Trong số tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội của thế giới hiện nay, Đức Phanxicô càng ngày càng là người duy nhất tượng trưng cho sức mạnh của hòa bình và ổn định thế giới. Tạ ơn Chúa các hồng y đã bầu ngài năm 2013 làm giám mục giáo phận Rôma.
Ở một thời mà những người theo chủ nghĩa mị dân cực hữu giả mạo thành kitô hữu và dùng các biểu tượng tôn giáo để dọa các tín hữu, thúc đẩy họ theo chủ nghĩa kỳ thị, bài ngoại, sợ người hồi giáo, phò chủ nghĩa dân tộc cực đoan – hoàn toàn đi ngược với Tin Mừng – thì Đức Phanxicô đóng một vai trò chủ yếu để chận vòng xoáy nguy hiểm trong cuộc xung đột toàn diện của các nền văn minh.
Điều này có được là do có các người điên rồ trong chủ nghĩa mị dân cũng như trong các khuynh hướng khác.
Một giáo hoàng khác có thể không đủ can đảm, dũng cảm hay đức tin sâu đậm và chân thực để chống lại tất cả những điều này và không để cho mình bị thuyết phục với các lý do chủ quyền kitô giáo.
Và giáo hoàng 82 tuổi đã không thuyết phục được các cử tri để họ không bầu cho những người mị dân, nhưng ngài đã ngăn chận được đa số các giám mục, hồng y và các nhà lãnh đạo công giáo khác không công khai ủng hộ những người này. Và đó không phải là một việc nhỏ.
Những người theo chủ nghĩa mị dân cho rằng họ có ý định bảo vệ di sản do thái giáo-kitô giáo cho thế giới phương Tây. Và không may, điều này khá lôi cuốn một số người công giáo mà với họ, về bản chất, công giáo là một hệ tư tưởng triết học và chuẩn mực đạo đức quy Âu châu.
Các người công giáo bầy đàn kiểu dùng câu “ngoài Giáo hội La Mã, không có cứu rỗi” làm khẩu hiệu.
Và người quy tụ họ là Steve Bannon.
Nhà triệu phú mị dân Mỹ chống lại giới ưu tú
Bannon, chủ lực trong cuộc bầu cử đưa Donald Trump vào chức vị tổng thống Mỹ, đồng sáng lập tổ chức cực hữu Breitbart News, bây giờ 65 tuổi là thủ lãnh nổi tiếng nhất của phong trào sợ hãi mị dân.
Ông đã thành công rộng rãi với tin tức giả và thuyết phục những người có trí đó là sự thật.
Làm thế nào một cựu chủ ngân hàng đầu tư Goldman-Sachs có tài sản cá nhân từ 9,5 triệu đến 48 triệu đôla (theo Forbes) lại có thể xây dựng một phong trào với tiền đề rằng những kẻ thù của mình là những người “ưu tú” sẵn sàng đè bẹp tầng lớp lao động?
Đối thủ chính của Bannon bây giờ là Đức Phanxicô. Ông làm tất cả để mọi người quay về chống giáo hoàng. Ông nhận sự giúp đỡ của các đồng bạn công giáo đặc biệt không thích Đức Phanxicô và nhất là các ký giả.
Một trong số họ là ông Thomas Williams, một trong các cựu Binh đoàn Chúa Kitô viết cho trang Breitbart. Ông đã ra khỏi dòng đang lúc dòng bị tai tiếng để lấy con gái của bà Mary Ann Glendon, cựu đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh mà ông đã bí mật có con khi ông còn là linh mục. Williams là người bạn và là đồng minh lý tưởng của Bannon.
Sau đó là Edward Pentin. Ông có lẽ là người nổi bật nhất trong số các nhà báo ủng hộ Bannon, không có lý do nào khác hơn lý do ông là tùy viên ở Vatican cho báo National Catholic Register, ông là người bào thủ ở Mỹ và thường viết cho tờ Catholic Héraut ở Anh, một tờ báo tương tự như tờ National Catholic Register.
