CHÚA NHẬT LỄ LÁ VÀ KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta cách thức đương đầu với những lúc khó khăn và những cám dỗ ngấm ngầm nhất, bằng cách gìn giữ an bình trong tâm hồn, an bình này không phải là tách biệt, không phải là thái độ vô cảm hay là siêu nhân, nhưng là phó thác cho Chúa Cha và ý muốn cứu độ của Người...

CHÚA NHẬT LỄ LÁ VÀ KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Vào Chúa nhật Lễ Lá, tại Quảng trường Thánh Phêrô theo truyền thống ĐTC Phanxicô làm phép lá, chủ sự đoàn rước và Thánh lễ. Trong bài giảng, ĐTC mời gọi mỗi người noi gương Chúa Giêsu, "thinh lặng,cầu nguyện, hạ mình", để thắng "sự hiếu thắng" của ma quỷ và đạt ơn cứu độ là Nước Thiên Chúa.

Vào lúc 9 giờ rưỡi sáng Chúa nhật hôm 14 tháng 4, dưới bầu trời nắng xuân, và trước sự hiện diện của mấy chục ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu sau đó. Chúa nhật 14 tháng 4 cũng là Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 34 được cử hành ở cấp giáo phận. Vì thế, tham dự cuộc rước lá với Đức Thánh Cha từ giữa Quảng trường Thánh phêrô tiến lên lễ đài trên thềm Đền thờ có hơn 400 bạn trẻ, gồm 50 bạn thuộc Giáo phận Rôma, 250 bạn trẻ từ các nơi khác trên thế giới, 50 bạn trẻ do Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân chọn, và sau cùng là 50 người trẻ thuộc Trung tâm Thánh Lorenzo. 

Các cành là dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước là do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng. Các cành ôliu trang trí bàn thờ và Quảng trường Thánh Phêrô do Hiệp hội Quốc gia Thành ôliu, các trang trại ở Andria trao tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do Giáo phận Ventimiglia thuộc miền Liguria, Italia tặng. Các cành là này được Đức Thánh Cha, các Hồng y, Giám mục, Kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay. 

Đồng tế với Đức Thánh Cha và tham dự cuộc rước lá có 40 Hồng y và 40 Giám mục, 5 linh mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của Giáo phận Rôma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội. 

Lên tới bàn thờ Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ theo nghi thức thông thường, đặc biệt là với bài Thương khó theo Tin Mừng thánh Luca do 3 thầy Phó tế công bố. 

Trong bài giảng tiếp đó, Đức Thánh Cha đặc biệt khai triển đề tài sự hạ mình của Chúa Giêsu con Thiên Chúa và mời gọi các tín hữu cũng hãy noi theo lối sống khiêm hạ của Chúa. Đức Thánh Cha nói: 

Những lời tung hô và sỉ nhục; những tiếng reo hoan hỉ và giận dữ mà dân chúng dành cho Chúa Giêsu khi Ngài tiến vào thành Giêrusalem. Mỗi năm, bước vào Tuần Thánh hai mầu nhiệm cùng đi với nhau, trong hai thời khắc đặc biệt của việc cử hành: Rước lá và bài tường thuật long trọng Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. 

Chúng ta hãy cùng tham dự vào hoạt động sống động này của Chúa Thánh Thần, để đón nhận những ơn mà chúng ta đã cầu xin đó là: trung thành với Đấng Cứu Thế trong hành trình của Ngài, và bài học vĩ đại cuộc khổ nạn của Ngài luôn là mẫu gương và chiến thắng chống tinh thần xấu trong cuộc sống chúng ta. 

Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta cách thức đương đầu với những lúc khó khăn và những cám dỗ ngấm ngầm nhất, bằng cách gìn giữ an bình trong tâm hồn, an bình này không phải là tách biệt, không phải là thái độ vô cảm hay là siêu nhân, nhưng là phó thác cho Chúa Cha và ý muốn cứu độ của Người, ý muốn để cho chúng ta được sống và lòng thương xót; và trong trọn sứ mạng của Chúa Giêsu, Ngài đã vượt qua cám dỗ “làm công việc của mình” bằng cách chọn thể thức và từ bỏ mình nhờ vâng phục Chúa Cha. Ngay từ đầu, trong cuộc chiến đấu 40 ngày nơi hoang địa, và cho đến cùng, trong cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu đã đẩy lui cám dỗ này nhờ tín thác vâng phục Chúa Cha. 

