ĐTC Phanxicô: Chúa Giêsu thay luật "ăn miếng trả miếng" bằng luật yêu thương tha thứ
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 24.04, ĐTC Phanxicô đã giải thích về lời cầu nguyện thứ 5 trong Kinh Lạy Cha, đặc biệt là lời nguyện xin “Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. ĐTC mời gọi các tín hữu hãy tha thứ và yêu thương như chúng ta đã được Thiên Chúa thương yêu và thứ tha.
Bắt đầu bài giáo lý, ĐTC nhắc lại rằng chính con người là những kẻ mắc nợ Thiên Chúa, bởi vì chúng ta nhận mọi sự từ Chúa, từ những điều tự nhiên đến các ân sủng.
Chúng ta là những người mắc nợ Thiên Chúa và tha nhân
Sự sống của chúng ta không chỉ là điều được mong muốn nhưng còn được Thiên Chúa yêu thương. Thật sự là không có chỗ cho sự kiêu căng khi chúng ta chắp tay cầu nguyện. Không có một Giáo hội do “con người tự tạo” nên, không có những con người tự hiện hữu. Tất cả chúng ta là người mắc nợ Thiên Chúa và mắc nợ tha nhân, những người đã tạo nên những điều kiện sống thuận lợi cho chúng ta. Căn tính của chúng ta được hình thành từ những điều thiện hảo mà chúng ta nhận được.
Con người luôn có những sai lỗi cần được tha thứ
Khi cầu nguyện, chúng ta học “cám ơn”. Và rất nhiều lần chúng ta quên “cám ơn”. Khi cầu nguyện, chúng ta học “cám ơn” và cầu xin Chúa tốt lành với mình. Dù rất cố gắng, thì chúng ta vẫn luôn có một khoản nợ không thể xóa nỗi đối với Chúa, khoản nợ mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể trả được: đó là Người yêu chúng ta vô cùng, nhiều hơn chúng ta yêu Người. Và rồi, dù chúng ta cam kết sống theo các giáo huấn Kitô giáo, thì trong cuộc sống của chúng ta sẽ luôn có điều gì đó mà chúng ta phải xin tha thứ: chúng ta hãy nghĩ đến những ngày đã trôi qua trong sự lười biếng, hãy nghĩ đến những giây phút mà sự giận dữ tràn ngập tâm lòng chúng ta… Tiếc là những kinh nghiệm như thế này không phải là hiếm hoi đối với chúng ta và vì thế chúng ta cầu xin: “Lạy Chúa Cha, xin tha các nợ của chúng con”. Chúng ta xin Chúa tha thứ.
Tha thứ như đã được thứ tha
Lời cầu nguyện này có thể dừng lại ở phần thứ nhất này, với lời xin “xin tha các nợ của chúng con”. Nhưng Chúa Giêsu củng cố lời cầu xin này bằng phần thứ hai, hợp nhất với phần thứ nhất. Mối quan hệ của lòng nhân từ theo chiều dọc của Thiên Chúa bị khúc xạ và muốn được chuyển thành một mối quan hệ mới mà chúng ta sống với anh em của mình: mối liên hệ theo chiều ngang. Thiên Chúa tốt lành mời gọi chúng ta trở thành tất cả những người tốt lành. Hai phần của lời cầu nguyện liên kết với nhau bằng liên từ triệt để “như”: chúng ta cầu xin Chúa tha nợ cho chúng ta, tha tội cho chúng ta, “như” chúng ta tha cho bạn bè của chúng ta, cho những người sống với chúng ta, cho những người xung quanh chúng ta, cho những người đã làm điều gì đó không hay không tốt cho chúng ta.
Thiên Chúa tha thứ tất cả và luôn luôn tha thứ
Mỗi Kitô hữu biết rằng họ được ơn tha thứ các tội lỗi. Tất cả chúng ta biết điều này: Thiên Chúa tha thứ tất cả và luôn luôn tha thứ. Khi Chúa Giêsu tường thuật với các môn đệ về gương mặt của Thiên Chúa, Người phác thảo nó với những thành ngữ của lòng thương xót dịu dàng. Chúa nói rằng trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì một đám đông công chính không cần hoán cải (x Lc 15,7.10). Không có chỗ nào trong các Tin mừng cho thấy rằng Thiên Chúa không tha thứ các tội lỗi của những người thật sẵn sàng và cầu xin được Người ôm lại trong vòng tay của Người.
Nếu không tha thứ sẽ không được thứ tha
Ân sủng của Thiên Chúa, dồi dào, nhưng luôn đòi hỏi sự dấn thân. Ai đã nhận được nhiều, phải học cách cho đi thật nhiều và không giữ lại cho mình, không chỉ cho bản thân những gì họ đã nhận được. Những người đã nhận được rất nhiều phải học cách cho đi rất nhiều. Không phải là tình cờ mà ngay khi trình bày với chúng ta “Kinh Lạy Cha”, trong 7 thành ngữ được dùng, Tin mừng thánh Mátthêu dừng lại để nhấn mạnh thành ngữ về sự tha thứ huynh đệ: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mt 6,14-15).