Phỏng vấn Bannon trên báo công giáo
Trong một bài viết gần đây trên Register “Đức Phanxicô và chủ nghĩa mị dân Âu châu: cần phải đối thoại hơn nữa?”, Pentin đã để cho ông Bannon toàn quyền chỉ trích giáo hoàng.
Ông trách Đức Phanxicô đã không gặp Thủ tướng Ý Matteo Salvini, người theo chủ nghĩa mị dân và chống nhập cư, chế giễu rằng Đức Phanxicô luôn chủ trương đối thoại, vì sao ngài không nói chuyện với những người theo chủ nghĩa mị dân?
Trên thực tế, thủ tướng Salvini xác nhận ông chưa bao giờ xin gặp Đức Phanxicô, điều mà Pentin không nhắc tới.
Bannon cũng cố gắng ngăn Đức Phanxicô, người đã dám chỉ trích đường lối chính trị dùng tường của Donald Trump ở biên giới Mỹ-Mêhicô trong lần tranh cử năm 2016. Bannon tuyên bố: “Ngài chưa bao giờ gọi để nói về chuyện này”.
Gọi để làm gì? Giữ nguyên tắc Tin Mừng và lặp lại câu mà ngay cả Đức Gioan-Phaolô II (một anh hùng của Bannon) đã nói đó sao: “Anh chị em hãy xây cầu, và đừng xây tường?”
Nhà báo Pentin ghi lại những gì ông Bannon thấy “đáng lo ngại nhất” về Đức Phanxicô, “về cơ bản ngài đứng về phía những người ưu tú toàn cầu, chứ không phải với người nghèo”.
Dĩ nhiên đó là lập trường thích nghi với việc nhập cư mà theo Bannon làm tổn thương những người thuộc tầng lớp “lao động” ở miền nam châu Âu hoặc miền nam nước Mỹ.
Lại thêm một lần nữa ở đây là sự sợ hãi. Người di dân lấy hết công việc của chúng ta. Và nếu sự sợ hãi là vũ khí cực mạnh nhất trong chính trị, như mọi người đều biết, thì nó không có một quyền lực nào với Đức Phanxicô, ngài dường như không sợ.
Đức Phanxicô bị buộc tội là chính trị gia của đảng Xanh và mác-xít
Bây giờ chúng ta phải cám ơn Pentin, hoặc có lẽ là cám ơn các biên tập viên của ông ở Register đã không in những đoạn ngớ ngẩn và châm chọc nhất trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông Bannon ngày 4 tháng 6. Chắc chắn có nhiều lời đả kích cay độc và các khẳng định đáng ngờ.
Nhưng thật ra Pentin đã đăng từng đoạn một của cuộc phỏng vấn này trên trang blog cá nhân của ông và trên trang “European Conservative”, một tạp chí ra hàng tháng có cùng quan điểm chính trị bảo thủ với Bannon.
Người phỏng vấn đặt vài câu hỏi gợi ý và rõ ràng có cùng quan điểm với người được phỏng vấn.
Bannon nói: “Đức Phanxicô về cơ bản đã tự mình trở thành người đứng đầu đảng Davos, đi ngược với phong trào chủ quyền… Ngài nói dối về các hành động của mình trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng hiện sinh nhất mà Giáo hội chưa bao giờ đối phó (các vụ lạm dụng)… mà bây giờ các vụ này dính với tên của giáo hoàng”.
Ông chế giễu Đức Phanxicô trong “quyết tâm hành động trong các vấn đề như thay đổi khí hậu”, “có thỏa thuận ngầm với Đảng cộng sản Trung quốc”, cáo buộc ngài là người đứng đầu đảng Xanh và là người mác-xít. Ông cũng cảnh báo Đức Phanxicô đang dẫn dắt Giáo hội đến ly giáo.
Có tất cả các loại rác trong cuộc phỏng vấn này, vì thế tôi ngừng ở đây. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ thấy toàn bộ nếu tờ báo công giáo National Catholic Register – không phải là tờ ủng hộ nhiệt tình Đức Phanxicô – có ý thức tốt khi không đăng hoặc dẫn đường liên kết.