Con đường khiêm hạ của Chúa Giêsu

Ngày hôm nay cũng vậy, khi vào thành Giêrusalem Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường. Bởi vì trong biến cố này kẻ gian ác, Thủ lãnh thế gian này có một lá bài để chơi: lá bài hiếu thắng, và Thiên Chúa đã đáp trả lại bằng sự trung thành với con đường của Ngài, Con đường khiêm hạ. 

Kẻ hiếu thắng cố gắng đạt đến mục đích bằng con đường tắt, thỏa hiệp giả tạo. Đích điểm của nó là bước lên cỗ xe của người chiến thắng. Kẻ hiếu thắng sống bằng cử chỉ và lời nói nhưng không qua việc tôi luyện của thập giá; người hiếu thắng nuôi sống mình bằng việc phán xét tệ hại, thiếu xót người khác…Một hình thức tinh vi của người hiếu thắng là tinh thần thế tục, đó là mối nguy hiểm lớn nhất, cám dỗ nham hiểm đe dọa Giáo Hội (De Lubac). Chúa Giêsu đã tiêu diệt kẻ hiếu thắng bằng cuộc Khổ Nạn của Ngài. 

Chúa thực sự đã chia sẻ niềm vui với dân chúng, với những người trẻ đang kêu to danh Ngài và hoan hô Ngài là Vua, Đấng Mêsia. Tâm hồn Ngài phấn khởi khi thấy lễ hội của người nghèo Israel. Đến nỗi, khi những người Pharisiêu yêu cầu Ngài khiển trách môn đệ vì những lời tung hô gây cớ xúc phạm, Chúa trả lời: “Nếu họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19,40). Khiêm nhường không có nghĩa là chối bỏ thực tại, Chúa Giêsu thực sự là Vua, Đấng Mêsia. 

Nhưng cùng thời điểm đó tâm hồn Chúa Giêsu ở một con đường khác, con đường thánh thiện mà chỉ Ngài và Cha biết đó là: từ “địa vị Thiên Chúa” đến “thân phận tôi tớ”, con đường chịu sỉ nhục trong vâng phục “cho đến chết, và chết trên Thánh Giá” (Pl 2, 6-8). Ngài biết rằng để đạt đến chiến thắng thực sự, phải dành chỗ cho Thiên Chúa, và để có chỗ cho Thiên Chúa chỉ có một cách duy nhất: từ bỏ chính mình, trở nên trống rỗng. Thinh lặng, cầu nguyện, hạ mình. Với thập giá người ta không thể thương lượng, hoặc là đón nhận hoặc từ chối thập giá. Và với việc chịu sỉ nhục, Chúa Giêsu muốn mở cho chúng ta con đường của đức tin và chính Ngài đã đến trước. 

Đức Maria tiếp nối con đường khiêm hạ của Chúa Giêsu

Những người đi theo sau Chúa: trước tiên là Mẹ Ngài, và bà Maria, người nữ môn đệ đầu tiên. Đức Trinh Nữ và các thánh đã phải chịu đau khổ để bước đi trong đức tin và ý muốn Thiên Chúa. Trước những đau khổ và khó khăn trong cuộc sống các Ngài đáp trả bằng giá của đức tin “Một khó khăn đặc biệt của con tim” (cfr S. GIOVANNI PAOLO II, Enc. Redemptoris Mater, 17). Đó là đêm tối của đức tin. Nhưng chỉ từ đêm nay bình minh phục sinh mới ló rạng. Dưới chân Thánh giá, Đức Maria suy nghĩ lại những lời Thiên thần đã loan báo về Con của Mẹ: “Người sẽ nên cao cả… Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đên muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. (Lc 1, 32). Trên đồi Golgotha Mẹ đối diện với sự từ chối hoàn toàn lời hứa đó: con của Mẹ đang hâp hối trên Thánh giá như một kẻ gian ác. Thế là sự hiếu thắng bị sự chịu sỉ nhục của Chúa Giê-su phá hủy, và nó cũng bị tiêu diệt trong tâm hồn của Mẹ Maria. Cả hai đã biết im lặng. 

