Đức Ki-tô cứu người trẻ

...Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng tâm sự với người trẻ rằng: “Các con thật vô giá! Các con không phải là món đồ để bán đấu giá! Làm ơn đừng để mình bị quyến rũ. Đừng để mình bị nô lệ hoá bởi các hình thức thực dân hoá tư tưởng, là điều nhồi nhét những tư tưởng vào đầu các con, với hậu quả là các con trở thành nô lệ, nghiện ngập và thất bại trong cuộc đời.” (Tông huấn Christus Vivit)...

Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của:

 Tông Huấn “Chúa Kitô sống” số 118-123

Nhiều người ngán ngẩm nhìn vào thực tại cuộc sống này. Quá nhiều tệ nạn nhan nhản mỗi ngày trên mặt báo, trên TV. Quanh ta, hiểm nguy cũng đang rình rập. Ra đường, tai nạn giao thông luôn là nỗi nguy. Ở nhà, mấy người được hạnh phúc bởi nhiều vấn đề cần được giải quyết. Cơm áo, gạo tiền, sự nghiệp và tương quan bủa vây, khiến người ta tưởng chừng không thể thoát ra. Đó chưa kể những bệnh tật không chừa một ai.

Trong vòng vây ấy, người trẻ cũng cảm thấy một thực tế đắng lòng. Nhiều người trẻ hăng say làm ăn, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Không thiếu người trẻ mong làm giàu bằng mọi cách, kể cả việc xem thường pháp luật. Tụ điểm ăn chơi nhiều hơn nơi làm việc, học hành! Tiếc là những nơi đó luôn có người trẻ. Trong bối cảnh ấy, người ta đúc kết trong một nhận xét đau lòng: Đạo đức xuống cấp!

Chắc chúng ta không cần kể thêm những điều bi quan đang diễn ra. Trước bức tranh ấy, không phải là không có lối thoát ra. Một con đường chắc chắn đưa người trẻ đến cuộc sống hạnh phúc là gắn kết với Thiên Chúa. Cụ thể, trong bài này, người trẻ dành chút thời gian để nhận thấy Thiên Chúa thực sự muốn cứu con người, muốn cứu người trẻ. Đó là sứ điệp quan trọng mà Giáo Hội muốn lặp đi lặp lại với từng người trẻ. Với hy vọng: người trẻ vững bước trên hành trình đức tin và thành công trong cuộc sống.

Nếu để ý, chúng ta thấy chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã bắt đầu sau khi con người xa ngã[1]. Chỉ khi nguy hiểm, xa ngã và lâm vào cảnh chết chóc, người ta mới cần được trợ giúp. Tiếc là con người luôn trong tình cảnh đó. Chưa bao giờ con người thực sự vững mạnh để chống lại biết bao cám dỗ. Nhất là với người trẻ, xa ngã, thất bại và vô vọng thường là nỗi ám ảnh kinh hãi. Thậm chí, có người gào lên trong tức tối: “Tại sao tôi lại gặp điều trớ trêu này? Tại sao tôi lại thất bại?” Vân vân và vân vân.

Các bạn trẻ thân mến,

Con người, nhất là người trẻ may mắn có Đức Giêsu đến để cứu độ con người. Ngài không cứu con người bằng: phán một lời là con người được cứu. Dĩ nhiên, Ngài có quyền năng làm điều đó. Ngược lại, Ngài cứu con người bằng chính cái chết trên thập giá. Ngài dùng chính mạng sống để cứu độ con người. Đó là điều khiến nhiều người đau đầu nhức óc để phân tích: tại sao?! Những người ấy quên rằng: “Ðấng đã yêu thương tôi và đã hiến mạng sống Mình vì tôi.” (Gal 2,20). Hóa ra, chính tình yêu mà Ngài sẵn sàng chết để cho con người, cho người trẻ được hồi sinh. Đừng quên, chính Ngài đã sống lại từ cõi chết và mở ra con đường cứu độ cho nhân trần.