Xin Chúa ban ơn để biết tha thứ
Điều này thật là mạnh mẽ! Tôi nghĩ: đôi khi tôi nghe người ta nói: "Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho người đó! Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những gì họ đã làm với tôi! " Nhưng nếu bạn không tha thứ, Chúa sẽ không tha thứ cho bạn. Bạn đóng cửa lại. Chúng ta hãy nghĩ, chúng ta có thể tha thứ không, hay chúng ta không tha thứ. Khi tôi ở tại một giáo phận khác, một linh mục đã nói với tôi cách đau khổ rằng cha đã đi ban các bí tích cuối cùng cho một bà cụ đang hấp hối. Người phụ nữ tội nghiệp không thể nói được. Và vị linh mục nói với bà: "Bà ơi, bà có ăn năn về các tội không?" Người phụ nữ nói có; bà không thể xưng tội nhưng bà nói có. Thế là đủ. Và rồi vị linh mục hỏi: "Bà có tha thứ cho người khác không?" Và người phụ nữ, trên giường chết đã nói: "Không". Linh mục cảm thấy đau khổ. Nếu bạn không tha thứ, Chúa sẽ không tha thứ cho bạn. Chúng ta đang ở đây, hãy suy nghĩ xem chúng ta có tha thứ không, chúng ta có khả năng tha thứ không. Chúng ta nói: Thưa cha, con không thể làm điều đó, bởi vì những người đó đã khiến con rất ... "-" Nhưng nếu con không thể làm được, hãy xin Chúa ban cho con sức mạnh để làm điều đó: Lạy Chúa, xin giúp con tha thứ."
Tình yêu mời gọi tình yêu, tha thứ gọi mời tha thứ
Ở đây chúng ta tìm thấy sự ràng buộc giữa tình yêu dành cho Chúa và tình yêu tha nhân. Tình yêu mời gọi tình yêu, tha thứ gọi mời tha thứ. Trong Tin Mừng thánh Mátthêu, chúng ta còn tìm thấy một dụ ngôn nói rất mạnh mẽ về sự tha thứ huynh đệ (x 18,21-35). Chúng ta hãy lắng nghe dụ ngôn.
Dụ ngôn kể rằng: có một người đầy tớ mắc nợ vua của mình một khoản nợ lớn: 10 ngàn yến vàng! Một khoản tiền không thể trả. Nhưng điều kỳ diệu xảy ra, và người đầy tớ đó không phải là nhận được sự gia hạn thanh toán nợ nần, mà là tha nợ hoàn toàn. Một ân sủng bất ngờ! Nhưng chú ý, chính người đầy tớ đó, ngay lập tức sau đó, nổi giận với một người anh em nợ anh ta 100 quan tiền, và mặc dù đây là một số tiền có thể trả được, anh ta không chấp nhận lời xin lỗi hay cầu xin. Do đó, cuối cùng, ông chủ gọi anh ta lại và đã lên án anh ta. Bởi vì nếu bạn không cố gắng tha thứ, bạn sẽ không được tha thứ; nếu bạn không cố gắng yêu thương, ngay cả bạn cũng sẽ không được thương yêu.
Không phải mọi thứ đều được giải quyết bằng công lý
Chúa Giêsu đưa sức mạnh của sự tha thứ vào các mối quan hệ của con người. Trong cuộc sống, không phải mọi thứ đều được giải quyết bằng công lý. Đặc biệt là ở nơi chúng ta phải đặt một rào cản trước sự ác, ai đó phải yêu thương vượt khỏi sự cần thiết hay nghĩa vụ, để bắt đầu một câu chuyện về ân sủng một lần nữa. Sự ác biết cách trả thù, và nếu chúng ta không chặn nó lại, nó có nguy cơ lây lan và làm nghẹt thở cả thế giới.
Thay luật “ăn miếng trả miếng” bằng luật yêu thương
Chúa Giêsu thay thế luật “ăn miếng trả miếng” - những gì bạn đã làm với tôi, tôi làm lại với bạn -, bằng luật yêu thương: những gì Chúa đã làm cho tôi, tôi trả lại cho bạn! Hôm nay, trong Tuần mừng lễ Phục Sinh rất tốt, rất vui này, chúng ta hãy suy nghĩ: tôi có khả năng tha thứ không, và nếu tôi cảm thấy tôi không thể, hãy xin Chúa ban cho tôi ơn biết tha thứ, bởi đó là ân sủng.
Viết một câu chuyện hay đẹp bằng sự tha thứ
Thiên Chúa ban ơn cho mọi Kitô hữu để viết một câu chuyện hay trong cuộc sống của anh em mình, đặc biệt là những người đã làm điều gì đó khó chịu và sai trái. Với một lời nói, một cái ôm, một nụ cười, chúng ta có thể truyền lại cho người khác điều quý giá nhất mà chúng ta đã nhận được. Điều quý giá nhất chúng ta đã lãnh nhận là gì? Đó là sự tha thứ, ơn mà chúng ta cũng có thể trao cho người khác.
Hồng Thủy
(VaticanNews 24.04.2019)