Những người vẫn hằng quý mến trí thông minh và khả năng lý luận sâu sắc của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 có thể vui mừng thấy rằng vị Giáo Hoàng người Đức vẫn rất minh mẫn. Ở tuổi 92, cổ lai hy, ngài vẫn có thể đáp lại những người chỉ trích mình rất hóm hỉnh và sắc sảo.
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vừa lên tiếng trả lời những người chỉ trích bài tiểu luận về cuộc khủng hoảng lạm dụng của ngài, và hóm hỉnh nói rằng nhiều phản ứng tiêu cực đã khẳng định chính xác luận điểm trung tâm của ngài theo đó sự bội giáo và xa lánh đức tin là trung tâm của cuộc khủng hoảng này.
Trong một tuyên bố ngắn gọn được công bố trên tạp chí Đức, tờ “Her Herder Korronymousenz”, nhằm phản hồi những lời chỉ trích bài tiểu luận của ngài, Đức Giáo Hoàng danh dự đã chỉ ra một “thiếu sót tổng quát” trong những lời chỉ trích bài tiểu luận của ngài, và nói rằng nhiều lời phê phán đã không nắm bắt được điểm chính mà ngài muốn đưa ra.
Tháng Tư vừa qua, bài tiểu luận của ngài đã được công bố bởi Catholic News Agency, National Catholic Register, CNA Deutsch cũng như các phương tiện truyền thông khác. Trong bài tiểu luận này, Đức Bênêđíctô đã mô tả tác động của cuộc cách mạng tình dục cùng với một hiện tượng độc lập với nó là sự sụp đổ của nền thần học luân lý vào thập niên 1960, trước khi đưa ra đề nghị rằng Giáo hội nên đáp lại bằng cách nhận ra rằng chỉ có sự vâng phục và tình yêu dành cho Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mới có thể chỉ ra được một thông lộ.
Đã có những phản ứng gay gắt đối với bài tiểu luận của ngài, đặc biệt là tại Đức, nơi những quan sát viên thông thạo nói rằng Đức Giáo Hoàng danh dự, một người Đức xứ Bavaria, từ lâu đã phải gánh chịu những chỉ trích kéo dài từ một số thành phần nhất định.
Đức Bênêđíctô tranh luận rằng cuộc khủng hoảng của Giáo Hội ở Đức không phải là khủng hoảng cơ cấu, nhưng là khủng hoảng đức tin. Đức tin của các tín hữu không còn nữa, thì họ không thấy tại sao phải tiếp tục là thành phần của Giáo Hội để phải đóng thuế hằng năm cho Giáo Hội số tiền tương đương với 9% lợi tức của họ.
Ngược lại, những người chỉ trích ngài cho rằng không có vấn đề khủng hoảng đức tin, nhưng cần phải cải tổ cấu trúc với mục đích giữ các tín hữu Công Giáo ở lại và đừng làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội. Họ đang cổ võ cải tổ Giáo Hội, qua cái gọi là “hành trình công nghị toàn quốc có hiệu lực ràng buộc” với những chủ trương như bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ, truyền chức linh mục cho phụ nữ, cải tiến luân lý tính dục, hôn nhân và gia đình, chấp nhận đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng phái. Nhìn chung, tại Đức đang có xu hướng cải tổ cơ cấu Giáo Hội, nói cụ thể là Tin Lành hóa đạo Công Giáo.. Hôm 20 tháng Bẩy, Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã hô hào xét lại việc cấm giáo dân hay những người không có thánh chức không được giảng trong các thánh lễ. Theo ngài, có những linh mục giảng kém, trong khi có biết bao những giáo dân có trình độ cao về thần học và khả năng thuyết giảng hay hơn nhiều, thì tại sao lại không để họ giảng trong thánh lễ.
Tất cả những gì nhiều người Công Giáo ở Đức đang đòi hỏi thì phía Tin Lành đều đã thực hiện nhưng mà số tín hữu Tin Lành rời bỏ Giáo Hội của họ còn đông đảo hơn Công Giáo.
Đức Bênêđíctô đã trích dẫn một ví dụ về những phê phán bài tiểu luận của ngài từ một giáo sư lịch sử người Đức, và chỉ ra một cách hóm hỉnh rằng bài phê bình ngài của vị giáo sư này dài đến bốn trang, nhưng trong cả bốn trang ấy “từ ‘Thiên Chúa’ không hề xuất hiện, dù chỉ một lần”, mặc dù luận điểm trung tâm của vị giáo sư này là chẳng hề có cái sự bội giáo như Đức Bênêđíctô đã viết.
Một bài phê bình như thế “cho thấy tính chất nghiêm trọng của một tình huống, trong đó ngay cả từ ‘Thiên Chúa’ thậm chí cũng bị gạt ra ngoài lề trong một lý luận thần học”.
Đức Giáo Hoàng danh dự nhận xét chua chát rằng:
“Cho đến nay, tôi có thể nói rằng trong hầu hết các phản ứng đối với ý kiến của tôi, Thiên Chúa hoàn toàn không xuất hiện. Vì thế, vấn đề trung tâm mà tôi muốn nêu ra đã không được thảo luận.”
Đức Bênêđíctô nói tiếp rằng những chỉ trích kiểu này chỉ chứng minh “mức độ nghiêm trọng của tình huống, trong đó Thiên Chúa bị gạt ra ngoài lề, ngay cả trong thần học”.
Đặng Tự Do