Đức Thánh Cha nói:
Trong trang Tin Mừng hôm nay (Xc Lc 11,1-13), thánh Luca kể lại hoàn cảnh trong đó Chúa Giêsu dạy kinh “Lạy Cha”. Các môn đệ đã biết cầu nguyện bằng cách đọc những công thức theo truyền thống Do thái, nhưng họ mong muốn có thể sống “cùng chất lượng” kinh nguyện của Chúa Giêsu. Họ có thể nhận thấy rằng kinh nguyện là một chiều kích thiết yếu trong đời sống của Thầy mình. Thực vậy họ thấy mỗi hành động quan trọng của Ngài đều có kèm theo những lúc cầu nguyện lâu giờ.
Ngoài ra, các môn đệ cũng cảm thấy bị thu hút khi thấy Thầy mình không cầu nguyện như các vị tôn sư khác thời ấy, trái lại kinh nguyện của Ngài là một mối liên hệ thân tình với Cha, vì thế họ cũng mong ước được tham gia vào những lúc kết hiệp như thế với Thiên Chúa, để nếm hưởng hoàn toàn sự dịu dàng của Chúa.
Và thế là một hôm, các môn đệ đợi Chúa Giêsu cầu nguyện xong, tại một nơi riêng, và họ xin Ngài: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (v.1). Đáp lại lời xin rõ ràng của các môn đệ, Chúa Giêsu không trình bày một định nghĩa trừu tượng về kinh nguyện và cũng không dạy một kỹ năng hữu hiệu về cầu nguyện để “đạt được” cái gì đó. Trái lại, Ngài mời gọi các môn đệ hãy sống kinh nghiệm về sự cầu nguyện, Ngài khơi lên nơi họ một sự nhớ nhung về một tương quan bản thân với Thiên Chúa, với Chúa Cha... Đây chính là điều mới mẻ trong kinh nguyện Kitô giáo! Đó là một cuộc đối thoại giữa những người yêu mến nhau, một cuộc đối thoại dựa trên lòng tín thác, được nâng đỡ bằng thái độ lắng nghe và cởi mở sẵn sàng dấn thân liên đới (...). Vì thế, Chúa dạy các môn đệ kinh Lạy Chúa, là một trong những hồng ân quí giá nhất Thầy Chí Thánh để lại trong sứ mạng trần thế của Ngài. Sau khi đã tỏ lộ cho chúng ta mầu nhiệm của Ngài là Chúa Con, và là người anh, qua kinh nguyện này Chúa Giêsu giúp chúng ta đi sâu vào tình phụ tử của Thiên Chúa (..) và chỉ cho chúng ta cách thức đi vào một cuộc đối thoại cầu nguyện và trực tiếp với Chúa, qua con đường tín thác con thảo (...)
Đức Thánh Cha nhận xét rằng:
“Điều mà chúng ta xin trong Kinh Lạy Chúa đã được thực hiện tất cả và được ban cho chúng ta trong Con Duy Nhất, đó là sự thánh hóa Danh Chúa, nước Chúa hiển trị, ơn lương thực, sự tha thứ và giải thoát khỏi sự ác. Trong khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta mở tay ra để đón nhận (...)
Kinh nguyện mà Chúa dạy chúng ta là tổng hợp mọi kinh nguyện, và chúng ta dâng lên Chúa Cha lời khẩn nguyện, luôn luôn trong tình hiệp thông với các anh chị em (...)
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:
Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria là phụ nữ cầu nguyện, giúp chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha trong tình hiệp nhất với Chúa Giêsu để sống Tin Mừng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha nhắc đến biến cố hàng chục người vượt biên bị chết trong những ngày qua trong Địa Trung Hải. Ngài nói:
“Anh chị em thân mến, tôi đau lòng khi hay tin vụ đắm tàu bi thảm, xảy ra trong những ngày qua ở Địa Trung Hải, trong đó hàng chục người di dân bị thiệt mạng, cả các phụ nữ và trẻ em. Tôi tái tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy mau lẹ và quyết liệt hành động để tránh tái diễn những thảm trạng tương tự và bảo đảm an ninh và phẩm gia của tất cả mọi người.
Tôi mời gọi anh chị em cùng nhau cầu nguyện với tôi cho các nạn nhân và gia đình họ.”
Vụ đắm tàu Đức Thánh Cha nói là vụ chiếc tàu nhỏ chở đầy người, 250 người xuất cư từ Eritrea, Palestine và Sudan, bị chìm ngày 25/07 ở ngoài khơi bờ biển Libia.
Sau khi cầu nguyện trong thinh lặng một lát với tất cả mọi người, Đức Thánh Cha đã chào thăm các tín hữu Roma và khách hành hương từ Italia cũng như từ các nơi khác, các gia đình, các nhóm giáo xứ và hội đoàn.
Ngài đặc biệt nhắc đến và chào thăm các nữ tu dòng Thánh Elisabeth đến từ nhiều nước, cũng như chào nhóm thuộc tổ chức quốc tế Nghệ thuật và Văn hóa Mêhicô, gọi tắt là AVART đến từ thành phố Puebla, các bạn trẻ thuộc giáo xứ thánh Rita thành Cascia ở Torino.
Nhìn thấy một số tín hữu vẫy cờ quốc gia của họ, ngài chào các nhóm người Uruguay và Ba Lan. Sau cùng, Đức Thánh Cha cầu chúc tất cả các tín hữu một chúa nhạt tốt đẹp và ngài không quyên cầu chúc họ bữa ăn trưa ngon lành và đừng quên cầu nguyện cho Ngài.
G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma