KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Vào 12 giờ trưa 7/4, Chủ nhật V Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, như thường lệ, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ dành cho các tín hữu.
Sau đây chúng tôi xin gởi đến quý vị bài huấn dụ của ĐTC:
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Trong Chúa nhật thứ Năm Mùa Chay này, phụng vụ giới thiệu trình thuật người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8,1-11). Trình thuật này có sự tương phản giữa hai thái độ: trước hết là thái độ của các kinh sư và người Pharisêu, và thái độ thứ hai của Chúa Giêsu. Những người kinh sư và Pharisêu muốn kết án người phụ nữ, bởi vì họ cảm thấy đòi buộc của người bảo vệ Luật pháp và áp dụng nó cách trung thành. Ngược lại, Chúa Giêsu muốn cứu chị, bởi vì Ngài, là lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng tha thứ để cứu chuộc và hòa giải để canh tân.
Chúng ta hãy nhìn xem sự kiện này. Khi Đức Giêsu đang giảng dạy ở đền thờ, các kinh sư và người Pharisêu mang đến cho Ngài một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình; họ đặt chị phụ nữ ở giữa và hỏi Đức Giêsu xem Ngài có ném đá chị đến chết, như Luật Mô-sê quy định hay không. Tác giả Tin Mừng cho thấy rằng họ đặt câu hỏi “nhằm thử Người để có bằng cớ tố cáo Người” (câu 6). Có thể thấy rằng mục đích của họ là thế này – hãy xem sự hiểm ác của họ: nếu “không” ném đá sẽ là một lý do để buộc tội Đức Giêsu không giữ Luật; ngược lại, nếu “có” thì điều này để tố cáo Ngài với chính quyền La Mã, vì đã quy định dành riêng cho chính quyền việc kết án và không ai khác có quyền làm như thế. Và Đức Giêsu phải trả lời.
Những người đối chất với Chúa Giêsu bị đóng khung trong các nút thắt của chủ nghĩa pháp lý và muốn vây Con Thiên Chúa trong quan điểm phán xét và kết án của họ. Nhưng Ngài không đến thế gian để phán xét và kết án, mà là để cứu và ban cho mọi người một cuộc sống mới. Và Chúa Giêsu phản ứng thế nào trước sự thách thức này? Trước hết Ngài im lặng một lúc, và Ngài cúi xuống viết ngón tay trên mặt đất, như để nhắc nhớ rằng Nhà lập pháp và Thẩm phán duy nhất là Thiên Chúa, Đấng đã viết Luật trên đá. Rồi sau đó, Ngài nói: “Ai không có tội, thì hãy lấy đá mà ném trước đi” (câu 7).
Bằng cách này, Chúa Giêsu đụng chạm đến lương tâm của những người đó: họ thấy mình là “người bên vực công lý”, nhưng Chúa Giêsu mời gọi họ nhận thức về tình trạng của họ là những người tội lỗi, và họ không thể tự cho mình quyền trên sự sống hay cái chết đối với người đồng loại đang cùng cảnh như họ. Chính lúc đó, lần lượt từng người một, bắt đầu từ người già nhất - nghĩa là người có kinh nghiệm nhất trong những nỗi khốn khổ của chính họ - tất cả đều bỏ đi, bỏ luôn việc ném đá người phụ nữ. Cảnh này cũng mời gọi mỗi chúng ta ý thức rằng chúng ta là tội nhân, và để bỏ đi khỏi tay chúng ta những viên đá chê bai, lên án và nói hành nói xấu mà đôi khi chúng ta muốn ném lên người khác. Khi chúng ta nói sau lưng một ai đó, thì chúng ta ném đá họ, chúng ta cũng giống những người muốn ném đá ngày xưa.
Cuối cùng chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ thì đứng ở giữa: “người khốn khổ và lòng thương xót”, nói như thánh Augustinô (trong Joh 33,5). Chúa Giêsu là người duy nhất không có tội, là người duy nhất có thể ném đá người phụ nữ, nhưng Ngài không làm thế, vì Thiên Chúa “không muốn cái chết của tội nhân, nhưng muốn họ thay đổi và sống” (x. Ed 33,11). Chúa Giêsu cho người phụ nữ đi bằng những lời quá đẹp: “Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (c. 11). Chúa Giêsu mở ra trước mặt chị một con đường mới được làm nên bởi lòng thương xót, một con đường đòi hỏi chị không phạm tội nữa. Đây là một lời mời áp dụng cho mỗi chúng ta: Chúa Giêsu khi tha thứ cho chúng ta, Ngài luôn mở cho chúng ta một con đường mới để tiến về phía trước.
Trong thời gian Mùa Chay thánh này, chúng ta được mời gọi nhận mình là tội nhân và xin sự tha thứ từ Thiên Chúa. Và sự tha thứ, đến lượt nó, khi hoà giải chúng ta và mang lại cho chúng ta bình an, cũng sẽ làm cho chúng ta bắt đầu lại một lịch sử được đổi mới. Mọi cuộc hoán cải thực sự đều hướng đến một tương lai mới, một cuộc sống mới, một cuộc sống đẹp, tự do khỏi tội lỗi và một cuộc sống quảng đại. Chúng ta đừng sợ xin sự tha thứ của Chúa Giêsu, vì Ngài mở cánh cửa cho chúng ta vào cuộc sống mới này. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta làm chứng cho mọi người về tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Qua Chúa Giêsu, Ngài tha thứ cho chúng ta và làm cho sự hiện hữu của chúng ta trở nên mới mẻ, luôn mang đến cho chúng ta những cơ hội mới.
Văn Yên, SJ
(VaticanNews 07.04.2019)