nay, bà đi từ đàn ông này đến đàn ông khác. Giờ đây, bà khám phá thấy người mà bà luôn khao khát mà không biết Ngài. Nhiều khi đằng sau cái khát sâu đậm của họ có sự khao khát Thiên Chúa. Những tội lỗi, sa ngã thiếu sót của chúng ta, thường là những toan tính sai lầm tìm kiếm điều mà chúng ta mong ước nhất. Nhưng Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi chúng ta, thường là nơi những giếng nước của chúng ta, mời gọi chúng ta hãy khát hơn nữa. Vì thế, huấn luyện về một tình hiệp thông lan tỏa là học cách đói khát sâu xa hơn, bắt đầu với những ước muốn bình thường. Chúng ta bị rơi vào cạm bẫy những ước muốn bé nhỏ, những thỏa mãn bé bỏng. Trái lại, Chúa muốn ban cho chúng ta tràn đầy tình thương của Ngài".
Ðức cha Meier bị nhiễm Covid
Trong số bốn người bị nhiễm Covid-19 mà Ðức Hồng y Grech nói tới đầu phiên họp khoáng đại thứ tư, có Ðức cha Bertram Meier, Giám mục Giáo phận Augsburg, đại biểu của Hội đồng Giám mục Ðức. Trang mạng của các giám mục Ðức cho biết: cuối tuần vừa qua, Ðức cha Bertram đã về giáo phận của ngài để truyền chức phó tế, nhưng ngài phải hoãn lại việc trở về Roma dự Thượng Hội đồng, theo lời khuyên của bác sĩ, đợi cho đến khi bình phục hẳn sẽ trở lại Roma.
Trong cuộc họp báo ngắn hôm thứ Ba 10/10 với báo giới, Tiến sĩ Paolo Ruffini, Chủ tịch Ủy ban Thông tin, đã cập nhật về các cuộc thảo luận trong các nhóm nhỏ, cũng như danh sách các thành viên của Ủy ban Báo cáo Tổng hợp vừa được bầu chọn.
Tiến sĩ Ruffini cho biết các tham dự viên đã có được bầu không khí chia sẻ tuyệt vời. Trong các nhóm nhỏ, các thành viên có nhiều cơ hội hơn để phát biểu với nhiều vòng chia sẻ. Các tham dự viên đã làm quen với việc chia sẻ trong nhóm nhỏ ngay từ những buổi tĩnh tâm trước khi khai mạc Đại hội Thượng Hội Đồng. Các nhóm nhỏ đã thảo luận sâu hơn về các mục riêng của phần B1 liên quan đến sự hiệp thông, trong đó có các đề tài: giáo dục, môi trường, đa văn hóa, đồng hành với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và những người di cư. Báo cáo viên của các nhóm nhỏ sẽ trình bày những suy tư của họ tại các phiên họp khoáng đại sắp tới.
Đáng chú ý, Đức Hồng y Joseph William Tobin, Tổng Giám mục Newark (Hoa Kỳ), đã chia sẻ cảm nghĩ của mình khi suy tư và cầu nguyện với đề tài “Một sự hiệp thông có sức lan tỏa”: Vẻ đẹp thực sự của Giáo hội Công giáo “trở nên rõ ràng khi cánh cửa của Giáo hội rộng mở và chào đón mọi người. Chúng tôi hy vọng rằng Thượng Hội đồng sẽ giúp chúng ta cởi mở hơn nữa”. Vị hồng y nói điều này với tư cách một thành viên tham dự Thượng Hội Đồng và một mục tử tại giáo phận của ngài. Đức Hồng Y Tobin cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng tiến trình thảo luận giữa các thành viên không bị áp đặt từ trên xuống, và không hề bị bó buộc.
Bên cạnh đó, Đức Hồng Y Tobin cũng nói đến sự hấp dẫn của cuộc đối thoại đa văn hóa. Ngài kể rằng trong nhóm nhỏ của ngài còn có một phụ nữ trẻ đến từ Nga, một bà mẹ đến từ Ukraina, một mục sư Ngũ Tuần đến từ Ghana, một nhà thần học đến từ Malaysia và điều phối viên đến từ Singapore. Chính bản thân vị hồng y cũng đã lớn lên ở Detroit trong một môi trường đa văn hóa, và là một linh mục trong 45 năm đã sống “trong những nền văn hóa không phải của riêng mình”. Ngài mô tả đây là “Thượng Hội Đồng đa dạng nhất mà tôi từng tham gia”.
Cũng theo Đức Hồng Y Tobin, “lựa chọn của Giáo hội là tình huynh đệ: có chỗ cho mọi người”. Ngài chia sẻ một kinh nghiệm mục vụ cụ thể, việc đón tiếp tại Nhà thờ Chính tòa Newark đối với “một cuộc hành hương của những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội vì xu hướng tính dục của họ”. Vị hồng y nhớ lại bài thuyết trình của một linh mục, người đã nói với nhóm: “Đây là một nhà thờ đẹp, nhưng đẹp nhất khi cửa mở”. Theo ngài, đó là một kinh nghiệm về một Giáo hội mở ra. Và ngài kết luận rằng “trong một thế giới được đặc trưng bởi chủ nghĩa dân tộc loại trừ, bài ngoại, trong đó có những nhà lãnh đạo cam kết xây dựng biên giới, thì lựa chọn của Giáo hội là tình huynh đệ, tính hiệp hành, một lựa chọn giúp chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em”.
Sơ Gloria Liliana Franco Echeverri, người Colombia, thuộc Dòng Đức Mẹ Maria, chủ tịch Liên hiệp Tu sĩ Mỹ Latinh (CLAR), nhấn mạnh rằng các tham dự viên mong muốn sống như Chúa Giêsu, Đấng đã làm người, đề cao phẩm giá con người, đón nhận mọi người, và mở cửa cho người khác. Sơ Echeverri cho biết trong các nhóm nhỏ, các tham dự viên đã nhận ra chính xác phẩm giá chung này của mọi người, một phẩm giá bắt nguồn từ sự tôn trọng, hiệp thông và công nhận lẫn nhau. Sơ cũng đề cập đến lời mời gọi lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, người di dân, nạn nhân của nạn buôn người được vọng lên trong Đại hội, không chỉ trong những buổi thảo luận, nhưng cả trong bàn ăn.
Nguồn: vaticannews.va/vi