Linh mục Alain Ambeaul, 60 tuổi, năm 1960 cha vào Dòng Giáo Sĩ Saint-Viateur và thụ phong linh mục năm 1986. Từ năm 1993 đến năm 2006, linh mục Alain đảm trách nhiều chức vụ khác nhau trong Dòng ở Canada. Đến năm 2012, linh mục phụ trách các công việc trên bình diện quốc tế, cố vấn thường trực, bề trên và cuối cùng là tổng quyền Dòng Giáo sĩ Saint-Viateur. Vài ngày trước khi bắt đầu đảm nhậm chức tổng giám đốc Hội đồng tu sĩ Canada (Conférence religieuse canadienne CRC), linh mục Alain trả lời các câu hỏi của báo Présence.
Báo Présence: Năm 2006, cha là chủ tịch Hội đồng tu sĩ Canada. Vào năm đó, Hội đồng đã ấn hành một Thông điệp cho các Giám Mụctạo khá nhiều tiếng vang trong đó có việc than phiền về hiện tượng thiếu vắng giới trẻ trong các giáo xứ, vai trò thứ yếu của phụ nữ, sự cứng nhắc về luân lý tính dục của Giáo hội và sự thờ ơ của Giáo hội với chính giáo huấn xã hội của mình. Mười ba năm sau, cha trở lại chức vụ này, cha có cùng quan điểm đó không? Tình trạng Giáo hội bây giờ có thay đổi không?
Linh mục Alain Ambeaul: Về Giáo hội Canada, tôi không biết gì nhiều. Tôi cần dấn thân nhiều hơn ở đây trước khi có thể đưa ra một vài nhận định. Những năm vừa rồi, tôi chỉ làm việc trên bình diện quốc tế.
Nhưng khi tiến hành khảo sát và công bố các hệ luận – cũng nên lưu ý trước hết các nhận định này chủ yếu dành cho các giám mục và đã bị giới truyền thông phát hiện –, chủ ý của chúng tôi là cung cấp cho các giám mục một văn bản về tình hình thực tế của các nam nữ tu sĩ. Một thực tại mà các tu sĩ sống và ở gần nhau trên con đường sứ vụ như con đường của chính chúng tôi.
Trước đó một năm chúng tôi đã nói với các giám mục, các cha có thể so sánh tầm nhìn của các cha với những gì chúng ta sẽ gặt được. Các giám mục rất hài lòng với sáng kiến này… cho đến khi các ngài nhận được bản phúc trình.
Điều xem ra thay đổi nhiều đối với tôi chính là ngày hôm nay chúng ta nhận thấy từ cấp cao của Giáo hội với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trước đây người ta cho rằng những người ở Rôma đạp thắng. Điều này chưa hoàn toàn thay đổi nhưng ngày hôm nay chúng ta có được một Giáo hoàng đang khích lệ chúng ta hoàn thành những gì mà chúng tôi đã yêu cầu trong kiến nghị năm 2006 của chúng tôi. Chúng ta hy vọng Giáo hội là môi trường đối thoại.
Theo tôi, thiếu đối thoại là một trong các lý do giải thích sự cách xa của những người ở đây với Giáo hội công giáo. Những người không còn muốn ở trong hàng ngũ Giáo hội, trong đó tiếng nói của họ không được xem trọng một chút nào.
“Không phải ngôn từ gây ra chia rẽ, mà là sự im lặng bị áp đặt, sự im lặng nặng nề, mưu chước của câm lặng”, như cha đã viết như vậy trong Khảo sát một cuộc tranh luận thất bại (Novalis, 2007), quyển sách bàn về Thông điệp gửi các Giám mục năm 2006. Cha có ý định khuyến khích các thành viên của Hội đồng tu sĩ Canada tham gia tích cực hơn vào các cuộc tranh luận làm lay chuyển xã hội và Giáo hội không?
Một trong các khảo sát của tôi cho thấy, đời sống thánh hiến trở nên câm lặng ở mọi mặt. Theo tôi, chúng ta lỡ tàu vì đời sống thánh hiến vẫn còn nhiều chuyện để nói, tuy nhiên không phải lúc nào cũng kỳ vọng, về sự liên đới trong chính đời sống thánh hiến và về những người mà đời sống này cùng đồng hành.
Sự dấn thân trong các cộng đoàn tu sĩ vẫn còn quan trọng, tôi chứng kiến điều này từ khi tôi về lại Canada. Phải chia sẻ điều này. Im lặng là làm thoái chí. Dù số người đi tu đã giảm, dù tu sĩ đã già đi. Nhìn sự việc này, người ta dễ vội vàng kết luận: các cộng đoàn tu sĩ đang biến mất. Không, không, chúng ta vẫn còn một cái gì đó để nói. Chẳng hạn như nói về sự bình tâm và khôn ngoan qua đó các cộng đoàn chúng ta đối diện với thực tế già đi này.
Chúng tôi cũng có những lời phải nói. Im lặng không phải là một chọn lựa của đời thánh hiến. Im lặng chính là phủ định của đời thánh hiến vậy.
Và nếu chúng ta có một vai trò ngôn sứ trong Giáo hội, thì chúng ta phải có can đảm của lời, dù cho đôi khi những lời này khó nghe. Nhưng đó là vai trò của chúng ta. Nếu chúng ta không chu toàn nhiệm vụ này, chúng ta không tôn trọng sứ vụ mà Giáo hội giao cho chúng ta.
Trong những năm vừa qua, từ ngữ được nhắc đến nhiều nhất trong các cộng đoàn và các học viện là từ đi xuống. Chúng ta đóng cửa các nhà Dòng, thậm chí chúng ta bán cả trụ sở nhà mẹ, chúng ta ngưng các công việc đang làm, ngưng các thể chế vì không có người kế thừa. Cha sẽ là tân giám đốc Hội đồng tu sĩ Canada, cha nhìn tương lai của đời sống tu sĩ trong cộng đoàn Canada như thế nào?
Phần việc của chúng tôi là kết hợp, phân tích những gì đang xảy ra để rút ra kết luận.
Tôi vẫn xác tín sâu đậm, hình thức đời sống thánh hiến mà chúng ta đã biết đã có thời của nó. Tuy nhiên hình thức và nội dung là hai phạm trù không đồng nhất. Ý nghĩa sâu xa của sự dấn thân trong đời sống thánh hiến phải được tái sinh. Và nó đã được tái sinh rồi. Nhưng chúng ta phải mở mắt để nhìn ra dấu chỉ của Thần Khí.
Tôi sinh năm 1959, tôi chưa bao giờ biết một Giáo hội toàn thắng. Tôi đến từ Lachute thuộc địa phận Saint-Jérôme, tỉnh bang Québec. Tôi đến từ một Giáo hội khao khát được trao đổi với xã hội, một Giáo hội đang xây dựng, một Giáo hội cởi mở. Chúng ta phải trở lại với điểm này, nếu chúng ta muốn đóng góp phần của mình để đời sống thánh hiến có một tương lai. Và đời sống thánh hiến sẽ có tương lai nếu chúng ta sống gắn kết với Tin Mừng, các tu sĩ chọn cách sống như vậy sẽ có được một nền tảng vững chắc. Với các điều kiện này, đời sống thánh hiến sẽ không biến mất.
Đời sống thánh hiến sẽ không tái sinh ở khu vườn sau các tu viện. Nếu các nhà Dòng đủ khôn ngoan để bình tâm sống trong giai đoạn này thì họ đã mở cánh cửa cho tương lai của mình.
Lê Quang Phúc dịch