Thêm những người công giáo ủng hộ Bannon và những người theo chủ nghĩa mị dân
Một nhà báo khác đã lôi kéo sự chú ý của chúng ta về cuộc phỏng vấn của Bannon. Đó là ký giả Robert Moynihan, người sáng lập và chủ biên trang Inside the Vatican, một tạp chí công giáo bảo thủ phát hành một năm mười lần.
Moynihan thường xuyên gởi “thư” của mình và một trong các thư gần đây, ông đề nghị người phỏng vấn Bannon, trong quan điểm Đức Phanxicô cần đối thoại gấp với những người theo chủ nghĩa mị dân để tránh sự ly giáo trong Giáo hội công giáo như ông Bannon dự đoán.
Bob Moynihan là một người xuất sắc. Nhưng ông có khuynh hướng thiên về cánh chung, rất nhạy cảm với các lời nhắn nhủ đầy lo ngại của Đức Mẹ Fatima. Vì thế không ngạc nhiên khi ông là người công giáo quy Âu châu cảm nhận sâu đậm và được định hình bởi các bài viết và con người của Đức Joseph Ratzinger-Benoỵt XVI.
Nhưng tôi nghĩ ông ấy đã sai lầm khi xem trọng những lời nói ngoài đề và gây chia rẽ của Bannon. Nói cách khác: mong đợi Đức Phanxicô nhanh chóng có cuộc đối thoại với Bannon và những người ủng hộ ông.
Và về việc này, họ đưa vào một số hồng y. Một vài người trong số này như hồng y Raymond Burke công khai ủng hộ. Những người khác như Pèter Erdő người Hungaria tỏ ra kín đáo hơn trong sự ủng hộ của mình (vì trong số các tham vọng khác có tham vọng làm giáo hoàng kế vị Đức Phanxxicô).
Một nhân vật công giáo khác chia sẻ hầu hết các quan điểm của Bannon là Newt Gingrich, ông là cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ và là một trong những chính trị gia gây chia rẽ nhất trong thời đại chúng ta.
Vợ ông là đại sứ của Donald Trump tại Tòa Thánh, nhưng Newt mới thực sự là tai mắt của tổng thống (và thực tế là đặc phái viên của ông) tại Vatican.
Người công giáo phải chọn
Đức Phanxicô đã làm cho “đối thoại” là một trong các nguyên tắc quan trọng nhất trong triều giáo hoàng của ngài và cố gắng đưa toàn Giáo hội đi theo phương pháp này để dấn thân vào thế giới, để đối phó với nhau và để giải quyết vấn đề.
Nhưng loại đối thoại và các bài diễn văn Đức Phanxicô nói là để nhằm hiệp nhất mọi người; hội nhập các người di dân; chiến đấu để có sự phân phối nguồn tài nguyên và của cải vật chất trên quả đất này được công bằng hơn; cùng làm việc với nhau để bảo vệ “căn nhà chung” của chúng ta, bảo vệ mọi tạo dựng của Thiên Chúa; phá vỡ sự hiểu lầm giữa các tôn giáo khác nhau, xây dựng hòa bình và hòa hợp trên cơ sở nhân loại chung của chúng ta, là những người con của một Chúa.
Còn họ, Bannon và những người giống ông quyết tâm chia rẽ và loại trừ người khác. Họ nhấn mạnh đến sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo và quốc tịch. Họ đề cập chủ nghĩa xã hội darwin, thưởng cho những người mạnh nhất, thông minh nhất bỏ mặc những người yếu đuối, nghèo hèn. Và danh sách còn tiếp tục…
Đạo công giáo tốt nhất khi đạo không loại trừ, khi đạo bao gồm cả hai, không loại người này hay người kia.
Nhưng trong trường hợp này người công giáo phải có một lựa chọn. Hoặc họ ở với Đức Phanxicô, hoặc họ ở với Bannon.
Lần này, thật sự là phải chọn người này hoặc người kia.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch