Đám cháy Nhà thờ Đức Bà Paris và suy niệm về nỗi đau của sự mất mát
Tối Thứ Hai Tuần Thánh năm nay đã trở thành một đêm bàng hoàng cho toàn thế giới. Các kênh truyền hình lớn đều ghi hình trực tiếp cảnh ngọn lửa hung tàn đang thiêu rụi mái Nhà thờ Đức Bà Paris.
Ngay cả bản thân tôi, một người Việt Nam chỉ theo dõi hình ảnh từ xa, cũng thấy nhói lòng trước cảnh tượng đó, phương chi là người Pháp, nhất là những người dân Paris đang chứng kiến biểu tượng của mình bị thiêu rụi! Và họ đã lặng người khi ngọn tháp nhọn của nhà thờ đổ xuống.
Sau cơn hoả hoạn, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Đa phần đều tỏ lòng chia buồn cùng nước Pháp, và tiếc thương một di sản và biểu tượng vô giá về văn hoá, lịch sử và tôn giáo của toàn nhân loại. Và một số người viện dẫn Kinh Thánh để nhắc nhau về sự vô thường của các công trình thế gian để hướng về con đường Thập Giá của Ki-tô giáo, nhất là trong Tuần Thánh.
Dù diễn tả bằng nhiều hình thức, nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tôi nghĩ tất cả những ai thành tâm thiện chí đều gặp nhau chung ở điểm này khi chúng ta nhìn về đám cháy: sự đau lòng! Và thiết tưởng, đây cũng là điều chúng phải tôn trọng nơi cõi lòng của mình; đồng thời ta có thể dựa vào đó như một dấu hiệu để suy nghĩ, cầu nguyện và sống Tuần Thánh năm nay.
Niềm đau ở đây không chỉ đơn thuần là cảm xúc thẩm mỹ khi nuối tiếc về một công trình văn hoá và nghệ thuật, mà, như lời Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron nói tại hiện trường và trên Twitter: “Nhà thờ Đức Bà là lịch sử của chúng tôi, là văn hoá của chúng tôi, một phần tâm linh của chúng tôi, là nơi tổ chức các sự kiện lớn của chúng tôi, bệnh dịch, chiến tranh, sự tự do, tâm chấn của cuộc sống chúng tôi […] Như tất cả đồng bào, tôi rất đau buồn khi thấy một phần trong chúng ta bị thiêu rụi.”
Vâng, đám cháy mang lại một nỗi đau đích thật, đặc biệt cho người Pháp, khi người ta cảm nhận được rằng ‘một phần trong chúng ta bị thiêu rụi’! Đó là cơn đau mang tính cội nguồn, cơn đau về căn tính, chứ không chỉ là cơn đau của mất mát lòng tự hào. Đó là nỗi đau lớn lao của những ai ý thức sâu xa về những gì xây đắp nên cuộc đời mình.
Cuộc đời mỗi người đều được xây đắp trên những nền tảng chung mà ta được trao ban như những món quà: văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, các biến cố mang dấu ấn, vv. Căn tính của mỗi người được hình thành từ những nền tảng này. Lịch sử đời người như phép đo lường về nhân tính vốn được phát triển năng động từ tất cả sự phong phú của các nền tảng được trao tặng, các quan hệ, và đời sống hiện thực. Tất cả đều như những viên gạch đóng góp vào cuộc đời ta, và vĩnh viễn trở thành một phần của con người ta. Và cũng chính nhờ những điều đó mà ta thấy mình có nền tảng chung với tha nhân.
Chính vì thế, một nỗi đau từ sự mất mát chung tự nó cũng trở thành điểm kết nối tất cả những ai chung chia một nền tảng. Không phải ngẫu nhiên mà hàng vạn người đã lập tức cùng nhau quỳ gối cầu nguyện, hát thánh ca, hoặc ôm nhau khóc, khi chứng kiến thảm cảnh đám cháy. Tất cả họ đang đều cảm nhận sự đau thương từ nền tảng chung của họ. Nỗi đau trở thành sợi dây nối kết, thành điểm gặp gỡ của họ. Chính trong nỗi đau mà họ tìm thấy nhau và tìm thấy chính mình.
Và cũng vì vậy, chính nỗi đau chung đang mang lại niềm hy vọng cho họ. Nó khiến cho cảm thức về những điều tạo nên căn tính của họ được khơi dậy, được tôn trọng và nuối tiếc; và nhờ đó, họ tâm niệm mình phải tiến bước về phía trước từ nền tảng nào, theo phương hướng nào. Tổng thống Macron đã long trọng tuyên bố rằng Nước Pháp sẽ tái thiết Nhà thờ Đức Bà. Và tôi tin tưởng rằng, họ sẽ không chỉ tái thiết Nhà thờ Đức Bà vật lý, mà ít nhiều cũng sẽ tái thiết những đổ vỡ mang tính nền tảng nơi lối sống, tâm linh mà biến cố này đang nhắc nhở họ. Nói cách khác, nó là nỗi đau mang căn tính phục sinh. Bản chất của nỗi đau đó như được diễn tả một cách đầy sinh động từ chính cây Thập Giá giữa nhà thờ sau vụ cháy. Ngọn lửa đã không thiêu rụi cây Thập Giá, mà ngược lại, đã khiến cây Thập Giá chiếu toả ánh sáng trong cảnh hoang tàn.
Và thật trùng hợp, nỗi đau đó lại đến ngay vào đầu Tuần Thánh. Nó như một cơ hội tuyệt vời cho chúng ta chiêm nghiệm cuộc Khổ Nạn của Đức Ki-tô. Ngài hiểu rằng con người mang nơi mình thân phận chung của sự mỏng dòn và đau thương. Trước thân phận đó, Thiên Chúa không chọn lựa ‘đứng ngoài cuộc’ hay đứng bên lề để quan sát nỗi đau của nhân loại. Ngài chọn cách đi vào, đụng chạm, ôm ấp và đón nhận chính nỗi đau đó. Đó là cách Thiên Chúa nhập cuộc vào thế gian trong thân phận con người; để cho những nỗi đau của thân phận đó đụng chạm mình. Thiên Chúa đã thực sự kết hợp với con người qua sự chung chia và mang vác những nỗi đau đó cách tận cùng trong thân phận mỏng dòn của nhân tính, để cuối cùng đưa thân phận đó vào trong vinh quang của Phục Sinh.
Vì thế, nỗi đau trước biến cố đám cháy Nhà thờ Đức Bà Paris cũng là dấu chỉ mời gọi chúng ta sống tinh thần đó của Đức Giê-su: mở lòng hơn để được chạm thấu bởi những nỗi đau của chính mình và của tha nhân. Chỉ khi sống ơn gọi đó, chúng ta mới có thể hiểu biết và sống sung mãn nhân tính của mình trong gia đình nhân loại, cũng như có sự kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng đã đến để kết hiệp với con người, với đỉnh cao là cuộc Thương Khó của Đức Kitô. Do đó, chúng ta hãy trân trọng và yêu mến những cảm xúc đau lòng đang dâng trào nơi nội tâm của mình, và nhìn nó như tiếng mời gọi hoán cải đích thực từ Thiên Chúa.
Trong tinh thần đó, thiết tưởng trong lúc này, mỗi người chúng ta cần tôn trọng và cùng đau với nỗi đau của nhân loại, và đặc biệt là của người Pháp. Hãy để cho mình được đụng chạm đến nỗi đau đó, thay vì có thể vội nhân danh tinh thần đạo đức để lên án sự thế tục hoá hay những biểu hiện kiêu ngạo nào đó của người Pháp! Tôi tin rằng, sự đụng chạm và chia sẽ nỗi đau đích thực là một trong những chìa khoá mang lại sự tốt lành và xây dựng bình an cho nhân loại, vì đó là việc sống căn tính Lòng Xót Thương của Thiên Chúa.
Khắc Bá, sj.
(dongten.net 16.04.2019)