Đáng lẽ, tuổi trẻ là thời gian của ước mơ với rất nhiều tình yêu và năng lượng. Thực tế lại không cho người trẻ luôn đạt được điều ấy. Lắm bạn mệt mỏi, sống như xác không hồn, lao vào chốn ăn chơi, buông xuôi và đầu hàng. Là con của Chúa, người trẻ công giáo không thể rơi vào con đường ấy. Bởi, họ hằng xác tín rằng: dù gì, dẫu gì, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi tôi, Ngài sẽ cứu tôi. Đó là niềm tin và lòng trông cậy của chúng ta. Thực vậy, “những ai để cho mình được Người cứu độ, họ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn rầu, cô lập và trống rỗng nội tâm.” (số 119).

Thất bại ư? Sa ngã[2] ư? Điều ấy đâu quá quan trọng đối với người trẻ! Em bé mới tập đi, vấp ngã là đương nhiên và cần thiết. Từ đó, em bé mới có kinh nghiệm chập chững bước đi và chạy nhanh. Cũng vậy, nhiều người cho rằng: tuổi trẻ được quyền vấp ngã, thất bại, nhưng sau đó phải đứng lên, rút ra bài học và bước tiếp. Trong đời sống đức tin cũng thế, Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ rằng: “Nếu các con phạm tội và lạc xa Người, Người sẽ đến nâng các con dậy bằng quyền năng Thập Giá của Người. Đừng bao giờ quên rằng: Người tha thứ bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác, Người lại đến để vác chúng ta trên vai của Người.” (số 119).

Chương trình cứu độ là dự án dài hơi của Thiên Chúa, cần con người, người trẻ cộng tác. Chúa không thể cứu, nếu người trẻ tránh xa Ngài, bỏ mặc và chối bỏ Ngài. Dĩ nhiên, người trẻ hoàn toàn có tự do được làm điều đó. Nhiều người đã làm! Thiên Chúa luôn tôn trọng mọi quyết định của người trẻ. Chỉ có điều, những ai để Thiên Chúa cứu đi cứu lại, họ mới có thể được tái sinh một lần nữa. (x. số 123).

Là người trẻ, chúng ta thường có cám dỗ làm điều gì đó để Thiên Chúa cứu. Vấn đề là: nhiều người lầm tưởng Thiên Chúa cứu là vì công trạng của chúng ta. Không! “Ơn tha thứ và ơn cứu rỗi của Người không phải là điều gì chúng ta có thể mua được hoặc chúng ta phải có được bằng việc làm hoặc nỗ lực riêng của mình. Người tha thứ cho chúng ta và giải thoát chúng ta một cách nhưng không.” (số 121).

Đã đến lúc người trẻ để ơn nhưng không ấy tuôn chảy vào cuộc sống, vào những dự tính và ước mơ của mình. Được như thế, không những người trẻ được sức mạnh phấn đấu trong những khó khăn, mà họ còn tìm được niềm vui, sáng kiến và bình an sâu thẳm để bước tiếp. Bởi đơn giản, nhờ máu châu báu của Đức Giêsu, người trẻ có thể nhận được ơn huệ đó. Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng tâm sự với người trẻ rằng: “Các con thật vô giá! Các con không phải là món đồ để bán đấu giá! Làm ơn đừng để mình bị quyến rũ.  Đừng để mình bị nô lệ hoá bởi các hình thức thực dân hoá tư tưởng, là điều nhồi nhét những tư tưởng vào đầu các con, với hậu quả là các con trở thành nô lệ, nghiện ngập và thất bại trong cuộc đời.” (số 122)

Lạy Chúa Giêsu, xin đến cứu độ chúng con. Nhất là những lúc chúng con mệt mỏi, thất bại và hoang mang, xin đừng để chúng con sa vào bước đường cùng. Xin cho chúng con dám gọi điện” kêu cầu Chúa giúp. Một khi nối kết được với Thiên Chúa, chúng con tin chắc mình sẽ được cứu, được bình an và được rất nhiều thành công. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Thiên Chúa hứa sẽ cứu độ con người: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi (con rắn cám dỗ) và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15). Lời này ám chỉ về người con của Mẹ Maria là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà suốt thời Cựu Ước, các Ngôn sứ đã loan báo.

[2] “Vì sự sa ngã tồi tệ nhất, là sự sa ngã có thể tiêu hủy cuộc đời chúng ta, chính là nằm yên dưới đất mà không để cho ai giúp đỡ mình”. (Huấn Từ trong Buổi Canh Thức với Những Người Trẻ, XXXIV Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama (26-1-2019)

Nguồn: https://dongten.net/