Không xấu hổ khi tuyên xưng Chúa Kitô đang sống

ĐTC mời gọi các bạn trẻ: Tiếp theo Đức Maria, vô số các thánh nam nữ đã bước theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và vâng phục. Hôm nay, Ngày Quốc tế Giới trẻ, cha nhớ đến rất nhiều vị thánh trẻ, đặc biệt “những vị ở kề bên”, mà chỉ Chúa mới biết, và đôi khi Ngài thích tỏ lộ cho chúng ta bất ngờ. Các bạn trẻ thân mến, đừng xấu hổ thể hiện lòng nhiệt thành của các bạn đối với Chúa Giêsu, không mắc cỡ khi kêu lên Ngài đang sống, đó là cuộc sống của các bạn. Nhưng đồng thời đừng sợ theo Ngài trên con đường thập giá. Và khi các bạn nghe Ngài yêu cầu các bạn từ bỏ chính mình, bỏ những an toàn của các bạn, hãy phó thác hoàn toàn cho Cha trên trời, hãy hân hoan và vui mừng! Các bạn đang ở trên con đường của Vương quốc Thiên Chúa. 

Những lời tung hô vạn tuế tưng bừng và sự giận dữ khốc liệt; sự im lặng của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Ngài gây ấn tượng thật mạnh, Ngài chiến thắng cả cám dỗ muốn đáp trả, cám dỗ “muốn được người ta nói đến”. Trong những lúc tối tăm và sầu muộn sâu đậm, cần im lặng, cần có can đảm im lặng, với điều kiện đó là một sự im lặng dịu dàng và không oán hận. Sự im lặng dịu dàng càng làm cho chúng ta có vẻ yếu đuối, bị sỉ nhục hơn, và lúc ấy ma quỉ thừa thắng xuất đầu lộ diện. Cần chống lại hắn trong thinh lặng, giữ vững lập trường”, nhưng với cùng một thái độ của Chúa Giêsu.

Chúa biết rằng cuộc chiến giữa Thiên Chúa và Thủ Lãnh thế gian này, và vấn đề ở đây không phải là tra tay vào gươm giáo, nhưng là giữ bình tĩnh, kiên vững trong đức tin. Đó là giờ của Thiên Chúa. Và trong giờ đó Thiên Chúa chiến đấu, cần phải để Ngài hành động. Mẹ Thiên Chúa là nơi trú ẩn chắc chắn cho chúng ta. Và trong lúc chúng ta đợi Chúa đến và làm cho giông bão yên lặng (Mc 4,37-41), việc làm chứng trong thinh lặng cầu nguyện của chúng ta, nói cho chúng ta và cho những người khác “về niềm hy vọng của chúng ta” (Pr 3, 15). Điều này sẽ giúp chúng ta sống sự căng thẳng thánh giữa ký ức và lời hứa, thực tại kiên trì hiện diện trong thập giá và niềm hy vọng Phục sinh. 

Trong phần lời nguyện tín hữu, bằng 5 thứ tiếng: Rumani, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, cộng đoàn lần lượt cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và các Giám mục, nhờ ơn Thánh Thần tuôn trào từ Thánh giá ban cho các Ngài không sợ hãi loan Tin Mừng cho mọi dân nước Chúa Giêsu, Chúa duy nhất và Đấng Cứu Thế; cầu cho các vị lãnh đạo và mọi dân nước, nhờ sự khôn ngoan điền rồ của Thánh giá dạy họ phục vụ và lãnh đạo, biết từ chối bạo lực; cầu cho các Kitô hữu bị bách hại, Con Chiên hiến tế trên bàn thờ Thánh giá, kết hợp họ với cuộc Khổ nạn của Người và dẫn đưa họ tới chiến thắng; cầu cho  người tội lỗi và những người không tin được, Máu Chúa Giêsu đổ trên Thánh giá, thanh tẩy họ mọi sự xấu xa và dẫn đưa họ hiệp thông viên mãn với Ba Ngôi; sau cùng cầu cho người trẻ, để Ngôi Lời Thiên Chúa im lặng trên Thánh giá uốn nắn con trim và lấp đầy đôi môi họ lời ca tụng Chúa. 

PopeFrancis_14Apr2019_14.JPG

PopeFrancis_14Apr2019_15.jpg

 

PopeFrancis_14Apr2019_16.jpg

PopeFrancis_14Apr2019_12.jpg

PopeFrancis_14Apr2019_17.jpg

PopeFrancis_14Apr2019_05.jpg

PopeFrancis_14Apr2019_06.jpg

PopeFrancis_14Apr2019_08.jpg

PopeFrancis_14Apr2019_07.jpg

PopeFrancis_14Apr2019_13.jpeg

PopeFrancis_14Apr2019_10.jpg

PopeFrancis_14Apr2019_11.jpg

PopeFrancis_14Apr2019_12.jpeg

Ngọc Yến

(vaticannews 14.04.2019)